Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

"Chân" giá trị tối cao của bậc triết gia


(Hình sưu tầm từ internet)

Hãy sống sâu, trầm lắng để tìm hiểu và lắng nghe từ chính sâu thẳm tâm hồn mình, điều đó quan trọng hơn việc bạn chu du khắp nơi để tìm hiểu cái mới mẻ của thế giới. Sống nỗ lực vì những giá trị "Chân - Thiện - Mỹ" hay đơn giản và nguyên khởi hơn chính là phản ánh mọi sự vật, hiện tượng dưới ánh sáng của sự thật (Chân), chúng ta sẽ luôn thấy cái thiện và cái đẹp trong nó.


Chúng ta cùng đọc lại và suy ngẫm về những triết lý của bậc minh triết – Henry David Thoreau.

“Hướng cái nhìn vào bên trong, và anh sẽ thấy
một nghìn xứ sở trong hồn anh
còn chưa được thăm dò
Hãy thám hiểm chúng và
làm một chyên gia của vũ trụ riêng mình (Trích thơ William Habbington)

Đônh lạnh chỉ được tìm ra để bảo quản thịt thôi sao? Không, hãy làm một Columbus với toàn bộ những lục địa và những thế giới mới, bên trong bạn, khai thông những dòng kênh mới, không phải cho giao thương, mà cho tư tưởng. Mỗi con người là chúa tể của một vương quốc, so với nó, đế chế trần tục của Sa hoàng chỉ là một quốc gia nhỏ mọn, một cái gò mà băng giá để lại. Tuy nhiên người ta có thể là một nhà ái quốc mà vẫn là người không có lòng tự trọng, và hy sinh cái lớn hơn cho cái nhỏ hơn. Họ yêu đất làm nên nấm mồ của họ, nhưng không có sự cảm thông với linh hồn có lẽ vẫn còn đang thổi sinh khí vào cho đất sét của họ. Lòng yêu nước là con dòi nằm trong những cái đầu của họ. Ý nghĩa của cuộc thám hiểm khám phá Biển Nam Cực (Charles Wilikes dẫn đầu đoàn thám hiểm các hòn đảo Nam cực của Thái Bình Dương từ 1839-1842) là cái gì, với tất cả trò phô trương và tốn phí của nó, nếu không phải là gián tiếp thừa nhận một sự thật là, có những lục địa và những biển trong thế giới tinh thần mà mỗi con người là một eo đất hay một lối vào, vẫn chưa được anh ta khám phá, nhưng việc vượt hàng ngàn dặm, trên một con tàu của chính phủ, với năm trăm trợ thủ, qua rét mướt, qua bão tố và các bộ lạc ăn thịt người còn dễ hơn thám hiểm cái biển riêng tư, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của chính cá nhân anh ta…

Nếu bạn học nói tất cả các thứ tiếng, và tuân theo phong tục của tất cả các dân tộc, nếu bạn đi du ngoạn xa hơn tất cả các nhà du ngoạn, được du nhập vào tất cả các vùng miền, và khiến con Sphinx (con quái vật trong thần thoại Hi Lạp, ghiết những người không giải được câu đố của nó. Khi Oedipus giải được, nó đập đầu vào đá chết.) phải đập đầu vào đá, thậm chí tuân theo giáo huấn của một triết gia thời cổ, thì hãy thám hiểm, khám phá bản thân mình (các triết gia cổ đại Hi Lạp thường kêu gọi: “Hãy biết mình”.) Cái này cần đến con mắt và thần kinh của bạn…

Nghe thật kiên cường, nhưng thật vô ích, nếu không phải tuyệt vọng. Một người đầu óc lành mạnh hơn cũng thường tỏ ra công khai “bất tuân” những thứ tưởng là “những luật lệ thiêng liêng nhất của xã hội” do tuân theo những luật lệ còn thiêng liêng hơn, và như vậy đã thử quyết tâm của anh ta mà không cần phải làm khác bản tính của mình. Con người không nên có thái độ như thế đối với xã hội, nhưng để giữ mình anh ta chỉ cần tuân thủ những luật lệ của bản tính anh ta, những luật lệ ấy không bao giờ đối lập với một chính phủ công bằng chính trực, nếu anh ta có dịp đụng độ.

Tôi rời khỏi rừng cũng với lý do chính đáng như khi tôi đến (sau hơn 2 năm xa rời cuộc sống thực tại để một mình trải nghiệm cuộc sống trong rừng và suy nghiệm cuộc sống). Tôi thấy dường như tôi còn có nhiều cuộc đời khác để sống, và không thể tiêu phí thêm thời gian cho cuộc sống này. Thật lạ là sao chúng ta có thể dễ dàng và vô cảm rơi vào một con đường đặc biệt nào đó, và tạo ra một lối mòn cho chính mình…

Qua kinh nghiệm của mình, ít ra tôi đã học được như thế này: nếu con người can đảm bước đi tới mơ ước của mình và cố gắng sống cuộc sống mà anh ta đã hình dung, thì anh ta sẽ gặp thành công bất ngờ trong những giờ phút bình thường. Anh ta sẽ bỏ lại nhiều thứ sau lưng, sẽ vượt nhiều ranh giới vô hình; những quy luật mới, phổ quát và phóng khoáng hơn sẽ tự thiết lập xung quanh và bên trong anh; những quy luật cũ sẽ mở rộng ra và được hiểu theo một nghĩa phóng khoáng hơn trong trật tự của hiện hữu. Anh càng sống đơn giản hơn thì những quy luật vũ trụ càng tỏ ra ít phức tạp hơn với anh, nỗi cô đơn sẽ không còn là nỗi cô đơn, nghèo khổ không còn là nghèo khổ, yếu đuối không còn là yếu đuối. Nếu bạn đã xây dựng những lâu đài trong không khí, thì chúng không cần phải mất đi, chúng nên ở trên đó, nhưng bây giờ hãy xây nền bên dưới chúng…

Trong khi Anh quốc cố gắng chữa trị củ cà rốt thối, tại sao không có ai tìm cách chữa trị bệnh óc thối, đang ngập tràn kinh khủng hơn nhiều?...

Nhiều người thích kêu gào rằng người Mĩ chúng ta, người hiện đại nói chung, là lùn về trí tuệ so với những người cổ đại, hoặc với những người thời Elizabeth. Nhưng để làm gì nhỉ? Một con chó sống tốt hơn một con sư tử chết (Kinh Cựu Ước). Một người có tự treo cổ lên không, chỉ vì anh ta thuộc giống người Pygmy (người lùn), mà không phải người Pygmy to nhất? Mỗi người hãy cứ chăm lo công việc của mình, và cố gắng là chính bản thân mình.

Tại sao chúng ta cứ phải cuống cuồng lao tới thành công và bằng những cố gắng quyết liệt như thế? Nếu một người không theo kịp bước các bè bạn của mình, thì có lẽ anh ta nghe nhịp trống quân hành khác? Hãy để anh ta bước theo khúc nhạc mà anh ta nghe, dù nó chậm hay xa thế nào. Chẳng quan trọng anh ta chín sớm như một cây táo hay một cây sồi. Tại sao anh ta cần biến mùa xuân của mình thành mùa hè? Nếu điều kiện để chúng ta sinh ra chưa đến, thì chúng ta có thể thay đổi thực tại nào? Chúng ta sẽ không bị chìm đắm trong một thực tại vô nghĩa. Chúng ta có nên nhọc công xây dựng trên đầu chúng ta một vòm trời bằng thủy tinh xanh, cho dù sau khi làm xong chúng ta chắc chắn sẽ say sưa ngắm nhìn bầu trời thực vô biên xa tít phía trên, như thể vòm trời thủy tinh không hề có?...

Không có gương mặt nào chúng ta gán cho một vấn đề tốt hơn là sự thật. Chỉ mình nó tỏ ra là tốt. Phần lớn chúng ta không ở nơi chúng ta đang ở, mà ở vị trí giả. Thông qua sự yếu đuối của bản tính mình, chúng ta tưởng tượng ra một cảnh ngộ, và đặt bản thân vào đấy, và như vậy cùng một lúc chúng ta ở trong hai cảnh ngộ, muốn thoát ra lại khó gấp đôi. Lúc tỉnh táo chúng ta chỉ quan tâm về những sự thật, mà nó là chính là nó. Ta nói điều ta buộc phải nói, chứ không phải là điều mà ta nên nói. Mọi sự thật đều tốt hơn cái làm cho ta tin. Gã lang thang Tom Hyde đứng dưới giá treo cổ, được hỏi có điều gì để nói không. “Hãy nói với các thợ may”, gã bảo, “thắt nút sợi chỉ trước khi khâu”. Hắn đã quên hết mọi lời kinh cầu nguyện."

Hình ảnh gã lang thang Tom Hyde trước lúc phải chết đã quên hết tất cả những lời nói hình thức, giáo điều, sáo rỗng khác, và cất lên tiếng nói của sự thật như đã thể hiện tất cả giá trị cao cả nhất của đời sống một con người cần đạt tới. Đó cũng chính là những giá trị mà Plato - Triết gia vĩ đại sống cách chúng ta hơn 2.000 năm về trước đã từng khẳng định trong tác phẩm kinh điển "Cộng hòa" của mình.

Trên đây là những lời kết chung nhất được trích từ tác phẩm kinh điển "Walden - Một mình sống trong rừng". Để hiểu thêm những triết lý sâu thẳm của triết gia tài năng Thoreau, xin vui lòng đọc trọn vẹn tác phẩm kinh điển này và những tác phẩm khác của ông.

Audio book:
https://archive.org/details/walden_librivox