Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

𝐍𝐡ữ𝐧𝐠 𝐤ẻ 𝐭𝐫ọ𝐜 𝐩𝐡ú 𝐡ợ𝐦 𝐡ĩ𝐧𝐡


Fukuzawa Yukichi – nhà tư tưởng khai nguồn thời Minh Trị Nhật Bản đã nói rằng “Trời không sinh ra người đứng trên người” như một lời khẳng định thêm cho tư tưởng đã được rất nhiều vĩ nhân xưa nói về sự bình đẳng giữa con người với con người. Nhưng xuyên suốt quá trình phát triển lịch sử của nhân loại, vào những thời kỳ xã hội nhiễu nhương, đặc biệt là các nền tảng xã hội độc tài, nó tạo nên sự phân biệt đẳng cấp địa vị vô cùng rõ rệt giữa người với người. Ở đó, kẻ nhờ mưu lược kinh doanh hay thậm chí nhờ lừa đảo mánh lới mà may mắn có được chút tiền, luôn coi những người giàu không bằng mình, nghèo khó hơn mình là những kẻ ngu si còn mình là người thông minh hơn người. Ở những xã hội đó, những kẻ có chút quyền cũng sẵn sàng đè đầu cưỡi cổ người yếu thế, chà đạp lên nhân phẩm người khác, coi người yếu thế hơn mình như cỏ rác còn mình thì oai phong lẫm liệt. Nhưng cũng chính những kẻ đó lại sẵn sàng quỵ lụy, nịnh nọt, thần phục trước những kẻ có quyền, có tiền hơn mình để nhằm hy vọng nhận được sự ban ơn từ kẻ ở đẳng cấp bề trên.
Biếm họa của báo Tuổi Trẻ Cười
Ngày nay, tưởng rằng xã hội đã văn minh hơn xưa rất nhiều, tưởng rằng “mọi người đều có quyền bình đẳng” nhưng những kẻ coi mình ở đẳng cấp bề trên vẫn tràn ngập trong xã hội. Cái thời kỳ xã hội của vật chất, mọi người đều cùng quẫn theo vòng xoáy của tiền bạc (do truyền thông tạo ra tâm lý có tiền là có tất cả), trong đầu người dân chỉ quanh quẩn chữ "tiền", họ đề cao tiền bạc và khi không kiểm soát được lòng tham thì sẵn sàng chà đạp lên các giá trị khác để có tiền bạc. Vì vậy, hình ảnh của những kẻ vỗ ngực nói rằng “Mày biết tao là ai không” hay “Đừng dạy nhà giàu tiêu tiền”, hay khi người khác ý kiến thì người ta nhao nhao lên rằng “Đã kiếm được nhiều tiền như người ta không mà nói” hay “Đừng dạy người giàu phải sống như thế nào”.

Triết gia Thoreau nói rằng: "Khi một nhà buôn dốt nát và kiêu ngạo nhờ công việc kinh doanh thành công mà giành được nhàn rỗi và độc lập, và được chấp nhận vào giới giàu sang, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ quay sang những giới có tri thức và tài năng, cao hơn nhưng khó vào hơn, và nhận ra sự dở dang của văn hóa của ông ta, sự phù phiếm và thiếu hụt trong sự giàu có của ông ta".

Những kẻ có tiền mà thiếu tri thức thường dùng tiền để khỏa lấp sự thiếu hụt, thậm chí trù dập "trí thức", coi thường tri thức, nói chung là trả thù đời, trả thù cho cái mà hắn thiếu hụt. Chính sự thiếu hụt đó cũng khiến sâu thẳm tâm hồn hắn ta luôn trở nên hèn yếu trước những người sở hữu tri thức. Hắn rất dễ tổn thương khi bị người ta nhìn vào sự thiếu hụt của mình. Những lúc yên bình thì hắn vẫn âm ỉ sự hận thù ở trong lòng, và mỗi khi có cơ hội hắn sẽ sẵn sàng phun ra những lời lẽ, hành động đầy phỉ báng, và dù khéo léo đến đâu thì chỉ một giây phút không kiểm soát được cảm xúc là hắn sẽ lộ nguyên hình là kẻ trọc phú hợm hĩnh, coi mình là thần là thánh đứng trên tất cả.

Dù coi thường tri thức, nhưng hắn lại âm thầm khỏa lấp sự thiếu hụt của mình, với cái xã hội nhiễu nhương hắn cũng sẵn sàng dùng tiền để trang hoàng cho mình những bằng cấp để thể hiện rằng mình cũng là người trí thức, nhằm huyênh hoang cho thiên hạ thấy rằng mình là người có đầy đủ mọi thứ và đáng được trân trọng.
Nhưng trí thức thực sự lại không nằm ở bằng cấp, cũng không nằm ở cái danh học giả, tri thức đích thực cũng không phải mấy loại "khoa học giả tạo" mà hắn cố công thuộc lòng để mỗi lúc thể hiện ra lại hót như những con vẹt. Tri thức đích thực là phải giúp con người có thể sống một cuộc sống tốt hơn, sống có đức hạnh và không bị sa vào những lối đi xấu. Còn với những tên trọc phú hợm hĩnh này, hắn cứ cùng quẫn để tích lũy tiền bạc, làm nô lệ cho đồng tiền, biến tiền bạc từ phương tiện, công cụ để mang lại hạnh phúc thành mục tiêu tối thượng của cả đời người. Hắn chẳng thể hiểu được giá trị đích thực của đời người là vì cái gì? Hắn mãi là nô lệ cho những ảo vọng mà "tri thức giả tạo" mà hắn cố công tích lũy tưởng tượng ra. Hắn thực sự là những kẻ đáng thương khi mãi mãi là những tù nhân của những ảo vọng của chính mình!

4 nhận xét:

  1. Hoàn thiện bản thân để sống hạnh phúc. Xã hội nào cũng phải trọng dụng nhân tài thực thụ, không thì toàn mấy ông cùi bắp ngồi lại vẽ đường thì khổ cho dân chúng thôi. Phải là giới tinh hoa, doanh nhân vĩ nhân, nhà khoa học , chứ đưa vào tay mấy lão nông, người trong hang thì khổ cho bà con thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là cần phải sử dụng hiền tài, và khi tuyên truyền ra cũng phải nói như vậy, nhưng thường trong xã hội độc tài thì kẻ độc tài chỉ sử dụng những kẻ nịnh nọt, luồn cúi, kém tri thức nhưng thừa mưu mô xảo quyệt, và cũng chỉ những kẻ đó mới chấp nhận quỳ dưới chân kẻ độc tài để "ngồi" lên mỗi khi hắn muốn.

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi thì người thực sự hiểu biết sẽ không bao giờ hợm hĩnh. Người có tiền, có quyền chưa chắc đã là trí thức. Có thể họ giỏi kiếm tiền, giỏi cách này hay cách khác để có quyền nhưng bậc tri thức thực sự (tức là người có hiểu biết chân chính) thì không. Điều quan trọng nữa là ở các quốc gia độc tài thì lãnh đạo thường không theo tôn giáo nào cả, họ không có Đức tin, họ chỉ tin vào tiền và quyền mà không hề có Đức tin về tín ngưỡng. Chính Đức tin tín ngưỡng mới giúp họ không làm điều có hại cho người khác một cách bất cần, vì khi người có tiền có quyền mà không bị kiềm chế bởi lương tâm thì họ sẽ làm bất chấp tất cả. Bởi rằng có thể qua mặt được luật pháp, nhưng không thể qua mặt được luật nhân quả. Nếu tin như thế thì họ sẽ có động cơ để không làm điều ác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ đúng, nhưng người trí thức thực sự thì giá trị tối cao của họ là chân lý hay là sự thực, mục tiêu cuộc đời của họ là đi tìm chân lý, lấy nó làm niềm vui, niềm hạnh phúc của mình chứ không phải mưu cầu tiền bạc, quyền lực, địa vị, danh vọng... là giá trị tối cao. Tất nhiên, với vốn tri thức của mình thì họ sẽ có được những thứ đó một cách không mấy khó khăn, nhưng họ sẽ luôn cân bằng các giá trị, không tuyệt đối hóa những giá trị ngoại thân.

      Xin chép lại những lời đã viết tại bài viết "Giáo dục tốt nhất" tại đây:

      "Suốt lịch sử nhân loại, các Ông tổ tôn giáo, các vị Cha đẻ của các trường phái triết học, các vĩ nhân xưa… như Đức Phật, Sokrates, Plato, Đức Chúa… thậm chí còn trước đó nhiều hơn nữa, tất cả đều khẳng định rằng mục đích cuối cùng của con người là tự do (lưu ý cần theo đúng nghĩa của từ tự do), là hạnh phúc. Trong đó, tri thức, hiểu biết đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tự do, niềm hạnh phúc của cuộc đời con người. Như Triết gia vĩ đại Plato đã chứng minh tại tác phẩm kinh điển “Cộng hòa” của mình thì chỉ có con người đam mê hiểu biết là có cơ hội được hưởng niềm hạnh phúc viên mãn nhất. Bởi hiểu biết sẽ giúp con người được hưởng niềm hạnh phúc xuất phát từ trong sâu thẳm tâm hồn..."
      https://hungphamfb.blogspot.com/2018/05/giao-duc-tot-nhatbest-education.html

      Xóa