Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Dư âm hậu bầu cử Tổng thống Mỹ


(Ảnh sưu tầm)
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kỳ này thực sự cam go, hấp dẫn cho đến hồi kết, và kết quả thì thật bất ngờ, ngược lại mọi dự đoán, mọi quan điểm của truyền thông không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới.
Ngày bầu cử ở Mỹ mà những trang báo Việt Nam tràn ngập thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ, hình ảnh của nó phủ kín các báo mạng, lấn át mọi vấn đề cần quan tâm khác của chính đất nước mình. Người Việt Nam truyền trực tiếp thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ không khác gì những người đam mê, cuồng bóng đá nhất đang theo dõi trận đấu bóng đá của đội bóng con cưng thi đấu với đối thủ cùng đẳng cấp, những đối thủ được coi là kỳ phùng địch thủ với mình. Mọi thông tin, chỉ số được cập nhật liên tục. Mọi người râm ran, trò chuyện, bàn luận về tỷ số, rồi dự đoán thậm chí cá độ kết quả. Sự quan tâm của người dân Việt Nam như thể những người công dân có đủ quyền tự do nhất đang đi bầu chọn vị lãnh đạo tối cao của quốc gia mình. Thật vui và nhiều cảm xúc.
Đến khi kết quả chính thức được ghi nhận, ứng viên của đảng Cộng hòa – Donald Trump - người đã bị truyền thông lèo lái cho rằng là người vô cùng xấu xa, tồi tệ, kém hiểu biết… nói chung là không đủ phẩm chất của một vị Tổng thống Mỹ - đã giành chiến thắng, để lại bao nỗi buồn giận, bao nỗi thất vọng, niềm tin tan vỡ, suy sụp tinh thần thậm chí tuyệt vọng vào tương lai thế giới của bao nhiêu con tim yêu mến công lý. Suy nghĩ này là nghĩ cho người khác đấy chứ, kể ra cũng có thể gọi là cống hiến, suy nghĩ cho nhân loại rồi. Còn một số người tiêu cực hơn thì họ cay cú, thù hận khi là kẻ chiến bại, loại tâm lý điển hình của những xứ sở kém tự do. Còn những người chiến thắng thì hò reo, ăn mừng, vỡ òa trong hạnh phúc, rồi lại câu qua câu lại như để chứng tỏ mình “minh mẫn” hơn người khi đã lựa chọn đúng. Một số người “bói” sai nhưng vẫn chưa thuyết phục thì cho rằng dân Mỹ thật khờ dại, chẳng biết gì nên đã bị người khác lừa bịp – “Đồ con lừa” – Xin nói thêm một chút: Con lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ - hình ảnh này đã được cách mạng hóa từ chính ý nghĩa ban đầu ví von cho ứng viên tổng thống Andrew Jackson và những người ủng hộ ông, nhưng thay vì gạt bỏ nó thì chính ông lại dùng hình ảnh con lừa trong chiến dịch tranh cử của mình, và sau đó trở thành tổng thống đầu tiên thuộc đảng Dân chủ năm 1828.
