Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

Bước tiến trên hành trình đi tìm chân lý cuộc sống

(Hình: sưu tầm từ internet)
Năm Đinh Dậu đã qua, năm Mậu Tuất đã sang. Nhìn lại năm qua có lẽ điều thay đổi lớn nhất không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, công việc thăng tiến ra sao, sự giàu có tăng lên thế nào… mà là đi được những bước dài trên con đường khám phá bản thân như thế nào?

Năm qua có lẽ là năm mà hành trình đi tìm về chân lý cuộc sống sáng rõ nhất từ trước đến nay. Đó là sự cảm nhận về cuộc đời con người, là lối sống chậm để suy nghiệm cuộc sống, tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc ở mỗi giây phút của thực tại; là sự thoát dần khỏi vòng xoáy quay cuồng của cuộc sống; là lối sống đơn giản; là sự kiểm soát dần các nhu cầu vật chất, hay sự hào nhoáng bên ngoài; là sự thấu hiểu về giá trị của sức khỏe như một nửa không thể thiếu của hạnh phúc; là sự vượt lên chính mình trên con đường rèn luyện sức khỏe (chạy bộ 10km, bơi 2km, đi bộ thường xuyên trên 10km/ngày), là ý chí tinh thần vượt qua mệt nhọc, vượt qua sự nuhàm chán dù với những bài tập thể dục mà khi nhìn vào là chúng ta đều thấy sự nhạt nhẽo nhất; là thành quả đạt được khi trở về trạng thái cân nặng của cơ thể của hơn 10 năm trước (như thời còn sinh viên), là niềm vui khi được trải nghiệm lại cảm giác vượt qua những cơn cảm cúm mà không cần phải dùng thuốc như thuở thanh niên, là sự tiến sâu trên con đường tìm hiểu tri thức về bản năng con người (tôn giáo và triết học); là những suy nghĩ về những điều tốt đẹp cho chính mình cho cộng đồng, và sự đấu tranh nho nhỏ cho những giá trị tốt đẹp chung của xã hội...

Và tổng hợp lại chính là con đường tìm về tự do cho chính bản thân, dù chưa đạt được trạng thái tự do hoàn toàn như những vĩ nhân, nhưng nó là những bước đi quan trọng trên con đường chinh phục tự do cho chính mình.

Xin chúc mừng năm mới vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả những người thân trong gia đình, cho thầy/cô, cho bạn bè, cho những người thân quen... và cho tất cả mọi người!
#songdongian

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Bàn luận về giáo dục

Bài 1: Giáo dục tốt nhất, giáo dục đích thực trong thời đại công nghệ thông tin

(hình: sưu tầm từ internet)

Giáo dục tốt nhất, giáo dục đích thực (best education, true education) là tự học, học độc lập, học chủ động, học cái mình muốn, học cái mình thích, học cái mình có thế mạnh, nghĩa là người học phải là người chủ quyết định việc học của mình. Điều này đồng nghĩa với việc phải có tự do trong giáo dục, tất nhiên, tự do giáo dục sẽ đòi hỏi nền tảng xã hội là dân chủ và tự do đúng nghĩa. Vì người học là người làm chủ nên giáo dục phải coi người học là trung tâm, toàn xã hội phải làm mọi cách để phát huy hết thế mạnh, sở thích của người học. Và lưu ý một điều rằng: trường học không đồng nghĩa với giáo dục (schooling is not education). Để biết thêm về cách xây dựng một nền giáo dục đích thực, giáo dục tốt nhất chúng ta cũng có thể tham khảo các quan điểm của các triết gia lớn tại các tác phẩm kinh điển của họ như: Plato, Rousseau, John Deway,... đặc biệt là thầy giáo số 1 New York - John Taylor Gatto để hiểu hơn về giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay... Theo đó, giáo dục phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm kiến thức từ sách vở và kinh nghiệm cuộc sống. Người học có thể thu lượm được kiến thức từ việc đọc sách và phải được trải nghiệm để có kinh nghiệm trong mọi vấn đề của cuộc sống, trong đó bao gồm cả những trải nghiệm nguy hiểm, hai thành tố này liên tục không ngừng bổ trợ cho nhau, cung cấp cho người học một nền tảng tri thức sâu và chặt chẽ.

Rất tiếc, do nền tảng xã hội kém tự do, dẫn đến nền giáo dục có thể gọi là mất tự do đặc biệt là giáo dục trường lớp, nó làm cho khả năng tự học, học chủ động của người học rất yếu cùng với phương pháp học của người học chưa khoa học, lại thiếu người có chuyên môn hướng dẫn, dìu dắt, nên chúng ta cũng khó trang bị cho mình một nền giáo dục đích thực, vì vậy cũng thiếu cơ sở khoa học tốt để phán xét, đưa ra kết luận về một vấn đề. Và cũng bởi kém tự do nên chúng ta bị chi phối quá nhiều thời gian, sức lực, niềm đam mê bởi rất nhiều điều vô bổ, nên không còn hứng thú để tìm hiểu gốc dễ những vấn đề về bản chất con người, mà chúng ta thường chạy theo thị trường, chỉ nhằm mục đích là kiếm tiền, làm giàu thật nhanh và bằng mọi giá. Thật khó để làm những điều đúng với lý tưởng của mỗi cá nhân và phát huy hết thế mạnh của một con người trong một xã hội thiếu tự do, quan điểm này cũng đã được rất nhiều triết gia lớn về giáo dục (đã nêu ở trên) đưa ra trong các tác phẩm của mình.

Cơ hội mở ra cho chúng ta chính là nền tảng công nghệ thông tin ngày nay, trong đó internet là một cơ hội tuyệt vời cho người học. Người học có thể đạt được nền giáo dục đích thực, giáo dục đúng nghĩa bằng cách làm chủ việc học của mình một cách vô cùng dễ dàng. Kho tàng tri thức nhân loại từ mọi nền văn minh trên thế giới từ xưa đến nay đều có thể có được nhờ internet với một chi phí rất rẻ, thậm chí rất nhiều tác phẩm kinh điển có giá bằng không. Nói điều này không phải hoàn toàn nói đến sách điện tử, nó chỉ là một phần hỗ trợ cho nền giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin mà thôi. Chúng ta có thể tiếp cận mọi tinh hoa trong giáo dục nhờ công nghệ thông tin, trong đó việc đọc sách (giấy) là vô cùng quan trọng và cần thiết (lưu ý: trong nền giáo dục đích thực thì sách giấy không phải là sách giáo khoa). Cơ hội đã mở ra và điều quan trọng là chúng ta cần phải biết cách nắm lấy cơ hội tuyệt này, bởi với nền tảng xã hội kém tự do sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nền giáo dục đích thực của người học đi rất nhiều.

Về vai trò của người thầy trong nền giáo dục đích thực trong thời đại công nghệ thông tin, khi đó người thầy sẽ không dừng ở việc dạy học (teacher) để truyền đạt kiến thức từ sách vở, mà quan trọng hơn, người thầy phải là người huấn luyện (coach), vừa truyền đạt kiến thức vừa là người dìu dắt, truyền phương pháp, truyền cảm hứng, truyền động lực, thổi bùng ngọn lửa đam mê tìm hiểu khoa học cho người học để người học chủ động tìm kiếm điều mà họ mong muốn tìm hiểu.