Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Quyền lực nhà nước không của riêng ai và cũng không phải của nhóm người nào


Chủ đề kiểm soát quyền lực lại được xới lên như cách đây khoảng một năm cũng từ vị chính trị gia này. Giải pháp được đưa ra là gì, liệu có triệt để không? Hãy trang bị cho mình cái nhìn để thấy tận gốc vấn đề, từ đó, mỗi chúng ta sẽ có thể dự đoán phần nào kết quả xảy ra.

Theo triết gia, sử gia nổi tiếng Claude-Frédéric Bastiat (1801-1850), ở những xã hội kém tự do, những người nắm quyền lực, những nhà lập pháp, họ thường coi dân chúng như cục đất sét còn họ là người thợ gốm (Claude-Frédéric Bastiat, 1801-1850), thành bại của người dân là do họ nhào nặn. Tuy nhiên, chính họ, với nền tảng từ khi được sinh ra và lớn lên, chịu ảnh hưởng nặng nề từ những vấn đề hủ lậu của phong kiến Nho giáo Trung Hoa, kết hợp với sự u mê cái thứ thể chế phản tự do, khiến cho họ cho rằng mọi vấn đề của xã hội, thành hay bại chỉ do nhà nước - gồm một nhóm người, một giai cấp nào đó thực hiện… Hai cái nền tảng này đã tạo ra một xã hội phân biệt giai cấp, đẳng cấp, địa vị, ngôi thứ,… Nó buộc kẻ dưới luôn phải phục tùng cấp trên, phục tùng người có thứ bậc cao hơn, phi lý và buồn cười hơn nữa là trong vấn đề dòng họ thì người có thứ bậc thấp hơn luôn phải phục tùng người có thứ bậc cao hơn ngay cả khi kẻ đó vẫn là một đứa con nít, người trẻ luôn phải phục tùng người lớn tuổi hơn, phục tùng một cách phi lý mà không tuân theo nguyên tắc phải – trái, đúng – sai nào... Tư tưởng này cũng đi sâu vào nền giáo dục, để từ đó sản xuất ra những con người, mà ngay cả những người mang danh trí thức thì trong tâm thức của họ luôn thường trực tâm lý của kẻ nô lệ, của phận bề tôi. Bất cứ thành công nào họ đều nghĩ đó là thành quả của một cá nhân, của người khác mang lại, ở phạm vi một quốc gia thì sự ngu muội đó khiến người ta tôn sùng và biến cá nhân kia thành những vị thánh thần. Họ không hiểu, và cũng không chịu hiểu rằng, bất cứ thành công nào của quốc gia đều là do sự đóng góp của toàn bộ con người trong quốc gia đó, nơi mà con người được vận hành trong một bộ máy được cấu trúc một cách khoa học, để mỗi người trong bộ máy đều dễ dàng phát huy hết khả năng đặc biệt của mình nhằm mang lại lợi ích cho mình cũng như lợi ích chung cho cả quốc gia. Chắc chắn một điều rằng, thành bại của tập thể, của quốc gia không phải nhờ vào một cá nhân, "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", George Washington có sống lại mà rơi vào cái xã hội như đất nước Somalia ngày nay thì cũng thất bại, hay Bill Gates phải điều hành mấy Tập đoàn nhà nước ở ta (điển hình như VinaShin, VinaLines...) thì cũng đành thúc thủ mà thôi. Chính vì cường điệu vai trò cá nhân, thậm chí là thần thánh hóa vai trò cá nhân nên hậu quả là người ta cho rằng thành bại của quốc gia hiện nay là do một số cá nhân sâu mọt làm hỏng hình ảnh của cả bộ máy, đó chỉ là đổ thừa, là ngụy biện và không chính xác.

Công tác cán bộ không phải là khâu quyết định, mà quyết định thành bại là ở cấu trúc bộ máy. Nếu cấu trúc tốt thì những người kém tài năng, kém đức độ cũng không thể lọt vào vị trí quan trọng của bộ máy, và nó cũng sẽ tự động tìm được người có đủ tài đủ đức để điều hành bộ máy. Hơn thế nữa, với cấu trúc tốt, một người chỉ cần một chút tài năng cũng có thể trở thành vĩ nhân khi rơi vào những bộ máy đó, bởi bộ máy sẽ là nơi chắp cánh, là bệ phóng cho tài năng của cá nhân được bay xa.

Mỗi kỳ, mỗi năm tổng kết, nghe như có vẻ đều rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, và những giải pháp mới mang tính cải cách triệt để, và hứa hẹn mang lại thành công vang dội cho quốc gia trong tương lai, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thành tích vẫn báo cáo, lỗi thì cũng nhận ra nhưng lại mang tính tập thể, chẳng biết của ai. Cái vòng luẩn quẩn đó mãi không thoát ra được, bởi chỉ một điều duy nhất, một vấn đề gốc, cốt lõi cần giải quyết đó là quyền lực không thể thuộc về một cá nhân hay một nhóm người riêng lẻ nào, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, người nắm giữ quyền lực phải được kiểm soát. Quyền lực được phân chia giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn các quyền lực khác. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), đó là nguyên lý tối thượng mà mọi bộ máy tổ chức của con người từ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức,… hay lớn hơn là một quốc gia đều phải tuân thủ.

Xin vui lòng tham khảo thêm bài viết “Cái lồng quyền lực” đã đăng cách đây một năm cũng liên quan đến phát biểu của vị chính trị gia này về chủ đề kiểm soát quyền lực.

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Đọc, đọc gì và đọc như thế nào?

(Hình: sưu tầm từ internet)

Có thể nói rằng, đọc sách là bộ môn luyện tập cao quý. Nó đòi hỏi phải có quá trình khổ luyện theo một phương pháp khoa học thì người đọc mới có được thói quen, đồng thời mỗi khi đọc là có thể thấu hiểu được tinh thần của cuốn sách.

Ngày nay, việc đọc hay rộng hơn là việc học của chúng ta rất thụ động, và phần lớn lỗi đó là do hệ thống giáo dục của nhà trường. Những thứ vô hồn, vô cảm thậm chí là sự giả dối, nhưng do mục tiêu nào đó đã được đưa vào hệ thống giáo dục nhà trường, khiến cho người học luôn cảm thấy khô khan, vô cảm, xa rời thực tế. Học chỉ để thi, chỉ để lấy điểm, chỉ để có thành tích, chỉ nhằm đạt được sự tán thưởng từ một thế lực nào đó (gia đình, nhà trường và xã hội...). Học khoa học không nhằm mục đích là để có kiến thức, để hiểu khoa học, để hiểu về thế giới... mà chỉ nhằm có thành tích, hay người ta thường phê phán là "học gạo". Hệ thống giáo dục nhà trường hiện nay đã làm cho người học chán nản thậm chí thù ghét việc học, nhiều người coi quá trình đi học như là sự tù đày và chỉ mong thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Hầu hết họ ngừng đọc sau quá trình đi học ở nhà trường. Đó là xu thế chung hiện nay trên toàn thế giới chứ không chỉ ở những quốc gia kém tự do, kém phát triển, chỉ khác là ở những quốc gia đó thì hậu quả của nó lại càng nặng nề.

Tuy nhiên, cơ hội dành cho tất cả chúng ta là mọi thứ trên thế gian này chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nhờ có internet. Cơ hội cho chúng ta là có thể học một cách chủ động mọi thứ, với chi phí rất rẻ. Kho tàng sách điện tử là vô cùng đồ sộ và vô cùng rẻ, thậm chí rất nhiều cuốn sách kinh điển của nhân loại đã được lịch sử chứng minh hàng ngàn năm có giá bằng không. Sách giấy cũng dễ dàng để mua và cũng rất rẻ, nhiều cuốn sách lớn giá cũng chỉ bằng một ly cà phê.

Nhưng cũng chính vì chúng ta rơi vào trạng thái ở giữa một rừng tri thức, sách đủ mọi thể loại tràn ngập khắp nơi, trong đó có rất nhiều điều giả dối cũng được bày ra trước mắt chúng ta, cộng với việc có quá nhiều thú tiêu khiển tầm thường luôn cuốn hút chúng ta, khiến cho ta dễ phân tâm, sao nhãng khỏi việc học, việc đọc, và nếu có muốn đọc thì cũng rất khó khăn trong quá trình lựa chọn cái gì để đọc và thường dẫn chúng ta đến lựa chọn sai lầm.

Vậy chúng ta phải lựa chọn như thế nào, chọn cái gì để đọc và đọc như thế nào?

Chúng ta cùng suy ngẫm những lời của Triết gia - Henry David Thoreau về chủ để "Đọc", được ông đề cập trong tác phẩm kinh điển "Walden - Một mình sống trong rừng" để biết cách đọc gì và đọc như thế nào.

"Đọc tốt, tức là đọc những quyển sách thật sự trong một tinh thần thật sự, là một môn luyện tập cao quý, và là môn sẽ giao cho người đọc nhiều nhiệm vụ hơn bất kỳ bài tập nào mà phong tục ngày nay coi trọng. Nó đòi hỏi một sự huấn luyện như của vận động viên điền kinh, ý định bền bỉ hầu như suốt cuộc đời với đối tượng này. Sách phải được đọc một cách cẩn trọng và dè dặt như chúng được viết ra. Thậm chí nói được thứ tiếng của dân tộc viết ra sách đó cũng chưa đủ, vì có một sự chênh lệch đáng kể giữa văn viết và văn nói, ngôn ngữ nghe và ngôn ngữ đọc. Ngôn ngữ nói chung chỉ là phù du, tạm thời, một âm thanh, một thứ tiếng, một phương ngữ, hầu như có tính động vật, và chúng ta học chúng một cách vô thức, giống như những con vật, đó là ngôn ngữ của mẹ chúng ta. Ngôn ngữ viết là sự chín muồi và từng trải của tiếng nói, nếu tiếng nói là của mẹ chúng ta thì ngôn ngữ viết là của cha chúng ta, một sự thể hiện dè dặt và chọn lọc, quá nhiều ý nghĩa nghe bằng tai thì không hết, mà chúng ta phải được sinh ra lần nữa để nói. Đám đông người ở thời trung cổ chỉ nói tiếng Hi Lạp và tiếng Latin thì không có cơ may bẩm sinh đọc được những tác phẩm thiên tài viết bằng những ngôn ngữ ấy; vì chúng không được viết bằng thứ tiếng Hi Lạp hay Latin mà họ biết, mà bằng thứ ngôn ngữ chọn lọc của văn chương. Họ không biết những phương ngữ quý tộc hơn của Hi Lạp và La Mã, mà những vật liệu đó chúng được viết đối với họ chỉ là giấy lộn, trái lại, họ rất quý thứ văn chương rẻ tiền đương thời. Nhưng khi nhiều dân tộc châu Âu đã có được những ngôn ngữ viết riêng biệt tuy còn đơn giản của họ, đủ cho những mục đích của nền văn học đang lên của họ, thì nền cổ học được phục hưng, và các học giả đã có thể từ sự xa cách đó (ý của tác giả là qua nhiều thế kỉ trôi qua, đến thời Phục Hưng người ta mới tìm thấy lại những giá trị của Cổ điển Hi-La) nhận rõ được những kho báu cổ xưa. Những gì mà đám đông La Mã và Hi Lạp ngày trước không thể nghe, thì sau nhiều thế kỉ trôi qua chỉ một ít học giả đọc, và số học giả ngày nay vẫn còn đọc chúng còn ít hơn nữa.

Dù chúng ta có thể ngưỡng mộ đến đâu tài hùng biện lâu lâu có dịp bùng ra của nhà hùng biện, thì những lời cao quý nhất được viết ra thường ở đằng sau hoặc bên trên thứ ngôn ngữ nói trôi tuột qua ấy, như bầu trời đầy sao đằng sau những đám mây. Có những vì sao, và có những người có thể đọc chúng. Các nhà thiên văn mãi mãi bình luận và quan sát chúng. Chúng không phải là những hơi thở giống như hơi thở đầy hơi nước và những cuộc nói chuyện hàng ngày của chúng ta. Cái gọi là sự hùng biện trong diễn đàn thường được thấy là phép tu từ trong nghiên cứu. Nhà hùng biện tràn ngập cảm hứng trong một dịp nhất thời, và nói với đám đông trước mặt ông, với những người có thể nghe ông; nhưng nhà văn, cuộc sống điềm đạm hơn là cơ hội của họ, điều mà đám đông gây cảm hứng cho nhà hùng biện có thể làm cho họ sao nhãng, họ nói là nói với nhân loại thông minh và lành mạnh, với tất cả những thời đại có thể hiểu họ.

Khi một nhà buôn dốt nát và kiêu ngạo nhờ công việc kinh doanh thành công mà giành được nhàn rỗi và độc lập, và được chấp nhận vào giới giàu sang, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ quay sang những giới có tri thức và tài năng, cao hơn nhưng khó vào hơn, và nhận ra sự dở dang của văn hóa của ông ta, sự phù phiếm và thiếu hụt trong sự giàu có của ông ta, và hơn nữa nó chứng tỏ sự nhìn xa của ông bằng những nỗ lực cho con cái của ông cái nền tảng văn hóa trí thức mà ông cảm thấy rõ sự cần thiết của nó, và như vậy ông trở thành người sáng lập gia đình.

Những người không học những tác phẩm kinh điển trong ngôn ngữ mà nó được viết chắc chắn sẽ có kiến thức rất không hoàn hảo về lịch sử loài người; vì một điều đáng chú ý là không có bản ghi chép nào của chúng bằng bất kỳ một thứ tiếng hiện đại nào, trừ phi bản thân nền văn minh của chúng ta có thể coi là một bản ghi chép như vậy…"

Vì vậy, chúng ta cần đọc sách nguyên bản, hay đọc bản gốc bằng ngôn ngữ mà cuốn sách đó được viết ra.

"Phần lớn mọi người thỏa mãn với việc đọc và nghe đọc, và lâu lâu được thuyết phục bởi sự khôn ngoan sáng suốt của một cuốn sách tốt (ví dụ như Kinh thánh), rồi sống vô vị trong phần còn lại của cuộc đời, và tiêu tan những khả năng của họ trọng cái gọi là việc đọc dễ dàng…

Có những người, giống như những con chim cốc và đà điểu châu Phi, có thể tiêu hóa tất cả những thứ này, thậm chí sau một bữa ăn ê hề thịt cá rau quả, vì họ không chịu để cái gì uổng phí. Nếu những người khác là những cỗ máy cung cấp những thức ăn tạp này, thì họ là những cái máy để đọc nó. Họ đọc câu chuyện thứ chín nghìn về Zebulon và Sophronia (những nhân vật trong các tiểu thuyết tình cảm ăn khách thời tác giả viết cuốn sách này), và họ đã yêu như chưa từng có ai yêu trước đó, và con đường tình yêu đích thực của họ cũng chưa bao giờ suôn sẻ, dù chạy và vấp ngã thế nào, họ cũng sẽ đứng lên và lại tiếp tục…"

Vì vậy, chúng ta cần đọc những cuốn sách có giá trị, đã được lịch sử chứng minh sự đúng đắn của nó.

"Bất kì người nào trên đường đi của mình cũng sẽ dừng bước để nhặt một đồng đô la bạc; nhưng kìa trước mắt chúng ta có những lời bằng vàng mà những người khôn ngoan thông thái nhất thời cổ đã thốt ra, và giá trị của chúng đã được sự khôn ngoan của các thời đại kế tiếp nhau bảo đảm với chúng ta; thế mà chúng ta chỉ học để đọc được đến những cuốn dễ đọc, những cuốn sơ đẳng và lớp một, và khi chúng ta rời ghế nhà trường, từ cuốn sách dễ đọc và những sách truyện cho trẻ em và những người mới bắt đầu; và những sách chúng ta đọc, đến những cuộc nói chuyện, những suy nghĩ của chúng ta, tất cả đều ở trình độ thấp, chỉ xứng đáng với những người pigmy (người tầm thường, dốt nát), những người lùn…

New Englan có thể thuê tất cả những nhà thông thái trên thế giới đến đây để dạy nó, và chu cấp nơi ăn chốn ở cho họ trong toàn bộ thời gian, và không hề là tỉnh lẻ nữa. Đó là trường phi công lập chúng ta cần... Nếu cần, bớt đi một cây cầu bắc qua sông, chịu khó đi vòng một chút, và lao ít nhất một nhịp cầu qua cái vực tối tăm hơn của sự ngu dốt bao quanh chúng ta..."

