Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

"Trí thức" dưới góc nhìn của Friedrich Hayek và "Chí sĩ" dưới góc nhìn của Fukuzawa Yukichi


1.        Theo quan điểm của Friedrich Hayek
"...Thuật ngữ “trí thức” không truyền đạt ngay tức thì bức tranh trung thực về cái tầng lớp rộng lớn mà chúng ta thường nhắc đến; và việc chúng ta không có được một thuật ngữ tốt hơn để mô tả cái mà chúng ta gọi là nhóm những người môi giới trung gian về tư tưởng là lý do không hề tầm thường khiến cho người ta khiểu không đúng về quyền lực của họ. Ngay cả các cá nhân dùng từ “trí thức” theo nghĩa miệt thị vẫn có thiên hướng loại bỏ nhiều người rõ ràng thực hiện chức năng đặc trưng đó. Chức năng này chẳng phải là chức năng của nhà tư tưởng khai nguồn (original thinkers), cũng không phải của học giả hay chuyên gia về một lĩnh vực tư duy cụ thể nào. Người trí thức điển hình không phải là một trong hai loại đó: anh ta không cần có tri thức đặc biệt về bất cứ cái gì cụ thể, thậm chí chẳng cần quá thông minh, để thực hiện vai trò của mình với tư cách người một giới trong việc truyền bá tư tưởng. Cái làm cho anh đủ tư cách thực hiện chức năng của mình là anh ta có thể dễ dàng nói và viết trên một dải rộng các chủ đề, và có một vị trí hay các thói quen mà qua đó anh ta đón nhận các tư tưởng mới sớm hơn những người anh ta truyền đạt cho.
Tầng lớp này không chỉ bao gồm các nhà báo, nhà giáo, mục sư, giảng viên, những chuyên gia thời sự, nhà bình luận radio, nhà viết tiểu thuyết, người vẽ tranh biếm hoạ, và các nghệ sĩ – tất cả họ có thể là những bậc thầy về kỹ thuật truyền đạt các tư tưởng thường là những người nghiệp dư xét ở mức độ liên quan đến thực chất vấn đề mà họ truyền đạt. Tầng lớp này cũng gồm nhiều nhà chuyên môn và người làm kỹ thuật, chẳng hạn các nhà khoa học và bác sĩ, những người mà thông qua sự tiếp xúc thường xuyên với sách vở trở thành những người truyền tải các tư tưởng mới không thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ và những người mà vì tri thức uyên thâm của họ về các chủ đề riêng của họ, được mọi người lắng nghe với sự kính trọng khi họ bàn về hầu như mọi thứ khác..."
2.        Còn đây là quan điểm của Fukuzawa Yukichi về giới “chí sĩ”
“Trào lưu quyền lợi phụ thuộc vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay. Tôi gọi những kẻ hùa theo trào lưu này là “chí sĩ rởm”.
Ví dụ, các thuộc hạ các thuộc hạ của các lãnh chúa dười thời phong kiến là một minh chứng tốt.
Bọn này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ chạp, lễ tết, thanh minh… không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có cùng giọng điệu “trung quân báo quốc”, hoặc là “thân này sẵn sàng chết vì chủ”. Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ thực, bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả.
Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hoá ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch. Tất cả cái lũ này phải được gọi là “chí sĩ rởm chính hiệu” mới phải.
Hoạ hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao. Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.
Vì sao lũ chí sĩ rởm lại nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn thì đó là kết quả của ảo tưởng mù quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.
Kết cục là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử dựa vào đẳng cấp, địa vị, tự cho mình là cha mẹ của dân..."


=> Vậy chúng ta có suy nghĩ gì, đánh giá thế nào về hiện trạng hiện nay của Việt Nam, nhóm nào nhiều hơn, trí thức đóng góp được những gì, chí sĩ rởm hoành hành ra sao?

Ba phương pháp tiếp cận công lý

Phải/trái, đúng/sai không phải lúc nào cũng có thể phán xét một cách rõ ràng, phân minh, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, quan điểm, cách nhìn nhận sự việc của mỗi người, cái được hình thành từ quá trình trưởng thành của người đó, thậm chí chính người đó thì lúc này là đúng mà khi nhận thức của anh ta thay đổi thì lại là sai… Bất đồng quan điểm là tất yếu của mọi xã hội, điều quan trọng là các vấn đề xã hội cần phải được nhìn nhận dưới con mắt phản biện, tranh luận dựa trên căn cứ khoa học.

Vậy chúng ta dựa vào đâu để đánh giá một vấn đề?