Có người nói rằng ông Trump là người tham lam, người háo danh… tại sao đã là một doanh nhân giàu có rồi còn nhất định phải trở thành tổng thống. Một số người lại cho rằng ông cậy thế giàu có, đã dùng tiền để tranh cử hay nói văn vẻ như ta là “mua quan bán chức”. Xin thưa, có lẽ do cái tư tưởng của chúng ta sinh ở cái xứ sở này, làm cho ta hay nghĩ con người tham lam, háo danh, tham quyền cố vị… chứ người ta sinh ra ở xứ đó không có tư tưởng đó, tất nhiên đó là nói chung dân chúng Mỹ, chứ cụ thể ông Trump nghĩ gì có lẽ chúng ta không biết chính xác. Thử nghĩ xem, không lẽ Warren Buffett đã 86 tuổi rồi sao vẫn cứ lãnh đạo tập đoàn lớn đến như vậy, vẫn đam mê làm giàu như vậy; nghĩ xem Bill Gates cũng 61 tuổi, đã là người giàu nhất thế giới rất nhiều năm liền, tại sao ông vẫn đam mê kiếm tiền đến vậy. Tất cả những điều trên chỉ đơn giản đó là họ làm việc vì đam mê, không háo danh, hám tiền như con người ở những xứ kém tự do. Họ đơn giản là sống vì chính mình, vì niềm đam mê của chính mình, đam mê cống hiến đến hơi sức cuối cùng, chẳng vì tranh giành cho cái vị trí nhất nhất…gì cả. Còn với quan điểm cho rằng, ông dùng tiền để mua quan bán chức thì xin trả lời rằng, tại sao những người giàu hơn ông rất nhiều như Bill Gates, Warren Buffet không ứng cử làm tổng thống. Câu trả lời đơn giản đó là họ không đam mê cái đó, và họ biết dù họ có dùng tiền cũng không thể đủ để “mua” được chức vị Tổng thống Mỹ như trong bài viết về “Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ” tác giả có đề cập nguyên nhân tại sao không thể dùng tiền để chi phối bầu cử Tổng thống Mỹ. Hay ví dụ điển hình hơn là Chính trị gia – Doanh nhân – Michael Bloomberg cũng giàu hơn ông Trump rất nhiều, cũng lớn tuổi hơn ông Trump, có nhiều kinh nghiệm làm chính trị rồi, và nhiều lần nói muốn ra tranh cử Tổng thống, nhưng ông đã không thể làm được điều như ông muốn. Ngay kỳ bầu cử lần này, ông đã tự rút lui, như ông nói là tránh việc lấy mất phiếu của các ứng viên khác và tăng cơ hội cho ông Trump – người mà ông và các “đại gia” khác như Bill Gates, Warren Buffet, George Soros… và cả ngài Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama và các chính trị gia uy tín khác đã từng là Tổng Thống Mỹ cũng không ủng hộ.
Kết quả đưa ra và mọi người bắt đầu mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, bình luận… suy nghĩ vẫn chưa thể dứt ra khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, truyền thông Việt Nam lại có thêm cơ hội khai thác nhằm thu hút độc giả đến với kênh thông tin của mình, các trang mạng vẫn ngập tràn thông tin như khi đang diễn ra “trận đấu”. Nhiều trang vốn dĩ đã “lá rau, lá cải” rồi do viết vội để lập công cho có bài đăng nên lại càng “lá bèo, lá chuối” các kiểu hơn nữa.
Một không khí ảm đảm, thất vọng bao trùm thế giới, đặc biệt là khu vực Á Đông và những người có nguồn có nguồn gốc Á Đông.
Nhưng liệu chúng ta có nên quá bi quan về tình hình nước Mỹ cũng như thế giới khi ông Trump giành chiến thắng hay không?
Mặc dù không phải là “thầy bói” hay “tiên tri” hay đơn giản hơn là không đủ khả năng để dự đoán nên tác giả không dám nói trước điều gì lớn lao về tương lai nước Mỹ, và thế giới sẽ như thế nào khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Cá nhân tác giả thấy rằng những người nói trên, họ đã lo quá xa và lo hơi thừa theo hướng bi quan. Thừa vì chuyện của Mỹ mà mình quan tâm hơn chuyện của mình, lựa chọn như thế nào là quyền của người Mỹ, họ đã biết thiết kế ra quy trình bầu cử một cách rất khoa học để có thể chọn cho ra người phù hợp nhất mà mình lại cứ cho rằng họ đã chọn sai. Lo quá xa và quá bi quan vì người Mỹ chẳng dại gì đẩy nước Mỹ đến bên bờ vực thẳm, chẳng dại gì mang chiến tranh, chết chóc đến cho nhân loại trong bối cảnh thế giới ngày nay không còn đấu tranh giai cấp, đấu tranh cho độc lập dân tộc, đấu tranh cho hệ tư tưởng,… những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hai cuộc Đại chiến thế giới và Chiến tranh lạnh như lịch sử đã ghi lại.
Xin nhắc lại quan điểm từ bài viết trước (khi chưa công bố kết quả bầu cử), tác giả cũng không đồng tình với những phát ngôn của ông Trump khi vận động tranh cử, và cũng có phần nào “quan ngại” trước viễn cảnh tương lai thế giới khi ông trúng cử. Những việc làm của ông thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng thêm tính cách quyết liệt và khá cực đoan thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các chính sách ông muốn thực hiện. Trong quá khứ, Trump cũng là người không có tư tưởng rõ ràng về đảng phái (tất nhiên quan điểm đảng phái ở Mỹ thường không ràng buộc chặt chẽ như ở các nơi khác), ông đã từng thay đổi đảng vài lần cho đến nay. Còn sự nghiệp kinh doanh của ông thì thực tế ông cũng đá phá sản vài lần nhưng cuối cùng ông vẫn thuộc những người giàu nhất thế giới (chứng tỏ ông là người rất tài năng khi nhìn vào những mặt tích cực). Tất nhiên, đó là khi ông kinh doanh, nơi ông có đặc quyền quyết định ở đó, còn với tầm cỡ một quốc gia thì chắc chắn không ai thích rủi ro như vậy, và chắc chắn Hiếp pháp và Pháp luật của Mỹ sẽ không cho phép ông làm như vậy.
Có lẽ đơn giản là người Mỹ muốn sự thay đổi, họ không thích những lời nói chỉn chu, trau chuốt của giới chính trị gia tương tự như cách bà Clinton thường nói. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, cách nói của bà, định hướng chính sách của bà không có gì là mới mẻ, nó dập khuôn theo cách mà các chính trị gia trước đây vẫn làm, và thực tế thì khi trúng cử các chính trị gia này đã không làm được những điều mà họ đã hứa hẹn. Vì vậy, người Mỹ cần điều gì đó mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” như phương châm tranh của của ông Trump – “Make America Great Again”.
Vì vậy, chúng ta cần lạc quan, tin tưởng vào người Mỹ như trong đoạn cuối của bài viết trước về “Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ” mà tác giả đã nêu: “Vậy, hãy tin vào đất nước Mỹ, tin vào người dân Mỹ, tin vào các đại cử tri Mỹ (ít nhất là tới thời điểm này), bởi nếu ai được chọn thì chắc chắn người đó đã được xem xét hết sức kỹ lưỡng nhờ con mắt “tinh tường” của dân chúng Mỹ đặc biệt là giới tinh hoa thời hiện tại.”.
Cơ sở của sự lạc quan nằm sâu trong tinh thần của bản Hiến pháp Mỹ. Xin trích lại câu này (trên trang http://luatkhoa.org): “Thủ tướng Anh Gladstone (1809-1898) đã miêu tả Hiến pháp này là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ vẫn tiếp tục chứng tỏ giá trị quan trọng của nó, khi mà nó vẫn là nền tảng của mọi hoạt động trong đời sống chính trị Mỹ, và vẫn là cơ sở cho một trong những nền dân chủ tự do, ổn định, và bền vững nhất.”. Và theo cá nhân tác giả thì có lẽ Hiến pháp Mỹ là thành quả lớn nhất mà nước Mỹ mang lại cho nhân loại cho đến thời điểm hiện nay, chứ không phải là cá nhân một công dân Mỹ nào. Bởi chính bản Hiến pháp Mỹ đã giúp cho những cá nhân kiệt xuất được hình thành, sản sinh và phát triển tại Mỹ.
Cùng nhìn lại quá trình xây dựng bản Hiến pháp Mỹ tại Hội nghị lập hiến 1787. Cuộc tranh luận tại Hội nghị lập hiến ngày đó về cách thức bầu chọn vị tổng thống – người đứng đầu khối hành pháp – là cuộc tranh luận phức tạp nhất, căng thẳng nhất và cam go nhất. Nhiều lúc đã tưởng chừng đi vào ngõ cụt, không bên nào chịu nhường bên nào, bởi các bên đều đưa ra những bằng chứng, lý luận rất chặt chẽ sau khi tham khảo rất…rất nhiều quy trình bầu cử, các bản hiến pháp của các quốc gia khác qua hàng ngàn năm lịch sử loài người, nhằm thuyết phục các bên đối lập. Điều này làm cho Hội nghị lập hiến có nguy cơ bị hủy bỏ. Nhưng cuối cùng, những chính trị gia kiệt xuất ngày đó – với tinh thần cùng vì lợi ích chung, vì một nước Mỹ đoàn kết, thống nhất – đành chấp nhận thỏa hiệp với nhau để thống nhất một quy trình bầu cử tổng thống nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, và về cơ bản nó vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.
Về mặt cá nhân một con người thì ông tổng thống là người quyền lực nhất vì ông đứng đầu khối hành pháp, nhưng về mặt cấu trúc quyền lực quốc gia thì khối hành pháp của ông lại không phải là cơ quan quyền lực duy nhất và cũng không phải cao nhất. Quy định của Hiến pháp Mỹ sẽ buộc Tổng thống Mỹ phải làm những điều đúng (Do the right things). Vì vậy, khi ông Trump làm tổng thống thì không phải ông ấy muốn làm gì thì làm như những phát ngôn khi tranh cử, mà có lẽ những lời lẽ đó cũng chỉ nhằm lôi kéo thêm nhóm người ủng hộ ông khi ông tiếp xúc cử tri nơi đó. Trên thế giới, rất nhiều người trong đó có rất nhiều người Việt đã từng đọc sách của ông hay của người khác viết về ông, hoặc đơn giản là nghe nói về ông từ khi ông thuần túy là một doanh nhân, và rất nhiều người đã từng ngưỡng mộ ông Trump. Chỉ có điều một số vấn đề ông nói trong chiến dịch tranh cử hay những việc ông làm như kinh doanh bất động sản – lĩnh vực đầy rủi ro, lĩnh vực mà ngày nay người ta không mấy thiện cảm sau cuộc khủng kinh tế thế giới, hay là ông chủ của nhiều cuộc thi tìm kiếm người đẹp (trong đó có Hoa hậu hoàn vũ thế giới) cũng không mang lại thiện cảm cho người Việt hay những nước nặng tư tưởng Nho giáo như Việt Nam. Những phát ngôn của ông cũng chẳng được lòng dân nghèo, dân nhập cư, những người yếu thế, và cả những quốc gia không chịu phát triển… tương tự như chúng ta. Cộng thêm yếu tố bị truyền thông đánh lạc hướng, khiến cho chúng ta cứ so sánh hình ảnh một chính trị gia gạo cội như bà Clinton, luôn chỉn chu, đạo mạo, chuẩn mực… với một doanh nhân kinh doanh đầy mạo hiểm, đầy những nét xấu xa. Tâm lý bản năng con người là hướng thiện, vì vậy sau khi “thần tượng” của mình thất bại thì mình đã quá thất vọng, quá bi quan.
Lạc quan hơn nữa là đến giờ chúng ta đã có kết quả và chẳng còn lựa chọn nào khác là thích ứng với tình hình để có quyết định, hành động phù hợp với người mới được chọn vì hành động của người này rất có thể ảnh hưởng đến một công dân bình thường như chúng ta.
Lạc quan hơn nữa nữa là chúng ta hãy nhìn lại hai bài phát biểu của hai ứng viên và cả Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama sau khi có kết quả bầu cử, đó chính là tinh thần đoàn kết, gắn kết, vì một tương lai tốt đẹp cho nước Mỹ và cho nhân loại. Mặc dù quan điểm trái ngược nhau là điều tất yếu của cuộc sống, nhưng cách họ hành xử với nhau sau khi có người thành công, người không thành công mới thật nhân văn. Cuối cùng tất cả đều là tôn trọng lẫn nhau, chúc mừng người chiến thắng và cảm ơn người đã không chiến thắng vì đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp cho cái chung.  Xin trích dẫn lại phát biểu của Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama: "Chúng ta chữa lành vết thương, vượt lên quá khứ, chúng ta trở lại đấu trường và chúng ta tiến về phía trước... thiện chí đó là điều cần thiết cho một nền dân chủ vững mạnh. Đó là cách chúng ta đi được tới chặng đường này. Tôi tự tin rằng cuộc hành trình đáng kinh ngạc đó sẽ được chúng ta tiếp tục".
Bài phát biểu của ông Trump sau khi trúng cử cũng đã kêu gọi sự đoàn kết giữa toàn thể người Mỹ gồm cả những người đã không chọn ông tất cả vì một nước Mỹ vĩ đại.
Nước Mỹ có thể chưa phải là thiên đường đối với toàn thể người dân Mỹ, nhưng đến nay qua mấy trăm năm lịch sử tồn tại nó vẫn là thiên đường của rất… rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét