Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ


(Ảnh: sưu tầm)
Chỉ còn ít giờ nữa thôi là đến thời điểm người dân Mỹ sẽ biết được vị Tổng thống thứ 45 của mình, thế giới cũng sẽ biết được người có quyền lực lớn nhất thế giới là ai?
Có thể nói, bầu cử Tổng thống Mỹ là cuộc bầu cử dài hơi nhất thế giới và cũng tốn kém nhất thế giới bởi vai trò quan trọng của nước Mỹ đối với thế giới. Sự kiện này được mọi quốc gia trên thế giới quan tâm, không chỉ những chính trị gia, những nhà kinh tế, giới truyền thông khắp mọi nơi… mà ngay cả những người dân của đất nước xa xôi, nhỏ bé như Việt Nam chúng ta cũng xôn xao bàn luận về chủ đề này.
Trước khi tìm hiểu về quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào thì chúng ta cần biết những nét cơ bản nhất về cấu trúc tổ chức bộ nhà nước của Mỹ ra sao?
Hiến pháp Mỹ 1787 – một bản Hiến pháp lâu đời nhất thế giới vẫn còn được lưu hành. Trải qua lịch sử tồn tại hơn 200 trăm năm của xứ cờ hoa, dù đã trải qua một số lần chỉnh sửa, những bản tu chính án, nhưng những tinh thần nguyên bản của nó vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay.
Hiến pháp Mỹ đã quy định rất rõ về tính tam quyền phân lập giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là i) lập pháp ii) hành pháp và iii) tư pháp. Các cơ quan này hoạt động độc lập với nhau nhưng kiểm soát lẫn nhau, cân bằng và đối trọng với nhau nhằm kiểm soát quyền lực của mỗi cơ quan. Hiến pháp Mỹ quy định, không một nghị sĩ nào của quốc hội được quyền làm việc trong khối hành pháp, hay nắm một chức vụ nào có thể được hưởng lợi trực tiếp từ việc thi hành luật pháp. Ngược lại, các thành viên của chính phủ (khối hành pháp) không được tham gia vào khối lập pháp, và tương tự như vậy với khối tư pháp.
Để tìm hiểu sâu hơn về bản Hiến pháp Mỹ, tác giả xin hẹn ở một bài viết khác, bài viết này tác giả tập trung vào quá trình người dân Mỹ bầu chọn cho mình một vị tổng thống và vai trò của vị tổng thống đối với nước Mỹ.
Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng Tổng thống Mỹ không phải là người có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước Mỹ do cấu trúc tam quyền phân lập của các cơ quan quyền lực nhà nước Mỹ. Theo đó, Tổng thống sẽ dẫn dắt khối hành pháp thực hiện các hành động theo quy định của các bộ luật do khối lập pháp ban hành (lưu ý: quy trình ban hành luật ở Mỹ diễn ra cũng cực kỳ khoa học, nó đảm bảo thể hiện được đúng nguyện vọng của toàn bộ các nhóm người dân trong xã hội), đồng thời khối hành pháp cũng luôn chịu sự giám sát chặt chẽ của hai khối lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên, với đặc trưng cấu trúc hoạt động của mình ở tính tức thời, phản ứng nhanh, ra quyết định nhanh trước mọi tình huống… Nó khác rất nhiều với cấu trúc hoạt động của hai cơ quan còn lại, lập pháp và tư pháp thường mang tính tập thể nhiều hơn. Do đó, vai trò người đứng đầu khối hành pháp là vô cùng quan trọng, quyền lực được trao cho người đứng đầu, người này có toàn quyền quyết định trong khối hành pháp (một số chức vụ cần được quốc hội thông qua), vì vậy đồng nghĩa về mặt cá nhân một con người thì Tổng thống Mỹ sẽ là người quyền lực nhất nước Mỹ. Suy rộng ra, với vai trò, vị thế của đất nước Mỹ trên chính trường thế giới, thì Tổng thống Mỹ cũng là người có quyền lực lớn nhất thế giới. Vì vậy, việc chọn được người xứng đáng đứng vào vị trí này là vô cùng quan trọng, khiến cho cả thế giới đều phải quan tâm, hướng về nó.
