Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Quyền lực nhà nước không của riêng ai và cũng không phải của nhóm người nào


Chủ đề kiểm soát quyền lực lại được xới lên như cách đây khoảng một năm cũng từ vị chính trị gia này. Giải pháp được đưa ra là gì, liệu có triệt để không? Hãy trang bị cho mình cái nhìn để thấy tận gốc vấn đề, từ đó, mỗi chúng ta sẽ có thể dự đoán phần nào kết quả xảy ra.

Theo triết gia, sử gia nổi tiếng Claude-Frédéric Bastiat (1801-1850), ở những xã hội kém tự do, những người nắm quyền lực, những nhà lập pháp, họ thường coi dân chúng như cục đất sét còn họ là người thợ gốm (Claude-Frédéric Bastiat, 1801-1850), thành bại của người dân là do họ nhào nặn. Tuy nhiên, chính họ, với nền tảng từ khi được sinh ra và lớn lên, chịu ảnh hưởng nặng nề từ những vấn đề hủ lậu của phong kiến Nho giáo Trung Hoa, kết hợp với sự u mê cái thứ thể chế phản tự do, khiến cho họ cho rằng mọi vấn đề của xã hội, thành hay bại chỉ do nhà nước - gồm một nhóm người, một giai cấp nào đó thực hiện… Hai cái nền tảng này đã tạo ra một xã hội phân biệt giai cấp, đẳng cấp, địa vị, ngôi thứ,… Nó buộc kẻ dưới luôn phải phục tùng cấp trên, phục tùng người có thứ bậc cao hơn, phi lý và buồn cười hơn nữa là trong vấn đề dòng họ thì người có thứ bậc thấp hơn luôn phải phục tùng người có thứ bậc cao hơn ngay cả khi kẻ đó vẫn là một đứa con nít, người trẻ luôn phải phục tùng người lớn tuổi hơn, phục tùng một cách phi lý mà không tuân theo nguyên tắc phải – trái, đúng – sai nào... Tư tưởng này cũng đi sâu vào nền giáo dục, để từ đó sản xuất ra những con người, mà ngay cả những người mang danh trí thức thì trong tâm thức của họ luôn thường trực tâm lý của kẻ nô lệ, của phận bề tôi. Bất cứ thành công nào họ đều nghĩ đó là thành quả của một cá nhân, của người khác mang lại, ở phạm vi một quốc gia thì sự ngu muội đó khiến người ta tôn sùng và biến cá nhân kia thành những vị thánh thần. Họ không hiểu, và cũng không chịu hiểu rằng, bất cứ thành công nào của quốc gia đều là do sự đóng góp của toàn bộ con người trong quốc gia đó, nơi mà con người được vận hành trong một bộ máy được cấu trúc một cách khoa học, để mỗi người trong bộ máy đều dễ dàng phát huy hết khả năng đặc biệt của mình nhằm mang lại lợi ích cho mình cũng như lợi ích chung cho cả quốc gia. Chắc chắn một điều rằng, thành bại của tập thể, của quốc gia không phải nhờ vào một cá nhân, "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", George Washington có sống lại mà rơi vào cái xã hội như đất nước Somalia ngày nay thì cũng thất bại, hay Bill Gates phải điều hành mấy Tập đoàn nhà nước ở ta (điển hình như VinaShin, VinaLines...) thì cũng đành thúc thủ mà thôi. Chính vì cường điệu vai trò cá nhân, thậm chí là thần thánh hóa vai trò cá nhân nên hậu quả là người ta cho rằng thành bại của quốc gia hiện nay là do một số cá nhân sâu mọt làm hỏng hình ảnh của cả bộ máy, đó chỉ là đổ thừa, là ngụy biện và không chính xác.

Công tác cán bộ không phải là khâu quyết định, mà quyết định thành bại là ở cấu trúc bộ máy. Nếu cấu trúc tốt thì những người kém tài năng, kém đức độ cũng không thể lọt vào vị trí quan trọng của bộ máy, và nó cũng sẽ tự động tìm được người có đủ tài đủ đức để điều hành bộ máy. Hơn thế nữa, với cấu trúc tốt, một người chỉ cần một chút tài năng cũng có thể trở thành vĩ nhân khi rơi vào những bộ máy đó, bởi bộ máy sẽ là nơi chắp cánh, là bệ phóng cho tài năng của cá nhân được bay xa.

Mỗi kỳ, mỗi năm tổng kết, nghe như có vẻ đều rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, và những giải pháp mới mang tính cải cách triệt để, và hứa hẹn mang lại thành công vang dội cho quốc gia trong tương lai, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thành tích vẫn báo cáo, lỗi thì cũng nhận ra nhưng lại mang tính tập thể, chẳng biết của ai. Cái vòng luẩn quẩn đó mãi không thoát ra được, bởi chỉ một điều duy nhất, một vấn đề gốc, cốt lõi cần giải quyết đó là quyền lực không thể thuộc về một cá nhân hay một nhóm người riêng lẻ nào, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, người nắm giữ quyền lực phải được kiểm soát. Quyền lực được phân chia giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn các quyền lực khác. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), đó là nguyên lý tối thượng mà mọi bộ máy tổ chức của con người từ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức,… hay lớn hơn là một quốc gia đều phải tuân thủ.

Xin vui lòng tham khảo thêm bài viết “Cái lồng quyền lực” đã đăng cách đây một năm cũng liên quan đến phát biểu của vị chính trị gia này về chủ đề kiểm soát quyền lực.

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Đọc, đọc gì và đọc như thế nào?

(Hình: sưu tầm từ internet)

Có thể nói rằng, đọc sách là bộ môn luyện tập cao quý. Nó đòi hỏi phải có quá trình khổ luyện theo một phương pháp khoa học thì người đọc mới có được thói quen, đồng thời mỗi khi đọc là có thể thấu hiểu được tinh thần của cuốn sách.

Ngày nay, việc đọc hay rộng hơn là việc học của chúng ta rất thụ động, và phần lớn lỗi đó là do hệ thống giáo dục của nhà trường. Những thứ vô hồn, vô cảm thậm chí là sự giả dối, nhưng do mục tiêu nào đó đã được đưa vào hệ thống giáo dục nhà trường, khiến cho người học luôn cảm thấy khô khan, vô cảm, xa rời thực tế. Học chỉ để thi, chỉ để lấy điểm, chỉ để có thành tích, chỉ nhằm đạt được sự tán thưởng từ một thế lực nào đó (gia đình, nhà trường và xã hội...). Học khoa học không nhằm mục đích là để có kiến thức, để hiểu khoa học, để hiểu về thế giới... mà chỉ nhằm có thành tích, hay người ta thường phê phán là "học gạo". Hệ thống giáo dục nhà trường hiện nay đã làm cho người học chán nản thậm chí thù ghét việc học, nhiều người coi quá trình đi học như là sự tù đày và chỉ mong thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Hầu hết họ ngừng đọc sau quá trình đi học ở nhà trường. Đó là xu thế chung hiện nay trên toàn thế giới chứ không chỉ ở những quốc gia kém tự do, kém phát triển, chỉ khác là ở những quốc gia đó thì hậu quả của nó lại càng nặng nề.

Tuy nhiên, cơ hội dành cho tất cả chúng ta là mọi thứ trên thế gian này chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nhờ có internet. Cơ hội cho chúng ta là có thể học một cách chủ động mọi thứ, với chi phí rất rẻ. Kho tàng sách điện tử là vô cùng đồ sộ và vô cùng rẻ, thậm chí rất nhiều cuốn sách kinh điển của nhân loại đã được lịch sử chứng minh hàng ngàn năm có giá bằng không. Sách giấy cũng dễ dàng để mua và cũng rất rẻ, nhiều cuốn sách lớn giá cũng chỉ bằng một ly cà phê.

Nhưng cũng chính vì chúng ta rơi vào trạng thái ở giữa một rừng tri thức, sách đủ mọi thể loại tràn ngập khắp nơi, trong đó có rất nhiều điều giả dối cũng được bày ra trước mắt chúng ta, cộng với việc có quá nhiều thú tiêu khiển tầm thường luôn cuốn hút chúng ta, khiến cho ta dễ phân tâm, sao nhãng khỏi việc học, việc đọc, và nếu có muốn đọc thì cũng rất khó khăn trong quá trình lựa chọn cái gì để đọc và thường dẫn chúng ta đến lựa chọn sai lầm.

Vậy chúng ta phải lựa chọn như thế nào, chọn cái gì để đọc và đọc như thế nào?

Chúng ta cùng suy ngẫm những lời của Triết gia - Henry David Thoreau về chủ để "Đọc", được ông đề cập trong tác phẩm kinh điển "Walden - Một mình sống trong rừng" để biết cách đọc gì và đọc như thế nào.

"Đọc tốt, tức là đọc những quyển sách thật sự trong một tinh thần thật sự, là một môn luyện tập cao quý, và là môn sẽ giao cho người đọc nhiều nhiệm vụ hơn bất kỳ bài tập nào mà phong tục ngày nay coi trọng. Nó đòi hỏi một sự huấn luyện như của vận động viên điền kinh, ý định bền bỉ hầu như suốt cuộc đời với đối tượng này. Sách phải được đọc một cách cẩn trọng và dè dặt như chúng được viết ra. Thậm chí nói được thứ tiếng của dân tộc viết ra sách đó cũng chưa đủ, vì có một sự chênh lệch đáng kể giữa văn viết và văn nói, ngôn ngữ nghe và ngôn ngữ đọc. Ngôn ngữ nói chung chỉ là phù du, tạm thời, một âm thanh, một thứ tiếng, một phương ngữ, hầu như có tính động vật, và chúng ta học chúng một cách vô thức, giống như những con vật, đó là ngôn ngữ của mẹ chúng ta. Ngôn ngữ viết là sự chín muồi và từng trải của tiếng nói, nếu tiếng nói là của mẹ chúng ta thì ngôn ngữ viết là của cha chúng ta, một sự thể hiện dè dặt và chọn lọc, quá nhiều ý nghĩa nghe bằng tai thì không hết, mà chúng ta phải được sinh ra lần nữa để nói. Đám đông người ở thời trung cổ chỉ nói tiếng Hi Lạp và tiếng Latin thì không có cơ may bẩm sinh đọc được những tác phẩm thiên tài viết bằng những ngôn ngữ ấy; vì chúng không được viết bằng thứ tiếng Hi Lạp hay Latin mà họ biết, mà bằng thứ ngôn ngữ chọn lọc của văn chương. Họ không biết những phương ngữ quý tộc hơn của Hi Lạp và La Mã, mà những vật liệu đó chúng được viết đối với họ chỉ là giấy lộn, trái lại, họ rất quý thứ văn chương rẻ tiền đương thời. Nhưng khi nhiều dân tộc châu Âu đã có được những ngôn ngữ viết riêng biệt tuy còn đơn giản của họ, đủ cho những mục đích của nền văn học đang lên của họ, thì nền cổ học được phục hưng, và các học giả đã có thể từ sự xa cách đó (ý của tác giả là qua nhiều thế kỉ trôi qua, đến thời Phục Hưng người ta mới tìm thấy lại những giá trị của Cổ điển Hi-La) nhận rõ được những kho báu cổ xưa. Những gì mà đám đông La Mã và Hi Lạp ngày trước không thể nghe, thì sau nhiều thế kỉ trôi qua chỉ một ít học giả đọc, và số học giả ngày nay vẫn còn đọc chúng còn ít hơn nữa.

Dù chúng ta có thể ngưỡng mộ đến đâu tài hùng biện lâu lâu có dịp bùng ra của nhà hùng biện, thì những lời cao quý nhất được viết ra thường ở đằng sau hoặc bên trên thứ ngôn ngữ nói trôi tuột qua ấy, như bầu trời đầy sao đằng sau những đám mây. Có những vì sao, và có những người có thể đọc chúng. Các nhà thiên văn mãi mãi bình luận và quan sát chúng. Chúng không phải là những hơi thở giống như hơi thở đầy hơi nước và những cuộc nói chuyện hàng ngày của chúng ta. Cái gọi là sự hùng biện trong diễn đàn thường được thấy là phép tu từ trong nghiên cứu. Nhà hùng biện tràn ngập cảm hứng trong một dịp nhất thời, và nói với đám đông trước mặt ông, với những người có thể nghe ông; nhưng nhà văn, cuộc sống điềm đạm hơn là cơ hội của họ, điều mà đám đông gây cảm hứng cho nhà hùng biện có thể làm cho họ sao nhãng, họ nói là nói với nhân loại thông minh và lành mạnh, với tất cả những thời đại có thể hiểu họ.

Khi một nhà buôn dốt nát và kiêu ngạo nhờ công việc kinh doanh thành công mà giành được nhàn rỗi và độc lập, và được chấp nhận vào giới giàu sang, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ quay sang những giới có tri thức và tài năng, cao hơn nhưng khó vào hơn, và nhận ra sự dở dang của văn hóa của ông ta, sự phù phiếm và thiếu hụt trong sự giàu có của ông ta, và hơn nữa nó chứng tỏ sự nhìn xa của ông bằng những nỗ lực cho con cái của ông cái nền tảng văn hóa trí thức mà ông cảm thấy rõ sự cần thiết của nó, và như vậy ông trở thành người sáng lập gia đình.