Vì vậy, hãy đầu tư vào giáo dục tinh hoa, giáo dục dựa vào các nhà thông thái, sống gần họ, nghe họ, học hỏi từ họ chứ không phải dựa vào giáo dục trường lớp thông thường, làm vậy sẽ giúp chiến thắng sự ngu dốt bao quanh chúng ta. Hãy tìm đến tri thức được viết trong các cuốn sách kinh điển, nó đã được lịch sử hàng ngàn năm chứng minh tính đúng đắn. Hãy đọc một cách chủ động, đọc thứ mình thích, mở rộng, đào sâu chủ đề đó, lắng nghe, suy ngẫm những quan điểm trái ngược nhau về chủ đề đó, so sánh, đối chiếu những quan điểm và rút ra kết luận cho mình, từ đó mới biến cái tri thức của nhân loại trong sách được in sâu trong ta, hay nó đã là của ta, mà chỉ trực cơ hội là nó được tuôn ra như dòng thác đổ.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Rousseau bàn về hạnh phúc và ứng dụng trong giáo dục trẻ em


(Hình: sưu tầm)

Hạnh phúc là gì, làm gì để có hạnh phúc?

Đây là câu hỏi mà có lẽ ai cũng đặt ra và mất nhiều công sức để đi tìm câu trả lời, nhưng thực tế chẳng mấy người tìm ra chân lý của nó.

Phần lớn mỗi người chúng ta đều mải mê quay cuồng với những bộn bề của cuộc sống thực tại mà không sao thoát ra khỏi cái vòng xoáy quay cuồng ấy, để đến khi đã đi hết cuộc đời vẫn không hiểu chân giá trị của mình, mình sống vì điều gì, và làm sao để có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Nếu không bình tâm, tĩnh lặng để suy ngẫm, chúng ta mãi không thể hiểu hạnh phúc đến từ đâu? Hãy nhìn những con người đầy quyền lực, đầy tiền bạc, đầy danh vọng… nhưng nếu nhìn sâu trong tâm can họ, vẫn luôn tồn tại một nỗi niềm đau đáu, mà nhiều khi chính họ cũng không biết phải làm sao thoát khỏi nó. Rất nhiều trường hợp, nhất là những ngôi sao truyền hình hay những người làm việc trong giới nghệ thuật, nhìn vẻ ngoài của họ luôn hiện lên vẻ hào hoa, trang nhã, rực rỡ ánh hào quang của thành công, của hạnh phúc…, nhưng cũng chính người đó lại luôn gắn với hình ảnh của cảnh ăn chơi xa đọa, rượu chè, nghiện ngập, chia tay, ly dị, ghen ghét, chỉ trích lẫn nhau,… thậm chí nhiều người, do không thể chịu nổi áp lực đành chấm dứt cuộc đời trong tủi nhục, đau đớn… nghĩa là cuộc đời của những con người đó đâu có thể gọi là hạnh phúc. Vậy quan niệm về hạnh phúc có thực sự khó khăn đến vậy không?

Từ khi có loài người đến nay, chắc chắn có rất nhiều con người vĩ đại đã tìm về khái niệm cơ bản này của con người, trong số những con người ấy, chúng ta hãy cùng tham khảo những triết lý của Triết gia Jean-Jacques Rousseau (1772-1778), người được mệnh danh là "Người thầy của nhân loại". Khái niệm hạnh phúc được ông bàn luận tại tác phẩm kinh điển "Émile: hay là về giáo dục", chúng ta cùng suy ngẫm một số triết lý kinh điển này của ông.

“Chúng ta không biết thế nào là hạnh phúc hay bất hạnh tuyệt đối. Mọi sự đều hòa trộn trong cuộc đời này; ở đó người ta không nếm trải một cảm giác nào thuần túy, người ta không ở cùng một trạng thái tại hai thời điểm khác nhau. Các cảm nhận của tâm hồn chúng ta, cũng như những thay đổi của thân thể chúng ta, ở tình trạng biến chuyển liên tục. Cái tốt và cái xấu là chung cho tất cả chúng ta, nhưng với những mức độ khác nhau. Người hạnh phúc nhất là người cảm thấy ít buồn khổ nhất; người khốn khổ nhất là người ít niềm vui nhất. Bao giờ đau khổ cũng nhiều hơn niềm vui – điều này là chung cho tất cả chúng ta. Vậy hạnh phúc của con người nơi trần thế này chỉ là một trạng thái phủ định; hạnh phúc của con người được đo lường bằng số lượng ít nhất những nỗi khổ mà anh ta chịu đựng.

Mọi cảm giác về buồn khổ đều không tách rời khỏi mong muốn trốn thoát khỏi nó; mọi ý niệm về lạc thú đều xuất phát từ khát khao hưởng thụ nó; mọi mong muốn đều giả định rằng có một sự thiếu thốn, hay nhu cầu về nó, và tất cả những thiếu thốn mà ta cảm nhận thấy đều rất nặng nề; vậy nỗi khốn khổ của ta là ở tình trạng bất tương xứng giữa mong muốn và khả năng hay năng lực của ta. Một con người có được khả năng cân bằng với mong muốn sẽ là một cá thể hạnh phúc tuyệt đối.
=> Sự không tương xứng giữa mong muốn và khả năng đều tạo ra đau khổ.

Vậy sự khôn ngoan sáng suốt của con người hay bước đường dẫn tới hạnh phúc thực sự là gì? Nếu chỉ giảm bớt mong muốn của chúng ta thì chưa đủ; bởi, nếu mong muốn thấp hơn khả năng của ta, thì một phần năng lực của ta sẽ trở thành lãng phí, và ta sẽ không hưởng dụng hết bản thể của mình. Cũng không phải chỉ là tăng cường năng lực của chúng ta, bởi nếu mong muốn của ta đồng thời cũng tăng nhanh với tỷ lệ lớn hơn, thì ta càng trở nên khốn khổ hơn mà thôi. Hạnh phúc thực sự là giảm bớt sự khác biệt giữa mong muốn và khả năng của ta, là thiết lập một trạng thái cân bằng hoàn toàn giữa năng lực và ý muốn của ta. Chỉ lúc ấy mọi sức lực đều được sử dụng, mà tâm hồn vẫn an bình, và con người sẽ tìm thấy chính mình ở đúng vị trí mà anh ta đang hiện hữu.

Thiên nhiên, vốn đã làm mọi điều mỹ mãn nhất, đã tạo lập cho con người như vậy ngay từ thuở ban đầu. Thiên nhiên vốn dĩ chỉ cho con người những mong muốn cần thiết cho việc tự bảo tồn nó và những năng lực đủ để thỏa mãn các mong muốn ấy. Thiên nhiên đã để mọi mong muốn khác dự trữ trong đáy sâu tâm hồn con người, và có thể lấy ra khi cần. Chỉ trong trạng thái nguyên sơ này chúng ta mới tìm được sự cân bằng giữa mong muốn và khả năng, và con người mới không khổ sở. Ngay khi những năng lực tiềm ẩn của tâm trí bắt đầu hoạt động, trí tưởng tượng, nó mạnh mẽ hơn tất cả các phần còn lại, liền thức tỉnh, và vượt lên tất cả các năng lực khác. Chính trí tưởng tượng mở rộng phạm vi khả năng cho chúng ta, cho dù là tốt hay xấu, và do đó nó kích thích và nuôi dưỡng những ham muốn bằng hy vọng thỏa mãn được chúng. Nhưng mục tiêu ban đầu có vẻ như trong tầm tay lại trốn chạy nhanh hơn mức ta có thể đuổi theo theo nó; khi ta tưởng mình đạt tới nó, nó liền biến chuyển, và một lần nữa lại chạy xa về phía trước ta. Chúng ta không còn nhận thấy miền đất đã đi qua, nên chúng ta không còn nghĩ gì về nó, cái mà trước kia ở ngay phía trước chúng ta, giờ đây trở nên trải rộng mênh mông và kéo dài vô tận phía trước. Cứ như vậy chúng ta kiệt sức và không bao giờ đạt tới đích, và càng tiến gần đến trạng thái an lạc, thì hạnh phúc lại càng xa vời với chúng ta hơn.

Ngược lại, con người càng gần với trạng thái tự nhiên của mình, thì sự khác biệt giữa năng lực và mong muốn càng nhỏ, và do đó hạnh phúc càng ít xa rời anh ta. Khi anh ta có vẻ như không có tất cả mọi thứ lại là khi anh ta ít khốn khổ hơn bao giờ hết; bởi nỗi khốn khổ không ở sự thiếu thốn các thứ đó, mà ở những nhu cầu về thứ mà họ cảm thấy về nó khi họ chưa đạt được nó.

Thế giới hiện thực có những giới hạn của nó, thế giới tưởng tượng lại là vô tận; vì không thể mở rộng được thế giới nọ, thì ta hãy thu hẹp thế giới kia; bởi chỉ từ sự khác biệt giữa hai thế giới mà nảy sinh mọi nỗi khổ khiến chúng ta thành bất hạnh thật sự. Ngoại trừ sức khoẻ, sức mạnh, và lương tri, tất cả những điều tốt đẹp của cuộc sống đều là vấn đề của quan điểm nhìn nhận; ngoại trừ sự đau đớn về thể xác và sự ăn năn, tất cả những đau khổ của chúng ta đều là do tưởng tượng. Bạn sẽ nói với tôi rằng điều này là phổ biến; Tôi chấp nhận nó, nhưng trong thực tế lại là không phổ biến, và nó chỉ là với cái thực tế mà chúng ta đang quan tâm đến mà thôi.

Khi người ta bảo rằng con người là yếu đuối, người ta muốn nói lên điều gì? Cái từ yếu đuối hàm ý một mối quan hệ, đó là mối quan hệ của đấng tạo hóa đối với con người. Một con côn trùng hoặc con sâu có sức mạnh vượt quá nhu cầu của nó là một hữu thể mạnh mẽ; một con voi, một con sư tử, một người đi xâm lược, một anh hùng, một vị thần, có nhu cầu vượt quá sức mạnh của mình lại là một hữu thể yếu đuối. Vị thiên thần nổi loạn và chiến đấu chống lại bản năng tự nhiên của mình thì yếu hơn người sắp lìa đời trong trạng thái viên mãn, là người sống hòa hợp, thuận theo tự nhiên. Khi con người hài lòng với bản thân mình, người đó thực sự mạnh mẽ; khi anh ta cố gắng gồng mình để có được nhiều hơn thì anh ta yếu ớt thực sự. Nhưng đừng tưởng rằng bạn có thể tăng sức mạnh bên ngoài bằng cách tăng năng lực tiềm ẩn bên trong của mình. Không phải như vậy; nếu niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của bạn tăng nhanh hơn sức mạnh của bạn thì lại là sự suy giảm. Chúng ta hãy đo lường phạm vi mức độ ảnh hưởng của chúng ta và giữ ta ở trung tâm như con nhện trong mạng lưới của nó; chúng ta sẽ có đủ sức mạnh cho nhu cầu của chúng ta, chúng ta sẽ không có lý do để than thở về sự yếu đuối của chúng ta, bởi chúng ta không bao giờ cảm nhận thấy nó.

Các động vật khác nhau đều chỉ có đủ năng lực cần thiết để sinh tồn, riêng con người là có nhiều hơn. Liệu có lạ lùng không, khi chính sự dư thừa này lại gây nên nỗi khốn khổ của con người? Ở mọi xứ sở, sức lực lao động của một người thường lớn hơn nhu cầu sinh nhai đơn giản. Nếu anh ta đủ khôn ngoan để bỏ qua sự dư thừa này, anh ta sẽ luôn có đủ, vì anh ta sẽ không bao giờ có quá nhiều. Favorin nói rằng "Những nhu cầu lớn" xuất phát từ sự quá giàu có; và thường, cách tốt nhất để có được những gì chúng ta muốn là bỏ đi những gì chúng ta có. Bằng cách cố gắng gồng mình để gia tăng hạnh phúc mà ta biến hạnh phúc ấy thành sự bất hạnh. Nếu một người đơn thuần chỉ muốn sống mà thôi, anh ta sẽ sống hạnh phúc; và vì vậy anh ta sẽ sống nhân hậu, bởi anh anh ta đâu được lợi gì với những thói xấu xa, vô đạo đức?

Nếu như chúng ta là bất tử, chúng ta sẽ là những hữu thể rất khốn khổ; chết đi, chắc hẳn là tàn khốc, nhưng thật là ngọt ngào khi nghĩ rằng chúng ta sẽ không sống mãi, và rằng, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi chấm dứt những nỗi khổ trên thế gian này. Nếu chúng ta được tặng sự bất tử trên trần gian, ai là người (những người biết suy nghĩ chứ không phải tất cả mọi người) sẽ nhận món quà đáng buồn ấy? Những nguồn lực nào, hy vọng nào, điều an ủi nào sẽ còn lại với chúng ta, để chống lại những khắc nghiệt của số phận và sự bất công của người đời? Người ngu dốt chẳng dự liệu gì hết; anh ta ít cảm nhận về giá trị của cuộc sống và không sợ mất nó; người sáng suốt thì nhìn thấy những thứ có giá trị lớn hơn và được người đó ưu ái hơn những giá trị khác và họ khư khư giữ lấy nó. Chỉ có sự hiểu biết nửa vời và sự khôn ngoan sai lầm, dẫn dắt tầm nhìn của chúng ta đến cái chết, và không vượt xa hơn nó; nó khiến cho cái chết trở thành tai họa tệ hại nhất đối với ta. Người hiền minh chịu đựng tất cả các loại bệnh tật của cuộc sống tốt hơn người khác, bởi vì anh ta biết, anh ta tất yếu phải chết. Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng giá trị khi chúng ta không biết thời điểm nào cái chết sẽ chấm dứt nó, bởi nó sẽ xảy ra chẳng sớm thì muộn.

Ngoại trừ những căn bệnh về đạo đức là kết quả của thành kiến và tội ác, và nó phụ thuộc vào chính chúng ta. Còn những căn bệnh về thể xác thì hoặc là chấm dứt chúng hoặc là chấm dứt sự tồn tại của chúng ta. Thời gian hay cái chết sẽ chữa lành những căn bệnh về thể xác, nhưng chúng ta càng ít biết cách chịu đựng, chống đỡ bệnh tật, thì nỗi đau trong ta càng lớn, và chúng ta tự hành hạ mình trong nỗ lực để chữa lành bệnh tật nhiều hơn sự hành hạ khi chịu đựng bệnh tật. Sống thuận theo tự nhiên, hãy bình tâm, và chạy thoát khỏi thầy thuốc; bạn sẽ không thoát khỏi cái chết, nhưng bạn sẽ chỉ chết có một lần, trong khi đó các thầy thuốc sẽ làm cho bạn chết hàng ngày thông qua sự tưởng tượng, suy nghĩ về bệnh tật; và y thuật dối trá của họ, thay vì kéo dài những ngày tháng cho bạn, lại cướp đi của bạn sự thụ hưởng những ngày tháng đó và mang lại sự thỏa mãn cho chính các thầy thuốc. Tôi luôn luôn hỏi điều gì thực sự tốt, y thuật đã làm những gì cho nhân loại? Đúng vậy, các bác sĩ chữa lành bệnh cho một số người, nhưng những bệnh nhân này rồi cũng sẽ chết, và chính các thầy thuốc sẽ giết hàng triệu người, những người đang sống, khi họ luôn phải suy nghĩ, tưởng tượng về bệnh tật. Nếu bạn khôn ngoan, bạn sẽ từ chối tham gia vào trò chơi xổ số này khi tỷ lệ đặt cược rất cao so với bạn. Đau đớn, chết chóc, hoặc bạn cũng có thể trở nên tốt hơn, nhưng bất cứ điều gì bạn làm là hãy sống trong khi bạn đang còn sống.

Tất cả chỉ là sự điên rồ và mâu thuẫn trong các thiết chế của con người. Khi cuộc sống của chúng ta mất dần giá trị, chúng ta càng thấy nó đáng giá và lo lắng về nó nhiều hơn. Những người già thì nuối tiếc cuộc sống hơn những người trẻ; họ không muốn mất đi tất cả những gì họ đã chuẩn bị cho việc hưởng thụ cuộc sống. Ở tuổi sáu mươi, thật là ác nghiệt nếu chết trước khi bắt đầu sống. Con người được cho là có khát vọng mạnh mẽ để tự bảo tồn mình, và khát khao này thực sự tồn tại; nhưng chúng ta lại không nhận thức được khát khao này, chúng ta phần lớn chỉ cảm nhận về các sản phẩm của con người. Ở trạng thái tự nhiên, con người chỉ thiết tha để bảo tồn mạng sống của mình, khi đó anh ta cũng có đủ phương kế cho việc bảo tồn mạng sống. Và khi sự tự bảo tồn này không còn có thể nữa, anh ta chấp nhận từ bỏ theo số mệnh và chết đi mà không dằn vặt một cách vô ích. Thiên nhiên dạy chúng ta quy luật đầu tiên là biết chấp nhận từ bỏ, buông xuôi theo quy luật của tự nhiên. Người hoang dã, cũng giống như những con thú hoang dã, rất ít giãy giụa chống lại cái chết, và chấp nhận nó hầu như không than thở. Khi luật của tự nhiên này bị hủy bỏ, lý trí lại thiết lập một luật khác thay thế, nhưng ít người phân biệt được sự khác biệt này, nên sự chấp nhận từ bỏ này không bao giờ hoàn hảo và trọn vẹn như sự chấp nhận đối với tự nhiên.

Sự cẩn trọng! Sự cẩn trọng không ngừng đặt chúng ta nhìn về phía trước, cái tương lai mà trong rất nhiều trường hợp chúng ta không bao giờ đạt tới, đó là nguồn gốc thực sự mọi khốn khổ của chúng ta. Thật điên rồ biết bao khi một hữu thể phù du tạm bợ như con người lại luôn nhìn ra xa về một tương lai rất hiếm khi đạt tới, trong khi lại bỏ qua hiện tại, cái mà mình đang hiện hữu. Tất cả những thói điên rồ này lại càng tai hại hơn bởi vì nó không ngừng tăng lên theo tuổi tác; những người già thì luôn nhút nhát, thận trọng, và khốn khổ, thích làm những việc không cần thiết ngày hôm nay, những thứ họ cho là sang trọng hàng trăm năm sau. Bởi vậy chúng ta níu chặt lấy mọi thứ, chúng ta khư khư giữ lấy mọi thứ; chúng ta lo lắng về thời gian, địa điểm, con người, sự vật, tất cả những gì đang tồn tại và tất cả những gì sẽ tồn tại; chúng ta là chính mình nhưng chỉ là một phần rất nhỏ của chính chúng ta. Có thể nói chúng ta phân tán, dàn trải chính mình trên toàn trái đất (cho quá nhiều mục tiêu), và trở nên mong manh trên khoảng rộng mênh mông này. Không ngạc nhiên khi nỗi thống khổ của chúng ta tăng lên gấp bội, khi chúng ta có thể bị tổn thương ở tất cả mọi phía. Bao ông hoàng sầu não vì mất một xứ sở mà ông ta chưa từng nhìn thấy, và bao nhiêu thương gia than thở ở Paris chỉ vì có điều không may xảy ra ở Ấn Độ.

Có phải tự nhiên đem con người đi xa khỏi bản thân họ đến thế hay không? Có phải tự nhiên muốn cho con người biết được số phận của mình qua người khác, thậm chí còn là kẻ biết cuối cùng; vì vậy có người chết đi trong hạnh phúc hoặc chết đi trong khốn khổ trước khi anh ta biết điều gì là có giá trị với anh ta. Tôi nhìn thấy một con người khỏe mạnh, vui vẻ, cường tráng, đầy sinh lực; sự hiện diện của người ấy khơi gợi niềm vui; mắt người ấy biểu lộ sự hài lòng, niềm an lạc; người ấy mang theo mình hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng một lá thư từ bưu điện gửi đến; con người hạnh phúc nhìn bức thư, nó được gửi cho anh ta, anh ta mở ra, đọc thư. Lập tức thần sắc anh ta thay đổi; anh ta tái mặt đi, ngất xỉu. Tỉnh lại, anh ta khóc lóc, giãy giụa, rền rĩ, bứt tóc, dứt tai, kêu gào vang dội, anh ta như bị co giật. Kẻ điên cuồng mất trí! Mảnh giấy kia đã làm hại gì anh ta? Nó đã làm mất của anh ta cái chân hay cái tay? Nó đã khiến anh phạm tội ác gì? Rốt cuộc nó đã thay đổi gì trong bản thân anh ta để đẩy anh vào tình trạng mà tôi đang thấy?
Giả sử lá thư bị thất lạc, giả sử một bàn tay nhân ái ném nó vào ngọn lửa, thì số phận con người vừa hạnh phúc vừa bất hạnh đồng thời kia, dường như là một vấn đề hết sức dị thường. Các vị sẽ bảo rằng nỗi bất hạnh của anh ta là có thực. Rất đúng, nhưng anh ta không cảm thấy nó. Vậy nó ở đâu? Hạnh phúc của anh ta là do tưởng tượng. Nếu giả sử như vậy thì sức khỏe, sự giàu có, sự vui tươi, niềm an lạc, sự hài lòng trong tâm trí, chỉ là những ảo ảnh. Chúng ta không còn sống ở nơi ta đang hiện hữu, chúng ta sống bên ngoài nó. Có lợi ích gì cho chúng ta khi sống trong trạng thái luôn lo sợ về cái chết, trong khi tất cả những gì làm cho cuộc sống trở nên đáng sống lại là ở trong chính chúng ta.

Trời ơi! Hãy sống cuộc sống của chính bạn và bạn sẽ không còn bị khổ đau nữa. Hãy ở lại nơi mà tự nhiên đã dành cho bạn và không có gì có thể kéo bạn ra khỏi đó. Đừng chống lại quy luật khắc nghiệt của tất yếu, và đừng làm cho mình trở nên kiệt quệ, vì cứ muốn cưỡng lại quy luật ấy, những sức lực mà thượng đế ban cho anh không phải để mở rộng hoặc kéo dài sự tồn tại của anh, mà chỉ để bảo tồn nó theo đúng như ý của tạo hóa đã dành cho. Tự do của anh, quyền lực của anh, chỉ trải ra xa rộng ngang tầm sức lực tự nhiên của anh, mà chẳng vượt quá; bất cứ thứ gì vượt quá đều sẽ chỉ là trạng thái nô lệ, ảo tưởng, dụ hoặc. Ngay cả quyền lực thống trị cũng mang tính nô lệ khi nó lệ thuộc vào ý kiến dư luận; bởi anh ta phụ thuộc vào thiên kiến của những kẻ do anh chi phối bằng các thiên kiến. Để điều khiển họ xử sự theo ý anh, anh phải xử sự theo ý họ. Họ chỉ cần thay đổi cách nghĩ, thế là anh sẽ buộc phải thay đổi cách hành động. Những kẻ tiếp cận anh chỉ cần biết chi phối ý kiến của dân chúng mà anh tưởng là đang bị anh chi phối, hoặc ý kiến của những người được anh sủng ái đang chi phối anh, hoặc ý kiến của gia đình anh. Giả sử anh có tài năng phi thường giống như Themistocles (một chính khách nổi tiếng người Athènes 525-460 TCN, ông nói với bạn bè rằng: thằng bé mà bạn đang nhìn thấy đây, là chúa tể của Hy Lạp; vì nó chi phối mẹ nó, mẹ nó chi phối tôi, tôi chi phối người Athènes, còn người Athènes chi phối dân Hy Lạp. Ôi! Nhiều khi người ta tìm thấy những chỉ huy xiết bao bé nhỏ của những đế chế lớn lao nhất, nếu từ ông hoàng người ta đi xuống dần từng bậc cho đến bàn tay đầu tiên ngấm ngầm khởi động), thì các tể tướng, các cận thần, linh mục, binh lính, người hầu, những kẻ lắm lời, hay thậm chí là con cái anh, sẽ chỉ đạo anh như chính anh là một đứa trẻ giữa những quân đoàn của anh. Dù anh có làm gì đi nữa, uy quyền thực sự của anh không bao giờ đi xa hơn các năng lực thực sự nơi anh. Ngay khi buộc phải nhìn bằng con mắt của kẻ khác, là phải muốn theo ý muốn của họ. Anh tự hào bảo rằng: “Dân chúng là thuộc hạ của tôi”. Được. Nhưng anh thì là gì? Là thuộc hạ của các cận thần của anh. Và cận thận của anh, họ là ai? Là thuộc hạ của các thư ký, các nhân tình, là người hầu của những người hầu họ. Anh hãy nắm chặt mọi thứ, hãy chiếm đoạt mọi thứ, rồi vung tiền bạc rủng rỉnh; hãy lập những phân đội đại bác; hãy dựng những giá treo cổ, những xa hình; hãy tạo ra các đạo luật, các pháp lệnh; hãy gia tăng bọn do thám, các binh lính, các đao phủ, các nhà tù, xiềng xích. Ôi con người tội nghiệp, tất cả những thứ đó giúp gì cho anh? Các anh chẳng vì thế mà được phục vụ tốt hơn, hay bị ăn cắp ít hơn, hoặc bị lừa dối ít hơn, anh cũng sẽ không tiến gần hơn đến quyền lực tuyệt đối. Và các anh sẽ tiếp tục nói rằng: “Chúng tôi sẽ”, và các anh sẽ tiếp tục làm những điều mà kẻ khác muốn.

Chỉ có một người duy nhất, người làm theo chính ý muốn của anh ta, người có thể làm điều ấy bằng chính đôi tay của anh ta; do đó, điều tốt nhất với con người không phải là quyền lực mà là tự do. Con người thực sự tự do chỉ khát khao điều gì anh ta có khả năng làm được, và làm điều gì anh ta thích. Đó là phương châm cơ bản của tôi. Hãy áp dụng phương châm đó cho tuổi thơ, và mọi quy tắc giáo dục sẽ suy ra từ đó.

Từ đây ta sẽ ứng dụng quan niệm về hạnh phúc vào giáo dục trẻ em

Xã hội đã làm cho con người thành yếu đuối hơn, không chỉ tước đi quyền của con người đối với sức lực của chính mình, mà hơn nữa khiến cho những sức lực ấy thành không đủ cho những nhu cầu thiết yếu của anh ta. Chính đó là điều khiến cho các mong muốn của con người gia tăng cùng với sự yếu đuối, và đó chính là điều làm nên sự yếu đuối của tuổi thơ so với tuổi trưởng thành. Nếu người trưởng thành là một hữu thể mạnh, và nếu đứa trẻ là một hữu thể yếu, thì không phải vì người lớn có sức mạnh tuyệt đối lớn hơn đứa trẻ, mà đó là vì người lớn có thể tự túc một cách tự nhiên theo đúng bản năng, còn đứa trẻ thì không thể như vậy. Vì vậy, người lớn có nhiều mong muốn hơn, còn đứa trẻ thì thường thất thường hơn, điều này nghĩa là, mong muốn của trẻ chưa hẳn là những nhu cầu thực sự cần thiết, và nó chỉ được thỏa mãn nhờ vào sự giúp đỡ của người khác mà không thể tự túc được.

Tôi đã nói rõ lý do của trạng thái yếu đuối này. Lòng yêu thương của cha mẹ với trẻ em là tự nhiên; nhưng khi tình yêu thương trở thành sự chăm sóc con cái một cách thái quá, nó có thể là mong muốn đơn thuần, hay nó có thể là bị lạm dụng. Cha mẹ sống trong điều kiện của đời sống xã hội thông thường, vì sự cẩn trọng, đã mang con mình vào trạng thái này quá sớm. Bằng việc gia tăng các nhu cầu cần thiết của trẻ, họ không những không làm giảm bớt đi mà còn làm gia tăng sự yếu đuối của nó. Họ làm gia tăng hơn nữa sự yếu đuối ấy bằng cách đòi hỏi ở đứa con, điều mà tự nhiên không đòi hỏi ở nó, bằng cách phục vụ ý muốn của cha mẹ về những thứ hơn cả mong muốn của chính nó, trong trạng thái sức lực ít ỏi của đứa con có được. Do phải làm nô lệ cho mong muốn của cha mẹ hoặc của chính đứa trẻ, thay vì phải hiểu rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái là xuất phát từ sự yếu ớt vốn có của đứa trẻ và tình thương yêu bản năng của cha mẹ dành cho con cái. Với cách như vậy, cha mẹ đã biến sự phụ thuộc theo lẽ tự nhiên trở thành tình trạng nô lệ lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.

Người khôn ngoan thì biết ở giữ đúng vị trí của mình; nhưng đứa trẻ thì không biết vị trí của nó nên tự nó không thể giữ được vị trí của nó. Đứa trẻ có hàng ngàn cách để ra khỏi vị trí đó, và công việc của những người dạy dỗ nó là phải giữ nó ở lại vị trí ấy, và nhiệm vụ này không dễ chút nào. Nó không phải là thú vật mà cũng không phải là người trưởng thành, nó là một đứa trẻ. Cần để nó cảm nhận được sự yếu đuối ấy nhưng không phải đau khổ vì sự yếu đuối ấy; cần để nó bị phụ thuộc chứ không khuất phục; cần để nó yêu cầu chứ không ra lệnh. Nó chỉ phục tùng người khác bởi nhu cầu cần thiết của nó, bởi vì họ thấy rõ hơn cái gì thực sự cần thiết với nó, cái gì có thể trợ giúp hoặc cản trở sự tồn tại của nó. Không ai, ngay cả người cha, có quyền bắt đứa trẻ làm những điều chẳng có lợi ích gì cho nó.

Khi những thiên hướng tự nhiên của chúng ta chưa bị can thiệp bởi các thành kiến và các thiết chế của con người, thì hạnh phúc của trẻ thơ cũng như của người lớn cốt ở sự tận hưởng sự tự do của mình; nhưng tự do của trẻ thơ bị giới hạn bởi sự yếu đuối của nó. Ai làm điều mình muốn là người hạnh phúc, nó mang lại cho anh ta cảm giác tự thỏa mãn; đó là trường hợp của người trưởng thành sống trong trạng thái tự nhiên. Ai làm điều mình muốn mà lại không thấy hạnh phúc, là bởi vì nhu cầu của anh ta vượt quá sức lực của mình: đó chính là trường hợp của đứa trẻ cho dù nó ở trong trạng thái tự nhiên. Ngay trong trạng thái tự nhiên, trẻ thơ cũng chỉ được hưởng một trạng thái tự do không hoàn toàn, giống như sự tự do mà người lớn được hưởng trong đời sống xã hội. Mỗi người trong chúng ta, do không thể không cần đến sự hỗ trợ của những người khác, nên lại trở thành yếu đuối và khốn khổ. Chúng ta được cấu tạo để là người lớn, nhưng các luật lệ và các phong tục tập quán lại ném chúng ta trở lại trạng thái của trẻ thơ. Những người giàu có, những người cao sang, những bậc vua chúa đều là những đứa trẻ, thấy người ta sốt sắng giảm bớt nỗi khốn khổ cho mình, những hành động đó tạo cho họ một sự tự cao tự đại ấu trĩ, và họ trở nên kiêu hãnh vì những sự chăm sóc mà mọi người sẽ chẳng dành cho họ nếu họ là người trưởng thành.

Những sự xem xét này hết sức quan trọng, và chúng giúp giải quyết mọi mâu thuẫn của hệ thống xã hội của chúng ta. Có hai loại phụ thuộc: tình trạng phụ thuộc sự vật, mang tính tự nhiên; tình trạng phụ thuộc con người, mang tính xã hội. Tình trạng phụ thuộc sự vật, vì không có một ý nghĩa đạo đức nào, nên không hề phương hại đến tự do, và không tạo ra sự xấu xa; còn tình trạng phụ thuộc con người, thì lộn xộn không theo trật tự nào, nên sinh ra mọi thói xấu xa, và chính do sự phụ thuộc kiểu chủ nhân và nô lệ như vậy (trong trường hợp nuôi dạy trẻ là quan hệ giữa cha mẹ và con cái) lại làm suy đồi lẫn nhau. Nếu có phương kế nào để chữa trị những xấu xa trong xã hội này, thì đó là đem luật lệ thay cho cá nhân con người, trang bị cho các ý muốn chung một sức mạnh thực sự, cao hơn sức mạnh của bất kỳ ý muốn của cá nhân riêng lẻ nào. Nếu luật lệ của quốc gia, giống như luật của tự nhiên (vừa nghiêm khắc lại vừa hài hòa), thì nó sẽ không bao giờ bị phá vỡ bởi bất kỳ sức mạnh nào của con người, lúc đó, tình trạng phụ thuộc con người sẽ lại trở thành tình trạng phụ thuộc sự vật; và tất cả những lợi ích của trạng thái tự nhiên sẽ được kết hợp với tất cả những lợi ích của đời sống xã hội trong toàn thể cộng đồng của quốc gia đó. Sự tự do vốn giữ cho con người tránh khỏi những thói xấu xa, lúc này sẽ kết hợp với đạo đức để nâng con người lên tới đức hạnh.

Trong cõi trần ai này, hàng ngàn nỗi đam mê cháy bỏng thu hút tình cảm nội tâm và lừa gạt niềm ăn năn, hối tiếc (khi hành xử đê tiện) trong mỗi con người. Những điều nhục nhã, những tai họa phải chịu đựng khi thực hành các đức hạnh, nó đã cản trở người ta cảm nhận sự thú vị của việc thực hành này. Nhưng khi nào trút hết đi được các ảo tưởng mà các cảm giác do các giác quan thể xác của ta tạo ra, thì chúng ta sẽ thấy được niềm vui, niềm hân hoan mà Đấng tạo hóa dành cho ta, và thấy được chân lý vĩnh hằng mà Người là nguồn cội; khi tất cả sức mạnh của tâm hồn của chúng ta tồn tại cùng với vẻ đẹp của trật tự tự nhiên, chúng ta hoàn toàn chú tâm vào việc so sánh điều chúng ta đã làm với điều chúng ta phải làm; khi đó, chính tiếng nói của lương tri sẽ dành lại sức mạnh và quyền thống trị của nó; và lúc đó là thời khắc khoái cảm thuần khiết sinh ra từ sự thỏa mãn và hài lòng về chính mình, hay con người đạt được trạng thái hạnh phúc viên mãn nhất.”

Như vậy, hạnh phúc không phải là quyền lực, tiền bạc, danh vọng… không phải ai có những thứ đó nhiều hơn thì sẽ hạnh phúc hơn những người khác. Hạnh phúc tùy thuộc vào mỗi người, bởi vì nó là sự cân bằng giữa năng lực và mong muốn của mỗi cá nhân. Năng lực thì phải  dày công rèn luyện mới có thể có được, còn nhu cầu thì phải luôn biết kiểm soát, kiềm chế nó, để nó đạt trạng thái cân bằng với năng lực của mỗi người. Và khi ta làm được những gì mà ta phải làm thì ta đạt được trạng thái tự thỏa mãn hay hạnh phúc mãn nguyện nhất.

Trên đây là những triết lý được trích ra từ tác phẩm kinh điển "Émile: hay là về giáo dục" của Triết gia Jean-Jacques Rousseau đã được dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dày công chuyển ngữ ra tiếng Việt, giúp cho chúng ta thêm cơ hội được tiếp cận tác phẩm kinh điển này. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn hẹp nên chưa thể hiểu được hết ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, vì vậy xin được điều chỉnh lại một số từ ngữ và văn phong cho phù hợp với thời điểm hiện nay cũng như khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình. Thành thật xin lỗi Tác giả và Dịch giả cho sự điều chỉnh này.

Trân trọng cảm ơn.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Khi người dân thờ ơ với vận mệnh quốc gia - Nguyên nhân và hậu quả

Chúng ta hàng ngày đều quan sát thấy sự thờ ơ của mọi người xung quanh trước những thực trạng bất thường của xã hội, ai cũng chỉ lo cho cái lợi của mình mà có thể làm tổn hại đến lợi ích của những người xung quanh, hay tệ hại hơn nữa là bỏ mặc những vấn đề thuộc vận mệnh của quốc gia.
Mới đây, ngay tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Đặng Thuần Phong - Bến Tre cũng nói rằng tình trạng thờ ơ của người dân trước vận mệnh quốc gia là đáng báo động.

(Chi tiết tại đây: https://www.baomoi.com/xu-the-tho-o-chinh-tri-trong-lop-tre-rat-dang-bao-dong/c/23772942.epi)

(Ảnh: http://cafef.vn)

Vậy nguyên nhân do đâu và hậu quả như thế nào, chúng ta có thể tham khảo ý tưởng của những triết gia lớn khi nhận định về vấn đề này từ hàng trăm nước trước.

Trước hết là quan điểm của nhà khai quốc công thần Nhật Bản thời Minh Trị - Fukuzawa Yukichi (1835-1901), ông cho rằng nguyên nhân rất lớn là quan điểm sai lầm của Khổng Tử về mối quan hệ giữa người dân và nhà nước, cụ thể như sau:



"Cổ nhân có câu: “Dân thì phải tuân theo sự cai trị. Còn cai trị thế nào thì dân không cần phải biết”. Câu này có nghĩa là ở trên đời, những người hiểu được đạo lý không nhiều. Chi bằng thiểu số người đó lên nắm chính trị, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải tuân theo chính sách vạch ra là được. Không cần phải thông báo hay giải thích gì cả. Như thế tốt hơn là việc cái gì cũng phải giải thích, phải cắt nghĩa, mà có giải thích xong, cắt nghĩa xong thì đâu lại vào đấy cứ như nước đổ đầu vịt vậy.
Đây là lời răn dạy của Khổng Tử. Nhưng lời răn này thật phi lý, hoàn toàn xa rời thực tế.
Người có năng lực để có thể cai trị được dân chúng thật ra rất ít ỏi. Trong cả ngàn người may ra mới có được một người. Giả dụ, dân số của một quốc gia nọ là một triệu người. Trong số đó chỉ có một người có tri thức. Chín trăm chín mươi nghìn người còn lại là những kẻ một chữ cắn đôi cũng chịu. Cứ cho rằng một nghìn người có trí tuệ đó, cai trị số dân ngu bằng tất cả lòng yêu thương, chăm bẵm họ như chăm bẵm bầy cừu. Và chín trăm chín mươi nghìn người mù chữ này cũng một mực tuân theo lời răn dạy của “cha mẹ dân”, sống trong cảnh ngu si hưởng thái bình. Cứ như thế, dần dần quan hệ giữa người cai trị và nhân dân sẽ trở thành quan hệ chủ nhân và khách ăn nhờ ở đậu. Mà đã là phận khách ăn nhờ ở đậu thì nhân dân (khách) cứ chỉ biết dựa vào chính phủ (chủ nhân). Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không chút mảy may lo lắng tới vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đại sự đã có chủ nhân lo rồi.
Và cũng giả dụ, quốc gia này bị nước ngoài gây hấn, chiến tranh bùng nổ. Và cứ giả thử là không có một người dân nào phản bội, bán mình cho nước ngoài. Vậy thì sự thể sẽ ra sao?
Từ trước tới nay, dân chúng như bầy cừu ngoan ngoãn nghe theo chính phủ và họ cũng chẳng có điều gì phải phàn nàn về chính phủ cả, nhưng khi bảo họ phải hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước thì đừng tưởng rằng họ cũng sẽ một mực tuân theo. Tôi chắc rằng phần lớn sẽ tìm cách thoái thác, tìm cách bỏ trốn. Tức là khi có việc đại sự như lúc đất nước lâm nguy thì người dân chỉ biết lo cho sự an toàn của bản thân, không có lòng yêu nước. Và như thế khó mà giữ được sự độc lập cho đất nước."

Tiếp theo là quan điểm của triết gia Montesquieu (1689-1755) cho rằng:
"Trong một nước mà dân không tham dự vào việc quản lý đất nước thì họ chỉ nồng nhiệt lên vì một diễn viên hay vì một công chuyện gì đó của họ. Điều bất hạnh cho một nước cộng hòa là khi người ta dùng tiền để làm bại hoại dân chúng, khiến dân chúng thờ ơ, chỉ thích thú với tiền bạc mà không thích thú với công việc quốc gia, chẳng cần biết đến chính phủ và các dự án quốc gia là gì, mà chỉ lẳng lặng chờ được thuê tiền để bỏ phiếu."

Một xã hội mà chúng ta quan sát thấy là: giới trẻ thì có thể điên cuồng lên chỉ vì được gặp thần tượng của mình là những diễn viên, ca sĩ,... người dân chỉ biết "ấm thân", chỉ biết đến tiền, so sánh ganh đua với nhau về sự giàu có về tiền bạc. Gặp chuyện bất thường của người khác thì thờ ơ, gặp vấn đề của mình thì chỉ biết kêu than, khóc lóc.

Chung quy lại cũng chỉ là do người dân không ý thức được quyền của mình, và nếu có biết cũng không dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình để là một con người đầy đủ theo đúng nghĩa của nó, trở thành một cá thể tự lập, tự cường và cùng nhau xây dựng cho một đất nước cường thịnh.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Quanh việc giải cứu con lợn


Câu chuyện xảy ra với chị X hành nghề bán tôm, cá; đồng thời nuôi lợn mà không tính toán về giá cả thị trường ở một vùng quê thuộc Hải Phòng cũng có rất nhiều điều cần phải bàn luận.
Tất nhiên, nói là tính toán vậy thôi, chứ chúng ta không thể đòi hỏi người nông dân có thể dự đoán xa về giá cả đầu ra cho nông sản  của mình, mà họ chỉ nuôi, trồng theo trào lưu.
Gần đây, giá thịt lợn trên thị trường giảm quá nhiều, nguy cơ thua lỗ nặng trước mắt, tương lai gia đình thật bấp bênh, hoàn cảnh nợ nần thê thảm cứ đeo bám cuộc đời những con người khốn khổ.
Chị X quyết định tự mình thịt dần số lợn mà mình nuôi, rồi mang ra chợ bán thay vì bán lỗ cho các thương lái. Cách làm của chị giống với cách làm từ thời còn đúng nghĩa chợ quê ngày xưa, có gì thì cứ mang ra chợ bán, như mớ rau, mớ cỏ. Nhưng rất tiếc, thời nay đã khác, nó đã gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa rồi. Muốn bán gì thì ít nhất cũng phải qua các cơ quan quản lý thị trường chính thức, chứ chưa nói đến các nhóm quản lý thị trường "không chính thức" khác.

Vì mục tiêu bán nhanh và muốn thu hồi được đồng vốn nào hay đồng đó. Chị quyết định hạ giá bán thấp hơn hẳn so với với những người đã kinh doanh trong chợ này nhiều năm nay. Khách hàng ùn ùn kéo đến mua hàng của chị vì giá rẻ, mà chẳng thèm quan tâm chất lượng hàng có được ai đảm bảo hay không, uy tín người bán thế nào, giá rẻ là trên hết.

Vì lấy mất khách hàng của những người bán hàng lâu năm ở chợ, chị đã tạo ra bao nỗi bức xúc, thù hằn trong họ. Chẳng phải đợi cơ quan nào xử lý, họ đã quyết định tự thực thi quyền lực của mình, "thay trời hành đạo" - theo chiều hướng bất lương, thực hiện hành vi côn đồ - lấy dầu luyn, chất thải đổ vào thịt của chị X, bởi xưa nay họ vẫn quen hành động kiểu này mà chẳng cần phải chờ ai đến phân xử. Sự tương phản về cảm xúc lên cực điểm giữa sự hả hê của của kẻ trả thù so với ánh mắt hoang mang, thất thần và vô vọng của chị X dành cho đống thịt của mình, hay xa hơn là chính cuộc đời mình.



Câu chuyện này tạo ra khá nhiều quan điểm khác nhau, việc phán xét ai sai ai đúng nhìn thoáng quan tưởng thật đơn giản, nhưng nếu đánh giá kỹ hơn thì cũng không hề đơn giản chút nào.

Hình ảnh ban đầu gợi mở, chắc chắn chúng ta đều bênh vực kẻ yếu đuối, khốn khổ và lên án kẻ bất thủ ác. Kẻ sử dụng côn đồ để trừng phạt chị bán thịt bằng cách đổ dầu luyn vào thịt của người khác vừa bất lương vừa không tôn trọng pháp luật. Ngược lại, chị bán thịt tham gia vào thị trường mà không tìm hiểu luật chơi, quy định của thị trường nơi đó cũng không thể gọi là đúng. Nếu chợ này đủ minh bạch đúng nghĩa thị trường thì chị bán thịt vào chợ bán phá giá là cạnh tranh không lành mạnh. Người tiêu dùng thì được lợi đôi đường, họ vừa được mua thịt với giá rẻ, lại vừa được tiếng có lòng tốt vì đã giúp đỡ mua hàng ủng hộ người khốn khổ. Và tất nhiên, cộng đồng (đám đông) khi nhìn vào hình ảnh thảm thương của người bị hại sẽ dễ bị lôi cuốn và không đủ tỉnh táo để phán xét một cách công minh, họ ngay lập tức lên án kẻ bất lương, bênh vực người khốn khổ. Bởi bản chất con người luôn ủng hộ cái thiện và ghét bỏ cái ác (dù là kẻ bất lương nhất cũng có suy nghĩ như vậy).

Tuy nhiên, trong kinh tế, cạnh tranh đơn thuần bằng giá là thúc đẩy quá trình chạy đua xuống đáy, cuộc chơi sẽ không thể kéo dài, và tất cả đều chết. Cạnh tranh phải bằng chất lượng, bằng sự khác biệt của sản phẩm, bằng giá trị thỏa dụng (độ thỏa mãn) mà người bán mang lại cho người mua.

Vấn đề quan trọng ở đây cẩn phải được xem xét kỹ lưỡng mà thường chúng ta hay bỏ quên đó là vai trò của cơ quan quản lý, nhà tạo lập thị trường, cơ quan quản lý thị trường… Với thực trạng thông tin kém minh bạch, tham nhũng có ở mọi nơi, mọi ngóc ngách của cuộc sống thì thật khó để nói rằng thị trường ở đây đúng nghĩa là thị trường được. Vai trò của cơ quan quản lý từ khâu quy hoạch quy mô nuôi trồng, định hướng thị trường, rồi tạo lập thị trường, và phán xử khi tranh chấp xảy ra... đã không được như kỳ vọng. Điều này dẫn đến hành vi của các bên thường không tuân thủ quy luật khi tham gia vào thị trường. Nếu cơ quan quản lý đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình thì chắc chắn những hậu quả đáng tiếc này sẽ không xảy ra.

Lại nhớ đến triết gia vĩ đại thời khai sáng Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) đã viết: “Hạnh phúc thay những dân tộc ở đó người ta có thể tốt mà không cần cố gắng, công minh chính trực mà không cần đức tính (nghĩa là: làm người tốt một cách tự nhiên, từ trong bản chất mỗi con người, không cần phải cố gắng, nỗ lực để làm người tốt). Nếu có một quốc gia khốn khổ nào trên thế gian, ở đó mỗi kẻ không thể sống được nếu không làm điều ác, và ở đó các công dân đều gian manh vì bất đắc dĩ, thì cần treo cổ không phải kẻ bất lương, mà phải là kẻ buộc hắn phải trở thành kẻ bất lương”.