Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

"Chân" giá trị tối cao của bậc triết gia


(Hình sưu tầm từ internet)

Hãy sống sâu, trầm lắng để tìm hiểu và lắng nghe từ chính sâu thẳm tâm hồn mình, điều đó quan trọng hơn việc bạn chu du khắp nơi để tìm hiểu cái mới mẻ của thế giới. Sống nỗ lực vì những giá trị "Chân - Thiện - Mỹ" hay đơn giản và nguyên khởi hơn chính là phản ánh mọi sự vật, hiện tượng dưới ánh sáng của sự thật (Chân), chúng ta sẽ luôn thấy cái thiện và cái đẹp trong nó.


Chúng ta cùng đọc lại và suy ngẫm về những triết lý của bậc minh triết – Henry David Thoreau.

“Hướng cái nhìn vào bên trong, và anh sẽ thấy
một nghìn xứ sở trong hồn anh
còn chưa được thăm dò
Hãy thám hiểm chúng và
làm một chyên gia của vũ trụ riêng mình (Trích thơ William Habbington)

Đônh lạnh chỉ được tìm ra để bảo quản thịt thôi sao? Không, hãy làm một Columbus với toàn bộ những lục địa và những thế giới mới, bên trong bạn, khai thông những dòng kênh mới, không phải cho giao thương, mà cho tư tưởng. Mỗi con người là chúa tể của một vương quốc, so với nó, đế chế trần tục của Sa hoàng chỉ là một quốc gia nhỏ mọn, một cái gò mà băng giá để lại. Tuy nhiên người ta có thể là một nhà ái quốc mà vẫn là người không có lòng tự trọng, và hy sinh cái lớn hơn cho cái nhỏ hơn. Họ yêu đất làm nên nấm mồ của họ, nhưng không có sự cảm thông với linh hồn có lẽ vẫn còn đang thổi sinh khí vào cho đất sét của họ. Lòng yêu nước là con dòi nằm trong những cái đầu của họ. Ý nghĩa của cuộc thám hiểm khám phá Biển Nam Cực (Charles Wilikes dẫn đầu đoàn thám hiểm các hòn đảo Nam cực của Thái Bình Dương từ 1839-1842) là cái gì, với tất cả trò phô trương và tốn phí của nó, nếu không phải là gián tiếp thừa nhận một sự thật là, có những lục địa và những biển trong thế giới tinh thần mà mỗi con người là một eo đất hay một lối vào, vẫn chưa được anh ta khám phá, nhưng việc vượt hàng ngàn dặm, trên một con tàu của chính phủ, với năm trăm trợ thủ, qua rét mướt, qua bão tố và các bộ lạc ăn thịt người còn dễ hơn thám hiểm cái biển riêng tư, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của chính cá nhân anh ta…

Nếu bạn học nói tất cả các thứ tiếng, và tuân theo phong tục của tất cả các dân tộc, nếu bạn đi du ngoạn xa hơn tất cả các nhà du ngoạn, được du nhập vào tất cả các vùng miền, và khiến con Sphinx (con quái vật trong thần thoại Hi Lạp, ghiết những người không giải được câu đố của nó. Khi Oedipus giải được, nó đập đầu vào đá chết.) phải đập đầu vào đá, thậm chí tuân theo giáo huấn của một triết gia thời cổ, thì hãy thám hiểm, khám phá bản thân mình (các triết gia cổ đại Hi Lạp thường kêu gọi: “Hãy biết mình”.) Cái này cần đến con mắt và thần kinh của bạn…

Nghe thật kiên cường, nhưng thật vô ích, nếu không phải tuyệt vọng. Một người đầu óc lành mạnh hơn cũng thường tỏ ra công khai “bất tuân” những thứ tưởng là “những luật lệ thiêng liêng nhất của xã hội” do tuân theo những luật lệ còn thiêng liêng hơn, và như vậy đã thử quyết tâm của anh ta mà không cần phải làm khác bản tính của mình. Con người không nên có thái độ như thế đối với xã hội, nhưng để giữ mình anh ta chỉ cần tuân thủ những luật lệ của bản tính anh ta, những luật lệ ấy không bao giờ đối lập với một chính phủ công bằng chính trực, nếu anh ta có dịp đụng độ.

Tôi rời khỏi rừng cũng với lý do chính đáng như khi tôi đến (sau hơn 2 năm xa rời cuộc sống thực tại để một mình trải nghiệm cuộc sống trong rừng và suy nghiệm cuộc sống). Tôi thấy dường như tôi còn có nhiều cuộc đời khác để sống, và không thể tiêu phí thêm thời gian cho cuộc sống này. Thật lạ là sao chúng ta có thể dễ dàng và vô cảm rơi vào một con đường đặc biệt nào đó, và tạo ra một lối mòn cho chính mình…

Qua kinh nghiệm của mình, ít ra tôi đã học được như thế này: nếu con người can đảm bước đi tới mơ ước của mình và cố gắng sống cuộc sống mà anh ta đã hình dung, thì anh ta sẽ gặp thành công bất ngờ trong những giờ phút bình thường. Anh ta sẽ bỏ lại nhiều thứ sau lưng, sẽ vượt nhiều ranh giới vô hình; những quy luật mới, phổ quát và phóng khoáng hơn sẽ tự thiết lập xung quanh và bên trong anh; những quy luật cũ sẽ mở rộng ra và được hiểu theo một nghĩa phóng khoáng hơn trong trật tự của hiện hữu. Anh càng sống đơn giản hơn thì những quy luật vũ trụ càng tỏ ra ít phức tạp hơn với anh, nỗi cô đơn sẽ không còn là nỗi cô đơn, nghèo khổ không còn là nghèo khổ, yếu đuối không còn là yếu đuối. Nếu bạn đã xây dựng những lâu đài trong không khí, thì chúng không cần phải mất đi, chúng nên ở trên đó, nhưng bây giờ hãy xây nền bên dưới chúng…

Trong khi Anh quốc cố gắng chữa trị củ cà rốt thối, tại sao không có ai tìm cách chữa trị bệnh óc thối, đang ngập tràn kinh khủng hơn nhiều?...

Nhiều người thích kêu gào rằng người Mĩ chúng ta, người hiện đại nói chung, là lùn về trí tuệ so với những người cổ đại, hoặc với những người thời Elizabeth. Nhưng để làm gì nhỉ? Một con chó sống tốt hơn một con sư tử chết (Kinh Cựu Ước). Một người có tự treo cổ lên không, chỉ vì anh ta thuộc giống người Pygmy (người lùn), mà không phải người Pygmy to nhất? Mỗi người hãy cứ chăm lo công việc của mình, và cố gắng là chính bản thân mình.

Tại sao chúng ta cứ phải cuống cuồng lao tới thành công và bằng những cố gắng quyết liệt như thế? Nếu một người không theo kịp bước các bè bạn của mình, thì có lẽ anh ta nghe nhịp trống quân hành khác? Hãy để anh ta bước theo khúc nhạc mà anh ta nghe, dù nó chậm hay xa thế nào. Chẳng quan trọng anh ta chín sớm như một cây táo hay một cây sồi. Tại sao anh ta cần biến mùa xuân của mình thành mùa hè? Nếu điều kiện để chúng ta sinh ra chưa đến, thì chúng ta có thể thay đổi thực tại nào? Chúng ta sẽ không bị chìm đắm trong một thực tại vô nghĩa. Chúng ta có nên nhọc công xây dựng trên đầu chúng ta một vòm trời bằng thủy tinh xanh, cho dù sau khi làm xong chúng ta chắc chắn sẽ say sưa ngắm nhìn bầu trời thực vô biên xa tít phía trên, như thể vòm trời thủy tinh không hề có?...