Bầu cử Mỹ là đặc trưng của hình thức dân chủ gián tiếp, người dân Mỹ không trực tiếp bầu ra Tổng thống Mỹ mà việc bầu chọn ra vị tổng thống là do lá phiếu của đại cử tri. Tất nhiên, lá phiếu của người dân Mỹ (cử tri phổ thông) cũng có vai trò quan trọng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trong việc lựa chọn ra các đại cử tri có thiên hướng ủng hộ ứng viên tổng thống nào (một cách rõ ràng). Thông thường sẽ có nhiều ứng viên tổng thống khác cùng tham gia tranh cử, nhưng ngày nay chúng ta thường chỉ quan tâm đến các ứng viên của hai đảng lớn là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, hoặc các liên minh của một đảng nhỏ nào đó với một trong hai đảng lớn này.
Hiện nay, tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri. Các đại cử tri thường là những người quan trọng mà sự thông thái, sự hiểu biết của họ được kỳ vọng là sẽ chọn lựa tốt hơn các cử tri phổ thông. Các đại cử tri được chọn qua một loạt các cuộc bầu cử ở tiểu bang được tổ chức cùng ngày (ngày bầu cử). Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang là bằng tổng số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ (luôn luôn là hai Thượng nghị sĩ mỗi bang) và số Dân biểu (Hạ Nghị sĩ) Hoa Kỳ của tiểu bang đó (số Hạ nghị sĩ tương ứng theo tỉ lệ dân số nhưng mỗi tiểu bang phải có ít nhất một Hạ nghị sĩ), riêng Đặc khu Columbia (Washington, D.C.) có ba phiếu đại cử tri mặc dù không có một đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Tại mỗi tiểu bang, các đại cử tri sẽ tập hợp thành các “Đại cử tri đoàn” (Electoral college). Ở mỗi tiểu bang, các cử tri phổ thông sẽ bầu chọn Đại cử tri trong số nhiều Đại cử tri ra ứng cử, dưới phiếu bầu đại cử tri có ghi rõ ứng viên tổng thống nào mà đại cử tri đó ủng hộ. Các đại cử tri có thể đại diện cho nhiều đảng phái khác nhau. Có trường hợp các đại cử tri thuộc các đảng nhỏ không có ứng viên tổng thống của đảng mình tham gia tranh cử thì đại cử tri đó ghi rõ là ứng viên tổng thống đảng khác mà họ ủng hộ, điều này cũng làm cho bầu cử Tổng thống Mỹ ít mang tính đảng, phái hơn.
Tại hầu hết các bang của Mỹ (trừ hai bang Maine và Nebraska), các đại cử tri trong cử tri đoàn bang đó sẽ bỏ phiếu theo thể thức "Winner takes all” – “Được ăn cả ngã về không", nghĩa là nếu ứng viên nào giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông thì sẽ nhận được tất cả lá phiếu của đại cử tri bang đó. Maine và Nebraska chọn đại cử tri tổng thống bằng phương pháp được gọi là phương pháp Maine, trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri tổng thống thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau, và như thế số phiếu đại cử tri của tiểu bang bị chia ra tại hai tiểu bang này.
Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Ngoài ra người đắc cử không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước. Điều này đồng nghĩa có ứng viên vẫn có quyền bước vào Nhà Trắng miễn là có trên 270 phiếu đại cử tri, dù thua đối thủ về phiếu phổ thông.
Cấu trúc của đại cử tri và đại cử tri đoàn cũng tạo cho các bang nhỏ có sức nặng hơn trong việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đất nước. Vì vậy, có trường hợp ứng viên nào đó tuy giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông (xảy ra khi ứng cử viên giành được đa số phiếu ở các bang có dân số đông) tuy nhiên ứng cử viên đó lại không chiến thắng, do việc thiết kế quy trình bầu cử Mỹ đã làm tăng tỷ trọng số đại cử tri của các bang nhỏ so với tỷ trọng của dân số bang đó.
Hệ thống bầu cử qua đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước. Người được chọn phải là người có danh tiếng, ảnh hưởng đến phạm vi toàn nước Mỹ, chứ không đơn thuần ở các tiểu bang quan trọng, các bang có dân số lớn. Do đó, tư tưởng địa phương cục bộ không thể giúp người nào đó chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dù là vị Tổng thống đương nhiệm, hay bộ máy hành pháp đương nhiệm, hay bất kỳ một nhóm quyền lực nào cũng không đủ khả năng chi phối toàn bộ kết quả của cuộc bầu cử. Đặc trưng này cũng khiến cho một người có tiềm lực kinh tế, hay có quyền lực dù mạnh đến đâu cũng không thể chiến thắng bởi anh ta không thể đủ khả năng làm thỏa mãn toàn bộ các cá nhân, hay toàn bộ các nhóm người trên phạm vi rộng lớn toàn nước Mỹ, đặc biệt là những người đang có thiên hướng ủng hộ ứng viên tổng thống đối lập.
Hệ thống bầu cử gián tiếp thông qua các đại cử tri, sẽ giúp hạn chế vấn đề tâm lý đám đông, tính thiếu chắc chắn, dễ thay đổi, sự thiếu thông tin, thiếu khả năng đánh giá và dễ bị thao túng của dân chúng. Quy mô rộng lớn của đất nước làm cho dân chúng không đủ kiến thức phát xét hành vi và tính cách của các ứng cử viên. Bầu cử thông qua các đại cử tri, họ là những người có đủ uy tín, đủ năng lực để đánh giá, phán xét về khả năng của các ứng viên, người có đủ kiến thức để chọn được đúng người có trí, tài, đức… lãnh đạo đất nước.
Có thể nói, bầu cử Tổng thống Mỹ là một trò chơi cực kỳ khoa học và vô cùng hấp dẫn, quá trình tranh luận về chủ đề bầu cử Tổng thống từ khi xây dựng bản Hiến pháp Mỹ cho thấy giới tinh hoa khi đó đã nghiên cứu và tìm hiểu rất rõ về khoa học tâm lý, triết học chính trị, lý thuyết trò chơi, tư duy toán học… qua việc phân tích các tình huống xảy ra như thế nào, các chủ thể liên quan sẽ hành xử ra sao và sẽ ảnh hưởng đến kết quả như thế nào?
Nhìn vào kỳ bầu cử lần này chúng ta thấy nó diễn ra vô cùng hấp dẫn, gồm nhiều nét mới lạ bởi sự tham gia của một chính trị gia không chuyên là doanh nhân Donald Trump.
Quan sát chúng ta đã thấy, các “chiêu trò” được các ứng viên tung ra, áp dụng một cách sinh động, khoa học về lý thuyết trò chơi. Các ứng viên đều đưa ra những phương châm hành động, để lôi kéo truyền thông, và thuyết phục các cử tri ủng hộ mình, mặc dù khi phân tích kỹ thì sẽ thấy nhiều phương châm hành động này, nếu cùng thực hiện sẽ mâu thuẫn với nhau, do đó nếu đắc cử thì ứng viên đó chưa chắc đã thực hiện được hết các mục tiêu này. Tuy nhiên, đó vẫn là cách để giành được sự ủng hộ của các cử tri nơi ứng viên đi tiếp xúc.
