Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Quanh việc giải cứu con lợn


Câu chuyện xảy ra với chị X hành nghề bán tôm, cá; đồng thời nuôi lợn mà không tính toán về giá cả thị trường ở một vùng quê thuộc Hải Phòng cũng có rất nhiều điều cần phải bàn luận.
Tất nhiên, nói là tính toán vậy thôi, chứ chúng ta không thể đòi hỏi người nông dân có thể dự đoán xa về giá cả đầu ra cho nông sản  của mình, mà họ chỉ nuôi, trồng theo trào lưu.
Gần đây, giá thịt lợn trên thị trường giảm quá nhiều, nguy cơ thua lỗ nặng trước mắt, tương lai gia đình thật bấp bênh, hoàn cảnh nợ nần thê thảm cứ đeo bám cuộc đời những con người khốn khổ.
Chị X quyết định tự mình thịt dần số lợn mà mình nuôi, rồi mang ra chợ bán thay vì bán lỗ cho các thương lái. Cách làm của chị giống với cách làm từ thời còn đúng nghĩa chợ quê ngày xưa, có gì thì cứ mang ra chợ bán, như mớ rau, mớ cỏ. Nhưng rất tiếc, thời nay đã khác, nó đã gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa rồi. Muốn bán gì thì ít nhất cũng phải qua các cơ quan quản lý thị trường chính thức, chứ chưa nói đến các nhóm quản lý thị trường "không chính thức" khác.

Vì mục tiêu bán nhanh và muốn thu hồi được đồng vốn nào hay đồng đó. Chị quyết định hạ giá bán thấp hơn hẳn so với với những người đã kinh doanh trong chợ này nhiều năm nay. Khách hàng ùn ùn kéo đến mua hàng của chị vì giá rẻ, mà chẳng thèm quan tâm chất lượng hàng có được ai đảm bảo hay không, uy tín người bán thế nào, giá rẻ là trên hết.

Vì lấy mất khách hàng của những người bán hàng lâu năm ở chợ, chị đã tạo ra bao nỗi bức xúc, thù hằn trong họ. Chẳng phải đợi cơ quan nào xử lý, họ đã quyết định tự thực thi quyền lực của mình, "thay trời hành đạo" - theo chiều hướng bất lương, thực hiện hành vi côn đồ - lấy dầu luyn, chất thải đổ vào thịt của chị X, bởi xưa nay họ vẫn quen hành động kiểu này mà chẳng cần phải chờ ai đến phân xử. Sự tương phản về cảm xúc lên cực điểm giữa sự hả hê của của kẻ trả thù so với ánh mắt hoang mang, thất thần và vô vọng của chị X dành cho đống thịt của mình, hay xa hơn là chính cuộc đời mình.



Câu chuyện này tạo ra khá nhiều quan điểm khác nhau, việc phán xét ai sai ai đúng nhìn thoáng quan tưởng thật đơn giản, nhưng nếu đánh giá kỹ hơn thì cũng không hề đơn giản chút nào.

Hình ảnh ban đầu gợi mở, chắc chắn chúng ta đều bênh vực kẻ yếu đuối, khốn khổ và lên án kẻ bất thủ ác. Kẻ sử dụng côn đồ để trừng phạt chị bán thịt bằng cách đổ dầu luyn vào thịt của người khác vừa bất lương vừa không tôn trọng pháp luật. Ngược lại, chị bán thịt tham gia vào thị trường mà không tìm hiểu luật chơi, quy định của thị trường nơi đó cũng không thể gọi là đúng. Nếu chợ này đủ minh bạch đúng nghĩa thị trường thì chị bán thịt vào chợ bán phá giá là cạnh tranh không lành mạnh. Người tiêu dùng thì được lợi đôi đường, họ vừa được mua thịt với giá rẻ, lại vừa được tiếng có lòng tốt vì đã giúp đỡ mua hàng ủng hộ người khốn khổ. Và tất nhiên, cộng đồng (đám đông) khi nhìn vào hình ảnh thảm thương của người bị hại sẽ dễ bị lôi cuốn và không đủ tỉnh táo để phán xét một cách công minh, họ ngay lập tức lên án kẻ bất lương, bênh vực người khốn khổ. Bởi bản chất con người luôn ủng hộ cái thiện và ghét bỏ cái ác (dù là kẻ bất lương nhất cũng có suy nghĩ như vậy).

Tuy nhiên, trong kinh tế, cạnh tranh đơn thuần bằng giá là thúc đẩy quá trình chạy đua xuống đáy, cuộc chơi sẽ không thể kéo dài, và tất cả đều chết. Cạnh tranh phải bằng chất lượng, bằng sự khác biệt của sản phẩm, bằng giá trị thỏa dụng (độ thỏa mãn) mà người bán mang lại cho người mua.

Vấn đề quan trọng ở đây cẩn phải được xem xét kỹ lưỡng mà thường chúng ta hay bỏ quên đó là vai trò của cơ quan quản lý, nhà tạo lập thị trường, cơ quan quản lý thị trường… Với thực trạng thông tin kém minh bạch, tham nhũng có ở mọi nơi, mọi ngóc ngách của cuộc sống thì thật khó để nói rằng thị trường ở đây đúng nghĩa là thị trường được. Vai trò của cơ quan quản lý từ khâu quy hoạch quy mô nuôi trồng, định hướng thị trường, rồi tạo lập thị trường, và phán xử khi tranh chấp xảy ra... đã không được như kỳ vọng. Điều này dẫn đến hành vi của các bên thường không tuân thủ quy luật khi tham gia vào thị trường. Nếu cơ quan quản lý đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình thì chắc chắn những hậu quả đáng tiếc này sẽ không xảy ra.

Lại nhớ đến triết gia vĩ đại thời khai sáng Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) đã viết: “Hạnh phúc thay những dân tộc ở đó người ta có thể tốt mà không cần cố gắng, công minh chính trực mà không cần đức tính (nghĩa là: làm người tốt một cách tự nhiên, từ trong bản chất mỗi con người, không cần phải cố gắng, nỗ lực để làm người tốt). Nếu có một quốc gia khốn khổ nào trên thế gian, ở đó mỗi kẻ không thể sống được nếu không làm điều ác, và ở đó các công dân đều gian manh vì bất đắc dĩ, thì cần treo cổ không phải kẻ bất lương, mà phải là kẻ buộc hắn phải trở thành kẻ bất lương”.

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Giáo dục trẻ em - vấn đề của giọng nói, lời nói và hậu quả của việc phải học thuộc lòng

Tại tác phẩm "Émile hay là về giáo dục"
Cuốn sách kinh điển về giáo dục đã ra đời trên 250 năm của Triết gia - Jean Jacques Rousseau, người được coi là "Người Thầy của nhân loại"

Phần nội dung bàn về cách dạy trẻ học nói.

"...Tôi muốn những phát âm đầu tiên người ta cho trẻ nghe phải thưa thớt, dễ dàng, rành rõ, lặp lại nhiều lần, và những từ ngữ được các phát âm này diễn tả chỉ liên quan đến các vẫn hữu hình mà trước hết người ta có thể chỉ ra cho trẻ. Cái thói dễ dàng và tai hại nói những điều mà ta chẳng hiểu gì bắt đầu sớm hơn ta nghĩ. Học trò nghe ở lớp những lời lẽ dài dòng của giáo viên, cũng như khi còn quấn tã nó đã nghe những điều líu lo tầm phào của vú nuôi. Tôi thấy nuôi dạy trẻ để nó không hiểu gì về những điều ấy có lẽ chính là dạy dỗ nó một cách rất hữu ích.
Các vị hãy luôn luôn nói năng chính xác trước mặt trẻ, làm sao cho chúng không thấy thích thú với ai bằng các vị, và hãy tin chắc rằng ngôn ngữ của chúng sẽ dần dà tự thanh lọc theo ngôn ngữ của các vị mà các vị chẳng bao giờ phải trách mắng chúng.
Tôi đã sống nhiều với dân quê, và chưa từng nghe thấy một người thôn quê nào nói chớt, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai đều không. Vì sao như vậy? Khí quản của nông dân được cấu tạo khác khí quản của chúng ta hay sao? Không, nhưng chúng được luyện tập khác hẳn. Đối diện cửa sổ phòng tôi là một gò đất nơi trẻ em quanh đấy thường tụ tập để chơi đùa. Dù chúng ở khá xa tôi, song tôi hoàn toàn nghe rõ mọi điều chúng nói, và tôi thường rút từ đó ra nhiều kỷ niệm hay để viết cuốn sách này. Ngày nào tai tôi cũng khiến tôi bị lầm về độ tuổi của chúng; tôi nghe thấy những giọng nói của trẻ mười tuổi; tôi nhìn, tôi thấy vóc dáng và dung mạo của những trẻ lên ba lên bốn. Không chỉ riêng mình tôi có trải nghiệm này; những người thành thị đến thăm tôi, và được tôi hỏi ý kiến về việc đó, tất thảy đều lầm lẫn y như tôi.

Sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do trẻ em thành phố, cho đến năm hay sáu tuổi, được nuôi nấng trong phòng và nương náu dưới bóng cô dạy trẻ, chỉ cần lầm bầm là được mọi người nghe thấy: chúng vừa mấp máy môi là được mọi người lắng nghe; mọi người dạy chúng những từ mà chúng nhắc lại không đúng, song, vì cứ chú ý mãi, nên vẫn những người không ngừng ở quanh chúng đoán ra được những gì chúng muốn nói hơn là những gì chúng đã nói.
Ở thôn quê, chuyện hoàn toàn khác hẳn. Một phụ nữ nông thôn không phải lúc nào cũng quanh quẩn bên con mình; đứa bé buộc phải nói rất rõ và rất to điều nó cần làm cho mẹ nó nghe thấy. Ngoài đồng ruộng, những đứa trẻ ở rải rác, xa mẹ, cha, và các trẻ khác, chúng tập nói để mọi người ở xa nghe được, và tập ước lượng sức mạnh của giọng nói dựa theo khoảng cách ngăn chúng với những người mà chúng muốn được họ nghe thấy. Người ta thực sự học phát âm như vậy đó, chứ không phải bằng cách ấp úng vài nguyên âm bên tai một cô dạy trẻ ân cần chú ý. Bởi thế, khi ta hỏi han đứa trẻ con người dân quê, sự xấu hổ có thể cản trở nó trả lời; những những gì nó nói, thì nó nói lên rõ rành; trong lúc đó người hầu gái phải làm thông ngôn cho đứa trẻ thành thị; nếu không thì mọi người chẳng hiểu tí gì về những điều nó lầm bầm giữa kẽ răng.
Khi lớn lên, trẻ em trai sẽ phải sửa khuyết điểm này ở trường học, còn trẻ em gái sửa chữa tại tu viện; quả thực, nhìn chung các trẻ này nói năng rõ rành hơn những trẻ vẫn cứ được nuôi dạy tại gia đình. Nhưng điều khiến chúng không bao giờ đạt được cách phát âm rành rọt như cách phát âm của dân quê, đó là sự cần thiết phải học thuộc lòng rất nhiều điều (ý tác giả là bị buộc phải học thuộc lòng nhiều điều), và phải đọc to lên những gì đã học; vì, trong khi học, chúng quen nói lúng búng, quen phát âm cẩu thả và sai; khi đọc thuộc lòng, thì còn tệ hơn nữa; chúng cố gắng tìm từ ngữ, chúng rề rà và kéo dài các âm tiết; khi trí nhớ chao đảo, ngôn từ không thể không ấp úng theo. Các tật về phát âm bị tiêm nhiễm hoặc bị duy trì vậy đó…
Tôi thừa nhận rằng dân chúng và người thôn quê thường rơi vào một cực đoan khác, rằng hầu như bao giờ họ cũng nói to hơn mức cần thiết, và khi phát âm quá chính xác, họ có cách nói mạnh và thô, có giọng điệu thái quá, họ chọn từ ngữ không đúng…
Nhưng, thứ nhất, tôi thấy cực đoan này ít xấu hơn cực đoan kia rất nhiều, bởi quy tắc đầu tiên của diễn ngôn là làm cho mọi người nghe được mình, thì lỗi lớn nhất ta có thể mắc phải là nói mà người ta không nghe được…"

=> Cần khắc phục những vấn đề về giọng nói, lời nói và những hậu quả do phải học thuộc lòng.