Không có gương mặt nào chúng ta gán cho một vấn đề tốt hơn là sự thật. Chỉ mình nó tỏ ra là tốt. Phần lớn chúng ta không ở nơi chúng ta đang ở, mà ở vị trí giả. Thông qua sự yếu đuối của bản tính mình, chúng ta tưởng tượng ra một cảnh ngộ, và đặt bản thân vào đấy, và như vậy cùng một lúc chúng ta ở trong hai cảnh ngộ, muốn thoát ra lại khó gấp đôi. Lúc tỉnh táo chúng ta chỉ quan tâm về những sự thật, mà nó là chính là nó. Ta nói điều ta buộc phải nói, chứ không phải là điều mà ta nên nói. Mọi sự thật đều tốt hơn cái làm cho ta tin. Gã lang thang Tom Hyde đứng dưới giá treo cổ, được hỏi có điều gì để nói không. “Hãy nói với các thợ may”, gã bảo, “thắt nút sợi chỉ trước khi khâu”. Hắn đã quên hết mọi lời kinh cầu nguyện."

Hình ảnh gã lang thang Tom Hyde trước lúc phải chết đã quên hết tất cả những lời nói hình thức, giáo điều, sáo rỗng khác, và cất lên tiếng nói của sự thật như đã thể hiện tất cả giá trị cao cả nhất của đời sống một con người cần đạt tới. Đó cũng chính là những giá trị mà Plato - Triết gia vĩ đại sống cách chúng ta hơn 2.000 năm về trước đã từng khẳng định trong tác phẩm kinh điển "Cộng hòa" của mình.

Trên đây là những lời kết chung nhất được trích từ tác phẩm kinh điển "Walden - Một mình sống trong rừng". Để hiểu thêm những triết lý sâu thẳm của triết gia tài năng Thoreau, xin vui lòng đọc trọn vẹn tác phẩm kinh điển này và những tác phẩm khác của ông.

Audio book:
https://archive.org/details/walden_librivox

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

Bước tiến trên hành trình đi tìm chân lý cuộc sống

(Hình: sưu tầm từ internet)
Năm Đinh Dậu đã qua, năm Mậu Tuất đã sang. Nhìn lại năm qua có lẽ điều thay đổi lớn nhất không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, công việc thăng tiến ra sao, sự giàu có tăng lên thế nào… mà là đi được những bước dài trên con đường khám phá bản thân như thế nào?

Năm qua có lẽ là năm mà hành trình đi tìm về chân lý cuộc sống sáng rõ nhất từ trước đến nay. Đó là sự cảm nhận về cuộc đời con người, là lối sống chậm để suy nghiệm cuộc sống, tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc ở mỗi giây phút của thực tại; là sự thoát dần khỏi vòng xoáy quay cuồng của cuộc sống; là lối sống đơn giản; là sự kiểm soát dần các nhu cầu vật chất, hay sự hào nhoáng bên ngoài; là sự thấu hiểu về giá trị của sức khỏe như một nửa không thể thiếu của hạnh phúc; là sự vượt lên chính mình trên con đường rèn luyện sức khỏe (chạy bộ 10km, bơi 2km, đi bộ thường xuyên trên 10km/ngày), là ý chí tinh thần vượt qua mệt nhọc, vượt qua sự nuhàm chán dù với những bài tập thể dục mà khi nhìn vào là chúng ta đều thấy sự nhạt nhẽo nhất; là thành quả đạt được khi trở về trạng thái cân nặng của cơ thể của hơn 10 năm trước (như thời còn sinh viên), là niềm vui khi được trải nghiệm lại cảm giác vượt qua những cơn cảm cúm mà không cần phải dùng thuốc như thuở thanh niên, là sự tiến sâu trên con đường tìm hiểu tri thức về bản năng con người (tôn giáo và triết học); là những suy nghĩ về những điều tốt đẹp cho chính mình cho cộng đồng, và sự đấu tranh nho nhỏ cho những giá trị tốt đẹp chung của xã hội...

Và tổng hợp lại chính là con đường tìm về tự do cho chính bản thân, dù chưa đạt được trạng thái tự do hoàn toàn như những vĩ nhân, nhưng nó là những bước đi quan trọng trên con đường chinh phục tự do cho chính mình.

Xin chúc mừng năm mới vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả những người thân trong gia đình, cho thầy/cô, cho bạn bè, cho những người thân quen... và cho tất cả mọi người!
#songdongian

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Bàn luận về giáo dục

Bài 1: Giáo dục tốt nhất, giáo dục đích thực trong thời đại công nghệ thông tin

(hình: sưu tầm từ internet)

Giáo dục tốt nhất, giáo dục đích thực (best education, true education) là tự học, học độc lập, học chủ động, học cái mình muốn, học cái mình thích, học cái mình có thế mạnh, nghĩa là người học phải là người chủ quyết định việc học của mình. Điều này đồng nghĩa với việc phải có tự do trong giáo dục, tất nhiên, tự do giáo dục sẽ đòi hỏi nền tảng xã hội là dân chủ và tự do đúng nghĩa. Vì người học là người làm chủ nên giáo dục phải coi người học là trung tâm, toàn xã hội phải làm mọi cách để phát huy hết thế mạnh, sở thích của người học. Và lưu ý một điều rằng: trường học không đồng nghĩa với giáo dục (schooling is not education). Để biết thêm về cách xây dựng một nền giáo dục đích thực, giáo dục tốt nhất chúng ta cũng có thể tham khảo các quan điểm của các triết gia lớn tại các tác phẩm kinh điển của họ như: Plato, Rousseau, John Deway,... đặc biệt là thầy giáo số 1 New York - John Taylor Gatto để hiểu hơn về giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay... Theo đó, giáo dục phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm kiến thức từ sách vở và kinh nghiệm cuộc sống. Người học có thể thu lượm được kiến thức từ việc đọc sách và phải được trải nghiệm để có kinh nghiệm trong mọi vấn đề của cuộc sống, trong đó bao gồm cả những trải nghiệm nguy hiểm, hai thành tố này liên tục không ngừng bổ trợ cho nhau, cung cấp cho người học một nền tảng tri thức sâu và chặt chẽ.

Rất tiếc, do nền tảng xã hội kém tự do, dẫn đến nền giáo dục có thể gọi là mất tự do đặc biệt là giáo dục trường lớp, nó làm cho khả năng tự học, học chủ động của người học rất yếu cùng với phương pháp học của người học chưa khoa học, lại thiếu người có chuyên môn hướng dẫn, dìu dắt, nên chúng ta cũng khó trang bị cho mình một nền giáo dục đích thực, vì vậy cũng thiếu cơ sở khoa học tốt để phán xét, đưa ra kết luận về một vấn đề. Và cũng bởi kém tự do nên chúng ta bị chi phối quá nhiều thời gian, sức lực, niềm đam mê bởi rất nhiều điều vô bổ, nên không còn hứng thú để tìm hiểu gốc dễ những vấn đề về bản chất con người, mà chúng ta thường chạy theo thị trường, chỉ nhằm mục đích là kiếm tiền, làm giàu thật nhanh và bằng mọi giá. Thật khó để làm những điều đúng với lý tưởng của mỗi cá nhân và phát huy hết thế mạnh của một con người trong một xã hội thiếu tự do, quan điểm này cũng đã được rất nhiều triết gia lớn về giáo dục (đã nêu ở trên) đưa ra trong các tác phẩm của mình.

Cơ hội mở ra cho chúng ta chính là nền tảng công nghệ thông tin ngày nay, trong đó internet là một cơ hội tuyệt vời cho người học. Người học có thể đạt được nền giáo dục đích thực, giáo dục đúng nghĩa bằng cách làm chủ việc học của mình một cách vô cùng dễ dàng. Kho tàng tri thức nhân loại từ mọi nền văn minh trên thế giới từ xưa đến nay đều có thể có được nhờ internet với một chi phí rất rẻ, thậm chí rất nhiều tác phẩm kinh điển có giá bằng không. Nói điều này không phải hoàn toàn nói đến sách điện tử, nó chỉ là một phần hỗ trợ cho nền giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin mà thôi. Chúng ta có thể tiếp cận mọi tinh hoa trong giáo dục nhờ công nghệ thông tin, trong đó việc đọc sách (giấy) là vô cùng quan trọng và cần thiết (lưu ý: trong nền giáo dục đích thực thì sách giấy không phải là sách giáo khoa). Cơ hội đã mở ra và điều quan trọng là chúng ta cần phải biết cách nắm lấy cơ hội tuyệt này, bởi với nền tảng xã hội kém tự do sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nền giáo dục đích thực của người học đi rất nhiều.

Về vai trò của người thầy trong nền giáo dục đích thực trong thời đại công nghệ thông tin, khi đó người thầy sẽ không dừng ở việc dạy học (teacher) để truyền đạt kiến thức từ sách vở, mà quan trọng hơn, người thầy phải là người huấn luyện (coach), vừa truyền đạt kiến thức vừa là người dìu dắt, truyền phương pháp, truyền cảm hứng, truyền động lực, thổi bùng ngọn lửa đam mê tìm hiểu khoa học cho người học để người học chủ động tìm kiếm điều mà họ mong muốn tìm hiểu.

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Những đứa trẻ ăn mày dĩ vãng


(Hình sưu tầm từ internet)
Mấy chục năm đã trôi qua, có lẽ đã tạo ra đặc tính của một dân tộc quen kiếp ăn mày, ăn mày vào dĩ vãng, với sự thành công của một sự kiện thể thao thì họ trở thành ăn mày trên sự thành công của người khác. Những kẻ chuyên kiếp ăn mày này mà có thêm quyền lực thì rất dễ trở thành ăn chặn, ăn cướp thành công của người khác. Chỉ khổ một điều là cái nền tảng xã hội đã dung dưỡng cho những kẻ chuyên ăn mày này luôn có cơ hội để thực hiện hành vi ăn chặn, ăn cướp của chúng.
Vì sao lại gọi là ăn mày dĩ vãng? Với những người lính trong chiến trường, họ đã quyết hy sinh xương máu của mình cho đất nước, thực tế, rất nhiều người trong số họ cũng không còn con đường nào khác để lựa chọn, và sự quyết tâm của họ cũng đã lấy đi quá nhiều xương máu của chính những người đồng bào, những người cũng mang cùng dòng máu đỏ da vàng như mình nhưng ở bên kia chiến tuyến. Đến khi dành được phần thắng rồi thì họ lại đòi lại những gì mà họ đã sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng trước kia, vậy là đòi nợ máu dân tộc. Họ không chỉ đòi cho chính họ, mà còn đòi cho con cái, họ tộc của họ.
Hậu quả của kiểu ăn mày này dĩ vãng đã khiến cho những “đứa trẻ” của họ chẳng được rèn luyện, được trải nghiệm qua những khó khăn để có được thành công, chúng luôn được hưởng sự thành công của người khác phải vất vả để tạo nên, nhưng nhờ người thân mà thành công đã được trao cho chúng. Vì vậy, dù có khoác lên người những chiếc áo lộng lẫy gắn đầy ngọc ngà, châu báu, để thể hiện sự thành công hay những hình ảnh oai hùng mà chúng được trao cho, thì thực chất trong sâu thẳm tâm can những “đứa trẻ” này vẫn là những cá thể yếu đuối. Và chỉ một chút khó khăn, trở ngại thôi là chúng sẽ hiện nguyên hình là những con người yếu đuối; chúng sẽ khóc lóc, than vãn, gào thét, đổ lỗi cho người khác. Hình ảnh của những ông quan oai hùng nhưng khi thất trận thì khóc lóc, van xin, năn nỉ, ỉ ôi… gần đây chính là điển hình cho những “đứa trẻ” đó. Chúng không bao giờ biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Thất bại thì luôn cho rằng do người khác và nếu chúng là một phần của tập thể thất bại, thì chúng lại cho rằng lỗi của tập thể ngay cả khi chúng là kẻ đứng đầu trong tập thể, và chúng lại tiếp tục cất lên điệp khúc “rút kinh nghiệm”, rút hoài, rút mãi mà không bao giờ hết, mặc dù đất nước đã phải chịu biết bao tổn thất cho cái “dây kinh nghiệm” dài vô tận của chúng.
Hậu quả tiếp theo của những “đứa trẻ” được nuôi dưỡng theo lối giáo dục này là chúng chỉ biết cảm nhận và hưởng thụ niềm vui, niềm hạnh phúc từ sự tác động trực tiếp vào các giác quan vật lý (xúc giác, vị giác, thính giác, thị giác, khứu giác), mà không có sự sâu lắng trong tâm hồn để tận hưởng niềm hạnh phúc từ quá trình vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng chính mình. Chúng cũng không thể hiểu rằng nguồn cội của đau khổ là sự khao khát, cái khao khát vô hạn cho những thú vui của giác quan (vật lý), thậm chí cả sự khát khao tồn tại (đặc biệt là khát khao phi tự nhiên là trường sinh bất lão) nữa cũng dẫn con người ta đến khổ đau, điều mà Đức Phật từng nói mấy ngàn năm trước. Chúng đã quá quen với việc người khác mang lại cho chúng những thú vui hời hợt, nhảm nhí, thậm chí đậm mùi xác thịt, đậm mùi tiền bạc nhơ nhuốc, nên chúng nghĩ tất cả mọi người cũng không thoát khỏi đam mê, khát khao tận hưởng những thú vui trần tục đó. Chúng lợi dụng những thú vui nhơ nhuốc này để gieo rắc vào tâm hồn những người đã chiến đấu vì vinh quang như những anh hùng. Chúng đầu độc tâm hồn của những người hùng bằng những điều nhơ nhuốc, hạ đẳng; để khi những người hùng này không còn giữ được mình thì sẽ trở thành công cụ để mua vui, hay mang lại những thú vui đầy trần tục cho chúng. Nên dù có hình ảnh mỹ miều, lời nói hoa mỹ thế nào thì cũng sẽ dễ dàng lộ ra bản chất của một con người chỉ quen tận hưởng những thú vui đầy trần tục mà thôi. Cảnh đón tiếp những người hùng trên chuyến chuyên cơ gần đây cho thấy rõ điều đó. Xin mượn lời Đức Phật để nói thêm về những “đứa trẻ” này: “Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột; cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào. Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào”.
Tiếc một điều rằng, ở những nơi nào có cái cơ chế điều hành tập trung, quyết định thì tập thể sẽ luôn dẫn đến tình trạng này. Công việc thì luôn bị đẩy lên trên, lỗi thì không thuộc về ai. Nhưng hễ thành công thì dành hết phần đó về mình, nếu nhiều “đứa trẻ” đều muốn thành công đó, thì chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, có thể chà đạp lên nhau để tranh giành lấy thành công đó. Người đứng đầu muốn duy trì được sự ủng hộ của những “đứa trẻ” này luôn phải tìm cách phân chia cho chúng, và thường là phải lấy của những “đứa trẻ” yếu hơn để chia cho những “đứa trẻ” mạnh hơn. Với một xã hội mà tình trạng này là phổ biến thì tham nhũng sẽ tràn lan, bởi nó là kết quả của quá trình thỏa thuận để phân chia lợi ích; đồng thời thành quả do sáng tạo thường không có hoặc rất thấp, bởi không có mấy người tài, người có đủ năng lực để đảm trách công việc, mà chỉ là những “đứa trẻ” đóng vai người đứng đầu, chúng luôn chầu chực (như những con kền kền) đòi quyền lợi. Và tất nhiên cái nhu cầu được thỏa mãn (giác quan vật lý) đầy trần tục như đã nói ở trên sẽ luôn biến đổi, khó nắm bắt, khó kiểm soát và không bao giờ có điểm dừng. Vì vậy mà tình trạng xâu xé miếng bánh chung sẽ không thể dừng lại, và chỉ để lại sự tan nát cho chiếc bánh, còn với phạm vi quốc gia thì chỉ còn lại cảnh hoang tàn mà thôi. Sự bất hạnh là phổ biến với tất cả mọi công dân của quốc gia đó, thậm chí ngay cả những “đứa trẻ” đã nói ở trên cũng không bao giờ biết đến niềm hạnh phúc viên mãn là như thế nào.

Tham khảo thêm:
http://www.tintm.com/chu-de/viet-nam/trinh-xuan-thanh-chau-xin-loi-bac-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1854798.html
https://baomoi.com/bi-cao-dinh-la-thang-khoc-mong-muon-khong-phai-lam-ma-tu/c/24615619.epi
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/bao-nuoc-ngoai-dang-vu-bikini-phan-cam-tren-may-bay-don-u23-vn-c415a935423.html
http://danviet.vn/van-hoa/bo-vhttdl-noi-gi-ve-man-bikini-nhay-mua-chao-don-u23-tren-may-bay-844501.html

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Đinh La Thăng – Vị anh hùng hay Tội đồ dân tộc

Trong trắng có đen, trong đen có trắng
Ông # đã bị mang ra xét xử, làn sóng dư luận phán xét về ông trái chiều một cách mạnh mẽ. Người thì cho rằng ông # tội lỗi chất cao như núi, gây bao tổn hại cho ngân khố quốc gia, tăng bao gánh nặng nợ nần lên những người dân vốn dĩ đã cùng khổ ở Việt Nam. Nhưng cũng có người thì lại khóc thương cho ông, bởi một con người đầy nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, nói được làm được, thuộc hàng hiếm ở thời buổi hiện nay. Vậy quan điểm như thế nào là phù hợp? Để biết thế nào là đúng, hãy đánh giá con người ông dưới góc nhìn đa chiều.
Trước hết, để đánh giá đúng về tình huống, chúng ta cần đi ra khỏi phạm vi của nó, đứng ngoài tầm ảnh hưởng của nó, như vậy để ta có cái nhìn khách quan về sự việc, về một con người.
Tiếp đến, muốn đánh giá được, ta cũng nên trang bị cho mình thêm thật nhiều cơ sở, phương diện để đánh giá. Cơ sở đó ta có thể có được từ đâu? Nên nhớ phải/trái, đúng/sai không phải lúc nào cũng có thể phán xét một cách rõ ràng, phân minh, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, quan điểm, cách nhìn nhận sự việc của mỗi người, cái được hình thành từ quá trình trưởng thành của người đó, thậm chí với chính người đó thì lúc này là đúng mà khi nhận thức của anh ta thay đổi thì lại là sai. Đặc biệt nó phụ thuộc vào lượng thông tin mà người đó có được về đối tượng.
Nhẽ ra, mỗi người chúng ta được trang bị một cơ sở tốt, những tinh túy về một trong các loại tôn giáo phổ biến hiện nay, thì có lẽ cái nhìn, cách phán xét vấn đề của chúng ta sẽ tốt hơn, chính xác hơn. Hay ít nhất mỗi người cũng chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu về triết học, đặc biệt là triết học đạo đức, luật pháp, chính trị… cũng sẽ giúp chúng ta phán xét vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau và kết luận sẽ chặt chẽ hơn.
Rất tiếc, do nền tảng xã hội kém tự do, dẫn đến nền giáo dục có thể gọi là mất tự do đặc biệt là giáo dục trường lớp, nó làm cho khả năng tự học, học chủ động của người học rất yếu cùng với phương pháp học của người học chưa khoa học, lại thiếu người có chuyên môn hướng dẫn, dìu dắt, nên chúng ta cũng khó trang bị cho mình cơ sở khoa học tốt để phán xét, đưa ra kết luận về một vấn đề. Và cũng bởi kém tự do nên chúng ta cũng không còn hứng thú để tìm hiểu gốc dễ những vấn đề về bản chất con người, mà chúng ta thường chạy theo thị trường, chỉ nhằm mục đích là kiếm tiền, làm giàu thật nhanh và bằng mọi giá. Thật khó để làm những điều đúng với lý tưởng của mỗi cá nhân và phát huy hết thế mạnh của một con người trong một xã hội thiếu tự do, quan điểm này đã được rất nhiều triết gia lớn về giáo dục khẳng định.
Bây giờ bạn thử tưởng tượng tình huống về một tên trộm. Bạn sẽ phán xét thế nào khi một kẻ siêu trộm, một tên tướng cướp sau khi đã tích lũy được rất nhiều tiền của từ việc trộm cướp thì hắn dừng lại, trở về làm một người tử tế. Một thời gian sau nữa hắn dùng chính những đồng tiền cướp được để làm từ thiện, đánh bóng tên tuổi, mua danh, mua chức tước. Thậm chí nếu cực đoan hơn thì trong quá trình làm những hành động để mua danh, kẻ đó vẫn thực hiện những hành vi trộm cướp giống trước đây nhưng dưới hình thức rất tinh vi và và vô cùng kín đáo. Lý thuyết về tâm lý kẻ trộm cũng khẳng định rằng, thường những kẻ trộm cướp không bao giờ tự dừng lại, nó chỉ dừng lại trừ khi nó bị bắt mà thôi. Nên bạn có tin ngay là kẻ cướp này bỗng dưng trở thành người tốt thật không. Với những người mới được chứng kiến những hình ảnh hào nhoáng trước bàn dân thiên hạ của hắn, thì kẻ trộm cướp này có thể là một siêu anh hùng, nhưng với bạn, khi bạn đã biết bản chất của nó, bạn có nghĩ kẻ đó có đúng là anh hùng ngay sau khi đã trộm cướp một cách tàn bạo hay không? Hắn sẽ là người hùng hay kẻ cướp?
Về mặt triết học, chúng ta cũng cần hiểu rằng, không có lý thuyết gì, khái niệm nào vốn dĩ đã đúng hay sai hoàn toàn, cũng không có người nào tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Nhìn ngay vào biểu tưởng của Đạo giáo ta cũng thấy hai phần đen và trắng đại diện cho âm và dương ở trong một vòng tròn, nó không hoàn toàn thẳng băng mà uốn lượn, trong trắng có đen, trong đen lại có trắng. Đời người cũng vậy, mọi lý thuyết trong cuộc sống cũng thế. Có chăng chỉ là phần nào (màu nào) chiếm đa số thì ta kết luận sự vật, hiện tượng đó mang màu sắc trắng hay đen thôi. Nhiều người chỉ phân biệt tốt - xấu, chính - tà, trắng - đen dựa trên những khái niệm, dữ kiện, hay thông tin ít ỏi mà họ thu lượm được, dở hơn nữa là khi thông tin thu được lại do tuyên truyền mà có, nên chẳng có mấy sự thật trong mớ thông tin đó. Giống như bạn lạc vào vùng chấm đen trong cả một nửa trắng của vòng tròn, mà mình đã kết luận cả phần đó màu đen; và ngược lại, khi lạc vào giữa chấm trắng trong nửa đen của vòng tròn và ta kết luận toàn bộ phần đó màu trắng. Điều này cũng tương tự khi bạn chỉ được chứng kiến một hành động nghĩa hiệp của một tên cướp tàn bạo, mà bạn đã cho rằng nó là một anh hùng nhưng thực tế nó là một tên cướp dã man. Với tình huống ngược lại, bạn cũng phán xét một người bản chất tốt nhưng chỉ vì một sai lầm nhỏ mà bạn được chứng kiến và bạn cho rằng hắn là một kẻ đáng nguyền rủa. Kết quả là "thấy cây mà chẳng thấy rừng" cũng chẳng khác gì "thầy bói (mù) xem (sờ) voi”. Bạn luôn bị kẹt vào những khái niệm, quan niệm (thường theo hướng cực đoan) nên không thể phân biệt đâu là chính đâu là tà, đâu là trắng đâu là đen, đâu là đúng đâu là sai, hay đúng hơn là thường phán xét sai bản chất vấn đề. Đặc biệt, những người suy nghĩ cực đoan thiếu cơ sở lý lẽ thường dễ bị người ta lợi dụng, dẫn dắt theo ý đồ xấu của kẻ khác, hay ít nhất cũng là nô lệ cho sự hiểu biết hay trí tuệ nhỏ mọn của mình. Với suy nghĩ cực đoan, họ cũng chẳng thể nhận ra nhau tất cả đều là con người, nên hành xử với nhau cũng không giống quan hệ giữa người với người. Khi gặp những người cũng cực đoan tương tự như họ, cả hai bên sẽ sẵn sàng chà đạp lên nhau. Kết quả là sẽ làm cho cả hai bên đều đau khổ, uất hận, nhìn đâu cũng thấy thù nghịch, trở ngại, và họ sẽ không bao giờ biết cuộc đời hạnh phúc ở đâu.
