Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Giáo dục tốt nhất_Best Education


Vai trò của tri thức đối với con người

Đầu tiên, để có được nền giáo dục tốt nhất, nền giáo dục đích thực thì cần khẳng định vai trò quan trọng của tri thức, của hiểu biết đối với cuộc đời một con người.

Suốt lịch sử nhân loại, các Ông tổ tôn giáo, các vị Cha đẻ của các trường phái triết học, các vĩ nhân xưa… như Đức Phật, Sokrates, Plato, Đức Chúa… thậm chí còn trước đó nhiều hơn nữa, tất cả đều khẳng định rằng mục đích cuối cùng của con người là tự do (lưu ý cần theo đúng nghĩa của từ tự do), là hạnh phúc. Trong đó, tri thức, hiểu biết đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tự do, niềm hạnh phúc của cuộc đời con người. Như Triết gia vĩ đại Plato đã chứng minh tại tác phẩm kinh điển “Cộng hòa” của mình thì chỉ có con người đam mê hiểu biết là có cơ hội được hưởng niềm hạnh phúc viên mãn nhất. Bởi hiểu biết sẽ giúp con người được hưởng niềm hạnh phúc xuất phát từ trong sâu thẳm tâm hồn. Nó giúp cho con người được hưởng niềm hạnh phúc một cách nhẹ nhàng, êm ái, thư thái nhưng sâu lắng, ngây ngất và rất lâu bền. Cách đó cũng giúp con người luôn được cân bằng, nên cách tận hưởng hạnh phúc này rất khác và ở đẳng cấp cao hơn rất nhiều với những người đam mê tiền bạc, danh vọng, quyền lực... họ thường tận hưởng hạnh phúc bằng cách thỏa mãn các giác quan vật lý (vị giác, thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác), bằng những thú vui xác thịt, những chất kích thích, nhằm đạt được sự thỏa mãn tột cùng nhưng không sâu lắng và không lâu bền, tâm trí nhanh chóng trở lại vòng xoáy chạy theo các nhu cầu, dục vọng mà chính trí tưởng tượng của họ tạo ra. Và hơn thế nữa, khi có tri thức, hiểu biết, người đó cũng được trải nghiệm cảm giác hạnh phúc đến từ danh vọng, quyền lực và thậm chí cả tiền bạc. Khi có nhiều hiểu biết chắc chắn người đó cũng có những danh vọng và nó đến một cách tự nhiên, tiền bạc cũng sẽ đến với họ một cách tự nhiên; đồng thời, họ cũng có quyền lực đối với người khác, đó là thứ “quyền lực mềm” khiến cho người khác tự nguyện làm theo chứ không bị cảm giác ép buộc nào. Vì vậy người có nhiều hiểu biết sẽ có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc trải nghiệm các cảm giác hạnh phúc mang lại từ đủ các nguồn khác nhau trong cuộc sống.

Trong giáo lý Phật giáo của Đức Phật, thì Người cũng khẳng định rằng bản chất “đời là bể khổ”, và nguồn gốc của khổ đau chính là sự “vô minh” (hay sự không hiểu biết), muốn thoát khổ thì con người phải đi tìm hiểu biết nhằm xóa tan sự vô minh trong tâm hồn của mình. Và tri thức, hiểu biết như là biểu hiện của tâm hồn con người; tri thức, hiểu biết sẽ được truyền lại hết đời này qua đời khác, vì vậy nó là bất tử. Điều này nghĩa là, thể xác con người thì có thể chết đi, không ai có thể thoát khỏi vòng luân hồi, sinh lão bệnh tử, nhưng chúng ta có thể nói rằng tâm hồn con người (đại diện là tri thức, hiểu biết của người đó) sẽ trở thành bất tử.

Sau khi đã hiểu về sự quan trọng của tri thức, hiểu biết chúng ta cần làm rõ triết lý của giáo dục.

Triết lý giáo dục

Như triết gia vĩ đại Plato đã nói: “Giáo dục không phải chỉ nhồi nhét hiểu biết vào đầu óc, mà là dẫn dắt con mắt của tâm trí hướng về đối tượng chính đáng, thiếu nhi phải giáo dục như vui chơi, không gò ép, áp đặt”. Ông cho rằng “Giáo dục phải trù tính phương pháp làm thế nào tâm trí có thể xoay quanh hết sức dễ dàng và hữu hiệu. Giáo dục không phải nghệ thuật đưa thị giác vào tâm trí, mà phải tiến hành từ ý thức tâm trí đã sở đắc khả năng đó (đã suy nghĩ và tìm hiểu về nó), song xoay không đúng cách hoặc nhìn không đúng chỗ. Đó là việc giáo dục phải giải quyết”. Người dạy đóng vai trò là một vị huấn luyện viên, không thuần túy là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn là gợi mở con đường, định hướng, trang bị phương pháp, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người học tự tìm hiểu điều mà họ muốn biết. Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Louis L'Amour (ông cũng có thể được coi là nhà giáo dục học, mặc dù ông bỏ học, rời trường lớp ở tuổi 15, nhưng ông đã làm rất nhiều loại hình công việc khác nhau và đặc biệt là khả năng đọc sách siêu phàm – trên 100 cuốn sách/năm, sau đó ông trở thành nhà văn, nhà thơ nổi tiếng) cho rằng: “Món quà vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất mà một người có thể dành cho người khác đó là sự đam mê, sự khát khao hiểu biết”.

Giáo dục nên bắt đầu từ sớm, càng sớm càng tốt, với trẻ em thì cần cho chúng được trải nghiệm thật nhiều, ngay cả những trải nghiệm nguy hiểm. Triết gia vĩ đại thời kỳ khai sáng Rouseau – người được mệnh danh là người thầy của nhân loại cũng khẳng định quan điểm này, đồng thời ông chủ trương giáo dục con người thuận theo tự nhiên, giáo dục dựa trên những gì phát sinh trong thực tế. Sau đó, triết gia John Deway là người kết hợp những tư tưởng của Plato và Rouseau để đưa ra phương pháp giáo dục thực nghiệm nhằm phù hợp với thế giới hiện đại mà ông đã sống.

Các nhà giáo dục trên đều rất chú trọng đến các hoạt động thể chất, nhằm giúp người học có được một cơ thể tráng kiện, theo hướng thuận tự nhiên, cơ thể khỏe mạnh giúp tạo ra một tinh thần mạnh mẽ. Điều này nghĩa là, giáo dục con người cần phải trang bị đầy đủ cho người học cả sức khỏe thể chất lẫn kiến thức, hiểu biết, tri thức. Tất nhiên, đi vào chi tiết thì phải quan sát rất kỹ người học để đảm bảo phù hợp từng độ tuổi, khả năng hiện trạng của người học, và có được một “giáo trình” hợp lý, khoa học. Louis L'Amour đã nói “Tôi đến với thế giới bằng hai thứ vô giá là sức khỏe tốt và niềm đam mê học hỏi”. Ông cũng nói rằng: “Chúng ta chỉ đơn giản là giải phóng tâm trí khỏi những “gông cùm, kìm kẹp” và cho phép nó hoạt động tự do mà không cần kiềm chế. Nhiều người trong chúng ta học bằng cách cung cấp cho mình “những nguyên liệu thô”, sau đó cho phép tiềm thức tiếp nhận và tự do hoạt động, đó là những gì mà sáng tạo đã làm”.

Vậy, Giáo dục tốt nhất (Best education) là gì? Cách tạo ra nền giáo dục tốt nhất cho bản thân mỗi người thế nào? Nó bao gồm những gì?