Chúng ta có thể tham khảo quan điểm của GS ĐH Harvard - Michael J. Sandel đã đề cập trong tác phẩm "Phải Trái Đúng Sai" của mình để đánh giá một vấn đề nào đó. Có ba cơ sở hay phương pháp tiếp cận công lý là: i) Tôn trọng quyền tự do cá nhân (Con người được quyền tự do làm điều mình thích nhưng không được phạm vào tự do của người khác, đồng thời cũng không phải làm điều mình không thích); ii) Tối đa phúc lợi (mang lại lợi ích cho nhiều người nhất hay tổng lợi ích xã hội là dương); và iii) Đạo đức và lối sống tốt đẹp (không được phạm vào nguyên tắc đạo đức của xã hội, đồng thời khuyến khích những hành động cao cả). Hành động nào không đáp ứng được cả ba tiêu chí này thì đều cần phải xem xét kỹ càng, còn nếu nó đáp ứng được cả ba thì nó là đúng đắn, và mọi người hay xã hội cần cổ vũ, khuyến khích, hỗ trợ hay hợp tác để cho hành động đó được thực thi.


Cứ đưa mọi vấn đề ra ánh sáng, để chiếu rọi mọi góc tối của vấn đề, có như vậy mới nâng cao tri thức và đạo đức con người, khi đó công lý mới được thực thi và đó cũng chính là đặc trưng của một xã hội văn minh.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

"Vì sao người Việt mãi nghèo?" - PTGĐ FPT - Đỗ Cao Bảo


Mới đây, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT - Đỗ Cao Bảo đã chỉ ra bốn nguyên nhân làm cho người Việt mãi nghèo. Bốn nguyên nhân ông đưa ra là: "lười biếng - dễ hài lòng; Tư duy nhỏ - quanh quẩn xó nhà; Áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác; Nền tảng triết học không chuẩn".
(chi tiết tại đây: http://cafef.vn/sau-bai-viet-vi-sao-nguoi-viet-mai-ngheo-pho-tong-giam-doc-fpt-lai-phan-tich-nhat-dinh-dat-nuoc-ta-se-giau-20160822145039894.chn)
Không phủ định quan điểm của ông Đỗ Cao Bảo là không đúng. Nhìn vào bề nổi thì đúng là ông Bảo nói rất chính xác. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi biểu hiện bên ngoài của phẩm chất người Việt mà ông đã đề cập. Chẳng phải rất nhiều người vẫn tự hào về phẩm chất người Việt: thông minh, chăm chỉ, thân thiện... đó sao? Như vậy, không lẽ ông Bảo đã nhận xét sai về phẩm chất người Việt?
Không. Ông Bảo đã nhận xét đúng theo dựa trên quan sát của ông, và thực tế có rất nhiều người Việt như ông nói. Nhưng quan điểm đối nghịch với ông cũng đúng. Điều này, có lẽ là do mỗi người đã nhìn vào nhóm người mà họ quan sát được và kết luận cho tất cả người Việt. Trong tổng số gần 100 triệu người Việt, với rất nhiều hiện trạng cuộc sống dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau, thì rất nhiều phẩm chất khác nhau đều được thể hiện.
Vậy nguyên nhân thực sự làm cho người Việt mãi nghèo là gì, điều gì làm cho người Việt thể hiện ra bên ngoài những phẩm chất mà ông Bảo đã nhận định? Rộng hơn, liệu những phẩm chất này có phải là đặc trưng của hầu hết các quốc gia chưa phát triển hay "không chịu phát triển" như thuật ngữ của chuyên gia Phạm Chi Lan đã đưa ra?
Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần tham khảo cách giải thích của GS Kinh tế Trường đại học MIT - Daron Acemoglu - người đã được nhận giải thưởng John Bates Clark cao quý dành cho các nhà kinh tế học dưới 40 tuổi (xem thêm thông tin về ông tại đây http://economics.mit.edu/faculty/acemoglu). Theo cách giải thích của ông và các cộng sự tại tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” (Why nations fail), điều làm cho các quốc gia trở nên giàu có hơn so với các quốc gia khác là do quốc gia đó có nền thể chế tốt hơn.
Có quan điểm cho rằng, sự giàu có là do yếu tố văn hóa, con người của mỗi quốc gia (như quan điểm của ông Bảo - FPT đề cập), nhưng thử nhìn lại bán đảo Triều Tiên, hai miền Nam – Bắc trước khi bị chia cắt thì yếu tố con người, văn hóa, trình độ... thực ra là một nên có thể nói là không có sự khác biệt. Nhưng từ khi đất nước bị chia cắt sau Chiến tranh thế giới thứ 2, mỗi miền đi theo con đường riêng của mình, và có đặc trưng thể chế chính trị rất khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Đến nay, sau 7 thập kỷ thì mức độ giàu có của hai quốc gia là không thể so sánh, Nam Triều Tiên (tức Hàn Quốc) trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, trong khi đó Bắc Triều Tiên lại thuộc những nước nghèo nhất thế giới. Về con người thì Hàn Quốc thể hiện mình là trong nhóm những người văn minh nhất thế giới, còn Bắc Triều Tiên có lẽ cũng bao hàm đầy đủ những phẩm chất mà ông Bảo đã nêu ra đối với con người Việt Nam. Và còn rất nhiều bằng chứng khác cũng cho thấy yếu tố văn hóa, con người không phải là yếu tố quyết định sự giàu có của các quốc gia.
