Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Giáo dục trẻ em - vấn đề của giọng nói, lời nói và hậu quả của việc phải học thuộc lòng

Tại tác phẩm "Émile hay là về giáo dục"
Cuốn sách kinh điển về giáo dục đã ra đời trên 250 năm của Triết gia - Jean Jacques Rousseau, người được coi là "Người Thầy của nhân loại"

Phần nội dung bàn về cách dạy trẻ học nói.

"...Tôi muốn những phát âm đầu tiên người ta cho trẻ nghe phải thưa thớt, dễ dàng, rành rõ, lặp lại nhiều lần, và những từ ngữ được các phát âm này diễn tả chỉ liên quan đến các vẫn hữu hình mà trước hết người ta có thể chỉ ra cho trẻ. Cái thói dễ dàng và tai hại nói những điều mà ta chẳng hiểu gì bắt đầu sớm hơn ta nghĩ. Học trò nghe ở lớp những lời lẽ dài dòng của giáo viên, cũng như khi còn quấn tã nó đã nghe những điều líu lo tầm phào của vú nuôi. Tôi thấy nuôi dạy trẻ để nó không hiểu gì về những điều ấy có lẽ chính là dạy dỗ nó một cách rất hữu ích.
Các vị hãy luôn luôn nói năng chính xác trước mặt trẻ, làm sao cho chúng không thấy thích thú với ai bằng các vị, và hãy tin chắc rằng ngôn ngữ của chúng sẽ dần dà tự thanh lọc theo ngôn ngữ của các vị mà các vị chẳng bao giờ phải trách mắng chúng.
Tôi đã sống nhiều với dân quê, và chưa từng nghe thấy một người thôn quê nào nói chớt, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai đều không. Vì sao như vậy? Khí quản của nông dân được cấu tạo khác khí quản của chúng ta hay sao? Không, nhưng chúng được luyện tập khác hẳn. Đối diện cửa sổ phòng tôi là một gò đất nơi trẻ em quanh đấy thường tụ tập để chơi đùa. Dù chúng ở khá xa tôi, song tôi hoàn toàn nghe rõ mọi điều chúng nói, và tôi thường rút từ đó ra nhiều kỷ niệm hay để viết cuốn sách này. Ngày nào tai tôi cũng khiến tôi bị lầm về độ tuổi của chúng; tôi nghe thấy những giọng nói của trẻ mười tuổi; tôi nhìn, tôi thấy vóc dáng và dung mạo của những trẻ lên ba lên bốn. Không chỉ riêng mình tôi có trải nghiệm này; những người thành thị đến thăm tôi, và được tôi hỏi ý kiến về việc đó, tất thảy đều lầm lẫn y như tôi.

Sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do trẻ em thành phố, cho đến năm hay sáu tuổi, được nuôi nấng trong phòng và nương náu dưới bóng cô dạy trẻ, chỉ cần lầm bầm là được mọi người nghe thấy: chúng vừa mấp máy môi là được mọi người lắng nghe; mọi người dạy chúng những từ mà chúng nhắc lại không đúng, song, vì cứ chú ý mãi, nên vẫn những người không ngừng ở quanh chúng đoán ra được những gì chúng muốn nói hơn là những gì chúng đã nói.
Ở thôn quê, chuyện hoàn toàn khác hẳn. Một phụ nữ nông thôn không phải lúc nào cũng quanh quẩn bên con mình; đứa bé buộc phải nói rất rõ và rất to điều nó cần làm cho mẹ nó nghe thấy. Ngoài đồng ruộng, những đứa trẻ ở rải rác, xa mẹ, cha, và các trẻ khác, chúng tập nói để mọi người ở xa nghe được, và tập ước lượng sức mạnh của giọng nói dựa theo khoảng cách ngăn chúng với những người mà chúng muốn được họ nghe thấy. Người ta thực sự học phát âm như vậy đó, chứ không phải bằng cách ấp úng vài nguyên âm bên tai một cô dạy trẻ ân cần chú ý. Bởi thế, khi ta hỏi han đứa trẻ con người dân quê, sự xấu hổ có thể cản trở nó trả lời; những những gì nó nói, thì nó nói lên rõ rành; trong lúc đó người hầu gái phải làm thông ngôn cho đứa trẻ thành thị; nếu không thì mọi người chẳng hiểu tí gì về những điều nó lầm bầm giữa kẽ răng.
Khi lớn lên, trẻ em trai sẽ phải sửa khuyết điểm này ở trường học, còn trẻ em gái sửa chữa tại tu viện; quả thực, nhìn chung các trẻ này nói năng rõ rành hơn những trẻ vẫn cứ được nuôi dạy tại gia đình. Nhưng điều khiến chúng không bao giờ đạt được cách phát âm rành rọt như cách phát âm của dân quê, đó là sự cần thiết phải học thuộc lòng rất nhiều điều (ý tác giả là bị buộc phải học thuộc lòng nhiều điều), và phải đọc to lên những gì đã học; vì, trong khi học, chúng quen nói lúng búng, quen phát âm cẩu thả và sai; khi đọc thuộc lòng, thì còn tệ hơn nữa; chúng cố gắng tìm từ ngữ, chúng rề rà và kéo dài các âm tiết; khi trí nhớ chao đảo, ngôn từ không thể không ấp úng theo. Các tật về phát âm bị tiêm nhiễm hoặc bị duy trì vậy đó…
Tôi thừa nhận rằng dân chúng và người thôn quê thường rơi vào một cực đoan khác, rằng hầu như bao giờ họ cũng nói to hơn mức cần thiết, và khi phát âm quá chính xác, họ có cách nói mạnh và thô, có giọng điệu thái quá, họ chọn từ ngữ không đúng…
Nhưng, thứ nhất, tôi thấy cực đoan này ít xấu hơn cực đoan kia rất nhiều, bởi quy tắc đầu tiên của diễn ngôn là làm cho mọi người nghe được mình, thì lỗi lớn nhất ta có thể mắc phải là nói mà người ta không nghe được…"

=> Cần khắc phục những vấn đề về giọng nói, lời nói và những hậu quả do phải học thuộc lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét