Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Dư âm hậu bầu cử Tổng thống Mỹ


(Ảnh sưu tầm)
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kỳ này thực sự cam go, hấp dẫn cho đến hồi kết, và kết quả thì thật bất ngờ, ngược lại mọi dự đoán, mọi quan điểm của truyền thông không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới.
Ngày bầu cử ở Mỹ mà những trang báo Việt Nam tràn ngập thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ, hình ảnh của nó phủ kín các báo mạng, lấn át mọi vấn đề cần quan tâm khác của chính đất nước mình. Người Việt Nam truyền trực tiếp thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ không khác gì những người đam mê, cuồng bóng đá nhất đang theo dõi trận đấu bóng đá của đội bóng con cưng thi đấu với đối thủ cùng đẳng cấp, những đối thủ được coi là kỳ phùng địch thủ với mình. Mọi thông tin, chỉ số được cập nhật liên tục. Mọi người râm ran, trò chuyện, bàn luận về tỷ số, rồi dự đoán thậm chí cá độ kết quả. Sự quan tâm của người dân Việt Nam như thể những người công dân có đủ quyền tự do nhất đang đi bầu chọn vị lãnh đạo tối cao của quốc gia mình. Thật vui và nhiều cảm xúc.
Đến khi kết quả chính thức được ghi nhận, ứng viên của đảng Cộng hòa – Donald Trump - người đã bị truyền thông lèo lái cho rằng là người vô cùng xấu xa, tồi tệ, kém hiểu biết… nói chung là không đủ phẩm chất của một vị Tổng thống Mỹ - đã giành chiến thắng, để lại bao nỗi buồn giận, bao nỗi thất vọng, niềm tin tan vỡ, suy sụp tinh thần thậm chí tuyệt vọng vào tương lai thế giới của bao nhiêu con tim yêu mến công lý. Suy nghĩ này là nghĩ cho người khác đấy chứ, kể ra cũng có thể gọi là cống hiến, suy nghĩ cho nhân loại rồi. Còn một số người tiêu cực hơn thì họ cay cú, thù hận khi là kẻ chiến bại, loại tâm lý điển hình của những xứ sở kém tự do. Còn những người chiến thắng thì hò reo, ăn mừng, vỡ òa trong hạnh phúc, rồi lại câu qua câu lại như để chứng tỏ mình “minh mẫn” hơn người khi đã lựa chọn đúng. Một số người “bói” sai nhưng vẫn chưa thuyết phục thì cho rằng dân Mỹ thật khờ dại, chẳng biết gì nên đã bị người khác lừa bịp – “Đồ con lừa” – Xin nói thêm một chút: Con lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ - hình ảnh này đã được cách mạng hóa từ chính ý nghĩa ban đầu ví von cho ứng viên tổng thống Andrew Jackson và những người ủng hộ ông, nhưng thay vì gạt bỏ nó thì chính ông lại dùng hình ảnh con lừa trong chiến dịch tranh cử của mình, và sau đó trở thành tổng thống đầu tiên thuộc đảng Dân chủ năm 1828.
Có người nói rằng ông Trump là người tham lam, người háo danh… tại sao đã là một doanh nhân giàu có rồi còn nhất định phải trở thành tổng thống. Một số người lại cho rằng ông cậy thế giàu có, đã dùng tiền để tranh cử hay nói văn vẻ như ta là “mua quan bán chức”. Xin thưa, có lẽ do cái tư tưởng của chúng ta sinh ở cái xứ sở này, làm cho ta hay nghĩ con người tham lam, háo danh, tham quyền cố vị… chứ người ta sinh ra ở xứ đó không có tư tưởng đó, tất nhiên đó là nói chung dân chúng Mỹ, chứ cụ thể ông Trump nghĩ gì có lẽ chúng ta không biết chính xác. Thử nghĩ xem, không lẽ Warren Buffett đã 86 tuổi rồi sao vẫn cứ lãnh đạo tập đoàn lớn đến như vậy, vẫn đam mê làm giàu như vậy; nghĩ xem Bill Gates cũng 61 tuổi, đã là người giàu nhất thế giới rất nhiều năm liền, tại sao ông vẫn đam mê kiếm tiền đến vậy. Tất cả những điều trên chỉ đơn giản đó là họ làm việc vì đam mê, không háo danh, hám tiền như con người ở những xứ kém tự do. Họ đơn giản là sống vì chính mình, vì niềm đam mê của chính mình, đam mê cống hiến đến hơi sức cuối cùng, chẳng vì tranh giành cho cái vị trí nhất nhất…gì cả. Còn với quan điểm cho rằng, ông dùng tiền để mua quan bán chức thì xin trả lời rằng, tại sao những người giàu hơn ông rất nhiều như Bill Gates, Warren Buffet không ứng cử làm tổng thống. Câu trả lời đơn giản đó là họ không đam mê cái đó, và họ biết dù họ có dùng tiền cũng không thể đủ để “mua” được chức vị Tổng thống Mỹ như trong bài viết về “Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ” tác giả có đề cập nguyên nhân tại sao không thể dùng tiền để chi phối bầu cử Tổng thống Mỹ. Hay ví dụ điển hình hơn là Chính trị gia – Doanh nhân – Michael Bloomberg cũng giàu hơn ông Trump rất nhiều, cũng lớn tuổi hơn ông Trump, có nhiều kinh nghiệm làm chính trị rồi, và nhiều lần nói muốn ra tranh cử Tổng thống, nhưng ông đã không thể làm được điều như ông muốn. Ngay kỳ bầu cử lần này, ông đã tự rút lui, như ông nói là tránh việc lấy mất phiếu của các ứng viên khác và tăng cơ hội cho ông Trump – người mà ông và các “đại gia” khác như Bill Gates, Warren Buffet, George Soros… và cả ngài Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama và các chính trị gia uy tín khác đã từng là Tổng Thống Mỹ cũng không ủng hộ.
Kết quả đưa ra và mọi người bắt đầu mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, bình luận… suy nghĩ vẫn chưa thể dứt ra khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, truyền thông Việt Nam lại có thêm cơ hội khai thác nhằm thu hút độc giả đến với kênh thông tin của mình, các trang mạng vẫn ngập tràn thông tin như khi đang diễn ra “trận đấu”. Nhiều trang vốn dĩ đã “lá rau, lá cải” rồi do viết vội để lập công cho có bài đăng nên lại càng “lá bèo, lá chuối” các kiểu hơn nữa.
Một không khí ảm đảm, thất vọng bao trùm thế giới, đặc biệt là khu vực Á Đông và những người có nguồn có nguồn gốc Á Đông.
Nhưng liệu chúng ta có nên quá bi quan về tình hình nước Mỹ cũng như thế giới khi ông Trump giành chiến thắng hay không?
Mặc dù không phải là “thầy bói” hay “tiên tri” hay đơn giản hơn là không đủ khả năng để dự đoán nên tác giả không dám nói trước điều gì lớn lao về tương lai nước Mỹ, và thế giới sẽ như thế nào khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Cá nhân tác giả thấy rằng những người nói trên, họ đã lo quá xa và lo hơi thừa theo hướng bi quan. Thừa vì chuyện của Mỹ mà mình quan tâm hơn chuyện của mình, lựa chọn như thế nào là quyền của người Mỹ, họ đã biết thiết kế ra quy trình bầu cử một cách rất khoa học để có thể chọn cho ra người phù hợp nhất mà mình lại cứ cho rằng họ đã chọn sai. Lo quá xa và quá bi quan vì người Mỹ chẳng dại gì đẩy nước Mỹ đến bên bờ vực thẳm, chẳng dại gì mang chiến tranh, chết chóc đến cho nhân loại trong bối cảnh thế giới ngày nay không còn đấu tranh giai cấp, đấu tranh cho độc lập dân tộc, đấu tranh cho hệ tư tưởng,… những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hai cuộc Đại chiến thế giới và Chiến tranh lạnh như lịch sử đã ghi lại.
Xin nhắc lại quan điểm từ bài viết trước (khi chưa công bố kết quả bầu cử), tác giả cũng không đồng tình với những phát ngôn của ông Trump khi vận động tranh cử, và cũng có phần nào “quan ngại” trước viễn cảnh tương lai thế giới khi ông trúng cử. Những việc làm của ông thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng thêm tính cách quyết liệt và khá cực đoan thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các chính sách ông muốn thực hiện. Trong quá khứ, Trump cũng là người không có tư tưởng rõ ràng về đảng phái (tất nhiên quan điểm đảng phái ở Mỹ thường không ràng buộc chặt chẽ như ở các nơi khác), ông đã từng thay đổi đảng vài lần cho đến nay. Còn sự nghiệp kinh doanh của ông thì thực tế ông cũng đá phá sản vài lần nhưng cuối cùng ông vẫn thuộc những người giàu nhất thế giới (chứng tỏ ông là người rất tài năng khi nhìn vào những mặt tích cực). Tất nhiên, đó là khi ông kinh doanh, nơi ông có đặc quyền quyết định ở đó, còn với tầm cỡ một quốc gia thì chắc chắn không ai thích rủi ro như vậy, và chắc chắn Hiếp pháp và Pháp luật của Mỹ sẽ không cho phép ông làm như vậy.
Có lẽ đơn giản là người Mỹ muốn sự thay đổi, họ không thích những lời nói chỉn chu, trau chuốt của giới chính trị gia tương tự như cách bà Clinton thường nói. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, cách nói của bà, định hướng chính sách của bà không có gì là mới mẻ, nó dập khuôn theo cách mà các chính trị gia trước đây vẫn làm, và thực tế thì khi trúng cử các chính trị gia này đã không làm được những điều mà họ đã hứa hẹn. Vì vậy, người Mỹ cần điều gì đó mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” như phương châm tranh của của ông Trump – “Make America Great Again”.
Vì vậy, chúng ta cần lạc quan, tin tưởng vào người Mỹ như trong đoạn cuối của bài viết trước về “Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ” mà tác giả đã nêu: “Vậy, hãy tin vào đất nước Mỹ, tin vào người dân Mỹ, tin vào các đại cử tri Mỹ (ít nhất là tới thời điểm này), bởi nếu ai được chọn thì chắc chắn người đó đã được xem xét hết sức kỹ lưỡng nhờ con mắt “tinh tường” của dân chúng Mỹ đặc biệt là giới tinh hoa thời hiện tại.”.
Cơ sở của sự lạc quan nằm sâu trong tinh thần của bản Hiến pháp Mỹ. Xin trích lại câu này (trên trang http://luatkhoa.org): “Thủ tướng Anh Gladstone (1809-1898) đã miêu tả Hiến pháp này là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ vẫn tiếp tục chứng tỏ giá trị quan trọng của nó, khi mà nó vẫn là nền tảng của mọi hoạt động trong đời sống chính trị Mỹ, và vẫn là cơ sở cho một trong những nền dân chủ tự do, ổn định, và bền vững nhất.”. Và theo cá nhân tác giả thì có lẽ Hiến pháp Mỹ là thành quả lớn nhất mà nước Mỹ mang lại cho nhân loại cho đến thời điểm hiện nay, chứ không phải là cá nhân một công dân Mỹ nào. Bởi chính bản Hiến pháp Mỹ đã giúp cho những cá nhân kiệt xuất được hình thành, sản sinh và phát triển tại Mỹ.
Cùng nhìn lại quá trình xây dựng bản Hiến pháp Mỹ tại Hội nghị lập hiến 1787. Cuộc tranh luận tại Hội nghị lập hiến ngày đó về cách thức bầu chọn vị tổng thống – người đứng đầu khối hành pháp – là cuộc tranh luận phức tạp nhất, căng thẳng nhất và cam go nhất. Nhiều lúc đã tưởng chừng đi vào ngõ cụt, không bên nào chịu nhường bên nào, bởi các bên đều đưa ra những bằng chứng, lý luận rất chặt chẽ sau khi tham khảo rất…rất nhiều quy trình bầu cử, các bản hiến pháp của các quốc gia khác qua hàng ngàn năm lịch sử loài người, nhằm thuyết phục các bên đối lập. Điều này làm cho Hội nghị lập hiến có nguy cơ bị hủy bỏ. Nhưng cuối cùng, những chính trị gia kiệt xuất ngày đó – với tinh thần cùng vì lợi ích chung, vì một nước Mỹ đoàn kết, thống nhất – đành chấp nhận thỏa hiệp với nhau để thống nhất một quy trình bầu cử tổng thống nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, và về cơ bản nó vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.
Về mặt cá nhân một con người thì ông tổng thống là người quyền lực nhất vì ông đứng đầu khối hành pháp, nhưng về mặt cấu trúc quyền lực quốc gia thì khối hành pháp của ông lại không phải là cơ quan quyền lực duy nhất và cũng không phải cao nhất. Quy định của Hiến pháp Mỹ sẽ buộc Tổng thống Mỹ phải làm những điều đúng (Do the right things). Vì vậy, khi ông Trump làm tổng thống thì không phải ông ấy muốn làm gì thì làm như những phát ngôn khi tranh cử, mà có lẽ những lời lẽ đó cũng chỉ nhằm lôi kéo thêm nhóm người ủng hộ ông khi ông tiếp xúc cử tri nơi đó. Trên thế giới, rất nhiều người trong đó có rất nhiều người Việt đã từng đọc sách của ông hay của người khác viết về ông, hoặc đơn giản là nghe nói về ông từ khi ông thuần túy là một doanh nhân, và rất nhiều người đã từng ngưỡng mộ ông Trump. Chỉ có điều một số vấn đề ông nói trong chiến dịch tranh cử hay những việc ông làm như kinh doanh bất động sản – lĩnh vực đầy rủi ro, lĩnh vực mà ngày nay người ta không mấy thiện cảm sau cuộc khủng kinh tế thế giới, hay là ông chủ của nhiều cuộc thi tìm kiếm người đẹp (trong đó có Hoa hậu hoàn vũ thế giới) cũng không mang lại thiện cảm cho người Việt hay những nước nặng tư tưởng Nho giáo như Việt Nam. Những phát ngôn của ông cũng chẳng được lòng dân nghèo, dân nhập cư, những người yếu thế, và cả những quốc gia không chịu phát triển… tương tự như chúng ta. Cộng thêm yếu tố bị truyền thông đánh lạc hướng, khiến cho chúng ta cứ so sánh hình ảnh một chính trị gia gạo cội như bà Clinton, luôn chỉn chu, đạo mạo, chuẩn mực… với một doanh nhân kinh doanh đầy mạo hiểm, đầy những nét xấu xa. Tâm lý bản năng con người là hướng thiện, vì vậy sau khi “thần tượng” của mình thất bại thì mình đã quá thất vọng, quá bi quan.
Lạc quan hơn nữa là đến giờ chúng ta đã có kết quả và chẳng còn lựa chọn nào khác là thích ứng với tình hình để có quyết định, hành động phù hợp với người mới được chọn vì hành động của người này rất có thể ảnh hưởng đến một công dân bình thường như chúng ta.
Lạc quan hơn nữa nữa là chúng ta hãy nhìn lại hai bài phát biểu của hai ứng viên và cả Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama sau khi có kết quả bầu cử, đó chính là tinh thần đoàn kết, gắn kết, vì một tương lai tốt đẹp cho nước Mỹ và cho nhân loại. Mặc dù quan điểm trái ngược nhau là điều tất yếu của cuộc sống, nhưng cách họ hành xử với nhau sau khi có người thành công, người không thành công mới thật nhân văn. Cuối cùng tất cả đều là tôn trọng lẫn nhau, chúc mừng người chiến thắng và cảm ơn người đã không chiến thắng vì đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp cho cái chung.  Xin trích dẫn lại phát biểu của Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama: "Chúng ta chữa lành vết thương, vượt lên quá khứ, chúng ta trở lại đấu trường và chúng ta tiến về phía trước... thiện chí đó là điều cần thiết cho một nền dân chủ vững mạnh. Đó là cách chúng ta đi được tới chặng đường này. Tôi tự tin rằng cuộc hành trình đáng kinh ngạc đó sẽ được chúng ta tiếp tục".
Bài phát biểu của ông Trump sau khi trúng cử cũng đã kêu gọi sự đoàn kết giữa toàn thể người Mỹ gồm cả những người đã không chọn ông tất cả vì một nước Mỹ vĩ đại.
Nước Mỹ có thể chưa phải là thiên đường đối với toàn thể người dân Mỹ, nhưng đến nay qua mấy trăm năm lịch sử tồn tại nó vẫn là thiên đường của rất… rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ


(Ảnh: sưu tầm)
Chỉ còn ít giờ nữa thôi là đến thời điểm người dân Mỹ sẽ biết được vị Tổng thống thứ 45 của mình, thế giới cũng sẽ biết được người có quyền lực lớn nhất thế giới là ai?
Có thể nói, bầu cử Tổng thống Mỹ là cuộc bầu cử dài hơi nhất thế giới và cũng tốn kém nhất thế giới bởi vai trò quan trọng của nước Mỹ đối với thế giới. Sự kiện này được mọi quốc gia trên thế giới quan tâm, không chỉ những chính trị gia, những nhà kinh tế, giới truyền thông khắp mọi nơi… mà ngay cả những người dân của đất nước xa xôi, nhỏ bé như Việt Nam chúng ta cũng xôn xao bàn luận về chủ đề này.
Trước khi tìm hiểu về quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào thì chúng ta cần biết những nét cơ bản nhất về cấu trúc tổ chức bộ nhà nước của Mỹ ra sao?
Hiến pháp Mỹ 1787 – một bản Hiến pháp lâu đời nhất thế giới vẫn còn được lưu hành. Trải qua lịch sử tồn tại hơn 200 trăm năm của xứ cờ hoa, dù đã trải qua một số lần chỉnh sửa, những bản tu chính án, nhưng những tinh thần nguyên bản của nó vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay.
Hiến pháp Mỹ đã quy định rất rõ về tính tam quyền phân lập giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là i) lập pháp ii) hành pháp và iii) tư pháp. Các cơ quan này hoạt động độc lập với nhau nhưng kiểm soát lẫn nhau, cân bằng và đối trọng với nhau nhằm kiểm soát quyền lực của mỗi cơ quan. Hiến pháp Mỹ quy định, không một nghị sĩ nào của quốc hội được quyền làm việc trong khối hành pháp, hay nắm một chức vụ nào có thể được hưởng lợi trực tiếp từ việc thi hành luật pháp. Ngược lại, các thành viên của chính phủ (khối hành pháp) không được tham gia vào khối lập pháp, và tương tự như vậy với khối tư pháp.
Để tìm hiểu sâu hơn về bản Hiến pháp Mỹ, tác giả xin hẹn ở một bài viết khác, bài viết này tác giả tập trung vào quá trình người dân Mỹ bầu chọn cho mình một vị tổng thống và vai trò của vị tổng thống đối với nước Mỹ.
Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng Tổng thống Mỹ không phải là người có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước Mỹ do cấu trúc tam quyền phân lập của các cơ quan quyền lực nhà nước Mỹ. Theo đó, Tổng thống sẽ dẫn dắt khối hành pháp thực hiện các hành động theo quy định của các bộ luật do khối lập pháp ban hành (lưu ý: quy trình ban hành luật ở Mỹ diễn ra cũng cực kỳ khoa học, nó đảm bảo thể hiện được đúng nguyện vọng của toàn bộ các nhóm người dân trong xã hội), đồng thời khối hành pháp cũng luôn chịu sự giám sát chặt chẽ của hai khối lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên, với đặc trưng cấu trúc hoạt động của mình ở tính tức thời, phản ứng nhanh, ra quyết định nhanh trước mọi tình huống… Nó khác rất nhiều với cấu trúc hoạt động của hai cơ quan còn lại, lập pháp và tư pháp thường mang tính tập thể nhiều hơn. Do đó, vai trò người đứng đầu khối hành pháp là vô cùng quan trọng, quyền lực được trao cho người đứng đầu, người này có toàn quyền quyết định trong khối hành pháp (một số chức vụ cần được quốc hội thông qua), vì vậy đồng nghĩa về mặt cá nhân một con người thì Tổng thống Mỹ sẽ là người quyền lực nhất nước Mỹ. Suy rộng ra, với vai trò, vị thế của đất nước Mỹ trên chính trường thế giới, thì Tổng thống Mỹ cũng là người có quyền lực lớn nhất thế giới. Vì vậy, việc chọn được người xứng đáng đứng vào vị trí này là vô cùng quan trọng, khiến cho cả thế giới đều phải quan tâm, hướng về nó.
Bầu cử Mỹ là đặc trưng của hình thức dân chủ gián tiếp, người dân Mỹ không trực tiếp bầu ra Tổng thống Mỹ mà việc bầu chọn ra vị tổng thống là do lá phiếu của đại cử tri. Tất nhiên, lá phiếu của người dân Mỹ (cử tri phổ thông) cũng có vai trò quan trọng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trong việc lựa chọn ra các đại cử tri có thiên hướng ủng hộ ứng viên tổng thống nào (một cách rõ ràng). Thông thường sẽ có nhiều ứng viên tổng thống khác cùng tham gia tranh cử, nhưng ngày nay chúng ta thường chỉ quan tâm đến các ứng viên của hai đảng lớn là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, hoặc các liên minh của một đảng nhỏ nào đó với một trong hai đảng lớn này.
Hiện nay, tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri. Các đại cử tri thường là những người quan trọng mà sự thông thái, sự hiểu biết của họ được kỳ vọng là sẽ chọn lựa tốt hơn các cử tri phổ thông. Các đại cử tri được chọn qua một loạt các cuộc bầu cử ở tiểu bang được tổ chức cùng ngày (ngày bầu cử). Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang là bằng tổng số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ (luôn luôn là hai Thượng nghị sĩ mỗi bang) và số Dân biểu (Hạ Nghị sĩ) Hoa Kỳ của tiểu bang đó (số Hạ nghị sĩ tương ứng theo tỉ lệ dân số nhưng mỗi tiểu bang phải có ít nhất một Hạ nghị sĩ), riêng Đặc khu Columbia (Washington, D.C.) có ba phiếu đại cử tri mặc dù không có một đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Tại mỗi tiểu bang, các đại cử tri sẽ tập hợp thành các “Đại cử tri đoàn” (Electoral college). Ở mỗi tiểu bang, các cử tri phổ thông sẽ bầu chọn Đại cử tri trong số nhiều Đại cử tri ra ứng cử, dưới phiếu bầu đại cử tri có ghi rõ ứng viên tổng thống nào mà đại cử tri đó ủng hộ. Các đại cử tri có thể đại diện cho nhiều đảng phái khác nhau. Có trường hợp các đại cử tri thuộc các đảng nhỏ không có ứng viên tổng thống của đảng mình tham gia tranh cử thì đại cử tri đó ghi rõ là ứng viên tổng thống đảng khác mà họ ủng hộ, điều này cũng làm cho bầu cử Tổng thống Mỹ ít mang tính đảng, phái hơn.
Tại hầu hết các bang của Mỹ (trừ hai bang Maine và Nebraska), các đại cử tri trong cử tri đoàn bang đó sẽ bỏ phiếu theo thể thức "Winner takes all” – “Được ăn cả ngã về không", nghĩa là nếu ứng viên nào giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông thì sẽ nhận được tất cả lá phiếu của đại cử tri bang đó. Maine và Nebraska chọn đại cử tri tổng thống bằng phương pháp được gọi là phương pháp Maine, trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri tổng thống thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau, và như thế số phiếu đại cử tri của tiểu bang bị chia ra tại hai tiểu bang này.
Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Ngoài ra người đắc cử không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước. Điều này đồng nghĩa có ứng viên vẫn có quyền bước vào Nhà Trắng miễn là có trên 270 phiếu đại cử tri, dù thua đối thủ về phiếu phổ thông.
Cấu trúc của đại cử tri và đại cử tri đoàn cũng tạo cho các bang nhỏ có sức nặng hơn trong việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đất nước. Vì vậy, có trường hợp ứng viên nào đó tuy giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông (xảy ra khi ứng cử viên giành được đa số phiếu ở các bang có dân số đông) tuy nhiên ứng cử viên đó lại không chiến thắng, do việc thiết kế quy trình bầu cử Mỹ đã làm tăng tỷ trọng số đại cử tri của các bang nhỏ so với tỷ trọng của dân số bang đó.
Hệ thống bầu cử qua đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước. Người được chọn phải là người có danh tiếng, ảnh hưởng đến phạm vi toàn nước Mỹ, chứ không đơn thuần ở các tiểu bang quan trọng, các bang có dân số lớn. Do đó, tư tưởng địa phương cục bộ không thể giúp người nào đó chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dù là vị Tổng thống đương nhiệm, hay bộ máy hành pháp đương nhiệm, hay bất kỳ một nhóm quyền lực nào cũng không đủ khả năng chi phối toàn bộ kết quả của cuộc bầu cử. Đặc trưng này cũng khiến cho một người có tiềm lực kinh tế, hay có quyền lực dù mạnh đến đâu cũng không thể chiến thắng bởi anh ta không thể đủ khả năng làm thỏa mãn toàn bộ các cá nhân, hay toàn bộ các nhóm người trên phạm vi rộng lớn toàn nước Mỹ, đặc biệt là những người đang có thiên hướng ủng hộ ứng viên tổng thống đối lập.
Hệ thống bầu cử gián tiếp thông qua các đại cử tri, sẽ giúp hạn chế vấn đề tâm lý đám đông, tính thiếu chắc chắn, dễ thay đổi, sự thiếu thông tin, thiếu khả năng đánh giá và dễ bị thao túng của dân chúng. Quy mô rộng lớn của đất nước làm cho dân chúng không đủ kiến thức phát xét hành vi và tính cách của các ứng cử viên. Bầu cử thông qua các đại cử tri, họ là những người có đủ uy tín, đủ năng lực để đánh giá, phán xét về khả năng của các ứng viên, người có đủ kiến thức để chọn được đúng người có trí, tài, đức… lãnh đạo đất nước.
Có thể nói, bầu cử Tổng thống Mỹ là một trò chơi cực kỳ khoa học và vô cùng hấp dẫn, quá trình tranh luận về chủ đề bầu cử Tổng thống từ khi xây dựng bản Hiến pháp Mỹ cho thấy giới tinh hoa khi đó đã nghiên cứu và tìm hiểu rất rõ về khoa học tâm lý, triết học chính trị, lý thuyết trò chơi, tư duy toán học… qua việc phân tích các tình huống xảy ra như thế nào, các chủ thể liên quan sẽ hành xử ra sao và sẽ ảnh hưởng đến kết quả như thế nào?
Nhìn vào kỳ bầu cử lần này chúng ta thấy nó diễn ra vô cùng hấp dẫn, gồm nhiều nét mới lạ bởi sự tham gia của một chính trị gia không chuyên là doanh nhân Donald Trump.
Quan sát chúng ta đã thấy, các “chiêu trò” được các ứng viên tung ra, áp dụng một cách sinh động, khoa học về lý thuyết trò chơi. Các ứng viên đều đưa ra những phương châm hành động, để lôi kéo truyền thông, và thuyết phục các cử tri ủng hộ mình, mặc dù khi phân tích kỹ thì sẽ thấy nhiều phương châm hành động này, nếu cùng thực hiện sẽ mâu thuẫn với nhau, do đó nếu đắc cử thì ứng viên đó chưa chắc đã thực hiện được hết các mục tiêu này. Tuy nhiên, đó vẫn là cách để giành được sự ủng hộ của các cử tri nơi ứng viên đi tiếp xúc.
Kỳ bầu cử lần này cũng thú vị bởi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã biết “gãi vào đúng chỗ ngứa” của người dân Mỹ, ông biết lợi dụng sự bất bình của người dân đối với thực trạng đầy khó khăn, bất ổn giai đoạn vừa qua. Và họ chán nghe những lời nói mang tính trịnh trọng, khuôn mẫu mà kết quả thì không như họ mong đợi. Vì vậy, ông Trump – một doanh nhân kinh doanh đầy mạo hiểm, người đã nói những lời nói nhiều khi được đánh giá là ngông cuồng, là thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, “hài hước”, lố bịch… nhưng lại hết sức “vừa tai” của bộ phân dân chúng đang có tâm trạng “bức xúc” hiện nay. Mặc dù, với những phát ngôn được coi là thiếu hiểu biết của ông đã khiến cho nhiều người đánh giá rằng, đất nước Mỹ cũng như thế giới sẽ rơi vào cảnh trì trệ, suy tàn, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba cũng có thể xảy ra… nếu ứng cử viên Trump đắc cử. Thậm chí, hơn 300 nhà kinh tế trong đó gồm rất nhiều người đã từng đạt giải Nobel đã lên tiếng phản đối ứng cử viên đảng Cộng hòa - Donald Trump vì những phát ngôn của ông, nó cho thấy ông là người không hiểu nhiều về vấn đề kinh tế, và sẽ gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu nếu ông được chọn là tổng thống.
 Mặc dù, với quan điểm của cá nhân tác giả cũng chẳng thích gì những phát ngôn đó của ông, và cũng có phần nào “quan ngại” trước viễn cảnh tương lai thế giới nếu ông trúng cử. Tuy nhiên, nhìn nhận sâu hơn vào lịch sử, trải qua hơn 200 năm của đất nước Mỹ, không phải toàn bộ 44 vị tổng thống Mỹ trước đây đều là những cá nhân biệt tài, xuất sắc ở mọi lĩnh vực, cũng không phải chưa bao giờ người dân Mỹ đã chọn cho mình vị tổng thống có những phát ngôn, hành động “kỳ lạ”, hay được đánh giá nói chung là thiếu năng lực. Nhưng lịch sử như tất cả chúng ta đều thấy, người dân Mỹ đã luôn hành động sáng suốt thông qua cái cơ chế bầu cử được thiết kế cực kỳ khoa học và tinh vi trong bản Hiến pháp, nó giúp cho người dân Mỹ luôn lựa chọn được người có đủ tài, trí, năng lực… để lãnh đạo đất nước, và cho dù người được chọn là người không hoàn toàn đủ tài, trí… để lãnh đạo, thì cũng nhờ bản Hiến pháp Mỹ đã giúp cho vị tổng thống được chọn buộc phải hành động như một người thông minh, tài giỏi hơn người. Và dù cho có xấu hơn, tồi tệ hơn nữa là “người được chọn” có quá kém về trí, tài… so với mong đợi của người dân, thì Hiến pháp Mỹ cũng cho phép người dân “sửa sai” bằng việc lựa chọn người khác tốt hơn sau bốn năm (một nhiệm kỳ tổng thống).
Kết quả là ngày nay chúng ta đều thấy một đất nước Mỹ đầy văn minh, một đất nước Mỹ phát triển thịnh vượng, một xứ sở thần tiên của rất rất nhiều người như câu nói đầy thân thương, đầy cuốn hút mà chúng ta vẫn gọi “Giấc mơ Mỹ” - “American Dream”.

Vậy, hãy tin vào đất nước Mỹ, tin vào người dân Mỹ, tin vào các đại cử tri Mỹ (ít nhất là tới thời điểm này), bởi nếu ai được chọn thì chắc chắn người đó đã được xem xét hết sức kỹ lưỡng nhờ con mắt “tinh tường” của dân chúng Mỹ đặc biệt là giới tinh hoa thời hiện tại.

Chúng ta có thể tham khảo thêm chủ đề này tại Hiến pháp Mỹ và quá trình xây dựng bản hiến pháp này trong tác phẩm “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” do dịch giả Nguyễn Cảnh Bình dịch và giới thiệu.
Một số trang web tham khảo:

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Cái “lồng quyền lực”

Lại thêm một thuật ngữ mới phát sinh, thường người ta nói đến cái “lồng” để nhốt chim thì gọi là “lồng chim”, để nhốt gà thì gọi là “lồng gà”, để nhốt cá thì gọi là “lồng cá”… nhưng giờ người ta muốn nhốt “quyền lực” nên có thể tạm gọi là “lồng quyền lực”.
Con người dùng cái lồng để nhốt chim, gà… bởi con người có sức mạnh, có trí tuệ, có nhiều thứ hơn chim hơn gà, tóm lại là con người có quyền làm như thế.
Vậy với quyền lực của xã hội loài người thì sao?
Nếu đơn thuần là trao cho người nào, hay nhóm người nào có quyền nhốt cái quyền lực mà người khác, nhóm người khác đang nắm lấy, đồng nghĩa nhóm người được trao sẽ có quyền lực lớn hơn nhóm người bị kiểm soát. Như vậy, lại có khả năng nhóm người được trao quyền lực sẽ lạm dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho nhóm mình. Khi đó, chúng ta lại phải “đẻ” ra nhóm người khác kiểm soát quyền lực của nhóm người được trao trước kia… Cứ như thế, sẽ không bao giờ “quyền lực có thể bị nhốt vào lồng”.
Để kiểm soát được quyền lực, nền văn minh nhân loại không cần dùng đến cơ quan “siêu quyền lực”. Khoa học về kiểm soát quền lực đã hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm nay, tuy rất phức tạp nhưng nó phải tuân thủ những nguyên lý chung. Chúng ta hãy cùng nghiên cứu, tìm hiểu tính khoa học về cấu trúc, kiểm soát và quản trị, đối với phạm vi một quốc gia là khoa học chính trị của những triết gia lỗi lạc Plato, Aristoteles, John Lock, C.L. Montesquieu, J.J. Rousseau, Alexis De Tocqueville... để kiểm soát quyền lực.
Nội dung cốt lõi của lý thuyết về quyền lực là phải kiểm soát quyền lực. Điều này, xuất phát từ bản chất tự nhiên của quyền lực, vì quyền lực luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình, ở đâu có quyền lực là có khả năng xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai, chủ thể nào, hay nhóm người nào. Hay như nhà sử học, chính trị học Lord Acton từng nói: "Quyền lực làm con người ta tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối". Vì vậy, để ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực, thì phải cấu trúc hệ thống nhằm giới hạn quyền lực, đảm bảo mang lại lợi ích chung cho toàn bộ các chủ thể trong hệ thống, tổ chức hay một quốc gia. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý, và vì vậy không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia quyền lực. Muốn hạn chế quyền lực thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chia chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật.
Quyền lực được phân chia thành các nhánh khác nhau, do các cơ quan khác nhau nắm giữ, để không một cá nhân nào, nhóm người nào hay tổ chức nào nắm được trọn vẹn quyền lực. Hoạt động của các cơ quan quyền lực cần có sự chuyên môn hóa, mỗi cơ quan chỉ hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác.
Quyền lực giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), để không có một cơ quan nào có khả năng lạm quyền. Với cấu trúc quyền lực này, sẽ đảm bảo tính trách nhiệm của các cơ quan quyền lực, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Cấu trúc này sẽ tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa từ trong hệ thống. Còn cơ chế kiểm tra, giám sát được tiến hành từ bên ngoài thường chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra.
Nhiều quan điểm cho rằng, để một tổ chức hay rộng hơn là một quốc gia phát triển thì cần có một “minh quân” dẫn dắt. Tuy nhiên, với lý thuyết về kiểm soát quyền lực này sẽ giúp phản biện lại quan điểm trên. Bởi dù cho đất nước có được một “minh quân” dẫn dắt mà trong cấu trúc của hệ thống không có sự giới hạn quyền lực, cũng như cân bằng đối trọng giữa các cơ quan nắm quyền lực thì cũng rất dễ dẫn tới tình trạng “minh quân” sẽ lạm quyền, nhằm mang lại lợi ích cho nhóm người nào đó mà không nhằm mục tiêu đưa hệ thống tiến về phía trước.
Theo học thuyết phân quyền thì về cơ bản quyền lực tối cao nhà nước được phân thành ba quyền là: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau và kiềm chế lẫn nhau.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp”.
Một số quốc gia thì quyền lực nhà nước có khi được chia thành 4, 5 hoặc 6… bộ phận tuỳ hoàn cảnh ra đời của bản hiến pháp của mỗi quốc gia.
Nhưng dù phân chia thế nào thì ở các quốc gia phát triển luôn đảm bảo quyền lực giới hạn của mỗi cơ quan, độc lập, kiểm tra, giám sát, đối trọng giữa các cơ quan (nguyên lý Checks and Balances).
Qua thời gian, dù cho vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau giữa các nhà tư tưởng lỗi lạc về chủ đề này, hay những biến thể khi đi vào áp dụng thực tế ở các quốc gia hiện nay, nhưng về cơ bản đều hướng đến xây dựng một nền thể chế đảm bảo quyền tự do của các công dân, chống lại chế độ chuyên chế, độc đoán, độc tài, hay “quyền lực đã được nhốt vào lồng”.