Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Thiền, thiền hành – Hãy bắt đầu từ sự đơn giản

Thiền - Bắt đầu từ sự đơn giản
Nói đến thiền, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh những vị thiền sư ngồi yên bất động với những tư thế khó trong một không gian tĩnh lặng, thậm chí phim ảnh còn làm ra hình ảnh những làn khí mang năng lượng vô cùng lớn bốc ra từ cơ thể của thiền giả… Chính những điều này làm cho “thiền” trở nên xa rời hơn với đời sống thực tại, nó trở nên quá khó khăn thậm chí đến mức phi thường, do đó những người bình thường không thể thực hiện được. Thực ra đó chỉ là một trong nhiều cách để thực hiện thiền tập. Đúng ra, những gì mà mọi người thường thấy về thiền chỉ nên là nguồn cảm hứng cho người nào muốn luyện tập thiền với mong muốn có được nguồn sức mạnh phi thường, còn với hầu hết mọi người khi bắt đầu luyện tập mà lại luôn nghĩ về những hình ảnh ấy thì chỉ làm cho chúng ta nản lòng và từ bỏ vì quá khó khăn để đạt được mà thôi. Cần hiểu rằng, thiền tập đơn giản hơn thế rất nhiều.

Hình: sưu tầm từ internet
Theo nguyên lý căn bản nhất và mục tiêu đơn giản nhất thì thiền chính là giúp chúng ta tập trung hơn. Hãy bình tĩnh suy ngẫm lại chúng ta sẽ thấy, rất nhiều khi cơ thể (thân) chúng ta ngồi đây nhưng suy nghĩ (tâm) của ta thường hướng đến một đối tượng nào đó ở chỗ khác. Chúng ta thường hay lo lắng nhiều về tương lai hay đau buồn về quá khứ. Đang ngồi ăn nhưng trong đầu luôn bộn bề những lo toan về cuộc sống, về những dự án, những công việc đang còn dang dở. Đang ngồi trong không gian tĩnh mịch và được nghe những bản nhạc du dương, nhưng chúng ta lại nghĩ về những hoạt động vui chơi cuồng nhiệt, hay về một trận bóng đá có đội bóng chúng ta yêu thích đang thi đấu, hay đau đáu về những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ. Đang chơi đùa và được nghe những tiếng cười của con trẻ nhưng trong đầu ta lại lo nghĩ về những vấn đề có ảnh hưởng đến sự thành bại trong công việc kinh doanh. Với thời đại của smart phone lại càng tệ hại hơn, dù đang làm bất cứ việc gì, chúng ta thường có thói quen cầm theo chiếc điện thoại để lướt qua đủ các loại dòng tin tức, các thông báo trên màn hình gửi đến ta khiến ta bị cuốn theo nó một cách rất bị động. Chúng ta tưởng rằng cùng lúc chúng ta có thể làm được rất nhiều việc một cách hiệu quả, nhưng thực tế nó lại làm hại chúng ta. Đầu óc chúng ta suy nghĩ về rất nhiều thứ cùng một lúc, nó gây ra những cảm xúc hoặc quá vui, khi lại quá buồn, trong khi lại bỏ qua hiện tại. Tình trạng này là do thân và tâm của ta mỗi thứ một nơi, thân ở nơi này nhưng tâm luôn bay bổng nơi xa xăm nào đó. Hậu quả là, những cảm xúc này vừa tiêu tốn rất nhiều năng lượng của ta một cách vô ích thậm chí lại còn làm hại đến tâm lý của ta, đầu óc ta luôn bị rối loạn, lúc nào ta cũng có cảm giác là con người vội vã, nó khiến cho chúng ta không thể cảm nhận được hiện tại, không còn biết niềm vui nào ở hiện tại. Nếu cứ hành động như vậy liên tục sẽ thành thói quen, khiến chúng ta không thể tập trung làm bất cứ việc gì, và chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi rất nhiều giá trị. Vì vậy, điều quan trọng nhất của thiền tập là giúp cho chúng ta tập trung, làm cho thân và tâm hợp lại với nhau, hòa vào làm một để cảm nhận giây phút của hiện tại và của thực tại, lúc đó mới đúng nghĩa là chúng ta đang sống.

Chính vì lẽ đơn giản đó nên đôi khi chỉ là 1-2 phút tập trung hoàn toàn vào hiện tại cũng chính là thiền tập rồi. Do đó, chúng ta cũng có thể thực hiện thiền ở bất cứ đâu, dù ở nhà hay nơi làm việc, thậm chí ngay cả khi đang đi trên đường... và cũng chỉ cần 1-2 phút đơn giản đó thôi, nhưng lại mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. Tùy vào hoàn cảnh cuộc sống mỗi người, chúng ta có thể thực hiện thiền tập theo những cách khác nhau, dù ở tư thế đi, đứng, ngồi, nằm… chúng ta đều có thể thực hiện thiền tập. Ở mỗi cấp độ của thiền tập cũng có cách thực hiện khác nhau, nó cũng tương tự như khi chúng ta luyện tập một kỹ năng nào đó thì đều phải đi từ đơn giản đến phức tạp. Muốn đạt đến mức độ chuyên nghiệp hay cao hơn là phi thường thì cần phải có phương pháp luyện tập đúng đắn theo một vòng xoáy đi lên trong luyện tập (hay trong học tập) một kỹ năng là: i) Yêu cuồng nhiệt kỹ năng đó; ii) Luyện tập ở cường độ cao, liên tục; và iii) Tiến bộ nhanh. Nhưng quan trọng, để có thể yêu cuồng nhiệt một kỹ năng thì nhất thiết ta phải chọn được loại kỹ năng tốt (tốt cho xã hội hay ít nhất là tốt cho chính mình mà không làm tổn hại người khác), đúng đắn thì mới có thể yêu nó liên tục và lâu bền được (chủ đề này nằm ngoài phạm vi của bài viết nên chỉ nói ngắn gọn ở đây).

Nói một cách chuyên môn, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì: “Thiền tập gồm hai giai đoạn. Thứ nhất là thiền chỉ, chỉ có nghĩa là dừng lại, dừng lại mọi suy nghĩ tập trung vào một điểm để làm tâm tĩnh lặng. Thứ hai là thiền quán, là khả năng chú tâm nhìn sâu để đạt được sự thấu hiểu. Trong thiền chỉ, ta chỉ chú tâm vào một việc, ví dụ như bước chân hay hơi thở”. Chú tâm luôn có nghĩa là chú tâm vào một cái gì. Chánh niệm luôn là chánh niệm về một cái gì. Ta không thể chú tâm hay chánh niệm về không-một-cái-gì. Vậy thì muốn thực tập chánh niệm, ta cần một đối tượng. Khi chú tâm vào hơi thở thì hơi thở là đối tượng của sự chú tâm và chánh niệm. Khi tạo ra năng lượng chánh niệm thì năng lượng ấy sẽ ôm ấp đối tượng của niệm và giữ nó sống động trong tâm trí.
Tiếp tục duy trì chánh niệm vào đối tượng, ta có thể đạt tuệ giác. Đây là bước thứ hai của thiền tập. Ví dụ khi giận, ta muốn tìm ra lý do. Thực tập niệm và định giúp ta thấy được bản chất của cơn giận và tuệ giác đó giải phóng ta khỏi buồn giận. Đối tượng của niệm và định càng hấp dẫn ta càng dễ định tâm, nếu không thì dù cố gắng ta vẫn khó chú tâm. Do đó, bí quyết là chọn một đối tượng hấp dẫn; đối tượng mà hấp dẫn thì tuệ giác sẽ đến nhanh.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nói: “Hơi thở là cầu nối giữa thân và tâm”, tập trung vào hơi thở sẽ dễ dàng giúp cho thân và tâm hòa vào làm một. Hơi thở có ý thức khác hẳn với hơi thở vô thức mà thường chúng ta hay thở. Hơi thở thông thường sẽ không đẩy hết toàn bộ khí trong phổi, và luôn bị tồn đọng trong phổi, trong đó có rất nhiều chất độc cũng tồn động theo và rất không tốt cho cơ thể. Hơi thở có ý thức và đều đặn thường giúp hơi thở được dài hơn, sâu hơn, vì vậy cũng đẩy được gần như toàn bộ khí trong phổi ra khỏi cơ thể, vì thế chất độc cũng được đẩy hầu hết ra khỏi cơ thể (tất nhiên chất độc cũng được đẩy ra khỏi cơ thể qua các con đường khác như mồ hôi, tiểu tiện…).

