Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Làm điều đúng hay làm điều gì đó cho đúng

Trong quản trị, người ta hay nói nhắc đến câu nói của người được mệnh danh là “Người sáng lập ngành quản trị hiện đại - The founder of modern management" - Peter F. Druker: “Doing the right things is more important than doing things right" hay “Làm điều đúng quan trọng hơn làm điều gì cho đúng”. Chúng ta nên hiểu câu nói trên như thế nào? Liệu có phải là chúng ta chỉ cần quan tâm làm điều gì đúng là sẽ thành công với mục tiêu đặt ra?
Nếu hiểu một cách đơn giản câu nói trên, chúng ta dễ đi hướng cực đoan, tuyệt đối hóa điều này và xem thường điều còn lại. Suy nghĩ chỉ chọn một trong hai, tương tự như các bài thi trắc nghiệm trong trường học là suy nghĩ không hợp lý, không đúng trong thực tế đời sống hàng ngày. Tại sao chúng ta không chọn cả hai mà cứ phải chọn chỉ một. Nói chọn cả hai trong trường hợp này không đơn giản là kiểu suy nghĩ nước đôi, cái gì cũng được lại là cách suy nghĩ không hợp lý. Chọn cả hai điều gồm: làm điều đúng và làm điều gì cho đúng/cho tốt là cần thiết để có được thành công với những mục tiêu đặt ra. Mỗi lựa chọn trên đều có vai trò quan trọng trong mỗi bước trên con đường tiến tới mục tiêu.
Phân biệt tư duy chiến thuật và tư duy chiến lược
Trước hết, chúng ta cần làm rõ sự khác biệt giữa tư duy chiến thuật (doing things right) và tư duy chiến lược (doing the right things). Tư duy chiến thuật là làm đúng/làm tốt những mục tiêu đã đặt ra, trong khi tư duy chiến lược là tìm kiếm/lựa chọn những việc/mục tiêu đúng để làm. Tư duy chiến lược thường có ở những nhà là lãnh đạo/nhà tạo lập chính sách: tạo ra tầm nhìn. Trong khi tư duy chiến thuật thường có ở những nhà quản lý/điều hành: thực hiện tầm nhìn bằng những chính sách/mục tiêu cụ thể hơn.
Tư duy chiến lược phải đi trước, nghĩa là chọn những việc đúng để làm (doing the right things). Ở các doanh nghiệp thì những người trong hội đồng quản trị phải có tư duy chiến lược, đặt ra những mục tiêu, định hướng đúng đắn cho con đường phát triển của doanh nghiệp. Đúng ở đây không đơn thuần là đúng theo quy định, đúng trên góc độ đạo đức, đúng theo thông lệ mà còn phải đúng hay cụ thể hơn là phù hợp với hiện trạng của mình. Vì vậy, mỗi công ty, mỗi tổ chức… đều cần có một chiến lược phát triển cụ thể. Nói gần gũi hơn, ta thường gọi là định hướng lâu dài. Ở đó, người ta sẽ đưa ra: i) Tầm nhìn là những mục tiêu lớn/tương lai xa; ii) Sứ mệnh hay còn gọi là sứ mạng nghĩa là mục tiêu lớn nhằm mang lại điều gì cho ai và; iii) Giá trị cốt lõi nghĩa là đạt được mục tiêu lớn, nhằm hoàn thành sứ mệnh của mình dựa trên những gì mà tổ chức đang có hoặc dự kiến sẽ có, cụ thể là những nội lực đang có trong bối cảnh thực tế hiện tại, để biết những điểm mạnh nào của mình giúp có thể đạt được tầm nhìn. Chiến lược là lâu dài, nên mục tiêu chiến lược cần phải đúng đắn, tất nhiên vẫn có thể phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Do đó, quá trình hoạch định chiến lược không thể vội vàng. Chiến lược phải được đưa ra bởi những người có chuyên môn, có tầm nhìn, có tố chất lãnh đạo. Đồng thời, nó phải là sự kết hợp của sự sáng tạo của nhiều con người, nhiều lĩnh vực có liên quan đến tổ chức, để bao quát hết các vấn đề có thể xảy ra ở mọi mặt. Vì vậy cơ chế hoạt động của nhóm hoạch định chiến lược phải là dạng hội đồng, gồm nhiều bên độc lập tham gia, quyền biểu quyết của các thành viên cơ bản là ngang nhau, cấu trúc dạng hình đa giác đều. Trong công ty, nhất là những công ty mang tính đại chúng cao thì số thành viên độc lập phải chiếm đa số.

Hình minh họa: Mô hình quản trị đơn nhất hay một cấp (unitary boards) theo Bob Tricker – người được mệnh danh là “Cha đẻ của kiểm soát quản trị công ty - Father of Corporate Governance”

Sau khi đã có chiến lược (doing the right things) thì cần có chiến thuật (doing things right). Dựa trên chiến lược đã được đưa ra, bộ phận quản lý/điều hành sẽ cụ thể hóa, chi tiết hóa thành các chính sách/mục tiêu nhỏ hơn, nhưng phải xuyên suốt và thống nhất với mục tiêu lớn mà chiến lược đã đặt ra. Tránh trường hợp các mục tiêu nhỏ tự mâu thuẫn lẫn nhau, khiến cho khi đạt mục tiêu nhỏ này thì đồng thời triệt tiêu mất mục tiêu nhỏ khác, kết quả là không bao giờ đạt được mục tiêu chiến lược. Các mục tiêu trong chiến thuật thường ngắn hạn hơn, nên chính sách hay các quyết định phải nhanh. Nó phải được đưa ra bởi những người cố tố chất quyết đoán, ý chí mạnh mẽ, đồng thời, người điều hành phải được trao quyền chủ động xử lý mọi vấn đề phát sinh (gồm cả chủ động về mặt con người), để tạo ra một khối đoàn kết thống nhất trong quá trình thực thi chính sách nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đồng nghĩa với việc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với các chính sách/hành động của mình. Vì vậy, cơ chế hoạt động của ban điều hành thường có dạng hình tháp, trong đó người đứng đầu ban điều hành có vai trò cực kỳ quan trọng.
Chúng ta có thể thấy các nhà tư tưởng chiến thuật có xu hướng tập trung vào việc làm đúng/làm tốt những điều đã đặt ra, trong khi các nhà tư tưởng chiến lược lại quan tâm đến việc thực hiện những điều đúng đắn. Nếu đặt chiến lược đúng, nhưng cách triển khai lại sai, hay chiến thuật không hợp lý thì cũng dễ dẫn đến thất bại. Ngược lại, nếu tập trung làm việc gì đó cho đúng/cho tốt, nhưng đó lại là một việc làm sai trái (cả trường hợp ta đã biết và trường hợp chưa biết nó là sai trái) thì những nỗ lực để thực hiện chiến lược sẽ thường là vô ích, bởi nó gặp rất nhiều lực cản cả từ bên trong tổ chức, vì nó khó đạt được sự đồng thuận, xuyên suốt từ trên xuống dưới, bên cạnh những lực cản rất lớn từ bên ngoài tổ chức.
Khi đặt mục tiêu chiến lược sai (doing the wrong things), không đơn thuần là sai về mặt quy luật, sai về mặt đạo đức mà đôi khi chỉ là không phù hợp với hiện trạng của thực tại. Một số trường hợp có thể rơi vào tình trạng không thể đạt được trong thực tế, thường gọi là điều “không tưởng” (Utopia). Nếu bộ máy điều hành vẫn phải thực thi chiến lược không tưởng này, năng lực nội tại không đủ, sẽ khiến cho áp lực luôn đè nặng, chi phí để thực hiện là rất lớn, phải dồn hết toàn bộ nguồn lực để triển khai mà kết quả cũng chẳng thể đạt được. Bi quan hơn khi mục tiêu chiến lược là trái với các quy luật vận hành, thường dẫn đến các mục tiêu nhỏ do bộ phận điều hành đặt ra sẽ tự mâu thuẫn lẫn nhau, đạt mục tiêu nhỏ này sẽ đồng thời triệt tiêu mục tiêu nhỏ khác, khiến cho mục tiêu chiến lược không bao giờ đạt được. Và chính vì vậy, câu nói “Doing the right things is more important than doing things right” là hoàn toàn chính xác trong trường hợp này.
Như vậy, mỗi bộ phận có những đặc trưng về cấu trúc khác nhau, yêu cầu về phẩm chất con người khác nhau, vì vậy mà mỗi người/mỗi bộ phận cần tập trung vào chức năng nhiệm vụ của mình, để phát huy hết thế mạnh nhằm đạt mục tiêu cho bộ phận mà mình đang tham gia. Đồng thời cũng cần có sự độc lập giữa các bên, tránh để quyền lực bị tập trung vào một chủ thể nào, sẽ dẫn đến kém phát huy sự sáng tạo của nhiều người, đồng thời dễ dẫn đến sai sót, và khi sai sót thì gây hậu quả rất nặng nề. Hơn nữa, khi quyền lực bị tập trung vào một chủ thể cụ thể nào đó, thì cơ chế kiểm tra/giám sát của các thành viên độc lập đối với các nhóm thực thi chính sách (bộ phận điều hành) sẽ không thể phát huy tác dụng, điều này dễ dẫn đến tình trạng mọi quy trình/quy chế của hoạt động quản trị chỉ còn “ở trên giấy”.
Sự phối hợp giữa chiến lược và chiến thuật
Ở phần trên chúng ta đã thấy được sự cần thiết và vai trò quan trọng của cả hai loại tư duy chiến thuật và tư duy chiến lược để nhằm đạt các mục tiêu lớn/xa và nhỏ/gần, cũng như cần thiết phải có sự độc lập giữa các nhóm hoạch định chiến lược và nhóm xây dựng chiến thuật. Các nhà tư tưởng chiến lược có xu hướng phân tích tình huống nhưng thường không hành động. Các nhà tư tưởng chiến thuật lại tập trung vào việc làm gì đó, nhưng thường không suy xét kỹ trước khi hành động. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, thông suốt giữa hai bộ phận hoạch định chiến lược và xây dựng chiến thuật. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết về quá trình truyền đạt, tiếp nhận và xử lý thông tin giữa các bộ phận.
Bộ phận hoạch địch chiến lược cần có đầy đủ thông tin một cách cụ thể, chi tiết về tình hình nội tại của tổ chức/công ty, kết hợp với các thông tin liên quan bên ngoài của công ty ở mọi góc độ, theo từng nhóm chuyên môn mà thành viên của hội đồng chiến lược đảm nhiệm, tổng hợp phân tích thông tin để đưa ra chiến lược đúng đắn cho công ty. Nghĩa là ban điều hành cần phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết một cách đầy đủ, chính xác cho nhóm hoạch định chiến lược thông qua các thành viên kiêm nhiệm, trong các công ty là các thành viên hội đồng quản trị điều hành và các ủy ban chuyên trách của hội đồng quản trị. Ngược lại, bộ phận điều hành cũng cần thấu hiểu được các mục tiêu, tầm nhìn của chiến lược một cách nhanh chóng thông qua các thành viên hội đồng quản trị điều hành. Từ đó, ban điều hành sẽ ban hành các chính sách/mục tiệu cụ thể gắn sát với các mục tiêu của chiến lược và thực thi chính sách một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Yêu cầu chung cho hoạch định chiến lược và xây dựng chiến thuật
Theo S. Chiavo-Campo thì Mỗi chính sách/mục tiêu đặt ra của mỗi bộ phận cần đảm bảo tuân thủ bốn (04) nguyên tắc của quản trị: i) Minh bạch; ii) Sự tham gia (của các chủ thể liên quan vào việc ban hành thiết chế, chính sách); iii) Khả năng dự đoán được; và iv) Trách nhiệm giải trình. Trong đó, minh bạch là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp cho các bên liên quan đều nắm/thấu hiểu được chính sách, mục tiêu. Từ đó các bên mới có thể đồng lòng/đoàn kết để cùng thực hiện mục tiêu, đồng thời có điều kiện tham gia, đóng góp trong quá trình ban hành chính sách/mục tiêu; tham gia giám sát/kiểm tra các chủ thể thực thi chính sách/mục tiêu; và yêu cầu các bên có trách nhiệm giải trình vấn đề/công việc mình thực hiện. Chính sách/mục tiêu cũng phải đảm bảo khả năng dự đoán được, để các bên liên quan có đủ thời gian chuẩn bị nguồn lực thực hiện, cũng như giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hành động.
Khó khăn với những quốc gia/vùng có tình trạng tham nhũng phổ biến
Điều khó khăn là ở các quốc gia/địa phương kém phát triển, tình trạng tham nhũng là phổ biến, thì dù doanh nghiệp có đưa ra chiến lược đúng đắn, bộ máy điều hành và thực thi chính sách được lựa chọn rất chuyên nghiệp và nỗ lực để đạt mục tiêu đi chăng nữa, nhưng khi gặp phải thực tế tham nhũng sẽ là lực cản vô cùng lớn với doanh nghiệp, các định hướng của chính sách dễ trở thành hướng húc đầu vào tường. Tham nhũng ở đây không đơn thuần là khi làm việc với các cơ quan công quyền (tất nhiên nó chiếm phần lớn), mà còn cả quá trình làm việc/tương tác với các đối tác, các khách hàng. Ở các quốc gia có tình trạng tham nhũng là phổ biến thì ngay cả người bảo vệ của công ty là khách hàng của doanh nghiệp cũng có khả năng gây khó khăn, làm chậm trễ quá trình thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp với khách hàng nếu không có những khoản lót tay (nho nhỏ). Để đạt được các mục tiêu cụ thể mà bộ phận điều hành thực hiện, họ phải tốn các chi phí ngầm, và theo nguyên tắc nó nằm ngoài sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không thể để vậy nếu muốn tiếp tục tồn tại, do đó, để hợp thức các chi phí này, doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm cách “phi chính thức” hay làm điều sai (doing the wrong things) nhằm có được kết quả tốt (doing things right). Và rất có thể trong quá trình hợp thức này cũng phát sinh tham nhũng. Cứ thế đẩy dần lên các các cấp cao hơn, làm méo mó mó mọi quy trình hoạt động của tổ chức, dẫn đến các mục tiêu tự triệt phá lẫn nhau, khiến cho các mục tiêu của chiến lược lại quay về với “hình ảnh trên giấy”.
Kết luận
Như vậy, để thành công với các mục tiêu (mục tiêu của chiến lược và mục tiêu cụ thể trong thi hành) thì cần phải đảm bảo đạt được cả hai quá trình là làm điều đúng (Doing the right things) và làm điều gì cho đúng/cho tốt (Doing the things right). Làm điều đúng sẽ đi trước và làm điều gì cho đúng sẽ theo sau. Các quy trình này cũng cần có sự phối hợp, thông suốt. Và câu nói hoàn thiện hơn sẽ là: “Làm điều đúng cho đúng - Doing the right things right”.
Ghi chú: phạm vi bài viết tập trung nhiều hơn ở góc độ công ty và mô hình quản trị công ty một cấp, đơn nhất - One-tier board of directors also known as unitary board of directors.
Người đọc cần phân biệt sự khác nhau giữa 2 thuật ngữ trong tiếng Anh: Corporate governane (Kiểm soát, quản  trị công ty) và Corporate management (Quản lý/quản trị điều hành công ty).
Xin vui lòng xem thêm bài viết cùng chủ đề tại đây:https://hungphamfb.blogspot.com/2016/08/quan-tri-cong-ty-va-quan-tri-nha-nuoc_16.html

1 nhận xét:

  1. King casino | Online casino and Slots - VieCasino.com
    King vua nhà cái casino is an online casino operated by Caesars Entertainment. The game is based on the classic card game, and the main object is to クイーンカジノ win カジノ シークレット

    Trả lờiXóa