Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Ướ𝐜 𝐯ọ𝐧𝐠 𝐜𝐚𝐨 𝐯ờ𝐢 𝐯ề 𝐦ộ𝐭 𝐦ạ𝐧𝐠 𝐱ã 𝐡ộ𝐢 𝐭𝐡𝐚𝐲 𝐭𝐡ế 𝐟𝐚𝐜𝐞𝐛𝐨𝐨𝐤


Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng ước mơ viển vông thì chỉ nên để trong suy nghĩ cá nhân, hay âm thầm hành động mà thôi.

Ông Hùng đang "nhầm chuồng". Ông ấy là chính trị gia, là người đứng đầu ngành của một cơ quan hành pháp, nhẽ ra là nghĩ cách để quản lý doanh nghiệp tuân thủ luật pháp, và tháo gỡ những vướng mắc do cơ chế gây ra để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Còn việc đầu tư cái gì, vào đâu, như thế nào đó là chuyện của doanh nghiệp, họ chỉ cần thấy kỳ vọng lợi nhuận cao là họ làm. Nếu anh dùng quyền lực của anh để ép doanh nghiệp thực hiện, trái với quy tắc của thị trường thì chỉ gây tổn hại cho xã hội mà thôi.


Ông ấy sai, thứ nhất là về từ vựng (cái này có thể bỏ qua với công dân bình thường, nhưng với chính trị gia thì không ổn, nhưng nói chung tạm chấp nhận). Ông ấy dùng từ "triết học của facebook" là không hợp lý, người ta gọi là "triết lý của facebook" chứ không dùng từ như ông ấy.


Thứ hai, ông ấy phê phán vấn đề giá trị của 2,3 tỷ người dùng chỉ rơi vào một người là Mark Zuckerberg là một cái hiểu không đầy đủ về kinh tế thị trường. Cần hiểu rằng, trong kinh tế thị trường (tự do) thì ai mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng thì sẽ được hưởng lợi nhuận do người dùng sẵn sàng chi trả. Nếu quan điểm đó của ông ấy được mở rộng ra thì chúng ta hãy bỏ sử dụng windows, các sản phẩm của Apple, google… và mở rộng hơn nữa một cách cực đoan thì chúng ta nên không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào do người khác làm ra mà chủ động làm ra mọi thứ cho nhu cầu của mình. Và như vậy có lẽ là trở về thời kỳ đồ đá.


Thứ ba, anh nói facebook không tuân thủ luật pháp địa phương cũng không hợp lý. Vấn đề là địa phương phải có hệ thống luật pháp rõ ràng và tuân thủ theo các luật pháp, công ước quốc tế mà địa phương đó có tham gia thì các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ, sai thì anh có đủ cơ sở để xử lý buộc họ phải tuân thủ. Anh bắt các tổ chức nước ngoài phải "nhập gia tùy tục" lại là cái kiểu tư duy làng xã, nếu họ "nhập gia tùy tục" mà tục của anh trái với "tục" của quốc gia họ, hay "tục" của quốc tế thì họ sẽ bị xử phạt, thậm chí nếu "tục" của anh trái với lương tri thì họ còn tự hành hạ thân tâm của mình. Luật chơi của facebook tạo ra nó phải tuân thủ luật pháp của Hoa Kỳ - một trong những nước có hệ thống luật pháp thuộc hàng văn minh hàng đầu thế giới. Hơn thế nữa, họ là doanh nghiệp toàn cầu nên phải tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế, bằng chứng là chính facebook cũng đã từng bị những khoản phạt rất nặng khi vi phạm việc cung câp thông tin người dùng cho bên thứ ba. Vì thế "triết lý" hoạt động của facebook dù chưa gọi là hoàn hảo, nhưng nó đã làm tốt nhất có thể với họ, bởi thực tế nếu tuân thủ chặt chẽ mọi quy tắc mà các địa phương yêu cầu, họ sẽ tốn kém chi phí và phải đánh đổi với lợi ích mang lại. Vì thế, là cơ quan hành pháp thì hãy tìm những những bằng chứng, chứng minh họ đã vi phạm luật pháp của địa phương (những luật này cũng tuân thủ luật pháp quốc tế) để xử lý họ. Có như vậy mới quản lý họ được.