Nhóm tác giả cũng chứng minh rằng sự giàu có của mỗi quốc gia không phụ thuộc vào vị trí địa lý (Đông - Tây, Nam - Bắc, xứ nóng - xứ lạnh); cũng không phải do tài nguyên giàu có, thậm chí các quốc gia giàu tài nguyên hơn lại thường nghèo hơn khi phạm vào nguyên lý "Lời nguyền tài nguyên" được đề cập trong kinh tế học; cũng không phải do yếu tố văn minh sẵn có, điển hình như những nền văn minh cổ đại như Hy Lạp, Ai Cập, Trung Hoa... hiện nay lại không phải là những quốc gia giàu có. Còn nhiều cách giải thích khác về sự giàu có của các quốc gia đều được Daron Acemoglu và cộng sự phản biện rất đầy đủ, rõ ràng trong tác phẩm của mình.
Nhóm tác giả khẳng định rằng, nguyên nhân cốt lõi quyết định sự giàu có của mỗi quốc gia là do thể chế của quốc gia đó.
Thể chế được hiểu gồm thể chế chính thức là hệ thống các quy định của pháp luật có tính chất bắt buộc mọi người phải tuân thủ và thể chế phi chính thức là các quan niệm về văn hóa, lối sống... được hình thành qua thời gian và ngầm ràng buộc người dân ở đó phải thực hiện theo.
Quốc gia muốn phát triển thì cần phải có thể chế tốt, ở đó quyền sở hữu của người dân được bảo đảm trước mọi nguy cơ bị "cướp bóc" của mọi thế lực (cướp bóc bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này). Khi đó, người dân luôn yên tâm lao động và sáng tạo để làm giàu cho mỗi cá nhân cũng như cả quốc gia mình.
Thế chế chính trị quyết định thể chế kinh tế, thể chế kinh tế thúc đẩy phát triển thể chế chính trị.
Thể chế chính thức qua thời gian sẽ hình thành, phát triển thể chế phi chính thức và thể chế phi chính thức cũng hỗ trợ, hoàn thiện thể chế chính thức.
Các loại thể chế sẽ hòa quyện vào nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, và tất nhiên khi thể chế này phát triển chậm hơn thể chế kia, nó sẽ kìm hãm sự phát triển của các thể chế còn lại, đồng thời cản trở sự phát triển về kinh tế của quốc gia đó.
Tác phẩm của Daron Acemoglu và cộng sự của ông chưa nêu rõ cách xây dựng và cấu trúc nhà nước như thế nào để có một nền thể chế tốt, đặc biệt là thể chế chính trị, nó nằm ngoài phạm vi cuốn sách của ông. Để tìm hiểu lý thuyết về vấn đề này chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng các công trình của các triết gia lỗi lạc như Platon, Aristoteles; đến thời kỳ khai sáng có John Lock (1632-1704), C.L. Montesquieu (1689-1775), J.J. Rousseau (1712-1778) và John Stuart Mill (1806-1873)…
Ngày nay, mỗi quốc gia có một nền thể chế khác nhau do quá trình hình thành và lịch sử phát triển khác nhau. Nhưng các quốc gia phát triển thì đều xây dựng được cho mình một nền thể chế tốt và đất nước trở nên giàu có. Trong khi đó, các quốc gia kém phát triển thì liên tục thay đổi nhằm xây dựng được một nền thể chế tốt, tuy nhiên rất nhiều quốc gia có lẽ đã lựa chọn cho mình một con đường không chính xác về cấu trúc nhà nước và nền tảng thể chế chính trị. Trong thống kê học người ta gọi đó là sai lầm loại hai, nghĩa là đã lựa chọn giả thuyết sai nhưng ta lại chứng minh và kết luận nó là đúng – “doing things right”. Lúc này mọi nỗ lực của con người chỉ là quản lý nhằm đạt được cái mục tiêu (mà ta đã lựa chọn không đúng). Trong khi nhẽ ra việc cần làm là lựa chọn mục tiêu đúng và thực hiện để đạt mục tiêu đó – “doing the right things”. Kết quả của việc lựa chọn đúng là đất nước trở nên giàu có, văn minh, người dân ở đó hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt, trong khi các quốc gia kém phát triển thì ngược lại.
Đến đây, có thể thấy rằng quan điểm của ông Bảo – FPT chỉ là những quan sát bề nổi về phẩm chất của con người Việt Nam, và nếu Việt Nam phát triển giàu có thì những phẩm chất trên sẽ đi theo hướng ngược lại lời nhận xét của ông. Tất nhiên, để Việt Nam phát triển giàu có thì những phẩm chất tốt ở mỗi con người Việt Nam rất cần được phát huy và cùng góp chung xây dựng cho đất nước một nền thể chế tốt, từ đó các phẩm chất tốt của con người Việt Nam qua thời gian sẽ dần hình thành, xã hội Việt Nam sẽ là xã hội của những con người văn minh.

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Quản trị công ty và quản trị nhà nước


Mặc dù tiêu đề của đoạn ghi chú là “Quản trị công ty và quản trị nhà nước”, tuy nhiên nội dung đoạn ghi chú này có lẽ không liên quan nhiều đến vấn đề quản trị công ty bởi phạm vi ở đây không đủ để đi sâu hơn và xin hẹn ở một thời điểm khác.
Những suy nghĩ về chủ đề này cũng xuất hiện từ lâu, nhưng vẫn không có nhiều động lực để ghi lại một cách cụ thể. Nhân những sự việc xảy ra với những người xung quanh mình thời gian gần đây, vì vậy mà có thêm động lực để nói ra đôi lời suy nghĩ của cá nhân dựa trên một số thông tin lượm lặt được về chủ đề này. Từ câu chuyện đi tiễn biệt 2 người bạn đồng môn lên đường thực hiện “Giấc mơ Mỹ” của mình để tiếp tục bước lên những nấc thang tri thức mới; đến chuyện một người thầy luôn tâm huyết với sự phát triển của đất nước đã phải thốt lên từ “quá chán nản” và không có cơ may nào cho Việt Nam trong ít nhất 5-10 năm tới, rồi chuyện anh bạn đồng nghiệp cũ đặt câu hỏi rằng “Người làm ra luật (hay quy định, quy tắc) có bắt buộc phải tuân theo luật (quy định, quy tắc) đó không?”, và chuyện lâu lâu lại có những đề nghị góp ý xây dựng, sửa đổi luật này, luật nọ từ các cơ quan thuộc khối hành pháp, vân vân và vân vân…
Thời còn đi học, khi được nghe PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa so sánh giữa quản trị nhà nước (state governance) và quản trị công ty (corporate governance) (chú thích thêm governance ở đây được hiểu theo nghĩa là kiểm soát và quản trị), theo đó để quản trị một nhà nước tốt, đưa đất nước phát triển thịnh vượng thì phải coi quản trị nhà nước tương tự như quản trị một công ty, bởi ở đó cũng tồn tại vấn đề uỷ quyền – thừa hành, cụ thể là giữa chủ sở hữu (toàn thể công dân) và người quản lý, điều hành (bộ máy quản lý nhà nước). Có lẽ vì quản trị công ty là một khái niệm gần gũi, dễ hiểu hơn đối với các học viên nói riêng và phần lớn mọi người nói chung. Nói như vậy để mọi người dễ hình dung hơn về vấn đề kiểm soát và quản trị một quốc gia. Sau khi dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này thì thấy rằng, khái niệm quản trị công ty chỉ xuất hiện gần đây (từ thập niên 70-80 của thế kỷ 20), trong khi khái niệm về quản trị nhà nước đã xuất hiện trong thế giới loài người từ trước Công nguyên, và có thể nói những triết gia Hy Lạp lỗi lạc như Plato, Aristoteles đã đặt nền móng cơ sở cho tư tưởng về quản trị nhà nước. Đến thời kỳ khai sáng, các nhà tư tưởng về lý luận chính trị như John Lock (1632-1704), C.L. Montesquieu (1689-1775), J.J. Rousseau (1712-1778) và Alexis de Tocqueville (1805-1859)... đã phát triển và hoàn thiện khái niệm này một cách toàn diện. Đến nay, lý thuyết này vẫn còn được áp dụng ở hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Như vậy, có thể nói ngược lại là: phải coi quản trị một công ty, một tổ chức bất kỳ như quản trị một quốc gia.
Nội dung cốt lõi của lý thuyết kiểm soát và quản trị là phải kiểm soát quyền lực. Điều này, xuất phát từ bản chất tự nhiên của quyền lực, vì quyền lực luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình, ở đâu có quyền lực là có khả năng xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai, chủ thể nào, hay nhóm người nào. Hay như nhà sử học, chính trị học Lord Acton từng nói: "Quyền lực làm con người ta tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối". Vì vậy, để ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực, thì phải cấu trúc hệ thống nhằm giới hạn quyền lực, đảm bảo mang lại lợi ích chung cho toàn bộ các chủ thể trong hệ thống, tổ chức hay một quốc gia. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý, và vì vậy không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia quyền lực. Muốn hạn chế quyền lực thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chia chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật.
Quyền lực được phân chia thành các nhánh khác nhau, do các cơ quan khác nhau nắm giữ, để không một cá nhân nào, nhóm người nào hay tổ chức nào nắm được trọn vẹn quyền lực. Hoạt động của các cơ quan quyền lực cần có sự chuyên môn hóa, mỗi cơ quan chỉ hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác.
Quyền lực giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), để không có một cơ quan nào có khả năng lạm quyền. Với cấu trúc quyền lực này, sẽ đảm bảo tính trách nhiệm của các cơ quan quyền lực, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Cấu trúc này sẽ tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa từ trong hệ thống. Còn cơ chế kiểm tra, giám sát được tiến hành từ bên ngoài thường chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra.
Nhiều quan điểm cho rằng, để một tổ chức hay rộng hơn là một quốc gia phát triển thì cần có một “minh quân” dẫn dắt. Tuy nhiên, với lý thuyết về kiểm soát quyền lực này sẽ giúp phản biện lại quan điểm trên. Bởi dù cho đất nước có được một “minh quân” dẫn dắt mà trong cấu trúc của hệ thống không có sự giới hạn quyền lực, cũng như cân bằng đối trọng giữa các cơ quan nắm quyền lực thì cũng rất dễ dẫn tới tình trạng “minh quân” sẽ lạm quyền, nhằm mang lại lợi ích cho nhóm người nào đó mà không nhằm mục tiêu đưa hệ thống tiến về phía trước.
Theo học thuyết phân quyền thì về cơ bản quyền lực tối cao nhà nước được phân thành ba quyền là: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau và kiềm chế lẫn nhau.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp”.
Một số quốc gia thì quyền lực nhà nước có khi được chia thành 4, 5 hoặc 6… bộ phận tuỳ hoàn cảnh ra đời của bản hiến pháp của mỗi quốc gia.
Nhưng dù phân chia thế nào thì ở các quốc gia phát triển luôn đảm bảo quyền lực giới hạn của mỗi cơ quan, độc lập, kiểm tra, giám sát, đối trọng giữa các cơ quan (nguyên lý Checks and Balances).
Qua thời gian, dù cho vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau giữa các nhà tư tưởng lỗi lạc về chủ đề này, hay những biến thể khi đi vào áp dụng thực tế ở các quốc gia hiện nay, nhưng về cơ bản đều hướng đến xây dựng một nền thể chế đảm bảo quyền tự do của các công dân, chống lại chế độ chuyên chế, độc đoán, độc tài, hay quyền lực luôn được kiểm soát.
Về khoa học quản trị thì giữa quản trị nhà nước và quản trị một công ty có rất nhiều điểm tương đồng. Từ "hiến pháp" so với "điều lệ công ty", từ "công dân/đại diện của công dân là các đại biểu quốc hội" so với "cổ đông", từ "bộ máy hành pháp" so với "bộ máy quản trị điều hành là hội đồng quản trị và ban giám đốc", từ "ban kiểm soát và/hoặc các tiểu ban do các thành viên hội đồng quản trị độc lập phụ trách và/hoặc bộ phận kiểm soát nội bộ" so với "bộ máy tư pháp"... Tất nhiên, quy mô quốc gia và công ty là khác nhau nên việc thiết kế chi tiết sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với hiện trạng. Nhưng có một nguyên lý tối thượng mà cả hai đều phải tuân thủ hay thậm chí mọi tổ chức khác của con người đều phải đạt được đó là nguyên lý kiểm soát được quyền lực.

Chủ đề này rất rộng và rất phức tạp nhưng lại rất quan trọng, hy vọng người đọc tìm thêm các tài liệu khác để tự bổ sung cho mình và góp phần vào việc xây dựng mỗi tổ chức mà chúng ta đang tham gia.

 (còn tiếp)