Có lẽ để đơn giản hơn cho trường hợp này, chúng ta có thể tham khảo một cách cô đọng về phương pháp đánh giá vấn đề của GS Triết học Trường ĐH Harvard - Michael J. Sandel đã được ông đề cập trong tác phẩm “Phải Trái Đúng Sai” của mình. Có ba phương pháp tiếp cận công lý hay phán xét một vấn đề gồm: i) Tôn trọng quyền tự do cá nhân (Con người được quyền tự do làm điều mình thích nhưng không được phạm vào tự do của người khác, đồng thời cũng không phải làm điều mình không thích);  ii) Tối đa phúc lợi (mang lại lợi ích cho nhiều người nhất hay tổng lợi ích xã hội là dương); và iii) Đạo đức và lối sống tốt đẹp (không được phạm vào nguyên tắc đạo đức của xã hội, đồng thời khuyến khích những hành động cao cả). Hành động nào không đáp ứng được cả ba tiêu chí này thì đều cần phải xem xét kỹ càng, còn nếu nó đáp ứng được cả ba thì nó là đúng đắn, và mọi người hay xã hội cần cổ vũ, khuyến khích, hỗ trợ hay hợp tác để cho hành động đó được thực thi.
Dựa vào cơ sở trên, ta thấy rằng hành động của ông # trong suốt quãng thời gian từ khi còn làm Chủ tịch HĐTV của PVN đến nay có đáp ứng được ba góc độ tự do, phúc lợi và đạo đức hay không? Cụ thể là:
Thứ nhất, những hành động mà ông làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, bổn phận mà ở từng cương vị của ông phải thực hiện có làm tổn hại đến quyền tự do của những người khác không?
Thứ hai, những hành động của ông, trong đó vừa mang lại lợi ích nhưng tổn thất cũng vô cùng lớn, và tổng hòa lại thì có mang lại phúc lợi dương cho toàn xã hội hay không?
Thứ ba, những hành động của ông có vi phạm vào các nguyên lý đạo đức hay không, có góp phần tạo ra hình ảnh lối sống tốt đẹp mà cả xã hội phải noi theo hay không?
Ngoài ra, quay lại ví dụ về tình huống tên trộm cướp ở trên, chúng ta cũng nên xem xét con người ông # đã biến chuyển như thế nào trong suốt quá trình ấy, có thực sự là ông hoàn toàn mang lại lợi ích cho dân tộc, cho đất nước hay không? Ông có hoàn toàn trở thành người vì nước, vì dân sau khi đã tạo ra nhiều sai phạm (theo kết luận sơ bộ của Toà án lúc này là chỉ ở Tập đoàn PVN), làm thất thoát rất nhiều tiền trong ngân khố, đúng hơn là tiền thuế của dân, trong khi ông lại hưởng vô số lợi lộc trên những tổn thất đó hay không?
Hãy suy nghĩ thật kỹ, tổng hợp thật nhiều thông tin (gồm cả thông tin trái chiều), dữ kiện, bạn sẽ đánh giá được bản chất nào là chiếm đa số trong con người ông #, và ta cũng sẽ tạm kết luận ông ấy là người theo phần (đen hay trắng) chiếm đa số đó.
Xin bổ sung một vài quan điểm của nhà khai quốc công thần thời Minh Trị - Nhật Bản - Fukuzawa Yukichi về những ông quan đã làm đúng bổn phận trách nhiệm của mình.
Tại sao lũ chí sĩ rởm lại cứ hoành hành mãi vậy? (trích Khuyến học)
“Trào lưu quyền lợi phụ thuộc vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay. Tôi gọi những kẻ hùa theo trào lưu này là “chí sĩ rởm”.
Ví dụ, các thuộc hạ của các lãnh chúa dười thời phong kiến là một minh chứng tốt.
Bọn này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ chạp, lễ tết, thanh minh… không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có cùng giọng điệu “trung quân báo quốc”, hoặc là “thân này sẵn sàng chết vì chủ”. Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ thực, bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả.
Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hoá ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch. Tất cả cái lũ này phải được gọi là “chí sĩ rởm chính hiệu” mới phải.
Hoạ hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao. Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.
Vì sao lũ chí sĩ rởm lại nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn thì đó là kết quả của ảo tưởng mù quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.
Kết cục là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử dựa vào đẳng cấp, địa vị, tự cho mình là cha mẹ của dân.
Tung hô cho những ông quan đã làm theo đúng trách nhiệm, bổn phận của mình và không ăn chặn trên xương máu của đồng bào thường chỉ xuất hiện ở những xứ sở mà điều tử tế trở thành hiếm hoi, điều này thật đáng buồn cho những người dân ở những xứ sở đó.
Kết quả giờ đây chúng ta nên thế nào, khóc thương hay hả hê với suy nghĩ đáng đời kẻ có tội?
Khóc thương ư? Có lẽ những người khóc thương lúc này là những thành viên trong gia đình ông #, hay những người đã trực tiếp chịu ơn ông, được ông hỗ trợ, nâng đỡ, những đệ tử đã được ông dìu dắt và có thể được hưởng rất nhiều lợi lộc từ ông, hay lại trích lại đúng câu nói của một nhà báo khá nổi tiếng, người cũng có nhiều duyên nợ với ông # đã nói như sau: "Nghề phóng viên là phải như con chó ấy!". Tất nhiên, quan điểm này có lẽ do ông đã tự nhận về mình và ông cũng chấp nhận sống kiếp như vậy, đó là quyền của ông.
Còn tất cả chúng ta, hãy cùng khóc thương dành cho những người dân đã mang danh làm chủ đất nước, nhưng lại ít được hưởng những quyền tự do tối thiểu của một con người. Những thân phận cùng khổ vẫn ngày ngày còng lưng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” từ mờ sáng đến đêm khuya, nhưng vẫn không kiếm đủ tiền để lo cho mấy bữa ăn, không có đủ manh áo che thân để vượt qua cái lạnh của mùa đông giá rét, phải bán dần bán mòn những đồ dùng, vật dụng, những sinh vật… tưởng chừng không thể rời xa của họ, nhằm đủ tiền để đóng những loại thuế, phí vô lý mà chính quyền địa phương bất nhân (ở một số nơi ta đã thấy) yêu cầu họ phải nộp.

Có lẽ cũng không cần hả hê gì, bởi muốn lâu dài, muốn phát triển trường tồn, chúng ta chỉ hy vọng nguyên lý nhà nước pháp quyền là tối thượng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, kẻ có tội thì phải chịu tội, tội đến đâu thì phải chịu đến đó. Chỉ có nguyên lý nhà nước pháp quyền luôn được thực thi mới giúp răn đe những suy nghĩ trộm cướp chưa kịp ló ra đã phải teo tóp lại vì sợ hãi. Chỉ có nguyên lý quyền lực phải luôn bị kiểm soát mới giúp người có quyền không có khả năng lạm quyền, làm bậy, làm những hành động sai trái gây tổn thất đến lợi ích của cả tập thể lớn hơn là của quốc gia, dân tộc, chính nguyên lý này là điều mà ông # đã từng nói với ngụ ý rằng: "Nếu cơ chế này phát hiện ra sai sót của tôi sớm hơn, tôi sẽ cảnh tỉnh và giờ tôi đâu có ra nông nỗi này!". Chỉ có như vậy mới giúp đất nước sớm trở thành một quốc gia cường thịnh, một dân tộc văn minh, đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Quyền lực nhà nước không của riêng ai và cũng không phải của nhóm người nào


Chủ đề kiểm soát quyền lực lại được xới lên như cách đây khoảng một năm cũng từ vị chính trị gia này. Giải pháp được đưa ra là gì, liệu có triệt để không? Hãy trang bị cho mình cái nhìn để thấy tận gốc vấn đề, từ đó, mỗi chúng ta sẽ có thể dự đoán phần nào kết quả xảy ra.

Theo triết gia, sử gia nổi tiếng Claude-Frédéric Bastiat (1801-1850), ở những xã hội kém tự do, những người nắm quyền lực, những nhà lập pháp, họ thường coi dân chúng như cục đất sét còn họ là người thợ gốm (Claude-Frédéric Bastiat, 1801-1850), thành bại của người dân là do họ nhào nặn. Tuy nhiên, chính họ, với nền tảng từ khi được sinh ra và lớn lên, chịu ảnh hưởng nặng nề từ những vấn đề hủ lậu của phong kiến Nho giáo Trung Hoa, kết hợp với sự u mê cái thứ thể chế phản tự do, khiến cho họ cho rằng mọi vấn đề của xã hội, thành hay bại chỉ do nhà nước - gồm một nhóm người, một giai cấp nào đó thực hiện… Hai cái nền tảng này đã tạo ra một xã hội phân biệt giai cấp, đẳng cấp, địa vị, ngôi thứ,… Nó buộc kẻ dưới luôn phải phục tùng cấp trên, phục tùng người có thứ bậc cao hơn, phi lý và buồn cười hơn nữa là trong vấn đề dòng họ thì người có thứ bậc thấp hơn luôn phải phục tùng người có thứ bậc cao hơn ngay cả khi kẻ đó vẫn là một đứa con nít, người trẻ luôn phải phục tùng người lớn tuổi hơn, phục tùng một cách phi lý mà không tuân theo nguyên tắc phải – trái, đúng – sai nào... Tư tưởng này cũng đi sâu vào nền giáo dục, để từ đó sản xuất ra những con người, mà ngay cả những người mang danh trí thức thì trong tâm thức của họ luôn thường trực tâm lý của kẻ nô lệ, của phận bề tôi. Bất cứ thành công nào họ đều nghĩ đó là thành quả của một cá nhân, của người khác mang lại, ở phạm vi một quốc gia thì sự ngu muội đó khiến người ta tôn sùng và biến cá nhân kia thành những vị thánh thần. Họ không hiểu, và cũng không chịu hiểu rằng, bất cứ thành công nào của quốc gia đều là do sự đóng góp của toàn bộ con người trong quốc gia đó, nơi mà con người được vận hành trong một bộ máy được cấu trúc một cách khoa học, để mỗi người trong bộ máy đều dễ dàng phát huy hết khả năng đặc biệt của mình nhằm mang lại lợi ích cho mình cũng như lợi ích chung cho cả quốc gia. Chắc chắn một điều rằng, thành bại của tập thể, của quốc gia không phải nhờ vào một cá nhân, "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", George Washington có sống lại mà rơi vào cái xã hội như đất nước Somalia ngày nay thì cũng thất bại, hay Bill Gates phải điều hành mấy Tập đoàn nhà nước ở ta (điển hình như VinaShin, VinaLines...) thì cũng đành thúc thủ mà thôi. Chính vì cường điệu vai trò cá nhân, thậm chí là thần thánh hóa vai trò cá nhân nên hậu quả là người ta cho rằng thành bại của quốc gia hiện nay là do một số cá nhân sâu mọt làm hỏng hình ảnh của cả bộ máy, đó chỉ là đổ thừa, là ngụy biện và không chính xác.

Công tác cán bộ không phải là khâu quyết định, mà quyết định thành bại là ở cấu trúc bộ máy. Nếu cấu trúc tốt thì những người kém tài năng, kém đức độ cũng không thể lọt vào vị trí quan trọng của bộ máy, và nó cũng sẽ tự động tìm được người có đủ tài đủ đức để điều hành bộ máy. Hơn thế nữa, với cấu trúc tốt, một người chỉ cần một chút tài năng cũng có thể trở thành vĩ nhân khi rơi vào những bộ máy đó, bởi bộ máy sẽ là nơi chắp cánh, là bệ phóng cho tài năng của cá nhân được bay xa.

Mỗi kỳ, mỗi năm tổng kết, nghe như có vẻ đều rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, và những giải pháp mới mang tính cải cách triệt để, và hứa hẹn mang lại thành công vang dội cho quốc gia trong tương lai, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thành tích vẫn báo cáo, lỗi thì cũng nhận ra nhưng lại mang tính tập thể, chẳng biết của ai. Cái vòng luẩn quẩn đó mãi không thoát ra được, bởi chỉ một điều duy nhất, một vấn đề gốc, cốt lõi cần giải quyết đó là quyền lực không thể thuộc về một cá nhân hay một nhóm người riêng lẻ nào, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, người nắm giữ quyền lực phải được kiểm soát. Quyền lực được phân chia giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn các quyền lực khác. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), đó là nguyên lý tối thượng mà mọi bộ máy tổ chức của con người từ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức,… hay lớn hơn là một quốc gia đều phải tuân thủ.

Xin vui lòng tham khảo thêm bài viết “Cái lồng quyền lực” đã đăng cách đây một năm cũng liên quan đến phát biểu của vị chính trị gia này về chủ đề kiểm soát quyền lực.

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Đọc, đọc gì và đọc như thế nào?

(Hình: sưu tầm từ internet)

Có thể nói rằng, đọc sách là bộ môn luyện tập cao quý. Nó đòi hỏi phải có quá trình khổ luyện theo một phương pháp khoa học thì người đọc mới có được thói quen, đồng thời mỗi khi đọc là có thể thấu hiểu được tinh thần của cuốn sách.

Ngày nay, việc đọc hay rộng hơn là việc học của chúng ta rất thụ động, và phần lớn lỗi đó là do hệ thống giáo dục của nhà trường. Những thứ vô hồn, vô cảm thậm chí là sự giả dối, nhưng do mục tiêu nào đó đã được đưa vào hệ thống giáo dục nhà trường, khiến cho người học luôn cảm thấy khô khan, vô cảm, xa rời thực tế. Học chỉ để thi, chỉ để lấy điểm, chỉ để có thành tích, chỉ nhằm đạt được sự tán thưởng từ một thế lực nào đó (gia đình, nhà trường và xã hội...). Học khoa học không nhằm mục đích là để có kiến thức, để hiểu khoa học, để hiểu về thế giới... mà chỉ nhằm có thành tích, hay người ta thường phê phán là "học gạo". Hệ thống giáo dục nhà trường hiện nay đã làm cho người học chán nản thậm chí thù ghét việc học, nhiều người coi quá trình đi học như là sự tù đày và chỉ mong thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Hầu hết họ ngừng đọc sau quá trình đi học ở nhà trường. Đó là xu thế chung hiện nay trên toàn thế giới chứ không chỉ ở những quốc gia kém tự do, kém phát triển, chỉ khác là ở những quốc gia đó thì hậu quả của nó lại càng nặng nề.

Tuy nhiên, cơ hội dành cho tất cả chúng ta là mọi thứ trên thế gian này chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nhờ có internet. Cơ hội cho chúng ta là có thể học một cách chủ động mọi thứ, với chi phí rất rẻ. Kho tàng sách điện tử là vô cùng đồ sộ và vô cùng rẻ, thậm chí rất nhiều cuốn sách kinh điển của nhân loại đã được lịch sử chứng minh hàng ngàn năm có giá bằng không. Sách giấy cũng dễ dàng để mua và cũng rất rẻ, nhiều cuốn sách lớn giá cũng chỉ bằng một ly cà phê.

Nhưng cũng chính vì chúng ta rơi vào trạng thái ở giữa một rừng tri thức, sách đủ mọi thể loại tràn ngập khắp nơi, trong đó có rất nhiều điều giả dối cũng được bày ra trước mắt chúng ta, cộng với việc có quá nhiều thú tiêu khiển tầm thường luôn cuốn hút chúng ta, khiến cho ta dễ phân tâm, sao nhãng khỏi việc học, việc đọc, và nếu có muốn đọc thì cũng rất khó khăn trong quá trình lựa chọn cái gì để đọc và thường dẫn chúng ta đến lựa chọn sai lầm.

Vậy chúng ta phải lựa chọn như thế nào, chọn cái gì để đọc và đọc như thế nào?

Chúng ta cùng suy ngẫm những lời của Triết gia - Henry David Thoreau về chủ để "Đọc", được ông đề cập trong tác phẩm kinh điển "Walden - Một mình sống trong rừng" để biết cách đọc gì và đọc như thế nào.

"Đọc tốt, tức là đọc những quyển sách thật sự trong một tinh thần thật sự, là một môn luyện tập cao quý, và là môn sẽ giao cho người đọc nhiều nhiệm vụ hơn bất kỳ bài tập nào mà phong tục ngày nay coi trọng. Nó đòi hỏi một sự huấn luyện như của vận động viên điền kinh, ý định bền bỉ hầu như suốt cuộc đời với đối tượng này. Sách phải được đọc một cách cẩn trọng và dè dặt như chúng được viết ra. Thậm chí nói được thứ tiếng của dân tộc viết ra sách đó cũng chưa đủ, vì có một sự chênh lệch đáng kể giữa văn viết và văn nói, ngôn ngữ nghe và ngôn ngữ đọc. Ngôn ngữ nói chung chỉ là phù du, tạm thời, một âm thanh, một thứ tiếng, một phương ngữ, hầu như có tính động vật, và chúng ta học chúng một cách vô thức, giống như những con vật, đó là ngôn ngữ của mẹ chúng ta. Ngôn ngữ viết là sự chín muồi và từng trải của tiếng nói, nếu tiếng nói là của mẹ chúng ta thì ngôn ngữ viết là của cha chúng ta, một sự thể hiện dè dặt và chọn lọc, quá nhiều ý nghĩa nghe bằng tai thì không hết, mà chúng ta phải được sinh ra lần nữa để nói. Đám đông người ở thời trung cổ chỉ nói tiếng Hi Lạp và tiếng Latin thì không có cơ may bẩm sinh đọc được những tác phẩm thiên tài viết bằng những ngôn ngữ ấy; vì chúng không được viết bằng thứ tiếng Hi Lạp hay Latin mà họ biết, mà bằng thứ ngôn ngữ chọn lọc của văn chương. Họ không biết những phương ngữ quý tộc hơn của Hi Lạp và La Mã, mà những vật liệu đó chúng được viết đối với họ chỉ là giấy lộn, trái lại, họ rất quý thứ văn chương rẻ tiền đương thời. Nhưng khi nhiều dân tộc châu Âu đã có được những ngôn ngữ viết riêng biệt tuy còn đơn giản của họ, đủ cho những mục đích của nền văn học đang lên của họ, thì nền cổ học được phục hưng, và các học giả đã có thể từ sự xa cách đó (ý của tác giả là qua nhiều thế kỉ trôi qua, đến thời Phục Hưng người ta mới tìm thấy lại những giá trị của Cổ điển Hi-La) nhận rõ được những kho báu cổ xưa. Những gì mà đám đông La Mã và Hi Lạp ngày trước không thể nghe, thì sau nhiều thế kỉ trôi qua chỉ một ít học giả đọc, và số học giả ngày nay vẫn còn đọc chúng còn ít hơn nữa.

Dù chúng ta có thể ngưỡng mộ đến đâu tài hùng biện lâu lâu có dịp bùng ra của nhà hùng biện, thì những lời cao quý nhất được viết ra thường ở đằng sau hoặc bên trên thứ ngôn ngữ nói trôi tuột qua ấy, như bầu trời đầy sao đằng sau những đám mây. Có những vì sao, và có những người có thể đọc chúng. Các nhà thiên văn mãi mãi bình luận và quan sát chúng. Chúng không phải là những hơi thở giống như hơi thở đầy hơi nước và những cuộc nói chuyện hàng ngày của chúng ta. Cái gọi là sự hùng biện trong diễn đàn thường được thấy là phép tu từ trong nghiên cứu. Nhà hùng biện tràn ngập cảm hứng trong một dịp nhất thời, và nói với đám đông trước mặt ông, với những người có thể nghe ông; nhưng nhà văn, cuộc sống điềm đạm hơn là cơ hội của họ, điều mà đám đông gây cảm hứng cho nhà hùng biện có thể làm cho họ sao nhãng, họ nói là nói với nhân loại thông minh và lành mạnh, với tất cả những thời đại có thể hiểu họ.

Khi một nhà buôn dốt nát và kiêu ngạo nhờ công việc kinh doanh thành công mà giành được nhàn rỗi và độc lập, và được chấp nhận vào giới giàu sang, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ quay sang những giới có tri thức và tài năng, cao hơn nhưng khó vào hơn, và nhận ra sự dở dang của văn hóa của ông ta, sự phù phiếm và thiếu hụt trong sự giàu có của ông ta, và hơn nữa nó chứng tỏ sự nhìn xa của ông bằng những nỗ lực cho con cái của ông cái nền tảng văn hóa trí thức mà ông cảm thấy rõ sự cần thiết của nó, và như vậy ông trở thành người sáng lập gia đình.

Những người không học những tác phẩm kinh điển trong ngôn ngữ mà nó được viết chắc chắn sẽ có kiến thức rất không hoàn hảo về lịch sử loài người; vì một điều đáng chú ý là không có bản ghi chép nào của chúng bằng bất kỳ một thứ tiếng hiện đại nào, trừ phi bản thân nền văn minh của chúng ta có thể coi là một bản ghi chép như vậy…"

Vì vậy, chúng ta cần đọc sách nguyên bản, hay đọc bản gốc bằng ngôn ngữ mà cuốn sách đó được viết ra.

"Phần lớn mọi người thỏa mãn với việc đọc và nghe đọc, và lâu lâu được thuyết phục bởi sự khôn ngoan sáng suốt của một cuốn sách tốt (ví dụ như Kinh thánh), rồi sống vô vị trong phần còn lại của cuộc đời, và tiêu tan những khả năng của họ trọng cái gọi là việc đọc dễ dàng…

Có những người, giống như những con chim cốc và đà điểu châu Phi, có thể tiêu hóa tất cả những thứ này, thậm chí sau một bữa ăn ê hề thịt cá rau quả, vì họ không chịu để cái gì uổng phí. Nếu những người khác là những cỗ máy cung cấp những thức ăn tạp này, thì họ là những cái máy để đọc nó. Họ đọc câu chuyện thứ chín nghìn về Zebulon và Sophronia (những nhân vật trong các tiểu thuyết tình cảm ăn khách thời tác giả viết cuốn sách này), và họ đã yêu như chưa từng có ai yêu trước đó, và con đường tình yêu đích thực của họ cũng chưa bao giờ suôn sẻ, dù chạy và vấp ngã thế nào, họ cũng sẽ đứng lên và lại tiếp tục…"

Vì vậy, chúng ta cần đọc những cuốn sách có giá trị, đã được lịch sử chứng minh sự đúng đắn của nó.

"Bất kì người nào trên đường đi của mình cũng sẽ dừng bước để nhặt một đồng đô la bạc; nhưng kìa trước mắt chúng ta có những lời bằng vàng mà những người khôn ngoan thông thái nhất thời cổ đã thốt ra, và giá trị của chúng đã được sự khôn ngoan của các thời đại kế tiếp nhau bảo đảm với chúng ta; thế mà chúng ta chỉ học để đọc được đến những cuốn dễ đọc, những cuốn sơ đẳng và lớp một, và khi chúng ta rời ghế nhà trường, từ cuốn sách dễ đọc và những sách truyện cho trẻ em và những người mới bắt đầu; và những sách chúng ta đọc, đến những cuộc nói chuyện, những suy nghĩ của chúng ta, tất cả đều ở trình độ thấp, chỉ xứng đáng với những người pigmy (người tầm thường, dốt nát), những người lùn…

New Englan có thể thuê tất cả những nhà thông thái trên thế giới đến đây để dạy nó, và chu cấp nơi ăn chốn ở cho họ trong toàn bộ thời gian, và không hề là tỉnh lẻ nữa. Đó là trường phi công lập chúng ta cần... Nếu cần, bớt đi một cây cầu bắc qua sông, chịu khó đi vòng một chút, và lao ít nhất một nhịp cầu qua cái vực tối tăm hơn của sự ngu dốt bao quanh chúng ta..."

Vì vậy, hãy đầu tư vào giáo dục tinh hoa, giáo dục dựa vào các nhà thông thái, sống gần họ, nghe họ, học hỏi từ họ chứ không phải dựa vào giáo dục trường lớp thông thường, làm vậy sẽ giúp chiến thắng sự ngu dốt bao quanh chúng ta. Hãy tìm đến tri thức được viết trong các cuốn sách kinh điển, nó đã được lịch sử hàng ngàn năm chứng minh tính đúng đắn. Hãy đọc một cách chủ động, đọc thứ mình thích, mở rộng, đào sâu chủ đề đó, lắng nghe, suy ngẫm những quan điểm trái ngược nhau về chủ đề đó, so sánh, đối chiếu những quan điểm và rút ra kết luận cho mình, từ đó mới biến cái tri thức của nhân loại trong sách được in sâu trong ta, hay nó đã là của ta, mà chỉ trực cơ hội là nó được tuôn ra như dòng thác đổ.