Thứ tư, về mặt ý tưởng, ông ấy tưởng rằng ông ấy là người duy nhất có ý nghĩ đó. Thật là khôi hài. Thế giới 8 tỷ người giả sử trong đó 6 tỷ người từ 15 tuổi – 70 tuổi, thì cũng có vô số người ở hàng trăm quốc gia trên giới đã nghĩ về ý tưởng đó, đồng thời cũng có vô số người đã thực hiện những ý tưởng đó rồi, tất nhiên thành công thì không nhiều, và cách họ làm cũng không hẳn là cạnh tranh trực tiếp với facebook, google... Vì thế, không thể suy nghĩ cạnh tranh theo kiểu sống còn như vậy. Phải suy nghĩ theo hướng thị trường, có thể mình là một phần nào đó trong hệ sinh thái của facebook nhằm phục vụ người dùng, hay cũng có thể là còn một số khách hàng không thích facebook thì mình chọn thị trường ngách đó để khai thác thì hợp lý, chứ không nên suy nghĩ chưa làm đã nghĩ chiến đấu với "người khổng lồ". Mà muốn có những thứ sáng tạo đó thì bộ óc con người phải được giải phóng, mới có được những ý tưởng sáng tạo vượt trội được. Chứ cứ cái thể chế khiến cho con người chỉ nghĩ những gì mình muốn thôi đã không dám rồi thì lấy đâu được sáng tạo. Mở rộng hơn thì thực tế cũng cho thấy, đến nay thế giới vẫn chỉ có một "Thung lũng silicon" mà chưa thể có cái thứ hai, dù rất nhiều quốc gia trên thế giới đều muốn có cái "thung lũng" này.


Nhẽ ra, với cái nhìn sâu và vĩ mô hơn, anh có thể nói rằng, hiện nay các tập đoàn lớn trên thế giới có quyền lực vô cùng lớn với người dùng, họ bắt người dùng phải tuân thủ những quy tắc mà họ đặt ra (tất nhiên những quy tắc này vẫn phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia), để mỗi khi người dùng vi phạm là họ cấm, họ cắt… và quan trọng hơn, họ chỉ cho người dùng coi những gì mà họ muốn cho coi, họ tạo ra một thế giới ảo như là một "Thế giới mới tươi đẹp" của Aldous Huxley đã tưởng tượng ra, nó như một ma trận để người dùng chìm đắm trong đó mà không phát hiện ra được, biến con người thành "nô lệ" cho họ (ý tưởng trong phim  Ma trận), đó là vấn đề hết sức nguy hiểm mà mạng xã hội nói chung đang gây ra cho con người. Nhưng nó lại đang là một xu thế không thể đảo ngược của thời đại, đặc biệt là thời đại công nghệ 4.0 ngày nay. Anh có thể khuyến khích doanh nghiệp tạo ra thêm nhiều lựa chọn khác cho người dùng, để giúp mọi người "tỉnh táo" (take the red pill) thoát ra khỏi thế giới ảo mà một vài ông lớn tạo ra, khi đó mọi người sẽ quay về những giá trị gốc của con người, tránh quá xa đà và các mạng xã hội, thay vào đó là tìm đọc những tác phẩm kinh điển đã được lịch sử chứng minh để hiểu quy luật của con người, của tự nhiên, của xã hội. Những điều đó thường có ở những tác phẩm lớn thuộc lĩnh vực tôn giáo và triết học, lịch sử. Và đọc những thứ này cũng giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng, đầy đủ, đa chiều về những phát biểu tương tự của ông Hùng. Chúng ta có thể hiểu về những động lực nào ẩn đằng sau những phát biểu của giới chức Việt Nam về việc lập ra một mạng xã hội và công cụ tìm kiếu thay thế facebook, google.


Kết lại: Nói chung những câu này chỉ được hiểu theo nghĩa "chém gió" của thời hiện đại, và nó hợp với vị trí tuyên giáo, tuyên truyền, và hợp nhất là trong cuộc trà dư tửu hậu khi các đàn em đệ tử đang cung phụng tiếp đãi rượu thịt… cho người có quyền mà thôi. Với hiện trạng này thì những ước mơ đó có thể gọi là viển vông mà thôi. Chỉ có thể thông cảm cho ông ấy là bởi vì ông nắm quá nhiều vai, từ lập pháp đến hành pháp, ông là người đứng đầu cơ quan hành pháp chuyên ngành nhưng lại giữ vị trí chủ đạo trong việc lập pháp trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Đồng thời ông cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực tư pháp khi có thể phân xử việc sai/đúng của các thành viên trong xã hội. Thêm nữa, ông đang nắm vị trí quan trọng của cơ quan tuyên giáo nên lời nói phải mang nghĩa tuyên truyền nhằm đảm bảo lợi ích của những người có quyền hiện nay. Nhưng nên nhớ, tất cả quyền lực nằm trong tay một người, hay một nhóm người đều gọi là độc tài, mà đã độc tài thì là tệ hại, và chỉ gây tác hại vô cùng nguy hiểm cho xã hội mà thôi.