Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Tài năng, đúng quy trình nhưng liệu đã đủ


Những ngày qua, sau khi báo chí đưa thông tin về chuyện bổ nhiệm ông Vụ phó 26 Tuổi – VMH ở BCĐ TNB, công luận lại có dịp nổi sóng. Có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau quanh chủ đề này. Tuy nhiên, để hiểu được tại sao lại có hiện tượng như vậy, chúng ta cần có cái nhìn nhiều chiều, nhiều phía, và phải có những luận chứng chặt chẽ để bảo vệ được quan điểm của mình. Như vậy sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn so với việc chỉ thuần túy biểu quyết đúng hay sai.


Trước hết, phải khẳng định rằng, không thể phủ nhận tài năng của chàng trai trong chuyện này, bảng thành tích về học tập như vậy là anh ta đã chứng minh khả năng của mình về học tập rồi. Dĩ nhiên, gia đình nào có những người con như vậy chắc chắn là có quyền tự hào về điều đó. Nhưng sự việc bổ nhiệm này chắc chắn sẽ làm cho mỗi người lại có ý kiến khác nhau.
Thứ nhất, phản biện quan điểm của một số người cho rằng: những người lên tiếng phản đối việc bổ nhiệm này là có vẻ “GATO” với người tài hơn mình.
Trong số rất nhiều người phản đối thì không thiếu những người đang ghen tị đúng như quan điểm này nêu ra. Ghen tị là vì sao?
Fukuzawa Yukichi (nhà tư tưởng khai nguồn thời Minh Trị Nhật Bản) nói rằng, bản tính ghen tị là đặc trưng của những người tham lam, và có thể nói tham lam sẽ là nguồn gốc của mọi tội lỗi, thói hư, tật xấu. Tham lam, ghen tị sẽ thường xuất hiện ở các quốc gia kém tự do, trong đó, tự do mang nghĩa hai chiều là: Tự do làm những điều mình thích mà không gây tổn hại đến người khác và không phải làm những điều mình không thích.
(Nếu muốn biết thêm thông tin về quan điểm của Fukuzawa Yukichi về tham lam, mời bạn đọc vui lòng tham khảo tại đây:
https://hungphamfb.blogspot.com/2016/12/tham-lam-va-ngheo-oi-duoi-goc-nhin-cua.html)
Và muốn có cơ sở để đánh giá phải-trái, đúng-sai, và quyền tự do, vui lòng tham khảo quan điểm của GS ĐH Harvard – Michael Sander tại đây:
Nhưng trong số những người không đồng tình thì có rất nhiều người đang cố gắng đưa mọi thứ ra để bàn luận, phải-trái, đúng-sai, khi đó ánh sáng sẽ chiếu rọi mọi góc tối của vấn đề, và công lý được thực thi.
Tình trạng rất nhiều người cùng nhảy vào để phản đối việc bổ nhiệm này. Đó là vấn đề “tâm lý đám đông”, tất nhiên, theo nghĩa hai hướng khác nhau, nhiều vấn đề tâm lý đám đông là tốt và nhiều vấn đề tâm lý đám đông là xấu. Và xấu hay tốt, thì cứ để cho thực tế sẽ chứng minh, quan trọng là phải có cơ chế cho công luận được nói ra, và chứng minh những quan điểm của họ.
Có rất nhiều người, nhẽ ra không quan tâm chủ đề này, bởi họ đã thấy nó xuất hiện quá nhiều trong đời sống hàng ngày, không còn gì mới lạ, và quan tâm cũng không giải quyết được gì. Nhiều người trong số đó đã ngầm định rằng lẽ đời nó thế, không phải bàn luận thêm, như ông bà ta đã dạy “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, họ đành chấp nhận cuộc sống như hiện tại, họ đang vật vờ, lững lờ trôi theo dòng chảy của cuộc sống, hay có người lý trí hơn thì vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích cộng đồng nên đã trở thành “ngậm miệng ăn tiền”, “im lặng là vàng”.
Fukuzawa Yukichi cho rằng khi công dân của một quốc gia hoàn toàn thờ ơ với các vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc, bàng quan với những vấn đề chính trị của tổ quốc, thì đó là dấu hiệu cảnh báo cho sự suy vong của quốc gia, dân tộc đó. Và tất cả chúng ta, những công dân yêu nước, không ai mong muốn đến viễn cảnh này.
Vì vậy, khi công luận, dân chúng đổ xô vào bàn luận thì rất nhiều cá nhân của đám đông, ban đầu cũng theo chủ nghĩa “Mackeno”, nhưng sau đó đã không thể đứng ngoài mãi được. Bởi bản chất tâm hồn của đám đông như Gustave Le Bon miêu tả trong tác phẩm “Tâm lý học đám đông” thì đám đông rất dễ bị lôi kéo, bị dụ dỗ, dù là con người đầy tri thức hay những người lao động chân tay, khi đã tham gia vào đám đông thì hầu như họ có cách hành xử cơ bản là giống nhau. Bởi khi đó, họ hành động theo tình cảm, theo trực giác chứ không phải theo lý trí, lý tính của bản chất sự việc. Do vậy, số lượng người tham gia phản đối lại càng nhiều, bởi khi lòng tin của họ đã suy giảm nghiêm trọng, thì không cần lý trí phán xét đúng – sai nữa, cứ gặp vấn đề là họ sẽ nghĩ theo hướng không tốt đó thôi. Đó là một phần rất con người khi tham gia vào đám đông.
Thứ hai, xin quay lại chủ đề về ngoại ngữ và khả năng chuyên môn.
Không phủ nhận vai trò cần thiết của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, ở các nước văn minh hơn chúng ta trong khu vực chứ chưa dám nói đến các nước văn minh hàng đầu của thế giới, thì ngoại ngữ chỉ là công cụ, là phương tiện giúp ta làm việc, còn khả năng chuyên môn, khả năng sáng tạo, khả năng tự học tập, tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân… mới là yếu tố quan trọng mang tính quyết định sự thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống của một cá nhân con người.
Liên quan đến khả năng chuyên môn để xem xét về việc bổ nhiệm có hợp lý hay không trong trường hợp này, có lẽ phải nói rõ hơn là khả năng chuyên môn khi anh đứng ở cương vị quản lý, nhất là ở cơ quan quản lý nhà nước, thường mang màu sắc chính trị rất lớn, thì anh phải có phẩm chất của một chính trị gia, phẩm chất của nhà quản lý, còn khả năng chuyên môn sâu của công việc hàng ngày, có lẽ sẽ là không quá cần thiết, nhất là khi người đó có khả năng tự học, tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân như đã nói ở trên. Bởi với những phẩm chất trên thì chuyên môn hàng ngày đã trở nên rất dễ dàng cho người được chọn. Vì vậy, nếu anh giỏi ngoại ngữ thì anh có thể làm thông dịch. Và cho dù, anh vừa giỏi ngoại ngữ vừa có bằng cấp về quản lý, được đào tạo bài bản, thì muốn là người được chọn vào vị trí cao vời vợi thì anh vẫn phải chứng minh khả năng của mình qua thực tế công việc, chứ không phải cứ có đầy đủ bằng cấp một cách bài bản là sẽ được đặt vào vị trí cao vời vợi như thế. Bởi nhiều khi anh có ngoại ngữ giỏi và bằng cấp bài bản, nhưng phẩm chất con người anh lại chỉ phù hợp với việc nghiên cứu mà không phù hợp với việc quản lý. Và để chứng minh khả năng của mình, cho mọi người thấy anh là người phù hợp với việc quản lý cấp cao đó, thì buộc anh phải có thời gian, phải có kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống trong công việc, chứ không phải anh suốt ngày lơ lửng bay cao trên bầu trời, rồi bỗng nhiên đậu xuống vị trí đầy mơ ước như vậy. Xin nhắc lại quan trọng là tuổi nghề chứ không phải tuổi đời, tất nhiên có cả hai thì lại càng tốt.
Chúng ta đừng nhìn vào thực tế thấy có một số người còn rất trẻ mà đã xây dựng được sự nghiệp vô cùng lớn để áp dụng vào việc này, và nói là “tài không đợi tuổi”. Xin trả lời rằng, chúng ta cần tham khảo cách giải thích của Michael Gladwell tại tác phẩm “Những kẻ xuất chúng” về “Quy tắc 10.000 giờ”. Theo đó, một người khi tích lũy đủ 10.000 giờ với một công việc chuyên môn sâu nào đó, thì anh ta đã trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn đó, và nhất định anh ta sẽ là người thành công.  Những người đã thành công ở độ tuổi còn trẻ như vậy nghĩa là họ đã tích lũy đủ thời lượng cho chuyên môn của họ.
Nhưng thực tế không phải ai cũng có khả năng tích lũy được thời lượng như vậy với một công việc chuyên môn, đặc biệt là tại các quốc gia có nền tự do, dân chủ thấp thì lại vô cùng khó.
Bởi vì, trước hết anh phải có sở thích, đam mê, và phải có sự may mắn là được mọi người xung quanh gồm cả gia đình và xã hội luôn ủng hộ, cổ vũ để anh duy trì động lực tiếp tục rèn luyện trong chuyên môn đó, và may mắn là chuyên môn của anh được xã hội cần đến đúng thời điểm chín muồi, ta gọi đó là thời cơ. Trong khi tại các quốc gia này, trước những áp lực bộn bề của cuộc sống, cộng thêm yêu cầu người ở vị trí cao phải biết đủ mọi điều cứ như một ông thánh, muốn biết nhiều điều nghĩa là người đa năng nên người ta không thể tập trung, họ không thể sống với một chuyên môn, họ là “thánh phán” cho mọi thứ… nên vô cùng khó để tích lũy đủ 10.000 giờ. Ví dụ như một người làm trong lĩnh vực tài chính (như tác giả bài viết) nhẽ ra cứ tập trung hoàn toàn đam mê vào tài chính, nhưng cuộc sống ngoài xã hội này có quá nhiều thứ mà nếu chỉ tìm hiểu về lĩnh vực tài chính sẽ không thể giải thích nổi, vì thế người ta phải tìm về triết học, bởi nó giúp con người hiểu được xã hội, hiểu được nhiều hơn về con người, giúp người ta biết dựa vào cơ sở nào để giải thích được các hiện tượng của cuộc sống, và tất nhiên nó cũng bổ trợ để hiểu nhiều hơn thị trường tài chính của ta, vì sao nó đang diễn ra (không tốt) như hiện tại. Vì thế mà cũng không thể tập trung toàn bộ thời gian cho chuyên môn của mình.
Tiếp tục về góc độ chuyên môn và bằng cấp bài bản, trong xã hội chúng ta, thì số lượng người có được những bằng cấp bài bản hơn thế rất nhiều cũng không phải là thiếu. Nếu nói chỉ cần ngoại ngữ và bằng cấp bài bản là sẽ làm tốt và đưa đất nước phát triển tốt, thì chỉ cần lôi hết các anh tốt nghiệp chính sách công, luật, kinh tế… của Harvard, Princeton, MIT… về cho các anh ấy lãnh đạo là xong. Hay biện pháp đơn giản hơn nữa, không khiến cho những người đang tại vị phải lo nhường chỗ cho các tài năng trẻ là gửi hết các đồng chí đang làm lãnh đạo đến các trường nổi tiếng hàng đầu thế giới để học, đào tạo rồi về quản lý đất nước là xong. Chắc chắn chi phí bỏ ra cho các đồng chí đó đi học không thể so sánh được với lợi ích mà những người đó mang lại, nếu chúng ta đồng ý quan điểm cho rằng đất nước phát triển được chỉ do trình độ dân trí. Khai dân trí là quan trọng, nhưng khai ở đâu, khai như thế nào và khai cái gì thì cần phải được làm rõ. Ngoài ra, dân trí không phải là yếu tố duy nhất quyết định vận mệnh đất nước (xin vui lòng tham khảo bài viết “Vì sao người Việt mãi nghèo” tại đây:
https://hungphamfb.blogspot.com/2016/08/vi-sao-nguoi-viet-mai-ngheo-ptg-fpt-o.html).
Rủi ro có thể xảy ra là, khi những người có đủ tri thức, có tài năng được trao quyền lực mà ta không có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách khoa học, thì hậu quả còn tệ hại hơn so với trước khi họ được trao quyền. Bởi lúc đó nhà nước là của họ, nhóm của họ hay nhà nước quý tộc, nhà nước tư bản thân hữu, hay tư bản nhóm chứ không phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân (cụ thể hơn là nhà nước dân chủ) nữa rồi.
Trao quyền như vậy là không tốt, bởi vì xuất phát từ bản chất tự nhiên của quyền lực, quyền lực luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình, ở đâu có quyền lực là có khả năng xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai, chủ thể nào, hay nhóm người nào. Như nhà sử học, chính trị học Lord Acton từng nói: "Quyền lực làm con người ta tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối". Vì vậy, để ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực, thì phải cấu trúc hệ thống một cách khoa học nhằm giới hạn quyền lực (nguyên lý cân bằng và kiểm soát – Checks and Balances), đảm bảo mang lại lợi ích chung cho toàn bộ các chủ thể trong hệ thống, một tổ chức hay một quốc gia. (Để hiểu hơn về kiểm soát quyền lực, độc giả có thể tham khảo bài viết “Cái lồng quyền lực” tại đây:
Thứ ba, có quan điểm đưa ra tình huống phải chọn một trong hai là: i) chọn những người có ngoại ngữ, có bằng cấp bài bản và ii) những người không có ngoại ngữ, trình độ chuyên môn tàng tàng, có kinh nghiệm lâu năm vào làm vị trí lãnh đạo.
Cách đặt vấn đề kiểu này là không hợp lý, và mang tính áp đặt, giống như kiểu đặt câu hỏi “chọn sắt thép hay chọn cá tôm” vậy. Tương tự như thế, vậy xin hỏi lại rằng chúng ta sẽ lựa chọn thế nào giữa một bên là tất cả mọi người đều im lặng, không thèm quan tâm và một bên là mọi người khi thấy sự việc bất thường thì cùng nhau tranh luận, tranh đấu cho rõ sự tình. Tôi dám chắc là hầu hết chúng ta sẽ chọn lựa chọn thứ hai.
Cách đặt câu hỏi như vậy là tù túng, không mở ra tương lai, bởi tại sao ta không đưa ra một lựa chọn tối ưu hơn, ví dụ như một quy trình tuyển dụng minh bạch, độc lập để chọn được người tài, khi đó chắc không mấy ai vào phản đối cả.
Có người cho rằng việc tuyển người ở cơ quan này, họ đã chủ động đi tìm một nhân tài về đặt vào vị trí quan trọng, đúng nghĩa là săn đầu người. Chuyện này có lẽ là hiếm thấy ở các cơ quan công quyền. Có lẽ họ đã cố tô điểm những sắc hồng cho cuộc đời thêm phần tươi sáng, họ bỏ qua thực tại, cố tình ru ngủ bản thân.
Giữa thời buổi đầy nhiễu nhương, trắng – đen, sáng – tối lẫn lộn, một gam màu xám bao trùm cả bầu trời như vậy, thì thường người ta chỉ nghĩ theo hướng tiêu cực là một tư duy hợp lý. Vì vậy, hãy để người dân được quyền nghi ngờ, được tham gia, được quyền đặt câu hỏi và được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước do người dân ủy quyền tìm ra bản chất sự việc.
Thứ tư, đã từ lâu rồi, từ thời ông cha ta, người dân chúng ta vẫn thầm ngưỡng mộ phương Tây, thấy phương Tây là chúng ta có thể có tiền bạc, thấy phương Tây là chúng ta thán phục, thấy họ là ta thấy có cơ hội, nên rất cần phải giao tiếp với họ, cần được trò chuyện cùng họ. Nhưng cứ mỗi khi gặp họ là họng ta cứng hết lại, cùng với vị thế yếu hơn họ, nên chúng ta càng tự ti. Do đó, biết bao điều hay, ý đẹp trong lúc minh mẫn ta nghĩ ra được thì lúc này đều tan biến, và kết quả là mục tiêu công việc không đạt được. Vì vậy chúng ta khao khát ngoại ngữ, và thầm thán phục những người giỏi ngoại ngữ. Nhưng tiếc thay, nhiệm vụ đào tạo ngoại ngữ lại không được cơ quan chuyên trách hoàn thành, mọi tính toán, chiến lược phát triển đều bị bóp méo trước “sức nặng của đồng tiền”.
Kết lại, chúng ta biết ngoại ngữ là quan trọng, nhưng không phải là tất cả; bằng cấp bài bản là quan trọng nhưng cũng không phải là tất cả. Vì vậy, cái điều bất thường xảy ra thì người dân có quyền nghi ngờ, quyền yêu cầu được giải trình.
Và giải pháp để tránh được những phản ứng tiêu cực của người dân, thì chúng ta hãy cứ tuân thủ bốn nguyên tắc của quản trị, những nguyên tắc mà chúng ta có thể áp dụng ở mọi nơi, mọi đám đông, từ góc độ gia đình đến tổ chức làm việc, hay một quốc gia đó là: i) Minh bạch, ii) Trách nhiệm giải trình, iii) Khả năng dự đoán được (từ trước, trong và sau của quá trình), và iv) Sự tham gia (của mọi chủ thể liên quan vào toàn bộ quá trình).
Hết,

Tham lam và nghèo đói dưới góc nhìn của Fukuzawa Yukichi

1. “Tham lam” đối với người khác chính là nguồn gốc của mọi thói xấu

Ngoài ra, ranh giới giữa thói xấu và đức tốt chỉ là một sợi tóc. Ví dụ như thói ngạo mạn và lòng dũng cảm, thói lỗ mãng và lòng cương trực, thói ngoan cố và lòng thành thực, tính nông nổi và sự nhanh nhạy. Tố chất gốc tự nó không phải là xấu.
Tuy vậy, duy có một thứ, vốn dĩ tố chất gốc đã là xấu, cho nên bất cứ ở đâu, dù ở mức độ nào và nhằm mục đích ra sao, thì nó vẫn cứ là thói xấu. Thứ đó chính là tham lam. Muốn có được thứ vượt xa năng lực của mình mà lại không nỗ lực để đạt được nó.
Tham lam thường ngấm ngầm nảy sinh trong lòng. Tham vọng khiến người ta lập mưu tính kế hãm hại người khác nhằm thỏa mãn sự ghen tức, hay xoa dịu nỗi bất hạnh của chính mình. Vì thế, những kẻ ôm ấp lòng tham không hề đóng góp gì mà chỉ phá hoại hạnh phúc xã hội.
Ghen ghét, lường gạt, giả dối là những thói mà người ta thường gọi là lừa đảo bịp bợm. Đây là một thói đê tiện. Nhưng nó không phải là nguyên nhân đẻ ra sự tham lam. Ngược lại, phải thấy rằng chính tham lam đã sản sinh ra những thói đê tiện ấy mới đúng.
Tham lam là nguồn gốc của mọi thói xấu. Có thể nói: không có thói xấu nào trong con người mà lại không xuất phát từ tham lam.
Thái độ cay cú ngờ vực, ghen ghét, hèn nhát… cũng từ tham lam mà ra. Từ những hành vi thậm thụt, mật đàm, mưu mô cho đến việc lôi kéo bè cánh, ám sát, nổi loạn… tất cả đều phát sinh từ tham lam.
Trên phạm vi quốc gia, những tai họa do lòng tham gây ra khiến cho dân chúng đều trở thành nạn nhân. Khi đó thì mọi lợi ích công đều bị biến thành lợi riêng của một nhóm người.

2. Nghèo khổ không phải là nguyên nhân

Trên đây Fukuzawa Yukichi đã đề cập tác hại của lòng tham trong quan hệ giao tiếp giữa con người với con người.
Vậy thì cái gì là nguyên nhân chủ yếu khiến cho con người ghen tức trước hạnh phúc của người khác, cầu cho người khác gặp bất hạnh?
Phải chăng đó là do cuộc sống quá khổ cực, quá bế tắc?
Không, không phải như vậy. Nếu cho rằng gốc rễ của tham lam là nghèo khổ thì tất cả những người nghèo khổ trong xã hội đều bày tỏ sự bất bình, những người giàu có trong xã hội sẽ trở thành cái “đích” của sự căm tức và như thế thì mọi quan hệ, giao tiếp trong thế giới này một ngày cũng không giữ nổi.
Nhưng thực tế thì khác hẳn. Con người dù có nghèo khổ đến đâu đi nữa, khi đã hiểu được vì sao mình nghèo khổ, vì sao mình hèn kém và nguyên nhân là tại mình thì sẽ không bao giờ họ mang thói đố kỵ bừa bãi đối với người khác. Bằng chứng có lẽ cũng không cần phải trưng ra đây.
Hiện nay, trong xã hội tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo, sang hèn… cứ nhìn vào quan hệ giao tiếp giữa người với người thì sẽ rõ. Vì thế, tôi mới nói rằng phú quý giàu sang không phải là đối tượng của sự căm tức. Nghèo khổ hèn kém không phải là nguồn gốc của sự bất bình.

=> Hãy sống thương phương châm của người Hawaii bản địa, luôn chúc mừng trước niềm vui của người khác.