Kỳ bầu cử lần này cũng thú vị bởi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã biết “gãi vào đúng chỗ ngứa” của người dân Mỹ, ông biết lợi dụng sự bất bình của người dân đối với thực trạng đầy khó khăn, bất ổn giai đoạn vừa qua. Và họ chán nghe những lời nói mang tính trịnh trọng, khuôn mẫu mà kết quả thì không như họ mong đợi. Vì vậy, ông Trump – một doanh nhân kinh doanh đầy mạo hiểm, người đã nói những lời nói nhiều khi được đánh giá là ngông cuồng, là thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, “hài hước”, lố bịch… nhưng lại hết sức “vừa tai” của bộ phân dân chúng đang có tâm trạng “bức xúc” hiện nay. Mặc dù, với những phát ngôn được coi là thiếu hiểu biết của ông đã khiến cho nhiều người đánh giá rằng, đất nước Mỹ cũng như thế giới sẽ rơi vào cảnh trì trệ, suy tàn, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba cũng có thể xảy ra… nếu ứng cử viên Trump đắc cử. Thậm chí, hơn 300 nhà kinh tế trong đó gồm rất nhiều người đã từng đạt giải Nobel đã lên tiếng phản đối ứng cử viên đảng Cộng hòa - Donald Trump vì những phát ngôn của ông, nó cho thấy ông là người không hiểu nhiều về vấn đề kinh tế, và sẽ gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu nếu ông được chọn là tổng thống.
 Mặc dù, với quan điểm của cá nhân tác giả cũng chẳng thích gì những phát ngôn đó của ông, và cũng có phần nào “quan ngại” trước viễn cảnh tương lai thế giới nếu ông trúng cử. Tuy nhiên, nhìn nhận sâu hơn vào lịch sử, trải qua hơn 200 năm của đất nước Mỹ, không phải toàn bộ 44 vị tổng thống Mỹ trước đây đều là những cá nhân biệt tài, xuất sắc ở mọi lĩnh vực, cũng không phải chưa bao giờ người dân Mỹ đã chọn cho mình vị tổng thống có những phát ngôn, hành động “kỳ lạ”, hay được đánh giá nói chung là thiếu năng lực. Nhưng lịch sử như tất cả chúng ta đều thấy, người dân Mỹ đã luôn hành động sáng suốt thông qua cái cơ chế bầu cử được thiết kế cực kỳ khoa học và tinh vi trong bản Hiến pháp, nó giúp cho người dân Mỹ luôn lựa chọn được người có đủ tài, trí, năng lực… để lãnh đạo đất nước, và cho dù người được chọn là người không hoàn toàn đủ tài, trí… để lãnh đạo, thì cũng nhờ bản Hiến pháp Mỹ đã giúp cho vị tổng thống được chọn buộc phải hành động như một người thông minh, tài giỏi hơn người. Và dù cho có xấu hơn, tồi tệ hơn nữa là “người được chọn” có quá kém về trí, tài… so với mong đợi của người dân, thì Hiến pháp Mỹ cũng cho phép người dân “sửa sai” bằng việc lựa chọn người khác tốt hơn sau bốn năm (một nhiệm kỳ tổng thống).
Kết quả là ngày nay chúng ta đều thấy một đất nước Mỹ đầy văn minh, một đất nước Mỹ phát triển thịnh vượng, một xứ sở thần tiên của rất rất nhiều người như câu nói đầy thân thương, đầy cuốn hút mà chúng ta vẫn gọi “Giấc mơ Mỹ” - “American Dream”.

Vậy, hãy tin vào đất nước Mỹ, tin vào người dân Mỹ, tin vào các đại cử tri Mỹ (ít nhất là tới thời điểm này), bởi nếu ai được chọn thì chắc chắn người đó đã được xem xét hết sức kỹ lưỡng nhờ con mắt “tinh tường” của dân chúng Mỹ đặc biệt là giới tinh hoa thời hiện tại.

Chúng ta có thể tham khảo thêm chủ đề này tại Hiến pháp Mỹ và quá trình xây dựng bản hiến pháp này trong tác phẩm “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” do dịch giả Nguyễn Cảnh Bình dịch và giới thiệu.
Một số trang web tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét