Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Quyền lực nhà nước không của riêng ai và cũng không phải của nhóm người nào


Chủ đề kiểm soát quyền lực lại được xới lên như cách đây khoảng một năm cũng từ vị chính trị gia này. Giải pháp được đưa ra là gì, liệu có triệt để không? Hãy trang bị cho mình cái nhìn để thấy tận gốc vấn đề, từ đó, mỗi chúng ta sẽ có thể dự đoán phần nào kết quả xảy ra.

Theo triết gia, sử gia nổi tiếng Claude-Frédéric Bastiat (1801-1850), ở những xã hội kém tự do, những người nắm quyền lực, những nhà lập pháp, họ thường coi dân chúng như cục đất sét còn họ là người thợ gốm (Claude-Frédéric Bastiat, 1801-1850), thành bại của người dân là do họ nhào nặn. Tuy nhiên, chính họ, với nền tảng từ khi được sinh ra và lớn lên, chịu ảnh hưởng nặng nề từ những vấn đề hủ lậu của phong kiến Nho giáo Trung Hoa, kết hợp với sự u mê cái thứ thể chế phản tự do, khiến cho họ cho rằng mọi vấn đề của xã hội, thành hay bại chỉ do nhà nước - gồm một nhóm người, một giai cấp nào đó thực hiện… Hai cái nền tảng này đã tạo ra một xã hội phân biệt giai cấp, đẳng cấp, địa vị, ngôi thứ,… Nó buộc kẻ dưới luôn phải phục tùng cấp trên, phục tùng người có thứ bậc cao hơn, phi lý và buồn cười hơn nữa là trong vấn đề dòng họ thì người có thứ bậc thấp hơn luôn phải phục tùng người có thứ bậc cao hơn ngay cả khi kẻ đó vẫn là một đứa con nít, người trẻ luôn phải phục tùng người lớn tuổi hơn, phục tùng một cách phi lý mà không tuân theo nguyên tắc phải – trái, đúng – sai nào... Tư tưởng này cũng đi sâu vào nền giáo dục, để từ đó sản xuất ra những con người, mà ngay cả những người mang danh trí thức thì trong tâm thức của họ luôn thường trực tâm lý của kẻ nô lệ, của phận bề tôi. Bất cứ thành công nào họ đều nghĩ đó là thành quả của một cá nhân, của người khác mang lại, ở phạm vi một quốc gia thì sự ngu muội đó khiến người ta tôn sùng và biến cá nhân kia thành những vị thánh thần. Họ không hiểu, và cũng không chịu hiểu rằng, bất cứ thành công nào của quốc gia đều là do sự đóng góp của toàn bộ con người trong quốc gia đó, nơi mà con người được vận hành trong một bộ máy được cấu trúc một cách khoa học, để mỗi người trong bộ máy đều dễ dàng phát huy hết khả năng đặc biệt của mình nhằm mang lại lợi ích cho mình cũng như lợi ích chung cho cả quốc gia. Chắc chắn một điều rằng, thành bại của tập thể, của quốc gia không phải nhờ vào một cá nhân, "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", George Washington có sống lại mà rơi vào cái xã hội như đất nước Somalia ngày nay thì cũng thất bại, hay Bill Gates phải điều hành mấy Tập đoàn nhà nước ở ta (điển hình như VinaShin, VinaLines...) thì cũng đành thúc thủ mà thôi. Chính vì cường điệu vai trò cá nhân, thậm chí là thần thánh hóa vai trò cá nhân nên hậu quả là người ta cho rằng thành bại của quốc gia hiện nay là do một số cá nhân sâu mọt làm hỏng hình ảnh của cả bộ máy, đó chỉ là đổ thừa, là ngụy biện và không chính xác.

Công tác cán bộ không phải là khâu quyết định, mà quyết định thành bại là ở cấu trúc bộ máy. Nếu cấu trúc tốt thì những người kém tài năng, kém đức độ cũng không thể lọt vào vị trí quan trọng của bộ máy, và nó cũng sẽ tự động tìm được người có đủ tài đủ đức để điều hành bộ máy. Hơn thế nữa, với cấu trúc tốt, một người chỉ cần một chút tài năng cũng có thể trở thành vĩ nhân khi rơi vào những bộ máy đó, bởi bộ máy sẽ là nơi chắp cánh, là bệ phóng cho tài năng của cá nhân được bay xa.

Mỗi kỳ, mỗi năm tổng kết, nghe như có vẻ đều rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, và những giải pháp mới mang tính cải cách triệt để, và hứa hẹn mang lại thành công vang dội cho quốc gia trong tương lai, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thành tích vẫn báo cáo, lỗi thì cũng nhận ra nhưng lại mang tính tập thể, chẳng biết của ai. Cái vòng luẩn quẩn đó mãi không thoát ra được, bởi chỉ một điều duy nhất, một vấn đề gốc, cốt lõi cần giải quyết đó là quyền lực không thể thuộc về một cá nhân hay một nhóm người riêng lẻ nào, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, người nắm giữ quyền lực phải được kiểm soát. Quyền lực được phân chia giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn các quyền lực khác. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), đó là nguyên lý tối thượng mà mọi bộ máy tổ chức của con người từ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức,… hay lớn hơn là một quốc gia đều phải tuân thủ.

Xin vui lòng tham khảo thêm bài viết “Cái lồng quyền lực” đã đăng cách đây một năm cũng liên quan đến phát biểu của vị chính trị gia này về chủ đề kiểm soát quyền lực.

2 nhận xét:

  1. nhiều người có thể nhìn ra được nó, nhưng quyền lực không được trao đi mà phải dành lấy, kể cả ở những nước dân chủ thì cũng phải tranh dành theo cách dân chủ. Chúng ta không thể nói rằng quyền lực không của riêng ai, nhưng thực chất quyền lực phải luôn thuộc về một ai đó bởi người ta luôn tranh dành nó, và cũng chỉ có con đường tranh dành mới có được. Cái tốt nhất là quyền lực thuộc về nhân dân. Cấu trúc bộ máy là cái mang lại quyền lực cho một nhóm người hiện tại thì nhóm đó sẽ dùng hết sức mình để duy trì nó, người ta không tự nhiên thấy đúng hay sai mà bỏ đi quyền lực được. Chúng ta có thể bỏ cả chục năm để nói cấu trúc bộ máy là sai, nhưng nếu không có áp lực đáng kể nào bắt buộc phải sửa thì sẽ không sửa, nói mãi rồi thôi. Về vấn đề gia đình trị hay giai cấp thì Đông Tây đều có, ở Venezela thì cả cả gia đình trị của tổng thống.

    Bất kỳ người nào nắm quyền lực đều sẽ củng cố và mở rộng nó bằng mọi cách, tiêu diệt các đối thủ và trở nên độc quyền, chỉ có cách khi mới tổ chức chính quyền thì phải có những cơ quan độc lập và mạnh mẽ ngang nhau mới có thể kìm chế nhau được.

    Để quyền lực thuộc về dân thì phải có những cơ quan và sức mạnh đi kèm, không phải chỉ đơn giản là ghi trong Hiến Pháp vì HP cũng chỉ là một tờ giấy thôi, người ta có thể sửa nếu muốn, chỉ có sức mạnh thực sự đi kèm mới đảm bảo được. Hiến Pháp Mỹ trường tồn nhờ vào nhánh quyền lực Tư Pháp và nhánh này không phải là những ông già nói suông, mà họ có cơ quan FBI hùng mạnh đủ sức bắt bất kỳ ai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã ghé thăm và cho ý kiến. Xin trả lời vắn tắt một vài ý.

      Quyền lực thuộc về nhân dân, và phải thêm ý nữa là thông qua những người đại diện của dân một cách chuyên nghiệp (người ta gọi là dân chủ gián tiếp). Điều này cũng có nghĩa là quyền lực không thuộc về riêng một cá nhận nào (độc tài cá nhân), hay một nhóm người nào (độc tài nhóm). Quyền lực có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường, khi quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối, nên không thể hy vọng vào một cá nhân thiên tài (lãnh đạo và nắm quyền). Đông hay Tây; chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ xã hội chủ nghĩa... không phải là vấn đề. Không nên chỉ nhìn vào cái tên, mà quan trọng hơn là phải nhìn vào bản chất, phải xem nó là độc tài hay không độc tài...

      "Hiến pháp đã ban hành là một văn bản “chết” được viết ra trên giấy, nhưng tinh thần của bản hiến pháp thì vẫn chảy cuồn cuộn trong lòng nó. Vì thế, hiểu được tinh thần của bản hiến pháp tốt mới là điều quan trọng. Từ đó mới có thể xây dựng, cấu trúc bộ máy, ban hành vô số những quy tắc (văn bản luật, dưới luật…) phù hợp với tinh thần của hiến pháp." [1]

      Hiến pháp Mỹ trường tôn không chỉ đơn thuần dựa trên quyền lực của nhánh Tư pháp. Nếu muốn rõ hơn về về Hiến pháp Mỹ, anh vui lòng xem thêm tác phẩm "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào" của tác giả Nguyễn Cảnh Bình, ở đó cũng có nêu một số phương pháp để kiểm soát quyền lực ra sao.

      Để có câu trả lời đầy đủ rõ ràng là một chủ đề vô cùng lớn, và rất phức tạp nhưng không phải là không có những tài liệu đã nói về chủ đề này. Vì thế, chỉ mạn phép trả lời một vài ý nhỏ.

      Nếu có nhã ý, anh vui lòng xem thêm một số bài viết khác tại blog này cũng xung quanh chủ đề quyền lực và kiểm soát quyền lực.

      Chân thành cảm ơn.

      [1] https://hungphamfb.blogspot.com/2019/08/oi-loi-ve-bai-viet-chung-muc-cua-gs-cao.html

      Xóa