Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Rousseau bàn về hạnh phúc và ứng dụng trong giáo dục trẻ em


(Hình: sưu tầm)

Hạnh phúc là gì, làm gì để có hạnh phúc?

Đây là câu hỏi mà có lẽ ai cũng đặt ra và mất nhiều công sức để đi tìm câu trả lời, nhưng thực tế chẳng mấy người tìm ra chân lý của nó.

Phần lớn mỗi người chúng ta đều mải mê quay cuồng với những bộn bề của cuộc sống thực tại mà không sao thoát ra khỏi cái vòng xoáy quay cuồng ấy, để đến khi đã đi hết cuộc đời vẫn không hiểu chân giá trị của mình, mình sống vì điều gì, và làm sao để có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Nếu không bình tâm, tĩnh lặng để suy ngẫm, chúng ta mãi không thể hiểu hạnh phúc đến từ đâu? Hãy nhìn những con người đầy quyền lực, đầy tiền bạc, đầy danh vọng… nhưng nếu nhìn sâu trong tâm can họ, vẫn luôn tồn tại một nỗi niềm đau đáu, mà nhiều khi chính họ cũng không biết phải làm sao thoát khỏi nó. Rất nhiều trường hợp, nhất là những ngôi sao truyền hình hay những người làm việc trong giới nghệ thuật, nhìn vẻ ngoài của họ luôn hiện lên vẻ hào hoa, trang nhã, rực rỡ ánh hào quang của thành công, của hạnh phúc…, nhưng cũng chính người đó lại luôn gắn với hình ảnh của cảnh ăn chơi xa đọa, rượu chè, nghiện ngập, chia tay, ly dị, ghen ghét, chỉ trích lẫn nhau,… thậm chí nhiều người, do không thể chịu nổi áp lực đành chấm dứt cuộc đời trong tủi nhục, đau đớn… nghĩa là cuộc đời của những con người đó đâu có thể gọi là hạnh phúc. Vậy quan niệm về hạnh phúc có thực sự khó khăn đến vậy không?

Từ khi có loài người đến nay, chắc chắn có rất nhiều con người vĩ đại đã tìm về khái niệm cơ bản này của con người, trong số những con người ấy, chúng ta hãy cùng tham khảo những triết lý của Triết gia Jean-Jacques Rousseau (1772-1778), người được mệnh danh là "Người thầy của nhân loại". Khái niệm hạnh phúc được ông bàn luận tại tác phẩm kinh điển "Émile: hay là về giáo dục", chúng ta cùng suy ngẫm một số triết lý kinh điển này của ông.

“Chúng ta không biết thế nào là hạnh phúc hay bất hạnh tuyệt đối. Mọi sự đều hòa trộn trong cuộc đời này; ở đó người ta không nếm trải một cảm giác nào thuần túy, người ta không ở cùng một trạng thái tại hai thời điểm khác nhau. Các cảm nhận của tâm hồn chúng ta, cũng như những thay đổi của thân thể chúng ta, ở tình trạng biến chuyển liên tục. Cái tốt và cái xấu là chung cho tất cả chúng ta, nhưng với những mức độ khác nhau. Người hạnh phúc nhất là người cảm thấy ít buồn khổ nhất; người khốn khổ nhất là người ít niềm vui nhất. Bao giờ đau khổ cũng nhiều hơn niềm vui – điều này là chung cho tất cả chúng ta. Vậy hạnh phúc của con người nơi trần thế này chỉ là một trạng thái phủ định; hạnh phúc của con người được đo lường bằng số lượng ít nhất những nỗi khổ mà anh ta chịu đựng.

Mọi cảm giác về buồn khổ đều không tách rời khỏi mong muốn trốn thoát khỏi nó; mọi ý niệm về lạc thú đều xuất phát từ khát khao hưởng thụ nó; mọi mong muốn đều giả định rằng có một sự thiếu thốn, hay nhu cầu về nó, và tất cả những thiếu thốn mà ta cảm nhận thấy đều rất nặng nề; vậy nỗi khốn khổ của ta là ở tình trạng bất tương xứng giữa mong muốn và khả năng hay năng lực của ta. Một con người có được khả năng cân bằng với mong muốn sẽ là một cá thể hạnh phúc tuyệt đối.
=> Sự không tương xứng giữa mong muốn và khả năng đều tạo ra đau khổ.

Vậy sự khôn ngoan sáng suốt của con người hay bước đường dẫn tới hạnh phúc thực sự là gì? Nếu chỉ giảm bớt mong muốn của chúng ta thì chưa đủ; bởi, nếu mong muốn thấp hơn khả năng của ta, thì một phần năng lực của ta sẽ trở thành lãng phí, và ta sẽ không hưởng dụng hết bản thể của mình. Cũng không phải chỉ là tăng cường năng lực của chúng ta, bởi nếu mong muốn của ta đồng thời cũng tăng nhanh với tỷ lệ lớn hơn, thì ta càng trở nên khốn khổ hơn mà thôi. Hạnh phúc thực sự là giảm bớt sự khác biệt giữa mong muốn và khả năng của ta, là thiết lập một trạng thái cân bằng hoàn toàn giữa năng lực và ý muốn của ta. Chỉ lúc ấy mọi sức lực đều được sử dụng, mà tâm hồn vẫn an bình, và con người sẽ tìm thấy chính mình ở đúng vị trí mà anh ta đang hiện hữu.

Thiên nhiên, vốn đã làm mọi điều mỹ mãn nhất, đã tạo lập cho con người như vậy ngay từ thuở ban đầu. Thiên nhiên vốn dĩ chỉ cho con người những mong muốn cần thiết cho việc tự bảo tồn nó và những năng lực đủ để thỏa mãn các mong muốn ấy. Thiên nhiên đã để mọi mong muốn khác dự trữ trong đáy sâu tâm hồn con người, và có thể lấy ra khi cần. Chỉ trong trạng thái nguyên sơ này chúng ta mới tìm được sự cân bằng giữa mong muốn và khả năng, và con người mới không khổ sở. Ngay khi những năng lực tiềm ẩn của tâm trí bắt đầu hoạt động, trí tưởng tượng, nó mạnh mẽ hơn tất cả các phần còn lại, liền thức tỉnh, và vượt lên tất cả các năng lực khác. Chính trí tưởng tượng mở rộng phạm vi khả năng cho chúng ta, cho dù là tốt hay xấu, và do đó nó kích thích và nuôi dưỡng những ham muốn bằng hy vọng thỏa mãn được chúng. Nhưng mục tiêu ban đầu có vẻ như trong tầm tay lại trốn chạy nhanh hơn mức ta có thể đuổi theo theo nó; khi ta tưởng mình đạt tới nó, nó liền biến chuyển, và một lần nữa lại chạy xa về phía trước ta. Chúng ta không còn nhận thấy miền đất đã đi qua, nên chúng ta không còn nghĩ gì về nó, cái mà trước kia ở ngay phía trước chúng ta, giờ đây trở nên trải rộng mênh mông và kéo dài vô tận phía trước. Cứ như vậy chúng ta kiệt sức và không bao giờ đạt tới đích, và càng tiến gần đến trạng thái an lạc, thì hạnh phúc lại càng xa vời với chúng ta hơn.

Ngược lại, con người càng gần với trạng thái tự nhiên của mình, thì sự khác biệt giữa năng lực và mong muốn càng nhỏ, và do đó hạnh phúc càng ít xa rời anh ta. Khi anh ta có vẻ như không có tất cả mọi thứ lại là khi anh ta ít khốn khổ hơn bao giờ hết; bởi nỗi khốn khổ không ở sự thiếu thốn các thứ đó, mà ở những nhu cầu về thứ mà họ cảm thấy về nó khi họ chưa đạt được nó.

Thế giới hiện thực có những giới hạn của nó, thế giới tưởng tượng lại là vô tận; vì không thể mở rộng được thế giới nọ, thì ta hãy thu hẹp thế giới kia; bởi chỉ từ sự khác biệt giữa hai thế giới mà nảy sinh mọi nỗi khổ khiến chúng ta thành bất hạnh thật sự. Ngoại trừ sức khoẻ, sức mạnh, và lương tri, tất cả những điều tốt đẹp của cuộc sống đều là vấn đề của quan điểm nhìn nhận; ngoại trừ sự đau đớn về thể xác và sự ăn năn, tất cả những đau khổ của chúng ta đều là do tưởng tượng. Bạn sẽ nói với tôi rằng điều này là phổ biến; Tôi chấp nhận nó, nhưng trong thực tế lại là không phổ biến, và nó chỉ là với cái thực tế mà chúng ta đang quan tâm đến mà thôi.

Khi người ta bảo rằng con người là yếu đuối, người ta muốn nói lên điều gì? Cái từ yếu đuối hàm ý một mối quan hệ, đó là mối quan hệ của đấng tạo hóa đối với con người. Một con côn trùng hoặc con sâu có sức mạnh vượt quá nhu cầu của nó là một hữu thể mạnh mẽ; một con voi, một con sư tử, một người đi xâm lược, một anh hùng, một vị thần, có nhu cầu vượt quá sức mạnh của mình lại là một hữu thể yếu đuối. Vị thiên thần nổi loạn và chiến đấu chống lại bản năng tự nhiên của mình thì yếu hơn người sắp lìa đời trong trạng thái viên mãn, là người sống hòa hợp, thuận theo tự nhiên. Khi con người hài lòng với bản thân mình, người đó thực sự mạnh mẽ; khi anh ta cố gắng gồng mình để có được nhiều hơn thì anh ta yếu ớt thực sự. Nhưng đừng tưởng rằng bạn có thể tăng sức mạnh bên ngoài bằng cách tăng năng lực tiềm ẩn bên trong của mình. Không phải như vậy; nếu niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của bạn tăng nhanh hơn sức mạnh của bạn thì lại là sự suy giảm. Chúng ta hãy đo lường phạm vi mức độ ảnh hưởng của chúng ta và giữ ta ở trung tâm như con nhện trong mạng lưới của nó; chúng ta sẽ có đủ sức mạnh cho nhu cầu của chúng ta, chúng ta sẽ không có lý do để than thở về sự yếu đuối của chúng ta, bởi chúng ta không bao giờ cảm nhận thấy nó.

Các động vật khác nhau đều chỉ có đủ năng lực cần thiết để sinh tồn, riêng con người là có nhiều hơn. Liệu có lạ lùng không, khi chính sự dư thừa này lại gây nên nỗi khốn khổ của con người? Ở mọi xứ sở, sức lực lao động của một người thường lớn hơn nhu cầu sinh nhai đơn giản. Nếu anh ta đủ khôn ngoan để bỏ qua sự dư thừa này, anh ta sẽ luôn có đủ, vì anh ta sẽ không bao giờ có quá nhiều. Favorin nói rằng "Những nhu cầu lớn" xuất phát từ sự quá giàu có; và thường, cách tốt nhất để có được những gì chúng ta muốn là bỏ đi những gì chúng ta có. Bằng cách cố gắng gồng mình để gia tăng hạnh phúc mà ta biến hạnh phúc ấy thành sự bất hạnh. Nếu một người đơn thuần chỉ muốn sống mà thôi, anh ta sẽ sống hạnh phúc; và vì vậy anh ta sẽ sống nhân hậu, bởi anh anh ta đâu được lợi gì với những thói xấu xa, vô đạo đức?

Nếu như chúng ta là bất tử, chúng ta sẽ là những hữu thể rất khốn khổ; chết đi, chắc hẳn là tàn khốc, nhưng thật là ngọt ngào khi nghĩ rằng chúng ta sẽ không sống mãi, và rằng, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi chấm dứt những nỗi khổ trên thế gian này. Nếu chúng ta được tặng sự bất tử trên trần gian, ai là người (những người biết suy nghĩ chứ không phải tất cả mọi người) sẽ nhận món quà đáng buồn ấy? Những nguồn lực nào, hy vọng nào, điều an ủi nào sẽ còn lại với chúng ta, để chống lại những khắc nghiệt của số phận và sự bất công của người đời? Người ngu dốt chẳng dự liệu gì hết; anh ta ít cảm nhận về giá trị của cuộc sống và không sợ mất nó; người sáng suốt thì nhìn thấy những thứ có giá trị lớn hơn và được người đó ưu ái hơn những giá trị khác và họ khư khư giữ lấy nó. Chỉ có sự hiểu biết nửa vời và sự khôn ngoan sai lầm, dẫn dắt tầm nhìn của chúng ta đến cái chết, và không vượt xa hơn nó; nó khiến cho cái chết trở thành tai họa tệ hại nhất đối với ta. Người hiền minh chịu đựng tất cả các loại bệnh tật của cuộc sống tốt hơn người khác, bởi vì anh ta biết, anh ta tất yếu phải chết. Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng giá trị khi chúng ta không biết thời điểm nào cái chết sẽ chấm dứt nó, bởi nó sẽ xảy ra chẳng sớm thì muộn.

Ngoại trừ những căn bệnh về đạo đức là kết quả của thành kiến và tội ác, và nó phụ thuộc vào chính chúng ta. Còn những căn bệnh về thể xác thì hoặc là chấm dứt chúng hoặc là chấm dứt sự tồn tại của chúng ta. Thời gian hay cái chết sẽ chữa lành những căn bệnh về thể xác, nhưng chúng ta càng ít biết cách chịu đựng, chống đỡ bệnh tật, thì nỗi đau trong ta càng lớn, và chúng ta tự hành hạ mình trong nỗ lực để chữa lành bệnh tật nhiều hơn sự hành hạ khi chịu đựng bệnh tật. Sống thuận theo tự nhiên, hãy bình tâm, và chạy thoát khỏi thầy thuốc; bạn sẽ không thoát khỏi cái chết, nhưng bạn sẽ chỉ chết có một lần, trong khi đó các thầy thuốc sẽ làm cho bạn chết hàng ngày thông qua sự tưởng tượng, suy nghĩ về bệnh tật; và y thuật dối trá của họ, thay vì kéo dài những ngày tháng cho bạn, lại cướp đi của bạn sự thụ hưởng những ngày tháng đó và mang lại sự thỏa mãn cho chính các thầy thuốc. Tôi luôn luôn hỏi điều gì thực sự tốt, y thuật đã làm những gì cho nhân loại? Đúng vậy, các bác sĩ chữa lành bệnh cho một số người, nhưng những bệnh nhân này rồi cũng sẽ chết, và chính các thầy thuốc sẽ giết hàng triệu người, những người đang sống, khi họ luôn phải suy nghĩ, tưởng tượng về bệnh tật. Nếu bạn khôn ngoan, bạn sẽ từ chối tham gia vào trò chơi xổ số này khi tỷ lệ đặt cược rất cao so với bạn. Đau đớn, chết chóc, hoặc bạn cũng có thể trở nên tốt hơn, nhưng bất cứ điều gì bạn làm là hãy sống trong khi bạn đang còn sống.

Tất cả chỉ là sự điên rồ và mâu thuẫn trong các thiết chế của con người. Khi cuộc sống của chúng ta mất dần giá trị, chúng ta càng thấy nó đáng giá và lo lắng về nó nhiều hơn. Những người già thì nuối tiếc cuộc sống hơn những người trẻ; họ không muốn mất đi tất cả những gì họ đã chuẩn bị cho việc hưởng thụ cuộc sống. Ở tuổi sáu mươi, thật là ác nghiệt nếu chết trước khi bắt đầu sống. Con người được cho là có khát vọng mạnh mẽ để tự bảo tồn mình, và khát khao này thực sự tồn tại; nhưng chúng ta lại không nhận thức được khát khao này, chúng ta phần lớn chỉ cảm nhận về các sản phẩm của con người. Ở trạng thái tự nhiên, con người chỉ thiết tha để bảo tồn mạng sống của mình, khi đó anh ta cũng có đủ phương kế cho việc bảo tồn mạng sống. Và khi sự tự bảo tồn này không còn có thể nữa, anh ta chấp nhận từ bỏ theo số mệnh và chết đi mà không dằn vặt một cách vô ích. Thiên nhiên dạy chúng ta quy luật đầu tiên là biết chấp nhận từ bỏ, buông xuôi theo quy luật của tự nhiên. Người hoang dã, cũng giống như những con thú hoang dã, rất ít giãy giụa chống lại cái chết, và chấp nhận nó hầu như không than thở. Khi luật của tự nhiên này bị hủy bỏ, lý trí lại thiết lập một luật khác thay thế, nhưng ít người phân biệt được sự khác biệt này, nên sự chấp nhận từ bỏ này không bao giờ hoàn hảo và trọn vẹn như sự chấp nhận đối với tự nhiên.

Sự cẩn trọng! Sự cẩn trọng không ngừng đặt chúng ta nhìn về phía trước, cái tương lai mà trong rất nhiều trường hợp chúng ta không bao giờ đạt tới, đó là nguồn gốc thực sự mọi khốn khổ của chúng ta. Thật điên rồ biết bao khi một hữu thể phù du tạm bợ như con người lại luôn nhìn ra xa về một tương lai rất hiếm khi đạt tới, trong khi lại bỏ qua hiện tại, cái mà mình đang hiện hữu. Tất cả những thói điên rồ này lại càng tai hại hơn bởi vì nó không ngừng tăng lên theo tuổi tác; những người già thì luôn nhút nhát, thận trọng, và khốn khổ, thích làm những việc không cần thiết ngày hôm nay, những thứ họ cho là sang trọng hàng trăm năm sau. Bởi vậy chúng ta níu chặt lấy mọi thứ, chúng ta khư khư giữ lấy mọi thứ; chúng ta lo lắng về thời gian, địa điểm, con người, sự vật, tất cả những gì đang tồn tại và tất cả những gì sẽ tồn tại; chúng ta là chính mình nhưng chỉ là một phần rất nhỏ của chính chúng ta. Có thể nói chúng ta phân tán, dàn trải chính mình trên toàn trái đất (cho quá nhiều mục tiêu), và trở nên mong manh trên khoảng rộng mênh mông này. Không ngạc nhiên khi nỗi thống khổ của chúng ta tăng lên gấp bội, khi chúng ta có thể bị tổn thương ở tất cả mọi phía. Bao ông hoàng sầu não vì mất một xứ sở mà ông ta chưa từng nhìn thấy, và bao nhiêu thương gia than thở ở Paris chỉ vì có điều không may xảy ra ở Ấn Độ.

Có phải tự nhiên đem con người đi xa khỏi bản thân họ đến thế hay không? Có phải tự nhiên muốn cho con người biết được số phận của mình qua người khác, thậm chí còn là kẻ biết cuối cùng; vì vậy có người chết đi trong hạnh phúc hoặc chết đi trong khốn khổ trước khi anh ta biết điều gì là có giá trị với anh ta. Tôi nhìn thấy một con người khỏe mạnh, vui vẻ, cường tráng, đầy sinh lực; sự hiện diện của người ấy khơi gợi niềm vui; mắt người ấy biểu lộ sự hài lòng, niềm an lạc; người ấy mang theo mình hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng một lá thư từ bưu điện gửi đến; con người hạnh phúc nhìn bức thư, nó được gửi cho anh ta, anh ta mở ra, đọc thư. Lập tức thần sắc anh ta thay đổi; anh ta tái mặt đi, ngất xỉu. Tỉnh lại, anh ta khóc lóc, giãy giụa, rền rĩ, bứt tóc, dứt tai, kêu gào vang dội, anh ta như bị co giật. Kẻ điên cuồng mất trí! Mảnh giấy kia đã làm hại gì anh ta? Nó đã làm mất của anh ta cái chân hay cái tay? Nó đã khiến anh phạm tội ác gì? Rốt cuộc nó đã thay đổi gì trong bản thân anh ta để đẩy anh vào tình trạng mà tôi đang thấy?
Giả sử lá thư bị thất lạc, giả sử một bàn tay nhân ái ném nó vào ngọn lửa, thì số phận con người vừa hạnh phúc vừa bất hạnh đồng thời kia, dường như là một vấn đề hết sức dị thường. Các vị sẽ bảo rằng nỗi bất hạnh của anh ta là có thực. Rất đúng, nhưng anh ta không cảm thấy nó. Vậy nó ở đâu? Hạnh phúc của anh ta là do tưởng tượng. Nếu giả sử như vậy thì sức khỏe, sự giàu có, sự vui tươi, niềm an lạc, sự hài lòng trong tâm trí, chỉ là những ảo ảnh. Chúng ta không còn sống ở nơi ta đang hiện hữu, chúng ta sống bên ngoài nó. Có lợi ích gì cho chúng ta khi sống trong trạng thái luôn lo sợ về cái chết, trong khi tất cả những gì làm cho cuộc sống trở nên đáng sống lại là ở trong chính chúng ta.

Trời ơi! Hãy sống cuộc sống của chính bạn và bạn sẽ không còn bị khổ đau nữa. Hãy ở lại nơi mà tự nhiên đã dành cho bạn và không có gì có thể kéo bạn ra khỏi đó. Đừng chống lại quy luật khắc nghiệt của tất yếu, và đừng làm cho mình trở nên kiệt quệ, vì cứ muốn cưỡng lại quy luật ấy, những sức lực mà thượng đế ban cho anh không phải để mở rộng hoặc kéo dài sự tồn tại của anh, mà chỉ để bảo tồn nó theo đúng như ý của tạo hóa đã dành cho. Tự do của anh, quyền lực của anh, chỉ trải ra xa rộng ngang tầm sức lực tự nhiên của anh, mà chẳng vượt quá; bất cứ thứ gì vượt quá đều sẽ chỉ là trạng thái nô lệ, ảo tưởng, dụ hoặc. Ngay cả quyền lực thống trị cũng mang tính nô lệ khi nó lệ thuộc vào ý kiến dư luận; bởi anh ta phụ thuộc vào thiên kiến của những kẻ do anh chi phối bằng các thiên kiến. Để điều khiển họ xử sự theo ý anh, anh phải xử sự theo ý họ. Họ chỉ cần thay đổi cách nghĩ, thế là anh sẽ buộc phải thay đổi cách hành động. Những kẻ tiếp cận anh chỉ cần biết chi phối ý kiến của dân chúng mà anh tưởng là đang bị anh chi phối, hoặc ý kiến của những người được anh sủng ái đang chi phối anh, hoặc ý kiến của gia đình anh. Giả sử anh có tài năng phi thường giống như Themistocles (một chính khách nổi tiếng người Athènes 525-460 TCN, ông nói với bạn bè rằng: thằng bé mà bạn đang nhìn thấy đây, là chúa tể của Hy Lạp; vì nó chi phối mẹ nó, mẹ nó chi phối tôi, tôi chi phối người Athènes, còn người Athènes chi phối dân Hy Lạp. Ôi! Nhiều khi người ta tìm thấy những chỉ huy xiết bao bé nhỏ của những đế chế lớn lao nhất, nếu từ ông hoàng người ta đi xuống dần từng bậc cho đến bàn tay đầu tiên ngấm ngầm khởi động), thì các tể tướng, các cận thần, linh mục, binh lính, người hầu, những kẻ lắm lời, hay thậm chí là con cái anh, sẽ chỉ đạo anh như chính anh là một đứa trẻ giữa những quân đoàn của anh. Dù anh có làm gì đi nữa, uy quyền thực sự của anh không bao giờ đi xa hơn các năng lực thực sự nơi anh. Ngay khi buộc phải nhìn bằng con mắt của kẻ khác, là phải muốn theo ý muốn của họ. Anh tự hào bảo rằng: “Dân chúng là thuộc hạ của tôi”. Được. Nhưng anh thì là gì? Là thuộc hạ của các cận thần của anh. Và cận thận của anh, họ là ai? Là thuộc hạ của các thư ký, các nhân tình, là người hầu của những người hầu họ. Anh hãy nắm chặt mọi thứ, hãy chiếm đoạt mọi thứ, rồi vung tiền bạc rủng rỉnh; hãy lập những phân đội đại bác; hãy dựng những giá treo cổ, những xa hình; hãy tạo ra các đạo luật, các pháp lệnh; hãy gia tăng bọn do thám, các binh lính, các đao phủ, các nhà tù, xiềng xích. Ôi con người tội nghiệp, tất cả những thứ đó giúp gì cho anh? Các anh chẳng vì thế mà được phục vụ tốt hơn, hay bị ăn cắp ít hơn, hoặc bị lừa dối ít hơn, anh cũng sẽ không tiến gần hơn đến quyền lực tuyệt đối. Và các anh sẽ tiếp tục nói rằng: “Chúng tôi sẽ”, và các anh sẽ tiếp tục làm những điều mà kẻ khác muốn.

Chỉ có một người duy nhất, người làm theo chính ý muốn của anh ta, người có thể làm điều ấy bằng chính đôi tay của anh ta; do đó, điều tốt nhất với con người không phải là quyền lực mà là tự do. Con người thực sự tự do chỉ khát khao điều gì anh ta có khả năng làm được, và làm điều gì anh ta thích. Đó là phương châm cơ bản của tôi. Hãy áp dụng phương châm đó cho tuổi thơ, và mọi quy tắc giáo dục sẽ suy ra từ đó.

Từ đây ta sẽ ứng dụng quan niệm về hạnh phúc vào giáo dục trẻ em

Xã hội đã làm cho con người thành yếu đuối hơn, không chỉ tước đi quyền của con người đối với sức lực của chính mình, mà hơn nữa khiến cho những sức lực ấy thành không đủ cho những nhu cầu thiết yếu của anh ta. Chính đó là điều khiến cho các mong muốn của con người gia tăng cùng với sự yếu đuối, và đó chính là điều làm nên sự yếu đuối của tuổi thơ so với tuổi trưởng thành. Nếu người trưởng thành là một hữu thể mạnh, và nếu đứa trẻ là một hữu thể yếu, thì không phải vì người lớn có sức mạnh tuyệt đối lớn hơn đứa trẻ, mà đó là vì người lớn có thể tự túc một cách tự nhiên theo đúng bản năng, còn đứa trẻ thì không thể như vậy. Vì vậy, người lớn có nhiều mong muốn hơn, còn đứa trẻ thì thường thất thường hơn, điều này nghĩa là, mong muốn của trẻ chưa hẳn là những nhu cầu thực sự cần thiết, và nó chỉ được thỏa mãn nhờ vào sự giúp đỡ của người khác mà không thể tự túc được.

Tôi đã nói rõ lý do của trạng thái yếu đuối này. Lòng yêu thương của cha mẹ với trẻ em là tự nhiên; nhưng khi tình yêu thương trở thành sự chăm sóc con cái một cách thái quá, nó có thể là mong muốn đơn thuần, hay nó có thể là bị lạm dụng. Cha mẹ sống trong điều kiện của đời sống xã hội thông thường, vì sự cẩn trọng, đã mang con mình vào trạng thái này quá sớm. Bằng việc gia tăng các nhu cầu cần thiết của trẻ, họ không những không làm giảm bớt đi mà còn làm gia tăng sự yếu đuối của nó. Họ làm gia tăng hơn nữa sự yếu đuối ấy bằng cách đòi hỏi ở đứa con, điều mà tự nhiên không đòi hỏi ở nó, bằng cách phục vụ ý muốn của cha mẹ về những thứ hơn cả mong muốn của chính nó, trong trạng thái sức lực ít ỏi của đứa con có được. Do phải làm nô lệ cho mong muốn của cha mẹ hoặc của chính đứa trẻ, thay vì phải hiểu rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái là xuất phát từ sự yếu ớt vốn có của đứa trẻ và tình thương yêu bản năng của cha mẹ dành cho con cái. Với cách như vậy, cha mẹ đã biến sự phụ thuộc theo lẽ tự nhiên trở thành tình trạng nô lệ lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.

Người khôn ngoan thì biết ở giữ đúng vị trí của mình; nhưng đứa trẻ thì không biết vị trí của nó nên tự nó không thể giữ được vị trí của nó. Đứa trẻ có hàng ngàn cách để ra khỏi vị trí đó, và công việc của những người dạy dỗ nó là phải giữ nó ở lại vị trí ấy, và nhiệm vụ này không dễ chút nào. Nó không phải là thú vật mà cũng không phải là người trưởng thành, nó là một đứa trẻ. Cần để nó cảm nhận được sự yếu đuối ấy nhưng không phải đau khổ vì sự yếu đuối ấy; cần để nó bị phụ thuộc chứ không khuất phục; cần để nó yêu cầu chứ không ra lệnh. Nó chỉ phục tùng người khác bởi nhu cầu cần thiết của nó, bởi vì họ thấy rõ hơn cái gì thực sự cần thiết với nó, cái gì có thể trợ giúp hoặc cản trở sự tồn tại của nó. Không ai, ngay cả người cha, có quyền bắt đứa trẻ làm những điều chẳng có lợi ích gì cho nó.

Khi những thiên hướng tự nhiên của chúng ta chưa bị can thiệp bởi các thành kiến và các thiết chế của con người, thì hạnh phúc của trẻ thơ cũng như của người lớn cốt ở sự tận hưởng sự tự do của mình; nhưng tự do của trẻ thơ bị giới hạn bởi sự yếu đuối của nó. Ai làm điều mình muốn là người hạnh phúc, nó mang lại cho anh ta cảm giác tự thỏa mãn; đó là trường hợp của người trưởng thành sống trong trạng thái tự nhiên. Ai làm điều mình muốn mà lại không thấy hạnh phúc, là bởi vì nhu cầu của anh ta vượt quá sức lực của mình: đó chính là trường hợp của đứa trẻ cho dù nó ở trong trạng thái tự nhiên. Ngay trong trạng thái tự nhiên, trẻ thơ cũng chỉ được hưởng một trạng thái tự do không hoàn toàn, giống như sự tự do mà người lớn được hưởng trong đời sống xã hội. Mỗi người trong chúng ta, do không thể không cần đến sự hỗ trợ của những người khác, nên lại trở thành yếu đuối và khốn khổ. Chúng ta được cấu tạo để là người lớn, nhưng các luật lệ và các phong tục tập quán lại ném chúng ta trở lại trạng thái của trẻ thơ. Những người giàu có, những người cao sang, những bậc vua chúa đều là những đứa trẻ, thấy người ta sốt sắng giảm bớt nỗi khốn khổ cho mình, những hành động đó tạo cho họ một sự tự cao tự đại ấu trĩ, và họ trở nên kiêu hãnh vì những sự chăm sóc mà mọi người sẽ chẳng dành cho họ nếu họ là người trưởng thành.

Những sự xem xét này hết sức quan trọng, và chúng giúp giải quyết mọi mâu thuẫn của hệ thống xã hội của chúng ta. Có hai loại phụ thuộc: tình trạng phụ thuộc sự vật, mang tính tự nhiên; tình trạng phụ thuộc con người, mang tính xã hội. Tình trạng phụ thuộc sự vật, vì không có một ý nghĩa đạo đức nào, nên không hề phương hại đến tự do, và không tạo ra sự xấu xa; còn tình trạng phụ thuộc con người, thì lộn xộn không theo trật tự nào, nên sinh ra mọi thói xấu xa, và chính do sự phụ thuộc kiểu chủ nhân và nô lệ như vậy (trong trường hợp nuôi dạy trẻ là quan hệ giữa cha mẹ và con cái) lại làm suy đồi lẫn nhau. Nếu có phương kế nào để chữa trị những xấu xa trong xã hội này, thì đó là đem luật lệ thay cho cá nhân con người, trang bị cho các ý muốn chung một sức mạnh thực sự, cao hơn sức mạnh của bất kỳ ý muốn của cá nhân riêng lẻ nào. Nếu luật lệ của quốc gia, giống như luật của tự nhiên (vừa nghiêm khắc lại vừa hài hòa), thì nó sẽ không bao giờ bị phá vỡ bởi bất kỳ sức mạnh nào của con người, lúc đó, tình trạng phụ thuộc con người sẽ lại trở thành tình trạng phụ thuộc sự vật; và tất cả những lợi ích của trạng thái tự nhiên sẽ được kết hợp với tất cả những lợi ích của đời sống xã hội trong toàn thể cộng đồng của quốc gia đó. Sự tự do vốn giữ cho con người tránh khỏi những thói xấu xa, lúc này sẽ kết hợp với đạo đức để nâng con người lên tới đức hạnh.

Trong cõi trần ai này, hàng ngàn nỗi đam mê cháy bỏng thu hút tình cảm nội tâm và lừa gạt niềm ăn năn, hối tiếc (khi hành xử đê tiện) trong mỗi con người. Những điều nhục nhã, những tai họa phải chịu đựng khi thực hành các đức hạnh, nó đã cản trở người ta cảm nhận sự thú vị của việc thực hành này. Nhưng khi nào trút hết đi được các ảo tưởng mà các cảm giác do các giác quan thể xác của ta tạo ra, thì chúng ta sẽ thấy được niềm vui, niềm hân hoan mà Đấng tạo hóa dành cho ta, và thấy được chân lý vĩnh hằng mà Người là nguồn cội; khi tất cả sức mạnh của tâm hồn của chúng ta tồn tại cùng với vẻ đẹp của trật tự tự nhiên, chúng ta hoàn toàn chú tâm vào việc so sánh điều chúng ta đã làm với điều chúng ta phải làm; khi đó, chính tiếng nói của lương tri sẽ dành lại sức mạnh và quyền thống trị của nó; và lúc đó là thời khắc khoái cảm thuần khiết sinh ra từ sự thỏa mãn và hài lòng về chính mình, hay con người đạt được trạng thái hạnh phúc viên mãn nhất.”

Như vậy, hạnh phúc không phải là quyền lực, tiền bạc, danh vọng… không phải ai có những thứ đó nhiều hơn thì sẽ hạnh phúc hơn những người khác. Hạnh phúc tùy thuộc vào mỗi người, bởi vì nó là sự cân bằng giữa năng lực và mong muốn của mỗi cá nhân. Năng lực thì phải  dày công rèn luyện mới có thể có được, còn nhu cầu thì phải luôn biết kiểm soát, kiềm chế nó, để nó đạt trạng thái cân bằng với năng lực của mỗi người. Và khi ta làm được những gì mà ta phải làm thì ta đạt được trạng thái tự thỏa mãn hay hạnh phúc mãn nguyện nhất.

Trên đây là những triết lý được trích ra từ tác phẩm kinh điển "Émile: hay là về giáo dục" của Triết gia Jean-Jacques Rousseau đã được dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dày công chuyển ngữ ra tiếng Việt, giúp cho chúng ta thêm cơ hội được tiếp cận tác phẩm kinh điển này. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn hẹp nên chưa thể hiểu được hết ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, vì vậy xin được điều chỉnh lại một số từ ngữ và văn phong cho phù hợp với thời điểm hiện nay cũng như khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình. Thành thật xin lỗi Tác giả và Dịch giả cho sự điều chỉnh này.

Trân trọng cảm ơn.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Khi người dân thờ ơ với vận mệnh quốc gia - Nguyên nhân và hậu quả

Chúng ta hàng ngày đều quan sát thấy sự thờ ơ của mọi người xung quanh trước những thực trạng bất thường của xã hội, ai cũng chỉ lo cho cái lợi của mình mà có thể làm tổn hại đến lợi ích của những người xung quanh, hay tệ hại hơn nữa là bỏ mặc những vấn đề thuộc vận mệnh của quốc gia.
Mới đây, ngay tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Đặng Thuần Phong - Bến Tre cũng nói rằng tình trạng thờ ơ của người dân trước vận mệnh quốc gia là đáng báo động.

(Chi tiết tại đây: https://www.baomoi.com/xu-the-tho-o-chinh-tri-trong-lop-tre-rat-dang-bao-dong/c/23772942.epi)

(Ảnh: http://cafef.vn)

Vậy nguyên nhân do đâu và hậu quả như thế nào, chúng ta có thể tham khảo ý tưởng của những triết gia lớn khi nhận định về vấn đề này từ hàng trăm nước trước.

Trước hết là quan điểm của nhà khai quốc công thần Nhật Bản thời Minh Trị - Fukuzawa Yukichi (1835-1901), ông cho rằng nguyên nhân rất lớn là quan điểm sai lầm của Khổng Tử về mối quan hệ giữa người dân và nhà nước, cụ thể như sau:



"Cổ nhân có câu: “Dân thì phải tuân theo sự cai trị. Còn cai trị thế nào thì dân không cần phải biết”. Câu này có nghĩa là ở trên đời, những người hiểu được đạo lý không nhiều. Chi bằng thiểu số người đó lên nắm chính trị, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải tuân theo chính sách vạch ra là được. Không cần phải thông báo hay giải thích gì cả. Như thế tốt hơn là việc cái gì cũng phải giải thích, phải cắt nghĩa, mà có giải thích xong, cắt nghĩa xong thì đâu lại vào đấy cứ như nước đổ đầu vịt vậy.
Đây là lời răn dạy của Khổng Tử. Nhưng lời răn này thật phi lý, hoàn toàn xa rời thực tế.
Người có năng lực để có thể cai trị được dân chúng thật ra rất ít ỏi. Trong cả ngàn người may ra mới có được một người. Giả dụ, dân số của một quốc gia nọ là một triệu người. Trong số đó chỉ có một người có tri thức. Chín trăm chín mươi nghìn người còn lại là những kẻ một chữ cắn đôi cũng chịu. Cứ cho rằng một nghìn người có trí tuệ đó, cai trị số dân ngu bằng tất cả lòng yêu thương, chăm bẵm họ như chăm bẵm bầy cừu. Và chín trăm chín mươi nghìn người mù chữ này cũng một mực tuân theo lời răn dạy của “cha mẹ dân”, sống trong cảnh ngu si hưởng thái bình. Cứ như thế, dần dần quan hệ giữa người cai trị và nhân dân sẽ trở thành quan hệ chủ nhân và khách ăn nhờ ở đậu. Mà đã là phận khách ăn nhờ ở đậu thì nhân dân (khách) cứ chỉ biết dựa vào chính phủ (chủ nhân). Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không chút mảy may lo lắng tới vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đại sự đã có chủ nhân lo rồi.
Và cũng giả dụ, quốc gia này bị nước ngoài gây hấn, chiến tranh bùng nổ. Và cứ giả thử là không có một người dân nào phản bội, bán mình cho nước ngoài. Vậy thì sự thể sẽ ra sao?
Từ trước tới nay, dân chúng như bầy cừu ngoan ngoãn nghe theo chính phủ và họ cũng chẳng có điều gì phải phàn nàn về chính phủ cả, nhưng khi bảo họ phải hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước thì đừng tưởng rằng họ cũng sẽ một mực tuân theo. Tôi chắc rằng phần lớn sẽ tìm cách thoái thác, tìm cách bỏ trốn. Tức là khi có việc đại sự như lúc đất nước lâm nguy thì người dân chỉ biết lo cho sự an toàn của bản thân, không có lòng yêu nước. Và như thế khó mà giữ được sự độc lập cho đất nước."

Tiếp theo là quan điểm của triết gia Montesquieu (1689-1755) cho rằng:
"Trong một nước mà dân không tham dự vào việc quản lý đất nước thì họ chỉ nồng nhiệt lên vì một diễn viên hay vì một công chuyện gì đó của họ. Điều bất hạnh cho một nước cộng hòa là khi người ta dùng tiền để làm bại hoại dân chúng, khiến dân chúng thờ ơ, chỉ thích thú với tiền bạc mà không thích thú với công việc quốc gia, chẳng cần biết đến chính phủ và các dự án quốc gia là gì, mà chỉ lẳng lặng chờ được thuê tiền để bỏ phiếu."

Một xã hội mà chúng ta quan sát thấy là: giới trẻ thì có thể điên cuồng lên chỉ vì được gặp thần tượng của mình là những diễn viên, ca sĩ,... người dân chỉ biết "ấm thân", chỉ biết đến tiền, so sánh ganh đua với nhau về sự giàu có về tiền bạc. Gặp chuyện bất thường của người khác thì thờ ơ, gặp vấn đề của mình thì chỉ biết kêu than, khóc lóc.

Chung quy lại cũng chỉ là do người dân không ý thức được quyền của mình, và nếu có biết cũng không dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình để là một con người đầy đủ theo đúng nghĩa của nó, trở thành một cá thể tự lập, tự cường và cùng nhau xây dựng cho một đất nước cường thịnh.