Giáo dục tốt nhất, giáo dục đích thực (best education, true education) là tự học, học độc lập, học chủ động, học cái mình muốn, học cái mình thích, học cái mình có thế mạnh, nghĩa là người học phải là người chủ quyết định việc học của mình. Mỗi người sẽ tự tìm ra cho mình phương pháp phù hợp với chính mình. Điều này đồng nghĩa với việc phải có tự do trong giáo dục. Mặc dù, tự do giáo dục sẽ đòi hỏi nền tảng xã hội là dân chủ và tự do đúng nghĩa. Nhưng nếu nền tảng xã hội không đủ hoàn hảo, chúng ta vẫn có thể đạt được nền giáo dục tốt nhất cho chính mình, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và internet như hiện nay. Với vị thế, người học là người làm chủ nên giáo dục phải coi người học là trung tâm, toàn xã hội phải làm mọi cách để phát huy hết thế mạnh, sở thích của người học.

Trường lớp không đồng nghĩa với giáo dục (thầy giáo số 1 New York – John Taylor Gatto). Trong lịch sử nhân loại, rất nhiều những vĩ nhân, những triết gia vĩ đại, những nhà khoa học vĩ đại, thậm chí những người giàu nhất thế giới… là những người vô cùng hiểu biết, họ hội tụ đầy đủ ý nghĩa của từ “giáo dục” nhưng họ chưa bao giờ hoàn thành một chương trình đại học nào. Nghĩa là, giáo dục tốt nhất, giáo dục chân chính không phải là giáo dục trường lớp, giáo dục đích thực nằm ngoài trường học. Đặc biệt ở những nơi có nền tảng xã hội kém tự do thì giáo dục trường lớp có vô số vấn đề bất cập, đó là nền giáo dục giả tạo. Ở đó, thầy giáo là “vua” có quyền bắt buộc người học hành xử theo những ý định thông thường là “bất thường” của mình. Nó đặc biệt nguy hiểm khi nhồi nhét những ý tưởng về “quyền lực”, “sự tuân phục”, “nỗi sợ hãi”, những điều giả dối sai sự thật… vào “cái đầu như một tờ giấy trắng” của một đứa trẻ, nó làm “thui chột” khả năng của một con người. Nhắc lại, trường lớp không đồng nghĩa với giáo dục, thậm chí ở một số nơi giáo dục trường lớp mang nghĩa ngược lại của từ giáo dục. Mọi trường lớp đều có giới hạn, do đó, không nên ràng buộc tâm trí của mình vào trường lớp để hy vọng đạt được giáo dục đúng nghĩa. Hãy coi đó là một cuộc chơi nếu buộc phải chơi. Cố gắng để là người chiến thắng cuộc chơi và có được điều mình muốn (bằng cấp, chứng chỉ, điểm số...) trong thời gian ngắn nhất, với chi phí thấp nhất.

Bây giờ, chúng ta sẽ bàn về những vấn đề chi tiết, cụ thể của nền giáo dục tốt nhất. Chúng ta phải làm chủ nền giáo dục của mình, nhưng chúng ta sẽ phải chọn những gì để học giữa vô vàn chủ đề; hàng ngàn, hàng triệu cuốn sách đã phát hành trong suốt lịch sử nhân loại. Chúng ta cùng tham khảo những quan điểm của Thầy giáo nổi tiếng thế giới AJ.Hoge rằng, để có nền giáo dục tốt nhất, chúng ta cần tập trung vào hai phần then chốt bao gồm: Kinh nghiệm cuộc sống và kiến ​​thức từ sách.

Hiểu biết của con người hầu hết được tích lũy từ hai nguồn trên, và chúng ta cần thiết phải có đầy đủ cả hai yếu tố này, chúng sẽ tạo ra cuộc sống tuyệt vời cho chúng ta.

Kinh nghiệm cuộc sống là những việc chúng ta làm trong thực tại, những kỹ năng mà chúng ta học từ trong thực tế của chính mình, hay từ những người mà chúng ta quan sát được.

Kiến thức sách vở hầu hết là từ quá trình đọc, ngày nay, có thể gồm việc nghe, xem các video về giáo dục hoặc từ những phương tiện khác tương tự. Dù có nhiều phương tiện nhưng có thể nói rằng sách vẫn là phần quan trọng chủ yếu của kiến ​​thức. Đó là cách thức chủ yếu để có được kiến ​​thức. Như Louis L'Amour đã nói rằng hãy đọc sách với niềm say mê nhất, đọc bất cứ thứ gì mình thích, đọc một cách ngấu nghiến. Hãy coi việc đọc sách là một thứ không thể thiếu với cuộc sống hàng ngày như là hơi thở đối với sự sống. Nhờ sách chúng ta có thể hiểu, biết rõ về những vĩ nhân xưa, về suốt quá trình lịch sử nhân loại, hay về mọi thứ đang diễn ra quanh ta.

Tại sao lại cần phải có cả hai yếu tố kinh nghiệm và kiến thức?

Hãy tưởng tượng, nếu một người chỉ có kinh nghiệm. Họ đã làm rất nhiều việc, họ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và có thể họ thành công hơn một số người, cuộc sống cũng hạnh phúc hơn một số người, nhưng đó chỉ là kinh nghiệm từ chính họ, nó luôn bị hạn chế, luôn là giới hạn bởi nó chỉ xuất phát từ chính những kinh nghiệm của họ. Giữa bối cảnh thế giới biến đổi không ngừng và vô cùng nhanh như thời đại ngày nay, nếu chỉ có kinh nghiệm từ bản thân, chúng ta sẽ khó khăn hơn trong việc thích ứng với những thay đổi của xã hội. Đôi khi sẽ là một cú sốc vô cùng lớn khiến chúng ta không thể vượt qua. Nhưng nhờ kiến thức từ sách, nó sẽ bổ sung cho chúng ta. Khi đọc sách, chúng ta học được từ người khác, từ vô số những kinh nghiệm của người khác. Để viết được một cuốn sách người viết đã phải bỏ ra rất nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời để đưa tất cả những kinh nghiệm của họ và của cả những người khác vào trong một cuốn sách hoặc một vài cuốn sách. Đọc sách, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người cũng có suy nghĩ giống mình, gặp những khó khăn giống mình, và biết cách họ vượt qua những những thay đổi, những khó khăn của cuộc sống ra sao. Điều này sẽ giúp cho chúng ta sự tự tin cũng như rất nhiều ý tưởng mới mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới. Vì vậy, chỉ cần đọc sách, chúng ta có thể có được rất nhiều kinh nghiệm của người đó, cả kiến thức, cả hiểu biết, và các giải pháp để vượt qua khó khăn của họ. Thay vì phải có kinh nghiệm từ chính bản thân, thì chúng ta có thể học hỏi từ họ. Thậm chí, chúng ta có thể học hỏi từ một số người thành công nhất, người thông minh nhất, những nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại thông qua những cuốn sách của họ. Chúng ta có thể có được sự thông thái, tri thức và rất nhiều kiến ​​thức từ họ.

Tuy nhiên, nếu chỉ có kiến ​​thức từ sách cũng không đủ. Nó cũng có hạn chế. Bởi nếu chỉ có kiến ​​thức từ sách, chúng ta không có cách nào để đánh giá đúng bản chất và hiểu rõ kiến thức đó, do chúng ta không có ý tưởng nào cả. Đó là vấn đề vấn nguy hiểm. Cần hiểu rằng, bất kỳ người viết giỏi nào, diễn giả giỏi nào, họ đều rất giỏi dẫn dắt và thuyết phục người khác về mọi chủ đề, họ có thể đưa ra những luận cứ rất tốt, rất chặt chẽ cho hầu hết mọi thứ, thậm chí cả những điều hoàn toàn sai. Chúng ta sẽ dễ dàng trở thành “con cừu” hay “con lừa”, bị họ dẫn dắt, lôi kéo và hành xử theo đám đông, bầy đàn. Đó thực sự là nguy hiểm, hãy lưu ý về điều đó. Vì vậy, chúng ta rất cần phải có kinh nghiệm, chúng ta sẽ không dễ dàng tin vào những điều nhảm nhí, những điều dối trá không đúng sự thật. Khi có nhiều kinh nghiệm, với mỗi thứ chúng ta đọc, chúng ta sẽ so sánh và kết nối với kinh nghiệm cuộc sống của mình để đánh giá những gì mình đọc là đúng hay sai, hữu ích hay không hữu ích. Thậm chí tốt hơn nữa, khi chúng đọc một điều gì đó nghe có vẻ hay, và ta tin vào nó, chúng ta nghĩ nó có thể đúng, có thể tốt. Vậy để chắc chắn về điều đó, chúng ta sẽ thử nghiệm nó trong cuộc sống của mình. Thông qua trực tiếp thử nghiệm các ý tưởng, hoặc nhìn vào những người khác đang thử nghiệm những ý tưởng đó, chúng ta sẽ tự tìm ra cho chính mình. Đó là một kiểu vòng xoáy lặp đi lặp lại liên tục giữa kinh nghiệm và kiến thức.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ gặp những khó khăn, thậm chí những điều xảy ra có thể rất mới mẻ với mình, chúng ta không biết vì sao nó xảy ra, thậm chí nó gây ra những tổn thất, mất mát đáng tiếc. Nó khiến chúng ta cảm thấy bối rối, lo lắng, sợ hãi và không biết cách nào giải quyết vấn đề. Đó là lúc kiến ​​thức từ sách có thể rất hữu ích, chúng ta biết rằng những người đi trước đã làm gì để giải quyết vấn đề. Khi đó, nó càng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống của chính mình. Như vậy, kiến thức và kinh nghiệm sẽ bổ trợ cho nhau, nên chúng ta cần có cả hai.

Vậy chúng ta nên làm hay nên học những gì cho hai loại này? Hãy bắt đầu với kinh nghiệm.

Bốn loại kinh nghiệm cuộc sống

Có bốn loại kinh nghiệm chúng ta nên theo đuổi. Cố gắng để có được thật nhiều kinh nghiệm trong bốn lĩnh vực này, càng nhiều càng tốt.

Công việc

Thứ nhất là công việc. Đó là thứ đầu tiên và cực kỳ quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người. Ai cũng cần có một công việc, nó là một phần tất yếu của cuộc sống. Và tất nhiên, ai cũng muốn có một công việc tốt, nhiều ý nghĩa. Với những người trẻ tuổi, và đôi khi ngay cả đối với người lớn tuổi, họ chưa thực sự biết họ thích làm gì. Họ không biết loại công việc nào là tốt nhất với họ. Vì vậy chúng ta cần phải có được rất nhiều kinh nghiệm làm việc trong cuộc sống của mình. Chúng ta cần thử nhiều loại hình công việc khác nhau, để thực sự hiểu nó như thế nào. Tưởng tượng về công việc thì khá dễ dàng, và có thể chúng ta cho rằng mình thích công việc nào đó, nhưng để thực sự hiểu nó thì cần thiết phải thử làm việc đó. Như Louis L’Amour đã nói rằng: “Một người trở thành nhà văn không thể chỉ bằng tưởng tượng và một quyết định trở thành nhà văn. Họ trở thành nhà văn bằng cách viết, tập viết thật nhiều, hay học bằng cách thực hành. Hãy ngồi xuống, với cây bút trên tay và đơn giản là viết.”. Trong cuộc sống, nhiều người, có khi đơn giản là xem một bộ phim và họ rất ấn tượng với một nhân vật chính trong phim ví dụ là một chuyên gia môi giới tại phố Wall, họ thấy hình ảnh vô cùng hấp dẫn. Họ muốn trở thành một người như thế. Sau đó họ cũng thử làm nghề môi giới chứng khoán, và khi tham gia thực sự vào công việc, họ nhận ra rằng nó không đơn giản như mình tưởng tượng ban đầu. Có thể sau đó họ không thích công việc đó nữa và quyết định từ bỏ, hoặc cũng có thể lúc đó họ mới thực sự thích công việc đó. Nhưng nếu không thử thì họ không thể biết được nó như thế nào, và nó chỉ mãi trong tưởng tượng của họ mà thôi.

Trong cuộc đời con người hãy nên thử một số công việc sử dụng sức lực cơ bắp, một dạng lao động phổ thông, như khuân vác đồ đạc, giao hàng, phục vụ bàn, làm tại các công trình xây dựng, thậm chí là lái xe ôm công nghệ cao ngày nay... Dù có kỹ năng chuyên môn, có kiến thức, cũng đừng ngại hay xấu hổ vì nó, chúng ta cần thử làm một số công việc đó, nhất là từ khi còn trẻ, dù sau đó có thể chúng ta không thích nó, không làm công việc đó nữa nhưng ít nhất chúng ta cũng hiểu được sự vất vả của các công việc đó, và ta sẽ thấu hiểu cũng như thông cảm cho những người buộc phải sống bằng những nghề đó. Trường hợp khác, một số người dù có kỹ năng chuyên môn nhưng họ lại thích làm việc ngoài trời, có thể phải di chuyển nhiều nhưng họ vẫn thích nó, vì đơn giản là họ không thích ngồi một chỗ trong văn phòng.

Chúng ta cũng nên thử một số công việc về bán hàng, một dạng khác như là tham gia các tổ chức từ thiện, chuyên kêu gọi tài trợ từ các tổ chức cá nhân. Công việc này giúp bạn rèn luyện kỹ năng sale, nắm bắt tâm lý khách hàng, đích đến là khả năng thuyết phục người khác. Đó thực sự là một kỹ năng cần thiết và cực kỳ quan trọng với tất cả mọi người. Như thầy giáo số 1 New York - John Taylor Gatto nói rằng, kỹ năng thuyết phục người khác là kỹ năng quan trọng hàng đầu mà giới tinh hoa chú trọng dạy cho con cái họ, bởi nó là một phần của kỹ năng lãnh đạo. Kỹ năng này không dễ dàng, nhưng vì rất cần thiết nên chúng ta phải thử và thực hành nó thật nhiều.

Sau khi thử nghiệm thật nhiều công việc khác nhau, lúc đó chúng ta sẽ học được rất nhiều, hiểu rất nhiều, và lúc đó quyết định lựa chọn công việc lâu dài với mình sẽ chính xác hơn rất nhiều. Ngay cả lúc này chúng ta đang có một công việc ổn định, chúng ta vẫn nên thử làm một số loại hình công việc khác nữa, như tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, làm tư vấn, làm diễn giả… Các công việc đó sẽ giúp ta thấu hiểu cuộc sống tốt hơn, đồng thời cũng giúp chúng ta đề phòng những thay đổi lớn trong cuộc sống buộc ta phải thay đổi nghề nghiệp, lúc đó chúng ta sẽ không còn gì phải lo lắng. Vì vậy, kinh nghiệm làm việc cũng là một phần của nền tảng giáo dục đích thực.

Với trẻ em, hãy cho chúng bắt đầu làm việc càng sớm càng tốt. Bắt đầu bằng việc tự chăm sóc chính mình, phụ việc gia đình (chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa…). Sau đó cho chúng tham gia làm một số công việc thực tế như phục vụ nhà hàng, giao hàng, thậm chí tập kinh doanh thứ gì đó... Chúng ta không bắt chúng phải làm việc để kiếm tiền nuôi thân, đừng biến chúng thành nô lệ cho công việc, cho đồng tiền nhưng cũng đừng để chúng thành kẻ lười biếng. Hãy giúp chúng hiểu được giá trị của lao động càng sớm càng tốt, tất nhiên chúng sẽ học được rất nhiều điều khác nữa, để từ đó có lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho mình sau này.

Du lịch

Loại kinh nghiệm tiếp theo là du lịch. Du lịch mở rộng trí tuệ, hiểu biết, tầm nhìn của chúng ta. Nó cũng cho ta sự tự tin. Khi đi du lịch chúng ta học cách tự lập và độc lập hơn, chúng ta phải lên kế hoạch cho mọi thứ, từ ăn, mặc, ngủ, ở, đi lại, giao tiếp, trao đổi với người địa phương, sẵn sàng cho những điều bất ngờ có thể xảy ra, bởi thông thường khi đi du lịch là chúng ta đến những địa điểm mới, nơi mà mình chưa bao giờ đến. Vì vậy, mọi kỹ năng cần được vận dụng để thích ứng với cái mới. Đó sẽ là những kỹ năng cực kỳ quan trọng mà chúng ta cần có.

Hãy bắt đầu với du lịch trong nước, những địa danh gần nơi chúng ta sống, rồi xa dần, mới dần. Chúng ta cần thiết phải hiểu về nơi mình sinh ra, văn hóa, con người, thiên nhiên quanh ta, bởi nó là một phần nền tảng của chính mình. Sau đó là du lịch quốc tế. Khi đi ra nước ngoài sẽ giúp mở rộng tầm nhìn của chúng ta hơn, lúc đó chúng ta mới thực sự hiểu về đất nước mình hơn, mình sẽ so sánh, đối chiếu giữa nước ngoài với trong nước. Vì sao họ lại sống như vậy, vì sao họ hành xử như vậy, vì sao họ phát triển hơn ta, hay vì sao những chỗ khác lại kém phát triển đến thế, vì sao con người hành xử văn minh hay kém văn minh như thế... Rất nhiều câu hỏi cũng như ý tưởng mới sẽ lóe lên trong đầu chúng ta. Hơn nữa, đến những quốc gia khác, do rào cản ngôn ngữ, văn hóa, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn hơn... mọi kỹ năng sẽ được vận dụng, thậm chí cả ngoại ngữ cũng sẽ là cơ hội tốt để chúng ta sử dụng... Đó sẽ là những kinh nghiệm tuyệt vời mà chỉ khi đi vào thực tế mới có cơ hội được phát huy hoàn toàn mọi kỹ năng đang tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, và đó là một phần cực kỳ quan trọng của nền giáo dục đích thực.

Lưu ý, đi du lịch không phải chỉ là đến địa danh nổi tiếng nào đó, chụp vài tấm hình rồi chia sẻ với bạn bè (nhiều người đi du lịch vì mục đích thể hiện là chính), hay nó cũng không đơn giản chỉ là đến đó rồi ăn uống, ngủ nghê no say… sau đó trở về và gần như là “trống không” về những nơi ta đã đến.

Đi du lịch là phải học hỏi được thật nhiều. Trước khi đi nên đọc càng nhiều thông tin về hành trình sẽ đi càng tốt, hiểu về thiên nhiên, khí hậu, ẩm thực, con người, văn hóa… địa danh sắp đến. Để khi đến rồi mới thực sự cảm nhận, so sánh, đối chiếu và thực sự thấu hiểu, học hỏi những nét rất riêng về địa danh đó. Hãy trải nghiệm càng nhiều càng tốt những nét đặc trưng, riêng biệt so với những nơi khác mà chỉ nơi đó mới có. Sau đó, cũng nên ghi lại những cảm nhận, mô tả những nét đẹp của địa danh đó, và có thể chia sẻ cho những người thân xung quanh.

Hãy di du lịch càng sớm càng tốt, càng trẻ càng cần tận dụng các cơ hội để đi du lịch, vì sau khi ràng buộc bởi gia đình, con cái… sẽ khiến cơ hội đi du lịch của chúng ta giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, lúc trẻ với tâm thế luôn háo hức tìm tòi, khám phá những cái mới, sức khỏe lại rất tốt… nên càng có hứng thú đi lịch hơn. Với trẻ em, nên bắt đầu lúc chúng 7-8 tuổi, thậm chí có thể sớm hơn, hãy cho chúng đọc, tìm hiểu về địa danh sắp đến, tập cho chúng tự chuẩn bị mọi thứ, đối diện với mọi thách thức mới khi đi du lịch… nó sẽ giúp trẻ học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn.

Du lịch thực sự là một phần của giáo dục.

Sức khỏe

Loại kinh nghiệp tiếp theo là sức khỏe, hay vấn đề sức khỏe. Sức khỏe gắn chặt với cuộc đời mỗi người, vì vậy vô cùng cần thiết phải học học cách chăm lo, bảo vệ sức khỏe của chính mình. Có sức khỏe là một phần của một cuộc sống hạnh phúc, một phần của thành công. Nếu không khỏe mạnh, cơ thể tiều tụy, tinh thần yếu đuối, năng lượng xuống thấp chúng ta sẽ luôn cảm thấy buồn chán, bực bội, thành công sẽ giảm đi, hạnh phúc cũng mất dần...

Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta cần quan tâm cả ba lĩnh vực chủ yếu của sức khỏe gồm: ăn uống, hoạt động thể chất và hoạt động tinh thần. Muốn sức khỏe tốt, thì cả ba hoạt động trên đều phải tốt.

Chúng ta cần phải biết cách ăn uống khoa học (trình tự ăn, và cách kết hợp thức ăn), ăn uống lành mạnh, theo hướng càng thuận tự nhiên và càng ít qua máy móc càng tốt; càng nhiều thực vật gồm các loại rau, củ, trái cây, hạt... càng tốt; ăn các loại thực vật mà khi nuôi trồng, chúng được chiếu dưới ánh nắng mặt trời càng tốt. Thực chất đó là một phương pháp ăn nhằm ngăn ngừa ung thư, các loại thực vật được nuôi dưỡng dưới ánh nắng mặt trời gồm rất nhiều chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể do các tác nhân độc hại gây ra. Sử dụng càng ít chất kích thích như đồ uống có cồn, thuốc lá, trà, cà phê... và càng ít lệ thuộc vào chúng càng tốt. Đặc biệt cần học cách thưởng thức ăn uống, học cách tiết chế sự thèm thuồng đối với ăn uống. Ăn uống vẫn phải cảm nhận cái ngon, mặc dù không phải khinh thường cái ăn uống nhưng cần phải có văn hóa, lịch sự khi ăn uống. Lưu ý rằng, “cái ăn không quan trọng bằng cách ăn”. Rất nhiều điều phải học hỏi liên quan đến ăn uống, và nó cũng là một phần của giáo dục.

Với trẻ em cần phải dạy cho chúng về cách ăn uống càng sớm càng tốt, cần phải có “kỷ luật” ăn uống, đừng sợ chúng bị đói, chắc chắn với bản năng sinh vật chúng sẽ ăn khi chúng đói, điều quan trọng là phải có nguyên tắc khi ăn uống. Cũng nên dạy cho chúng học cách nấu nướng, giúp đỡ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, học cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe.

Tiếp theo là hoạt động thể chất. Nó vô cùng cần thiết với mỗi người. Chúng ta cần phải học cách tập thể dục để có có thân hình khỏe mạnh. Nhờ quá trình thoát mồ hôi và thở ra (thường xảy ra khi vận động thể chất), cơ thể sẽ đào thải rất nhiều chất độc trong cơ thể, giúp giải tỏa căng thẳng, tinh thần minh mẫn. Khi tập thể dục nhiều sẽ tiêu hao năng lượng dư thừa, đặc biệt các loại carbon và lipid không tốt cho cơ thể. Nhất là với trẻ em, ở những độ tuổi tăng trưởng nhanh, hoạt động trao đổi chất trong cơ thể diễn ra rất mạnh mẽ, năng lượng tích lũy trong cơ thể rất lớn do quá trình ăn uống, nên chúng cần được vận động nhiều để hỗ trợ quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể tăng trưởng. Do không hiểu về quá trình này, từ gia đình đến nhà trường chỉ chú trọng cho trẻ ăn uống thật nhiều, đồng thời ép trẻ học văn hóa mà không được vận động nhiều. Năng lượng tích lũy trong cơ thể quá lớn, chúng thường dễ nóng giận, không nghe lời, hay quậy phá... nếu người lớn không hiểu nguyên nhân lại càng cố gắng tìm cách kìm kẹp, ép buộc... sẽ dẫn đến trẻ tính tình bướng bỉnh, thiếu kiểm soát, hay đánh lộn, thậm chí những hành động nguy hiểm cho chính chúng và cho những người xung quanh. Vì vậy, các cha mẹ và nhà trường cần phải hiểu quá trình phát triển của từng độ tuổi, để cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất một cách khoa học. Qua các trò chơi thể chất, chúng ta cũng học cách vượt qua sự mệt nhọc; rèn luyện được sức bền cho cơ thể, và cả sức bền ý chí, tinh thần; học cách vượt qua nỗi đau (chấn thương có thể có); vượt qua nỗi buồn khi thất bại trong trò chơi, hay biết chia sẻ niềm vui khi chiến thắng trong trò chơi thể thao; học cách hợp tác hay kỹ năng xã hội, kỷ luật trong các trò chơi mang tính đồng đội.

Ngoài ra, thể dục thể thao cũng giúp cơ thể di chuyển nhanh nhẹn, uyển chuyển. Chúng ta cũng có thể học kỹ năng tự vệ chống lại những tấn công bất thường nào đó bằng các môn như: karate, aikido, quyền anh, các môn công phu nói chung... Trong cuộc đời cũng khó tránh khỏi những tình huống bị tấn công bất ngờ, nhất là ở những quốc gia có hệ thống luật pháp yếu thì tình trạng vũ lực lại hay xảy ra. Chúng ta không nhất thiết phải học cách đánh thắng người khác, nhưng ít nhất cũng cố gắng tránh để người khác tấn công mình, từ cách tránh né, di chuyển nhanh, hay những tình huống nguy hiểm vẫn cần thiết phải chống trả để tự vệ. Thực tế, tự vệ là một phần bản năng của sinh vật, chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn nó.

Rất, rất nhiều lợi ích khác của hoạt động thể chất, vì vậy chúng ta cần thiết phải rèn luyện thật nhiều, học thật nhiều, đó cũng là một loại kinh nghiệm quan trọng cho nền tảng giáo dục đích thực của mỗi người.

Tiếp theo là sức khỏe tinh thần. Khi ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp cho tinh thần được thoải mái, vui vẻ. Và ngược lại, tinh thần tốt sẽ giúp hoạt động thể chất được mạnh mẽ, ăn uống ngon miệng hơn.

Thiền định và thực hành đức tin

Loại kinh nghiệm cuối cùng mà chúng ta cần có cho nền tảng giáo dục đích thực đó là thiền định và thực hành cầu nguyện, một trong các dạng thực hành đức tin. Điều này nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thực tế nó là một phần của cuộc sống của mỗi người, nhất là khi về già hay thậm chí chưa già nhưng họ tìm hiểu nhiều về triết lý cuộc sống thì họ thường quan tâm đến những vấn đề này. Loại kinh nghiệm này sẽ giúp ta cảm nhận, quan sát cuộc sống tốt hơn. Điều này thường phụ thuộc khá nhiều vào nền tảng mỗi người, đặc biệt là văn hóa chung của gia đình, địa phương nơi mỗi người sinh ra.

Chúng ta thường bị chi phối bởi quá nhiều mục tiêu, quá nhiều mong muốn, nó làm cho tinh thần thường bấn loạn, thân ở một nơi nhưng tâm lại ở một chỗ khác, nghĩa là tâm và thân không nhập làm một. Chúng ta hay lo lắng, suy nghĩ rất nhiều thứ cùng lúc, tưởng là lo xa nhưng thực tế lại rất rối, khiến ta mất tập trung, làm việc thường không hiệu quả. Chúng làm cho chúng ta chẳng thể cảm nhận được cuộc sống yên vui, hạnh phúc thế nào. Vì vậy, chúng ta phải học cách “sống chậm”, tĩnh lặng để cảm nhận, quan sát cuộc sống bằng hoạt động thiền định, hay thực hành đức tin. Đừng quá quan trọng vào hình thức hay những động tác quá phức tạp do truyền thông đưa ra. Hãy chú trọng vào bản chất, quan trọng là nó phải giúp chúng ta tĩnh tâm, cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của hiện tại. Bằng cách rèn luyện trạng thái “vô đắc” trong giáo lý Phật giáo, nghĩa là đừng quá tham vọng đặt ra nhiều mục tiêu để rồi lại vất vả, khổ sở chạy theo nó. Hãy luôn tĩnh lặng để cảm nhận hiện tại, miễn sao mỗi ngày đều thấy tươi mới và thấy mình tốt lên.

Hơn nữa, thiền định là một biện pháp để điều tiết hơi thở (giúp thải độc như đã nói ở trên) cũng vô cùng tốt cho sức khỏe. Vì vậy, đó là một phần của giáo dục đích thực nên cũng rất quan trọng và đáng để chúng ta học hỏi.

Như vậy, đó là bốn loại kinh nghiệm mà chúng ta cần có, cần tích lũy càng nhiều càng tốt và càng sớm càng tốt, theo một trật tự rất khoa học để đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi.

Những loại kiến thức sách vở cần học

Ở trên, là những loại kinh nghiệm cần có, và nó là một nửa của nền giáo dục tốt nhất, giáo dục đích thực, nửa còn lại là kiến thức, tri thức từ sách. Cùng lúc tích lũy kinh nghiệm, chúng ta cần phải đọc rất nhiều sách. Đọc thực sự là kỹ năng cơ bản của việc học. Đối với hiểu biết, tri thức, kiến thức thì đọc là số một. Với việc đọc chúng ta có thể học được gần như mọi thứ. Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần có sách, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, sách là người thầy, người bạn tốt nhất của chúng ta.

Thông thường, mọi người hay đọc các loại sách mà chúng ta bắt buộc phải đọc ở trường lớp (sách giáo khoa, giáo trình…), nhưng các loại sách này rất ít thực tế, thường rất khô khan, “vô hồn”, rất ít ý nghĩa hàm chứa trong đó. Thậm chí nhiều người sau khi rời nhà trường không bao giờ cầm đến một cuốn sách nào khác để đọc. Họ thường bị cuốn vào vài trang báo tin tức hàng ngày, mà thường nó chỉ là công cụ tuyên truyền của nhóm có quyền phát hành thông tin đó. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở các quốc gia kém tự do. Và như vậy, việc đọc của họ gần như dừng lại ở đó với mớ kiến thức vô hồn, mấy thông tin rất ít sự thật thường gọi là “tin giả”, nên hiểu biết của họ lại càng hạn chế.

Ngày nay, giữa vô vàn các chủ đề và hàng triệu triệu cuốn sách đủ thể loại khác nhau, nó khiến cho chúng ta nếu muốn đọc sách cũng rất khó khăn để lựa chọn. Vậy chúng ta cần chọn thứ gì để đọc? Theo đúng triết lý giáo dục ở trên, hãy đọc những điều mình thích, những điều mình muốn biết, đọc về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, đặc biệt là các loại sách về chuyên môn công việc mà chúng ta đang làm và muốn làm. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta hãy đọc sách của những nhà tư tưởng khai nguồn vĩ đại (Think tank), những cuốn sách cổ và kinh điển đã được lịch sử chứng minh cho tính đúng đắn, giá trị của nó đã được khẳng định. Những tư tưởng đó sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quát về quy luật cuộc sống, để với mỗi tình huống cụ thể, chúng ta đều có cơ sở để có thể đưa ra những phán xét với độ chính xác cao. Như triết gia Thoreau đã nói rằng “khi đã quen với nguyên tắc, quy luật, thì một nghìn sự kiện hay một tỷ sự kiện cũng như nhau”. Khi đó chúng ta sẽ không bị cuốn vào từng sự kiện cụ thể diễn ra trong cuộc sống, không cần phải tìm hiểu quá nhiều chúng ta đã có thể suy luận ra nguyên nhân và kết quả tất yếu của mỗi sự kiện, cao hơn nữa là quy luật vận hành của xã hội chúng ta đang sống. Những tư tưởng lớn đó thường có trong tôn giáo và triết học. Chúng ta hãy bắt đầu với hai thể loại này.

Tôn giáo và triết học

Có thể gộp chung triết học và tôn giáo vào chung một nhóm, bởi tôn giáo và triết học có rất nhiều nét tương đồng. Tôn giáo và triết học tập trung vào những câu hỏi lớn nhất của nhân loại. Những câu hỏi mà chúng ta đã tự hỏi mình hàng nghìn năm qua. Những câu hỏi lớn: Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta đến từ đâu? Bản chất của tự nhiên là gì? Bản chất tự nhiên của con người của sự sống và cái chết là gì? Mục đích cuối cùng của cuộc đời con người là gì? Tâm lý, tư duy con người diễn diến ra sao? Con người hành xử với nhau như thế nào? Đây là những câu hỏi lớn, rất lớn mà chúng ta cần tìm hiểu.

Rất nhiều người được nghe, được đọc một số sách về triết học ở trong nhà trường, họ có cái nhìn rất sai lầm – thường là rất xấu – về triết học, bởi thực tế cái họ được học không phải là triết học đúng nghĩa, nó là triết học giả tạo. Vì vậy, họ thường rất ghét triết học, nghe đến triết học là họ liên tưởng đến những gì vô cùng buồn chán. Đối với sách về tôn giáo cũng vậy, đọc sách về tôn giáo có lẽ là vô cùng lạ lùng với rất nhiều người, đặc biệt là trong trường học thông thường. Nhưng như thầy giáo John Taylor Gatto đã nói về chủ đề “14 bí mật của nền giáo dục tinh hoa”, thì tại các trường của giới tinh hoa tự lập ra để dạy học cho con cái của họ, bọn trẻ được học rất nhiều về tôn giáo, về tư tưởng của nhiều loại tôn giáo khác nhau.

Vì vậy, ngay cả khi chúng ta không theo một tôn giáo nào, chúng ta vẫn nên đọc để biết sự uyên thâm, minh triết tuyệt vời của các tôn giáo, và tương tự với triết học cũng vậy. Nhân loại đã trải qua nhiều nghìn năm lịch sử, vào mỗi thời điểm ở hiện tại nhìn về quá khứ, chúng ta tưởng rằng khoa học đã phát triển lên mức không thể tưởng tưởng nổi. Nào là các cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0, 4.0, nào là trí tuệ nhân tạo, Block Chain, Big Data… và chúng ta nghĩ rằng con người đã trở nên vô cùng khác với người xưa. Nhưng khi đọc các cuốn sách cổ và kinh điển của hàng nghìn năm trước hoặc hơn nữa, chúng ta sẽ thấy bản chất con người vẫn vậy không thay đổi. Bản chất con người là vì mình, là lười biếng, là tham lam,… Đặc tính này chúng ta có thể thấy rõ nhất ở trẻ em, bất cứ khi nào bị ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng là chúng sẽ khóc đòi ngay lập tức, còn ở người lớn do đã có khả năng tính xa hơn và dựa theo các thang giá trị về tự do, hạnh phúc, danh vọng, tiền bạc quyền lực… điều mà họ cho là quan trọng để từ đó ra quyết định hành xử phù hợp, nhưng về bản chất vẫn là vì mình. Vì vậy, có thể nói con người vẫn giao tiếp, hành xử với nhau như nhiều nghìn năm trước đây, có chăng chỉ là phương tiện, cách thức giao tiếp có sự thay đổi. Chính vì thế mà những vị “Cha đẻ” của các trường phái tôn giáo, triết học như: Đức Phật, Đức Chúa, Sokrates, Plato,... và có lẽ các vị trước đó nữa, họ là những người thấu hiểu những vấn đề này của nhân loại, họ đã đưa ra những triết lý vô cùng uyên thâm về bản chất con người, về tâm lý con người… nên dù đã trải qua nhiều nghìn năm lịch sử, cũng chưa có mấy ai vượt qua được họ.

Tôn giáo bao hàm yếu tố tâm lý học cực kỳ cao siêu trong đó, cao hơn rất nhiều so với tâm lý học hiện đại. Nhiều người không có tôn giáo, và họ có những suy nghĩ rất hạn hẹp về tôn giáo. Họ có suy nghĩ rằng mấy người tin vào Chúa hay Phật... là những người tin vào một vị có phép thuật ở trên trời, luôn sẵn sàng cứu giúp con người thoát khỏi nỗi đau trong cuộc sống. Nhưng đó là một cái nhìn rất thiển cận, hay nói chung nó chỉ phù hợp với trẻ con. Hầu hết những người trưởng thành, thông minh và hiểu biết thực sự sẽ không nghĩ như vậy.

Có rất nhiều sách về chủ đề này, đó là chủ đề rất phức tạp, nhưng nó cũng hoàn toàn phù hợp với khoa học. Hãy tìm hiểu những căn bản về nó, hãy đọc sách nguyên gốc, nguyên thủy về nó, chúng ta sẽ thay đổi quan điểm của mình về chủ đề này. Nó không đơn thuần là vấn đề tin hay không tin, mà quan trọng hơn nó là một phần của giáo dục. Rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại, nhiều nhà khoa học vĩ đại nhất... cũng là người có tôn giáo. Họ rất hiểu biết nhưng họ vẫn tin vào tôn giáo, tất nhiên không phải tin vào những phép màu nhiệm của các ông Tổ tôn giáo mà mọi người thường được nghe. Chúng ta sẽ không được gọi là giáo dục đầy đủ nếu không đọc về tôn giáo và triết học.

Để chọn đọc sách về tôn giáo và triết học thì chúng ta nên bắt đầu với nền tảng văn hoá của mình. Chúng ta nên tìm đọc những sách gần gũi với nền tảng của mình để hiểu về chính mình, những người xung quanh mình. Nếu là một tín độ Phật giáo, hãy đọc sách về Phật giáo (nguyên gốc), chúng ta sẽ quay lại lịch sử hơn 2.000 năm trước. Nếu là một Kitô hữu (Cơ Đốc giáo hay Thiên Chúa giáo) hãy đọc sách về Thiên Chúa giáo, cũng khoảng 2.000 năm trước. Hãy đọc càng nhiều càng tốt, chung một chủ đề về một loại tôn giáo, sau đó mở rộng các tôn giáo khác như: Hindu giáo (Ấn Độ giáo), Bà La Môn giáo, Hồi giáo. Đạo giáo và Khổng giáo (Nho giáo) cũng có thể gọi là một tôn giáo mặc dù thiên hướng triết học nhiều hơn, tất nhiên cần tìm về sách nguyên gốc, tránh chọn những sách đã bị thay đổi, bóp méo nhiều quan điểm của tác giả.

Tương tự với triết học, ở phương Đông thì đọc các trường phái triết học Ấn Độ, Trung Quốc… những tác gia phương Đông để đọc như Lão Tử, Khổng Tử… Nhưng có lẽ ở thời điểm này chúng ta thấy rằng thành quả phát triển của nhân loại chịu ảnh hưởng vô cùng lớn của các trường phái triết học phương Tây, vì vậy cũng cần ưu tiên tìm hiểu nó. Các triết gia vĩ đại của Hy Lạp – La Mã như Socrates, Plato và Aristotle, Machiavelli,… Sau đó có thể đến các triết gia gần hơn như: John Lock, John Stuart Mill, Adam Smith, Rousseau, Montesquieu, Tocqueville, Hegel, Immanuel Kant, Thoreau, Nietzsche, John Dewey,… và rất rất nhiều các trường phái, các triết gia nổi tiếng khác nữa.

Các tư tưởng của các trường phái tôn giáo, triết học rất đa dạng và phong phú. Khi đọc, cần đặt mình vào hoàn cảnh ra đời, quá trình hình thành, phát triển các tôn giáo, triết học đó, chúng ta mới thấy hết giá trị của nó, tránh quan điểm theo hướng cực đoan, nên nhớ, không có hệ tư tưởng nào hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, đó là bản chất tự nhiên của xã hội loài người. Không nhất thiết phải đọc tất cả, và chắc chắn không thể đọc tất cả về các trường phái tôn giáo và triết học đó. Đọc càng nhiều càng tốt về một trường phái, rồi mở rộng các trường phái khác, thậm chí có thể đọc cả những quan điểm trái chiều, như vậy mới giúp ta thực sự hiểu sâu hơn về các trường phái đó. Triết học hiện đại cũng tốt, nhưng hãy ưu tiên đọc sách cổ và kinh điển, sách nguyên gốc, nguyên bản bằng chính ngôn ngữ mà nó được viết ra càng tốt.

Văn học – nghệ thuật cổ điển

Thể loại tiếp theo là văn học, âm nhạc, mỹ thuật,… chúng ta có thể gọi chung là văn học – nghệ thuật cổ điển. Nên đọc sách văn học – nghệ thuật cổ điển nhưng phải là kinh điển, chứ không phải văn học – nghệ thuật hiện đại.

Trước hết hãy tập trung vào đất nước của mình, hay khu vực mình sinh sống. Mỗi quốc gia đều có một số tác phẩm văn học cổ điển, truyện hay sách cổ điển. Hãy học từ các tác phẩm đó. Do đặc trưng ở phương Đông là các triều đại phong kiến sau hay phá hủy, dẹp bỏ các tàn tích, tư tưởng của các triều đại trước nên các tác phẩm văn học ở phương Đông thường bị mất mát, thất lạc rất nhiều, hoặc bị bóp méo nội dung bởi nền tảng tự do rất yếu, nhưng tất nhiên vẫn còn những tác phẩm kinh điển để đọc, các tác giả như: La Quán Trung (Tam quốc diễn nghĩa), Thi Nại Am (Thủy hử), Tào Tuyết Cần (Hồng lâu mộng), Ngô Thừa Ân (Tây du ký)… Ở phương Tây có thể đọc các tác phẩm của những nhà văn như Homer, William Shakespeare, John Stuart Mill, Thoreau, Emerson, Voltaire, Victor Hugo, Goethe, Pushkin, Hemingway, Mark Twain, Lev Tolstoy, Dostoevsky, George Orwell,...

Tương tự, sách về các loại nghệ thuật cũng rất cần thiết. Các loại hình nghệ thuật giúp đánh thức mọi cảm xúc trong tâm hồn chúng ta, lúc mạnh mẽ, lúc lại nhẹ nhàng êm ái, giúp chúng ta có cảm nhận sâu lắng hơn về cuộc sống. Chúng ta cần phải hiểu cơ bản về luật âm, luật hội họa… như vậy, chúng ta mới thấy được cái đẹp của thế giới quanh mình. Và lưu ý, hãy đọc những sách cổ điển về các chủ đề này.

Tiểu sử, tự truyện

Thể loại tiếp theo là tiểu sử, tự truyện của những người con người vĩ đại. Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ những tiểu sử của họ, các cuốn tiểu sử và các cuốn tự truyện. Chúng ta nhận ra rằng tất cả những con người vĩ đại trong lịch sử, họ cũng gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn tương tự chúng ta, những nỗi sợ hãi, lo lắng... tương tự chúng ta, những thất bại tương tự, nhưng họ đã vượt qua những điều đó như thế nào. Điều này sẽ mang lại cho chúng ta sự tự tin và trí tuệ tuyệt vời khi nhận ra rằng: họ làm được và ta cũng sẽ làm được.

Điều này cũng đúng với lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử là cách tốt nhất để học lịch sử, nó kể những câu chuyện về con người đằng sau các sự kiện, dẫn dắt người đọc với sự khát khao tìm hiểu nhiều hơn về nhân vật.

Một lần nữa, hãy đọc về lịch sử của chính đất nước mình, nhưng không phải từ sách giáo khoa mà là sách lịch sử thực sự. Chọn sách cổ, sách đã được chứng minh tính đúng đắn của nó. Những người viết tiểu thuyết lịch sử giỏi, họ phải nghiên cứu rất nhiều để làm cho cuốn sách trở nên thực tế, hợp logic, vì vậy hãy tìm đọc những tác phẩm đó.

Toán, kế toán và thống kê cơ bản

Thể loại sách khác là toán học cơ bản, bao gồm cả kế toán, tài chính và thống kê, cũng có thể thêm chủ đề về hình học, nhưng hầu hết chỉ cần ở mức cơ bản, trừ khi bạn thực sự thích nó thì bạn có thể nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Tất cả chúng ta đều cần toán cơ bản, bao gồm cả kế toán và thống kê. Mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống rất cần chúng ta phải sử dụng toán cơ bản để tính toán. Tiền bạc cũng gắn chặt với đời sống của chúng ta, vì vậy cũng cần hiểu sơ qua về tiền tệ, tài chính, kế toán (tài sản, nợ, dòng tiền...).

Chúng ta cũng cần phải hiểu thống kê, bởi vì các phương tiện truyền thông (báo chí, truyền hình, truyền thanh...) thường rất hay sử dụng thống kê để chứng mình điều gì đó. Nhưng khi hiểu về thống kê chúng ta biết rằng, các mô hình thống kê luôn dựa trên rất nhiều giả định, và chỉ cần một giả định nào đó không chặt là tính đúng đắn của mô hình đó sẽ giảm đi rất nhiều. Thậm chí có rất nhiều giả định sai lầm được đưa vào mô hình, nghĩa là mô hình đó hoàn toàn không còn ý nghĩa gì. Về cơ bản, các mô hình thống kê về hầu hết các vấn đề trong cuộc sống đều có thể gọi là “thầy lang phán bệnh và bốc thuốc”, thậm chí vì một lý do hay mục đích không tốt nào đó nó trở thành “nhắm mắt mà bốc thuốc” thì sẽ thực sự nguy hiểm. Khi đó, tìm hiểu về thống kê giúp chúng ta hiểu được sự thật đằng sau các con số, sự kiện. Chúng ta sẽ thấy rằng người ta liên tục sử dụng các con số thống kê để tuyên truyền, họ dễ dàng thao túng thậm chí bóp méo sự thật, lừa gạt, dối trá... chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của người có quyền đưa ra thông tin đó. Ngay cả các tạp chí chuyên ngành cũng vậy, họ cũng thường đưa ra các bài nghiên cứu, báo cáo nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm nào đó. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các xã hội có nền tảng tự do yếu kém, hầu hết mọi người đều được nhận tin giả (fake news), không một chút sự thật, nên rất dễ bị thao túng, dẫn dụ theo ý đồ của những kẻ dân túy. Hãy luôn đặt nghi vấn trước các số liệu thống kê và nếu có thể hãy kiểm chứng nó, hay chí ít là lắng nghe từ nhiều chiều, bởi không có mô hình thống kê nào là chắc chắn hoàn toàn. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta dẹp bỏ nó, không quan tâm tìm hiểu nó, bởi dẫu sao nó cũng giúp chúng ta tập trung vào một số điểm chính quyết định đến biến kết quả của mô hình thống kê, từ đó giúp tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề ưu tiên nhằm đạt được kết quả mong muốn. Vì vậy, chúng ta thực sự cần thiết phải tìm hiểu về khoa học thống kê.

Khoa học

Chúng ta nên đọc về khoa học, nhưng chủ yếu là khoa học cơ bản. Không cần phải trở thành chuyên gia về khoa học, trừ khi chúng ta thực sự yêu khoa học và muốn trở thành một nhà khoa học đúng nghĩa. Khi đó chúng ta phải nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu, cao cấp hơn. Các vấn đề về sinh học, vật lý, thiên văn học, hóa học, địa chất,... nó liên quan và tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Mỗi con người tồn tại đều chịu sự chi phối của rất nhiều các quy luật của tự nhiên. Chúng ta làm việc gì, chúng ta đi đâu, hay sức khỏe của chúng ta như thế nào... những loại kinh nghiệm đã nêu ở phần trước đều chịu tác động, thậm chí một số còn xuất phát từ các vấn đề về sinh học, vật lý, hóa học, địa lý... nếu không hiểu căn bản về những quy luật này, chúng ta sẽ rất khó khăn để giải thích những gì xảy ra quanh mình, thậm chí làm giảm khả năng thích nghi và phát triển trong tự nhiên của chúng ta. Không nên tách rời với tự nhiên, hãy sống hòa thuận với thiên nhiên bằng cách hiểu thiên nhiên thông qua việc đọc các cuốn sách về khoa học, hay nó chính là một phần của nền giáo dục tốt nhất.

Ngoại ngữ

Cuối cùng là ngoại ngữ, nó rất cần thiết, đặc biệt là tiếng Anh. Nó giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp với thế giới bên ngoài, cho chúng ta thêm sự tự tin. Có thể nói tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay. Với tiếng Anh bạn có thể đến mọi quốc gia trên thế giới, tiếp cận với mọi tri thức, mọi nền văn minh của nhân loại. Hầu hết các cuốn sách kinh điển, sách về mọi môn khoa học dù được viết bằng ngôn ngữ nào ban đầu đi nữa cũng được chuyển qua tiếng Anh.

Để đọc sách tiếng Anh, chúng ta cũng cần phải học tiếng Anh nhưng không nhất thiết phải ở trường lớp. Bài viết này không tập trung vào phương pháp học ngoại ngữ, nhưng nói chung, học ngoại ngữ cũng tương tự như học “tiếng mẹ đẻ” (ngôn ngữ bản địa) theo quy trình “nghe -> nói -> đọc -> viết” một cách khoa học. Nghe nhiều điều hay thì nói sẽ tốt, đọc nhiều điều hay thì viết sẽ giỏi. Chúng ta nên tham khảo phương pháp học tiếng Anh của thầy AJ. Hoge giới thiệu sẽ rất hiệu quả, hoặc ít nhất cũng là học theo 7 quy tắc học tiếng Anh mà thầy đưa ra. Nếu muốn có ngôn ngữ tốt, chúng ta phải duy trì chu trình “nghe -> nói -> đọc -> viết” liên tục và không ngừng. Tất nhiên phải có hứng thú, đam mê theo đúng triết lý giáo dục đã nêu ở trên mới có thể duy trì lâu dài từ đó có được kết quả tốt được. Đừng hy vọng viết bằng ngoại ngữ như một nhà văn hay nói bằng ngoại ngữ như một diễn giả chuyên nghiệp trong một sớm một chiều, trừ khi chúng ta chọn nghề nghiệp là như vậy thì chúng ta cần phải luyện tập rất nhiều. Ít nhất, học ngoại ngữ là nhằm để nghe và đọc hiểu được người khác muốn truyền đạt thông điệp gì. Tập nghe và đọc thật nhiều chắc chắn ít nhất hai kỹ năng nói và viết cũng sẽ có thể ở mức dùng được. Điều quan trọng là học ngoại ngữ giúp chúng ta tiếp cận với tri thức, nhất là với tiếng Anh sẽ là vô cùng hiệu quả, chính nó là phương tiện để chúng ta tiếp cận với các loại sách đã nêu ở trên, nên nó sẽ mở ra thế giới cho chúng ta. Vì vậy, nó là một ngôn ngữ vô cùng cần thiết cho nền giáo dục đích thực của chúng ta.

Học tập suốt đời

Như vậy, chúng ta đã hoàn thành nội dung về nền giáo dục tốt nhất, nền giáo dục đích thực, nó bao gồm kinh nghiệm cuộc sống và kiến thức từ sách. Đó là một quá trình lặp đi lặp lại không ngừng, bổ trợ cho nhau giữa kinh nghiệm cuộc sống và kiến thức từ sách, hay đó chính là quá trình học tập suốt đời, và nó chính là phần bổ sung còn lại của triết lý về giáo dục.

Ứng dụng vào giáo dục trẻ em

Theo phương châm giáo dục trên, chúng ta nên cho trẻ được trải nghiệm bốn loại hình kinh nghiệm và đọc các loại sách về các chủ đề đã nêu ở trên càng sớm càng tốt. Tất nhiên, với mỗi độ tuổi, dựa trên sự quan sát rất chi tiết của cha mẹ để thấy khả năng hiện trạng của mỗi trẻ, chúng ta sẽ có chương trình phù hợp với chúng. Chúng ta có thể bắt đầu khi trẻ lên 7-8 tuổi, một số trẻ có thể sớm hơn. Ở độ tuổi đó, về cơ bản trẻ đã có khả năng tự chăm sóc cho mình những vấn đề cá nhân, trẻ cũng có thể bắt đầu đọc được sách.

Với kinh nghiệm, chúng ta có thể cho trẻ được trải nghiệm về hoạt động thể chất, được đi du lịch, được quan sát thế giới xung quanh, được tự làm một số công việc… Với việc đọc, hãy cho trẻ đọc bất cứ thứ gì chúng thích. Nếu trẻ thích tìm hiểu tự nhiên, về các loài động vật, về các loài thực vật, hãy cho chúng đọc, nhưng nên là các loại sách dành cho trẻ em. Nếu trẻ có hứng thú với khoa học, hãy cho chúng đọc về khoa học, những loại kiến thức hết sức cơ bản dành cho trẻ em. Trẻ 7-8 tuổi cũng có thể làm toán, hãy cho chúng học cách tính toán, nhưng tốt nhất là qua các tình huống thực tế, khi trẻ có nhu cầu phải tính toán điều gì hãy hỗ trợ trẻ, học cách đó sẽ giúp trẻ hiểu nhanh và nhớ lâu. Nói chung, hãy để trẻ được đọc những gì chúng muốn, chúng có nhu cầu, điều quan trọng là tạo được thói quen đọc cho trẻ. Vấn đề của cha mẹ hay người làm giáo dục là chọn những cuốn sách phù hợp với khả năng và tâm lý của trẻ. Tất nhiên các loại sách dưới dạng kể chuyện là tốt nhất, nó dễ dàng để đọc và dễ cuốn hút, dễ tạo đam mê, dễ tạo khát khao tìm hiểu kiến thức một cách sâu rộng ở trẻ.


Theo nguyên lý này thì không một nhà trường nào có thể làm tốt bằng cha mẹ. Hãy nhớ rằng, giáo dục xuất phát từ chính gia đình, cha mẹ chính là người thầy tốt nhất của trẻ. Không thể dạy trẻ những bài học lý thuyết, giáo điều, đạo đức sáo rỗng… mà mọi hành động của cha mẹ thì không tuân theo những nguyên lý đó. Không thể ép trẻ rèn luyện thể dục thể thao, ép trẻ làm việc, hay ép trẻ đọc sách… trong khi cha mẹ thì hoàn toàn làm ngược lại. Trẻ sẽ học bằng cách quan sát thực tế, từ gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội. Mọi sự vận động của thế giới xung quanh đều tác động đến quá trình học tập của trẻ. Đặc biệt với độ tuổi ấu thơ hay thiếu niên, những quan niệm của trẻ về thế giới gần như là “trắng tinh”, trẻ chưa có khả năng quan sát, phán đoán, đánh giá… dựa trên cơ sở triết lý nào, nếu chúng ta để cho trẻ chỉ quan sát thấy đủ thứ bất bình thường, thậm chí xấu xa của thế giới xung quanh thì sẽ vô cùng khó khăn cho trẻ trong quá trình tự giáo dục sau này, và nó sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của trẻ. Hãy nhớ, cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của trẻ, vì vậy, hãy là người thầy hay đúng hơn là người huấn luyện viên truyền sự đam mê, khát khao hiểu biết, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng… để trẻ tìm đến chân lý của cuộc sống.


(Ý tưởng chính của bài viết này lấy từ các bài nói chuyện [talk shows] của thầy AJ. Hoge và được chỉnh sửa, bổ sung một số điểm. Người đọc hãy tìm đến các bài nói chuyện của ông [bằng tiếng Anh] để nắm được ý tưởng gốc từ chính tác giả. Ở đó không thuần túy chỉ về chủ đề giáo dục, chúng ta sẽ học được rất rất nhiều triết lý sống tuyệt vời từ ông. Vô cùng cảm ơn ông!)