Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Những đứa trẻ ăn mày dĩ vãng


(Hình sưu tầm từ internet)
Mấy chục năm đã trôi qua, có lẽ đã tạo ra đặc tính của một dân tộc quen kiếp ăn mày, ăn mày vào dĩ vãng, với sự thành công của một sự kiện thể thao thì họ trở thành ăn mày trên sự thành công của người khác. Những kẻ chuyên kiếp ăn mày này mà có thêm quyền lực thì rất dễ trở thành ăn chặn, ăn cướp thành công của người khác. Chỉ khổ một điều là cái nền tảng xã hội đã dung dưỡng cho những kẻ chuyên ăn mày này luôn có cơ hội để thực hiện hành vi ăn chặn, ăn cướp của chúng.
Vì sao lại gọi là ăn mày dĩ vãng? Với những người lính trong chiến trường, họ đã quyết hy sinh xương máu của mình cho đất nước, thực tế, rất nhiều người trong số họ cũng không còn con đường nào khác để lựa chọn, và sự quyết tâm của họ cũng đã lấy đi quá nhiều xương máu của chính những người đồng bào, những người cũng mang cùng dòng máu đỏ da vàng như mình nhưng ở bên kia chiến tuyến. Đến khi dành được phần thắng rồi thì họ lại đòi lại những gì mà họ đã sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng trước kia, vậy là đòi nợ máu dân tộc. Họ không chỉ đòi cho chính họ, mà còn đòi cho con cái, họ tộc của họ.
Hậu quả của kiểu ăn mày này dĩ vãng đã khiến cho những “đứa trẻ” của họ chẳng được rèn luyện, được trải nghiệm qua những khó khăn để có được thành công, chúng luôn được hưởng sự thành công của người khác phải vất vả để tạo nên, nhưng nhờ người thân mà thành công đã được trao cho chúng. Vì vậy, dù có khoác lên người những chiếc áo lộng lẫy gắn đầy ngọc ngà, châu báu, để thể hiện sự thành công hay những hình ảnh oai hùng mà chúng được trao cho, thì thực chất trong sâu thẳm tâm can những “đứa trẻ” này vẫn là những cá thể yếu đuối. Và chỉ một chút khó khăn, trở ngại thôi là chúng sẽ hiện nguyên hình là những con người yếu đuối; chúng sẽ khóc lóc, than vãn, gào thét, đổ lỗi cho người khác. Hình ảnh của những ông quan oai hùng nhưng khi thất trận thì khóc lóc, van xin, năn nỉ, ỉ ôi… gần đây chính là điển hình cho những “đứa trẻ” đó. Chúng không bao giờ biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Thất bại thì luôn cho rằng do người khác và nếu chúng là một phần của tập thể thất bại, thì chúng lại cho rằng lỗi của tập thể ngay cả khi chúng là kẻ đứng đầu trong tập thể, và chúng lại tiếp tục cất lên điệp khúc “rút kinh nghiệm”, rút hoài, rút mãi mà không bao giờ hết, mặc dù đất nước đã phải chịu biết bao tổn thất cho cái “dây kinh nghiệm” dài vô tận của chúng.
Hậu quả tiếp theo của những “đứa trẻ” được nuôi dưỡng theo lối giáo dục này là chúng chỉ biết cảm nhận và hưởng thụ niềm vui, niềm hạnh phúc từ sự tác động trực tiếp vào các giác quan vật lý (xúc giác, vị giác, thính giác, thị giác, khứu giác), mà không có sự sâu lắng trong tâm hồn để tận hưởng niềm hạnh phúc từ quá trình vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng chính mình. Chúng cũng không thể hiểu rằng nguồn cội của đau khổ là sự khao khát, cái khao khát vô hạn cho những thú vui của giác quan (vật lý), thậm chí cả sự khát khao tồn tại (đặc biệt là khát khao phi tự nhiên là trường sinh bất lão) nữa cũng dẫn con người ta đến khổ đau, điều mà Đức Phật từng nói mấy ngàn năm trước. Chúng đã quá quen với việc người khác mang lại cho chúng những thú vui hời hợt, nhảm nhí, thậm chí đậm mùi xác thịt, đậm mùi tiền bạc nhơ nhuốc, nên chúng nghĩ tất cả mọi người cũng không thoát khỏi đam mê, khát khao tận hưởng những thú vui trần tục đó. Chúng lợi dụng những thú vui nhơ nhuốc này để gieo rắc vào tâm hồn những người đã chiến đấu vì vinh quang như những anh hùng. Chúng đầu độc tâm hồn của những người hùng bằng những điều nhơ nhuốc, hạ đẳng; để khi những người hùng này không còn giữ được mình thì sẽ trở thành công cụ để mua vui, hay mang lại những thú vui đầy trần tục cho chúng. Nên dù có hình ảnh mỹ miều, lời nói hoa mỹ thế nào thì cũng sẽ dễ dàng lộ ra bản chất của một con người chỉ quen tận hưởng những thú vui đầy trần tục mà thôi. Cảnh đón tiếp những người hùng trên chuyến chuyên cơ gần đây cho thấy rõ điều đó. Xin mượn lời Đức Phật để nói thêm về những “đứa trẻ” này: “Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột; cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào. Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào”.
Tiếc một điều rằng, ở những nơi nào có cái cơ chế điều hành tập trung, quyết định thì tập thể sẽ luôn dẫn đến tình trạng này. Công việc thì luôn bị đẩy lên trên, lỗi thì không thuộc về ai. Nhưng hễ thành công thì dành hết phần đó về mình, nếu nhiều “đứa trẻ” đều muốn thành công đó, thì chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, có thể chà đạp lên nhau để tranh giành lấy thành công đó. Người đứng đầu muốn duy trì được sự ủng hộ của những “đứa trẻ” này luôn phải tìm cách phân chia cho chúng, và thường là phải lấy của những “đứa trẻ” yếu hơn để chia cho những “đứa trẻ” mạnh hơn. Với một xã hội mà tình trạng này là phổ biến thì tham nhũng sẽ tràn lan, bởi nó là kết quả của quá trình thỏa thuận để phân chia lợi ích; đồng thời thành quả do sáng tạo thường không có hoặc rất thấp, bởi không có mấy người tài, người có đủ năng lực để đảm trách công việc, mà chỉ là những “đứa trẻ” đóng vai người đứng đầu, chúng luôn chầu chực (như những con kền kền) đòi quyền lợi. Và tất nhiên cái nhu cầu được thỏa mãn (giác quan vật lý) đầy trần tục như đã nói ở trên sẽ luôn biến đổi, khó nắm bắt, khó kiểm soát và không bao giờ có điểm dừng. Vì vậy mà tình trạng xâu xé miếng bánh chung sẽ không thể dừng lại, và chỉ để lại sự tan nát cho chiếc bánh, còn với phạm vi quốc gia thì chỉ còn lại cảnh hoang tàn mà thôi. Sự bất hạnh là phổ biến với tất cả mọi công dân của quốc gia đó, thậm chí ngay cả những “đứa trẻ” đã nói ở trên cũng không bao giờ biết đến niềm hạnh phúc viên mãn là như thế nào.

Tham khảo thêm:
http://www.tintm.com/chu-de/viet-nam/trinh-xuan-thanh-chau-xin-loi-bac-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1854798.html
https://baomoi.com/bi-cao-dinh-la-thang-khoc-mong-muon-khong-phai-lam-ma-tu/c/24615619.epi
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/bao-nuoc-ngoai-dang-vu-bikini-phan-cam-tren-may-bay-don-u23-vn-c415a935423.html
http://danviet.vn/van-hoa/bo-vhttdl-noi-gi-ve-man-bikini-nhay-mua-chao-don-u23-tren-may-bay-844501.html

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Đinh La Thăng – Vị anh hùng hay Tội đồ dân tộc

Trong trắng có đen, trong đen có trắng
Ông # đã bị mang ra xét xử, làn sóng dư luận phán xét về ông trái chiều một cách mạnh mẽ. Người thì cho rằng ông # tội lỗi chất cao như núi, gây bao tổn hại cho ngân khố quốc gia, tăng bao gánh nặng nợ nần lên những người dân vốn dĩ đã cùng khổ ở Việt Nam. Nhưng cũng có người thì lại khóc thương cho ông, bởi một con người đầy nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, nói được làm được, thuộc hàng hiếm ở thời buổi hiện nay. Vậy quan điểm như thế nào là phù hợp? Để biết thế nào là đúng, hãy đánh giá con người ông dưới góc nhìn đa chiều.
Trước hết, để đánh giá đúng về tình huống, chúng ta cần đi ra khỏi phạm vi của nó, đứng ngoài tầm ảnh hưởng của nó, như vậy để ta có cái nhìn khách quan về sự việc, về một con người.
Tiếp đến, muốn đánh giá được, ta cũng nên trang bị cho mình thêm thật nhiều cơ sở, phương diện để đánh giá. Cơ sở đó ta có thể có được từ đâu? Nên nhớ phải/trái, đúng/sai không phải lúc nào cũng có thể phán xét một cách rõ ràng, phân minh, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, quan điểm, cách nhìn nhận sự việc của mỗi người, cái được hình thành từ quá trình trưởng thành của người đó, thậm chí với chính người đó thì lúc này là đúng mà khi nhận thức của anh ta thay đổi thì lại là sai. Đặc biệt nó phụ thuộc vào lượng thông tin mà người đó có được về đối tượng.
Nhẽ ra, mỗi người chúng ta được trang bị một cơ sở tốt, những tinh túy về một trong các loại tôn giáo phổ biến hiện nay, thì có lẽ cái nhìn, cách phán xét vấn đề của chúng ta sẽ tốt hơn, chính xác hơn. Hay ít nhất mỗi người cũng chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu về triết học, đặc biệt là triết học đạo đức, luật pháp, chính trị… cũng sẽ giúp chúng ta phán xét vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau và kết luận sẽ chặt chẽ hơn.
Rất tiếc, do nền tảng xã hội kém tự do, dẫn đến nền giáo dục có thể gọi là mất tự do đặc biệt là giáo dục trường lớp, nó làm cho khả năng tự học, học chủ động của người học rất yếu cùng với phương pháp học của người học chưa khoa học, lại thiếu người có chuyên môn hướng dẫn, dìu dắt, nên chúng ta cũng khó trang bị cho mình cơ sở khoa học tốt để phán xét, đưa ra kết luận về một vấn đề. Và cũng bởi kém tự do nên chúng ta cũng không còn hứng thú để tìm hiểu gốc dễ những vấn đề về bản chất con người, mà chúng ta thường chạy theo thị trường, chỉ nhằm mục đích là kiếm tiền, làm giàu thật nhanh và bằng mọi giá. Thật khó để làm những điều đúng với lý tưởng của mỗi cá nhân và phát huy hết thế mạnh của một con người trong một xã hội thiếu tự do, quan điểm này đã được rất nhiều triết gia lớn về giáo dục khẳng định.
Bây giờ bạn thử tưởng tượng tình huống về một tên trộm. Bạn sẽ phán xét thế nào khi một kẻ siêu trộm, một tên tướng cướp sau khi đã tích lũy được rất nhiều tiền của từ việc trộm cướp thì hắn dừng lại, trở về làm một người tử tế. Một thời gian sau nữa hắn dùng chính những đồng tiền cướp được để làm từ thiện, đánh bóng tên tuổi, mua danh, mua chức tước. Thậm chí nếu cực đoan hơn thì trong quá trình làm những hành động để mua danh, kẻ đó vẫn thực hiện những hành vi trộm cướp giống trước đây nhưng dưới hình thức rất tinh vi và và vô cùng kín đáo. Lý thuyết về tâm lý kẻ trộm cũng khẳng định rằng, thường những kẻ trộm cướp không bao giờ tự dừng lại, nó chỉ dừng lại trừ khi nó bị bắt mà thôi. Nên bạn có tin ngay là kẻ cướp này bỗng dưng trở thành người tốt thật không. Với những người mới được chứng kiến những hình ảnh hào nhoáng trước bàn dân thiên hạ của hắn, thì kẻ trộm cướp này có thể là một siêu anh hùng, nhưng với bạn, khi bạn đã biết bản chất của nó, bạn có nghĩ kẻ đó có đúng là anh hùng ngay sau khi đã trộm cướp một cách tàn bạo hay không? Hắn sẽ là người hùng hay kẻ cướp?
Về mặt triết học, chúng ta cũng cần hiểu rằng, không có lý thuyết gì, khái niệm nào vốn dĩ đã đúng hay sai hoàn toàn, cũng không có người nào tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Nhìn ngay vào biểu tưởng của Đạo giáo ta cũng thấy hai phần đen và trắng đại diện cho âm và dương ở trong một vòng tròn, nó không hoàn toàn thẳng băng mà uốn lượn, trong trắng có đen, trong đen lại có trắng. Đời người cũng vậy, mọi lý thuyết trong cuộc sống cũng thế. Có chăng chỉ là phần nào (màu nào) chiếm đa số thì ta kết luận sự vật, hiện tượng đó mang màu sắc trắng hay đen thôi. Nhiều người chỉ phân biệt tốt - xấu, chính - tà, trắng - đen dựa trên những khái niệm, dữ kiện, hay thông tin ít ỏi mà họ thu lượm được, dở hơn nữa là khi thông tin thu được lại do tuyên truyền mà có, nên chẳng có mấy sự thật trong mớ thông tin đó. Giống như bạn lạc vào vùng chấm đen trong cả một nửa trắng của vòng tròn, mà mình đã kết luận cả phần đó màu đen; và ngược lại, khi lạc vào giữa chấm trắng trong nửa đen của vòng tròn và ta kết luận toàn bộ phần đó màu trắng. Điều này cũng tương tự khi bạn chỉ được chứng kiến một hành động nghĩa hiệp của một tên cướp tàn bạo, mà bạn đã cho rằng nó là một anh hùng nhưng thực tế nó là một tên cướp dã man. Với tình huống ngược lại, bạn cũng phán xét một người bản chất tốt nhưng chỉ vì một sai lầm nhỏ mà bạn được chứng kiến và bạn cho rằng hắn là một kẻ đáng nguyền rủa. Kết quả là "thấy cây mà chẳng thấy rừng" cũng chẳng khác gì "thầy bói (mù) xem (sờ) voi”. Bạn luôn bị kẹt vào những khái niệm, quan niệm (thường theo hướng cực đoan) nên không thể phân biệt đâu là chính đâu là tà, đâu là trắng đâu là đen, đâu là đúng đâu là sai, hay đúng hơn là thường phán xét sai bản chất vấn đề. Đặc biệt, những người suy nghĩ cực đoan thiếu cơ sở lý lẽ thường dễ bị người ta lợi dụng, dẫn dắt theo ý đồ xấu của kẻ khác, hay ít nhất cũng là nô lệ cho sự hiểu biết hay trí tuệ nhỏ mọn của mình. Với suy nghĩ cực đoan, họ cũng chẳng thể nhận ra nhau tất cả đều là con người, nên hành xử với nhau cũng không giống quan hệ giữa người với người. Khi gặp những người cũng cực đoan tương tự như họ, cả hai bên sẽ sẵn sàng chà đạp lên nhau. Kết quả là sẽ làm cho cả hai bên đều đau khổ, uất hận, nhìn đâu cũng thấy thù nghịch, trở ngại, và họ sẽ không bao giờ biết cuộc đời hạnh phúc ở đâu.
Có lẽ để đơn giản hơn cho trường hợp này, chúng ta có thể tham khảo một cách cô đọng về phương pháp đánh giá vấn đề của GS Triết học Trường ĐH Harvard - Michael J. Sandel đã được ông đề cập trong tác phẩm “Phải Trái Đúng Sai” của mình. Có ba phương pháp tiếp cận công lý hay phán xét một vấn đề gồm: i) Tôn trọng quyền tự do cá nhân (Con người được quyền tự do làm điều mình thích nhưng không được phạm vào tự do của người khác, đồng thời cũng không phải làm điều mình không thích);  ii) Tối đa phúc lợi (mang lại lợi ích cho nhiều người nhất hay tổng lợi ích xã hội là dương); và iii) Đạo đức và lối sống tốt đẹp (không được phạm vào nguyên tắc đạo đức của xã hội, đồng thời khuyến khích những hành động cao cả). Hành động nào không đáp ứng được cả ba tiêu chí này thì đều cần phải xem xét kỹ càng, còn nếu nó đáp ứng được cả ba thì nó là đúng đắn, và mọi người hay xã hội cần cổ vũ, khuyến khích, hỗ trợ hay hợp tác để cho hành động đó được thực thi.
Dựa vào cơ sở trên, ta thấy rằng hành động của ông # trong suốt quãng thời gian từ khi còn làm Chủ tịch HĐTV của PVN đến nay có đáp ứng được ba góc độ tự do, phúc lợi và đạo đức hay không? Cụ thể là:
Thứ nhất, những hành động mà ông làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, bổn phận mà ở từng cương vị của ông phải thực hiện có làm tổn hại đến quyền tự do của những người khác không?
Thứ hai, những hành động của ông, trong đó vừa mang lại lợi ích nhưng tổn thất cũng vô cùng lớn, và tổng hòa lại thì có mang lại phúc lợi dương cho toàn xã hội hay không?
Thứ ba, những hành động của ông có vi phạm vào các nguyên lý đạo đức hay không, có góp phần tạo ra hình ảnh lối sống tốt đẹp mà cả xã hội phải noi theo hay không?
Ngoài ra, quay lại ví dụ về tình huống tên trộm cướp ở trên, chúng ta cũng nên xem xét con người ông # đã biến chuyển như thế nào trong suốt quá trình ấy, có thực sự là ông hoàn toàn mang lại lợi ích cho dân tộc, cho đất nước hay không? Ông có hoàn toàn trở thành người vì nước, vì dân sau khi đã tạo ra nhiều sai phạm (theo kết luận sơ bộ của Toà án lúc này là chỉ ở Tập đoàn PVN), làm thất thoát rất nhiều tiền trong ngân khố, đúng hơn là tiền thuế của dân, trong khi ông lại hưởng vô số lợi lộc trên những tổn thất đó hay không?
Hãy suy nghĩ thật kỹ, tổng hợp thật nhiều thông tin (gồm cả thông tin trái chiều), dữ kiện, bạn sẽ đánh giá được bản chất nào là chiếm đa số trong con người ông #, và ta cũng sẽ tạm kết luận ông ấy là người theo phần (đen hay trắng) chiếm đa số đó.
Xin bổ sung một vài quan điểm của nhà khai quốc công thần thời Minh Trị - Nhật Bản - Fukuzawa Yukichi về những ông quan đã làm đúng bổn phận trách nhiệm của mình.
Tại sao lũ chí sĩ rởm lại cứ hoành hành mãi vậy? (trích Khuyến học)
“Trào lưu quyền lợi phụ thuộc vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay. Tôi gọi những kẻ hùa theo trào lưu này là “chí sĩ rởm”.
Ví dụ, các thuộc hạ của các lãnh chúa dười thời phong kiến là một minh chứng tốt.
Bọn này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ chạp, lễ tết, thanh minh… không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có cùng giọng điệu “trung quân báo quốc”, hoặc là “thân này sẵn sàng chết vì chủ”. Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ thực, bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả.
Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hoá ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch. Tất cả cái lũ này phải được gọi là “chí sĩ rởm chính hiệu” mới phải.
Hoạ hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao. Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.
Vì sao lũ chí sĩ rởm lại nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn thì đó là kết quả của ảo tưởng mù quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.
Kết cục là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử dựa vào đẳng cấp, địa vị, tự cho mình là cha mẹ của dân.
Tung hô cho những ông quan đã làm theo đúng trách nhiệm, bổn phận của mình và không ăn chặn trên xương máu của đồng bào thường chỉ xuất hiện ở những xứ sở mà điều tử tế trở thành hiếm hoi, điều này thật đáng buồn cho những người dân ở những xứ sở đó.
Kết quả giờ đây chúng ta nên thế nào, khóc thương hay hả hê với suy nghĩ đáng đời kẻ có tội?
Khóc thương ư? Có lẽ những người khóc thương lúc này là những thành viên trong gia đình ông #, hay những người đã trực tiếp chịu ơn ông, được ông hỗ trợ, nâng đỡ, những đệ tử đã được ông dìu dắt và có thể được hưởng rất nhiều lợi lộc từ ông, hay lại trích lại đúng câu nói của một nhà báo khá nổi tiếng, người cũng có nhiều duyên nợ với ông # đã nói như sau: "Nghề phóng viên là phải như con chó ấy!". Tất nhiên, quan điểm này có lẽ do ông đã tự nhận về mình và ông cũng chấp nhận sống kiếp như vậy, đó là quyền của ông.
Còn tất cả chúng ta, hãy cùng khóc thương dành cho những người dân đã mang danh làm chủ đất nước, nhưng lại ít được hưởng những quyền tự do tối thiểu của một con người. Những thân phận cùng khổ vẫn ngày ngày còng lưng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” từ mờ sáng đến đêm khuya, nhưng vẫn không kiếm đủ tiền để lo cho mấy bữa ăn, không có đủ manh áo che thân để vượt qua cái lạnh của mùa đông giá rét, phải bán dần bán mòn những đồ dùng, vật dụng, những sinh vật… tưởng chừng không thể rời xa của họ, nhằm đủ tiền để đóng những loại thuế, phí vô lý mà chính quyền địa phương bất nhân (ở một số nơi ta đã thấy) yêu cầu họ phải nộp.

Có lẽ cũng không cần hả hê gì, bởi muốn lâu dài, muốn phát triển trường tồn, chúng ta chỉ hy vọng nguyên lý nhà nước pháp quyền là tối thượng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, kẻ có tội thì phải chịu tội, tội đến đâu thì phải chịu đến đó. Chỉ có nguyên lý nhà nước pháp quyền luôn được thực thi mới giúp răn đe những suy nghĩ trộm cướp chưa kịp ló ra đã phải teo tóp lại vì sợ hãi. Chỉ có nguyên lý quyền lực phải luôn bị kiểm soát mới giúp người có quyền không có khả năng lạm quyền, làm bậy, làm những hành động sai trái gây tổn thất đến lợi ích của cả tập thể lớn hơn là của quốc gia, dân tộc, chính nguyên lý này là điều mà ông # đã từng nói với ngụ ý rằng: "Nếu cơ chế này phát hiện ra sai sót của tôi sớm hơn, tôi sẽ cảnh tỉnh và giờ tôi đâu có ra nông nỗi này!". Chỉ có như vậy mới giúp đất nước sớm trở thành một quốc gia cường thịnh, một dân tộc văn minh, đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.