Những người không học những tác phẩm kinh điển trong ngôn ngữ mà nó được viết chắc chắn sẽ có kiến thức rất không hoàn hảo về lịch sử loài người; vì một điều đáng chú ý là không có bản ghi chép nào của chúng bằng bất kỳ một thứ tiếng hiện đại nào, trừ phi bản thân nền văn minh của chúng ta có thể coi là một bản ghi chép như vậy…"

Vì vậy, chúng ta cần đọc sách nguyên bản, hay đọc bản gốc bằng ngôn ngữ mà cuốn sách đó được viết ra.

"Phần lớn mọi người thỏa mãn với việc đọc và nghe đọc, và lâu lâu được thuyết phục bởi sự khôn ngoan sáng suốt của một cuốn sách tốt (ví dụ như Kinh thánh), rồi sống vô vị trong phần còn lại của cuộc đời, và tiêu tan những khả năng của họ trọng cái gọi là việc đọc dễ dàng…

Có những người, giống như những con chim cốc và đà điểu châu Phi, có thể tiêu hóa tất cả những thứ này, thậm chí sau một bữa ăn ê hề thịt cá rau quả, vì họ không chịu để cái gì uổng phí. Nếu những người khác là những cỗ máy cung cấp những thức ăn tạp này, thì họ là những cái máy để đọc nó. Họ đọc câu chuyện thứ chín nghìn về Zebulon và Sophronia (những nhân vật trong các tiểu thuyết tình cảm ăn khách thời tác giả viết cuốn sách này), và họ đã yêu như chưa từng có ai yêu trước đó, và con đường tình yêu đích thực của họ cũng chưa bao giờ suôn sẻ, dù chạy và vấp ngã thế nào, họ cũng sẽ đứng lên và lại tiếp tục…"

Vì vậy, chúng ta cần đọc những cuốn sách có giá trị, đã được lịch sử chứng minh sự đúng đắn của nó.

"Bất kì người nào trên đường đi của mình cũng sẽ dừng bước để nhặt một đồng đô la bạc; nhưng kìa trước mắt chúng ta có những lời bằng vàng mà những người khôn ngoan thông thái nhất thời cổ đã thốt ra, và giá trị của chúng đã được sự khôn ngoan của các thời đại kế tiếp nhau bảo đảm với chúng ta; thế mà chúng ta chỉ học để đọc được đến những cuốn dễ đọc, những cuốn sơ đẳng và lớp một, và khi chúng ta rời ghế nhà trường, từ cuốn sách dễ đọc và những sách truyện cho trẻ em và những người mới bắt đầu; và những sách chúng ta đọc, đến những cuộc nói chuyện, những suy nghĩ của chúng ta, tất cả đều ở trình độ thấp, chỉ xứng đáng với những người pigmy (người tầm thường, dốt nát), những người lùn…

New Englan có thể thuê tất cả những nhà thông thái trên thế giới đến đây để dạy nó, và chu cấp nơi ăn chốn ở cho họ trong toàn bộ thời gian, và không hề là tỉnh lẻ nữa. Đó là trường phi công lập chúng ta cần... Nếu cần, bớt đi một cây cầu bắc qua sông, chịu khó đi vòng một chút, và lao ít nhất một nhịp cầu qua cái vực tối tăm hơn của sự ngu dốt bao quanh chúng ta..."

Vì vậy, hãy đầu tư vào giáo dục tinh hoa, giáo dục dựa vào các nhà thông thái, sống gần họ, nghe họ, học hỏi từ họ chứ không phải dựa vào giáo dục trường lớp thông thường, làm vậy sẽ giúp chiến thắng sự ngu dốt bao quanh chúng ta. Hãy tìm đến tri thức được viết trong các cuốn sách kinh điển, nó đã được lịch sử hàng ngàn năm chứng minh tính đúng đắn. Hãy đọc một cách chủ động, đọc thứ mình thích, mở rộng, đào sâu chủ đề đó, lắng nghe, suy ngẫm những quan điểm trái ngược nhau về chủ đề đó, so sánh, đối chiếu những quan điểm và rút ra kết luận cho mình, từ đó mới biến cái tri thức của nhân loại trong sách được in sâu trong ta, hay nó đã là của ta, mà chỉ trực cơ hội là nó được tuôn ra như dòng thác đổ.