Tóm lại, thiền tập một cách đơn giản nhất chính là sự tập trung. Chúng ta có thể thực hành trong mọi công việc hàng ngày: Làm việc gì thì chỉ tập trung vào việc đó, không được đang làm việc này mà đầu óc lại nghĩ sang việc khác, muốn tập trung được thì cần chọn việc đúng mà chúng ta yêu thích, khi đó sẽ dễ dàng để ta tập trung vào việc đó.

Ứng dụng vào thiền hành (đi bộ thiền)
Hình: sưu tầm từ internet

Đi bộ thiền hay thiền hành chính là việc tập trung hoàn toàn tâm trí vào bước đi. Nhưng vì sao lại là thiền đi bộ mà không phải là thiền chạy. Đơn giản bởi vì khi chạy thì chân, tay, cơ thể, mắt… đều phải hoạt động rất nhanh, do đó sẽ cần rất nhiều nhiều năng lượng cùng một lúc, khi đó hơi thở buộc phải gấp gáp hơn, cơ thể cũng sẽ nhanh mệt hơn, và trí não cũng sẽ bị phân tâm nhiều hơn. Còn khi đi bộ, cơ thể hoạt động nhẹ nhàng với tốc độ chậm, trí não dễ dàng tập trung vào từng bước đi, hơi thở cũng dễ dàng duy trì đều đặn, thở dài và sâu hơn. Tốt hơn nữa là chúng ta nên tạm thời đóng hết các cơ quan giác quan khác lại, có thể dùng tai nghe để nghe nhạc thiền, hoặc loại nhạc nhẹ nhàng để tai gần như không bị phân tâm bởi tạp âm bên ngoài. Mắt thì tập trung vào phía trước, hoặc nếu điều kiện cho phép (đường đi vắng người và không có chướng ngại vật…), chúng ta có thể nhắm mắt nhẹ và đi, lâu lâu lại mở mắt để quan sát đường rồi lại nhắm trở lại để tập trung hơn. Còn nếu điều kiện không cho phép thì có thể để tai, mắt vào việc cảm nhận âm thanh, hình ảnh của thiên nhiên. Áp dụng triệt để với các giác quan khác để nhằm giúp ta tập trung suy nghĩ vào bước đi một cách tối đa. Lúc này có thể dành tâm trí vào việc đếm từng bước chân so với từng nhịp thở. Đặc biệt nên cảm nhận sự phồng xẹp của phần bụng dưới theo từng hơi thở, đây là khu vực nằm xa bộ não, nơi rất dễ di chuyển, dao động, còn phần bụng dưới rất ít di chuyển nên rất vững chãi, vì vậy cũng giúp dễ tập trung tâm trí của ta. Bước đi trong trạng thái như vậy, ta sẽ cảm thấy thật sự êm dịu, nhẹ nhàng và sảng khoái trong tâm trí. Cơ thể được thư giãn và rất dễ chịu. Tập quen dần thì ta có thể áp dụng bước thiền quán như Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói ở trên, đó là tập trung suy nghĩ về những vấn đề đang diễn ra quanh ta, nhìn nhận sâu hơn vào chúng, thấu hiểu nó, để từ đó dễ dàng hơn trong việc tìm ra giải pháp để giải quyết chúng. Với cách thiền hành như vậy, cơ thể cũng không cảm thấy sự mệt mỏi, vì vậy, chúng ta có thể đi miệt mài mà không thấy mệt, và cứ muốn đi mãi không dừng.

Một điều cần chú ý nữa là, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nói, sẽ rất cần thiết có những tăng thân đi cùng trên con đường tu tập. Khi thiền hành nói riêng, hay thiền nói chung, nếu có được những người bạn đồng hành sẽ là điều tuyệt vời. Bởi nó sẽ giúp ta có thêm động lực, tăng thêm niềm vui, từ đó thêm yêu thích khi luyện tập, để có thể luyện tập một cách bền bỉ, liên tục, lâu dài, và chính là áp dụng theo quy tắc upward spiral đã nói ở trên. Điều đó, sẽ giúp chúng ta đạt được thành công trên con đường thiền tập một cách dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều quan trọng của luyện tập là tạo được thói quen và duy trì liên tục

Với riêng người viết cũng vậy, luôn có con gái là người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường. Nhờ quá trình luyện tập này, con gái đã học được rất nhiều môn thể dục khác nhau với những thành tích vượt xa kỳ vọng, cũng như vượt xa mức trung bình của những trẻ khác, và đó cũng là động lực cho ba thực hiện thiền hành một cách bền bỉ, đều đặn và đạt được những thành công nho nhỏ trên con đường thiền tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét