Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Dư âm hậu bầu cử Tổng thống Mỹ


(Ảnh sưu tầm)
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kỳ này thực sự cam go, hấp dẫn cho đến hồi kết, và kết quả thì thật bất ngờ, ngược lại mọi dự đoán, mọi quan điểm của truyền thông không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới.
Ngày bầu cử ở Mỹ mà những trang báo Việt Nam tràn ngập thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ, hình ảnh của nó phủ kín các báo mạng, lấn át mọi vấn đề cần quan tâm khác của chính đất nước mình. Người Việt Nam truyền trực tiếp thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ không khác gì những người đam mê, cuồng bóng đá nhất đang theo dõi trận đấu bóng đá của đội bóng con cưng thi đấu với đối thủ cùng đẳng cấp, những đối thủ được coi là kỳ phùng địch thủ với mình. Mọi thông tin, chỉ số được cập nhật liên tục. Mọi người râm ran, trò chuyện, bàn luận về tỷ số, rồi dự đoán thậm chí cá độ kết quả. Sự quan tâm của người dân Việt Nam như thể những người công dân có đủ quyền tự do nhất đang đi bầu chọn vị lãnh đạo tối cao của quốc gia mình. Thật vui và nhiều cảm xúc.
Đến khi kết quả chính thức được ghi nhận, ứng viên của đảng Cộng hòa – Donald Trump - người đã bị truyền thông lèo lái cho rằng là người vô cùng xấu xa, tồi tệ, kém hiểu biết… nói chung là không đủ phẩm chất của một vị Tổng thống Mỹ - đã giành chiến thắng, để lại bao nỗi buồn giận, bao nỗi thất vọng, niềm tin tan vỡ, suy sụp tinh thần thậm chí tuyệt vọng vào tương lai thế giới của bao nhiêu con tim yêu mến công lý. Suy nghĩ này là nghĩ cho người khác đấy chứ, kể ra cũng có thể gọi là cống hiến, suy nghĩ cho nhân loại rồi. Còn một số người tiêu cực hơn thì họ cay cú, thù hận khi là kẻ chiến bại, loại tâm lý điển hình của những xứ sở kém tự do. Còn những người chiến thắng thì hò reo, ăn mừng, vỡ òa trong hạnh phúc, rồi lại câu qua câu lại như để chứng tỏ mình “minh mẫn” hơn người khi đã lựa chọn đúng. Một số người “bói” sai nhưng vẫn chưa thuyết phục thì cho rằng dân Mỹ thật khờ dại, chẳng biết gì nên đã bị người khác lừa bịp – “Đồ con lừa” – Xin nói thêm một chút: Con lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ - hình ảnh này đã được cách mạng hóa từ chính ý nghĩa ban đầu ví von cho ứng viên tổng thống Andrew Jackson và những người ủng hộ ông, nhưng thay vì gạt bỏ nó thì chính ông lại dùng hình ảnh con lừa trong chiến dịch tranh cử của mình, và sau đó trở thành tổng thống đầu tiên thuộc đảng Dân chủ năm 1828.
Có người nói rằng ông Trump là người tham lam, người háo danh… tại sao đã là một doanh nhân giàu có rồi còn nhất định phải trở thành tổng thống. Một số người lại cho rằng ông cậy thế giàu có, đã dùng tiền để tranh cử hay nói văn vẻ như ta là “mua quan bán chức”. Xin thưa, có lẽ do cái tư tưởng của chúng ta sinh ở cái xứ sở này, làm cho ta hay nghĩ con người tham lam, háo danh, tham quyền cố vị… chứ người ta sinh ra ở xứ đó không có tư tưởng đó, tất nhiên đó là nói chung dân chúng Mỹ, chứ cụ thể ông Trump nghĩ gì có lẽ chúng ta không biết chính xác. Thử nghĩ xem, không lẽ Warren Buffett đã 86 tuổi rồi sao vẫn cứ lãnh đạo tập đoàn lớn đến như vậy, vẫn đam mê làm giàu như vậy; nghĩ xem Bill Gates cũng 61 tuổi, đã là người giàu nhất thế giới rất nhiều năm liền, tại sao ông vẫn đam mê kiếm tiền đến vậy. Tất cả những điều trên chỉ đơn giản đó là họ làm việc vì đam mê, không háo danh, hám tiền như con người ở những xứ kém tự do. Họ đơn giản là sống vì chính mình, vì niềm đam mê của chính mình, đam mê cống hiến đến hơi sức cuối cùng, chẳng vì tranh giành cho cái vị trí nhất nhất…gì cả. Còn với quan điểm cho rằng, ông dùng tiền để mua quan bán chức thì xin trả lời rằng, tại sao những người giàu hơn ông rất nhiều như Bill Gates, Warren Buffet không ứng cử làm tổng thống. Câu trả lời đơn giản đó là họ không đam mê cái đó, và họ biết dù họ có dùng tiền cũng không thể đủ để “mua” được chức vị Tổng thống Mỹ như trong bài viết về “Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ” tác giả có đề cập nguyên nhân tại sao không thể dùng tiền để chi phối bầu cử Tổng thống Mỹ. Hay ví dụ điển hình hơn là Chính trị gia – Doanh nhân – Michael Bloomberg cũng giàu hơn ông Trump rất nhiều, cũng lớn tuổi hơn ông Trump, có nhiều kinh nghiệm làm chính trị rồi, và nhiều lần nói muốn ra tranh cử Tổng thống, nhưng ông đã không thể làm được điều như ông muốn. Ngay kỳ bầu cử lần này, ông đã tự rút lui, như ông nói là tránh việc lấy mất phiếu của các ứng viên khác và tăng cơ hội cho ông Trump – người mà ông và các “đại gia” khác như Bill Gates, Warren Buffet, George Soros… và cả ngài Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama và các chính trị gia uy tín khác đã từng là Tổng Thống Mỹ cũng không ủng hộ.
Kết quả đưa ra và mọi người bắt đầu mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, bình luận… suy nghĩ vẫn chưa thể dứt ra khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, truyền thông Việt Nam lại có thêm cơ hội khai thác nhằm thu hút độc giả đến với kênh thông tin của mình, các trang mạng vẫn ngập tràn thông tin như khi đang diễn ra “trận đấu”. Nhiều trang vốn dĩ đã “lá rau, lá cải” rồi do viết vội để lập công cho có bài đăng nên lại càng “lá bèo, lá chuối” các kiểu hơn nữa.
Một không khí ảm đảm, thất vọng bao trùm thế giới, đặc biệt là khu vực Á Đông và những người có nguồn có nguồn gốc Á Đông.
Nhưng liệu chúng ta có nên quá bi quan về tình hình nước Mỹ cũng như thế giới khi ông Trump giành chiến thắng hay không?
Mặc dù không phải là “thầy bói” hay “tiên tri” hay đơn giản hơn là không đủ khả năng để dự đoán nên tác giả không dám nói trước điều gì lớn lao về tương lai nước Mỹ, và thế giới sẽ như thế nào khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Cá nhân tác giả thấy rằng những người nói trên, họ đã lo quá xa và lo hơi thừa theo hướng bi quan. Thừa vì chuyện của Mỹ mà mình quan tâm hơn chuyện của mình, lựa chọn như thế nào là quyền của người Mỹ, họ đã biết thiết kế ra quy trình bầu cử một cách rất khoa học để có thể chọn cho ra người phù hợp nhất mà mình lại cứ cho rằng họ đã chọn sai. Lo quá xa và quá bi quan vì người Mỹ chẳng dại gì đẩy nước Mỹ đến bên bờ vực thẳm, chẳng dại gì mang chiến tranh, chết chóc đến cho nhân loại trong bối cảnh thế giới ngày nay không còn đấu tranh giai cấp, đấu tranh cho độc lập dân tộc, đấu tranh cho hệ tư tưởng,… những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hai cuộc Đại chiến thế giới và Chiến tranh lạnh như lịch sử đã ghi lại.
Xin nhắc lại quan điểm từ bài viết trước (khi chưa công bố kết quả bầu cử), tác giả cũng không đồng tình với những phát ngôn của ông Trump khi vận động tranh cử, và cũng có phần nào “quan ngại” trước viễn cảnh tương lai thế giới khi ông trúng cử. Những việc làm của ông thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng thêm tính cách quyết liệt và khá cực đoan thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các chính sách ông muốn thực hiện. Trong quá khứ, Trump cũng là người không có tư tưởng rõ ràng về đảng phái (tất nhiên quan điểm đảng phái ở Mỹ thường không ràng buộc chặt chẽ như ở các nơi khác), ông đã từng thay đổi đảng vài lần cho đến nay. Còn sự nghiệp kinh doanh của ông thì thực tế ông cũng đá phá sản vài lần nhưng cuối cùng ông vẫn thuộc những người giàu nhất thế giới (chứng tỏ ông là người rất tài năng khi nhìn vào những mặt tích cực). Tất nhiên, đó là khi ông kinh doanh, nơi ông có đặc quyền quyết định ở đó, còn với tầm cỡ một quốc gia thì chắc chắn không ai thích rủi ro như vậy, và chắc chắn Hiếp pháp và Pháp luật của Mỹ sẽ không cho phép ông làm như vậy.
Có lẽ đơn giản là người Mỹ muốn sự thay đổi, họ không thích những lời nói chỉn chu, trau chuốt của giới chính trị gia tương tự như cách bà Clinton thường nói. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, cách nói của bà, định hướng chính sách của bà không có gì là mới mẻ, nó dập khuôn theo cách mà các chính trị gia trước đây vẫn làm, và thực tế thì khi trúng cử các chính trị gia này đã không làm được những điều mà họ đã hứa hẹn. Vì vậy, người Mỹ cần điều gì đó mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” như phương châm tranh của của ông Trump – “Make America Great Again”.
Vì vậy, chúng ta cần lạc quan, tin tưởng vào người Mỹ như trong đoạn cuối của bài viết trước về “Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ” mà tác giả đã nêu: “Vậy, hãy tin vào đất nước Mỹ, tin vào người dân Mỹ, tin vào các đại cử tri Mỹ (ít nhất là tới thời điểm này), bởi nếu ai được chọn thì chắc chắn người đó đã được xem xét hết sức kỹ lưỡng nhờ con mắt “tinh tường” của dân chúng Mỹ đặc biệt là giới tinh hoa thời hiện tại.”.
Cơ sở của sự lạc quan nằm sâu trong tinh thần của bản Hiến pháp Mỹ. Xin trích lại câu này (trên trang http://luatkhoa.org): “Thủ tướng Anh Gladstone (1809-1898) đã miêu tả Hiến pháp này là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ vẫn tiếp tục chứng tỏ giá trị quan trọng của nó, khi mà nó vẫn là nền tảng của mọi hoạt động trong đời sống chính trị Mỹ, và vẫn là cơ sở cho một trong những nền dân chủ tự do, ổn định, và bền vững nhất.”. Và theo cá nhân tác giả thì có lẽ Hiến pháp Mỹ là thành quả lớn nhất mà nước Mỹ mang lại cho nhân loại cho đến thời điểm hiện nay, chứ không phải là cá nhân một công dân Mỹ nào. Bởi chính bản Hiến pháp Mỹ đã giúp cho những cá nhân kiệt xuất được hình thành, sản sinh và phát triển tại Mỹ.
Cùng nhìn lại quá trình xây dựng bản Hiến pháp Mỹ tại Hội nghị lập hiến 1787. Cuộc tranh luận tại Hội nghị lập hiến ngày đó về cách thức bầu chọn vị tổng thống – người đứng đầu khối hành pháp – là cuộc tranh luận phức tạp nhất, căng thẳng nhất và cam go nhất. Nhiều lúc đã tưởng chừng đi vào ngõ cụt, không bên nào chịu nhường bên nào, bởi các bên đều đưa ra những bằng chứng, lý luận rất chặt chẽ sau khi tham khảo rất…rất nhiều quy trình bầu cử, các bản hiến pháp của các quốc gia khác qua hàng ngàn năm lịch sử loài người, nhằm thuyết phục các bên đối lập. Điều này làm cho Hội nghị lập hiến có nguy cơ bị hủy bỏ. Nhưng cuối cùng, những chính trị gia kiệt xuất ngày đó – với tinh thần cùng vì lợi ích chung, vì một nước Mỹ đoàn kết, thống nhất – đành chấp nhận thỏa hiệp với nhau để thống nhất một quy trình bầu cử tổng thống nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, và về cơ bản nó vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.
Về mặt cá nhân một con người thì ông tổng thống là người quyền lực nhất vì ông đứng đầu khối hành pháp, nhưng về mặt cấu trúc quyền lực quốc gia thì khối hành pháp của ông lại không phải là cơ quan quyền lực duy nhất và cũng không phải cao nhất. Quy định của Hiến pháp Mỹ sẽ buộc Tổng thống Mỹ phải làm những điều đúng (Do the right things). Vì vậy, khi ông Trump làm tổng thống thì không phải ông ấy muốn làm gì thì làm như những phát ngôn khi tranh cử, mà có lẽ những lời lẽ đó cũng chỉ nhằm lôi kéo thêm nhóm người ủng hộ ông khi ông tiếp xúc cử tri nơi đó. Trên thế giới, rất nhiều người trong đó có rất nhiều người Việt đã từng đọc sách của ông hay của người khác viết về ông, hoặc đơn giản là nghe nói về ông từ khi ông thuần túy là một doanh nhân, và rất nhiều người đã từng ngưỡng mộ ông Trump. Chỉ có điều một số vấn đề ông nói trong chiến dịch tranh cử hay những việc ông làm như kinh doanh bất động sản – lĩnh vực đầy rủi ro, lĩnh vực mà ngày nay người ta không mấy thiện cảm sau cuộc khủng kinh tế thế giới, hay là ông chủ của nhiều cuộc thi tìm kiếm người đẹp (trong đó có Hoa hậu hoàn vũ thế giới) cũng không mang lại thiện cảm cho người Việt hay những nước nặng tư tưởng Nho giáo như Việt Nam. Những phát ngôn của ông cũng chẳng được lòng dân nghèo, dân nhập cư, những người yếu thế, và cả những quốc gia không chịu phát triển… tương tự như chúng ta. Cộng thêm yếu tố bị truyền thông đánh lạc hướng, khiến cho chúng ta cứ so sánh hình ảnh một chính trị gia gạo cội như bà Clinton, luôn chỉn chu, đạo mạo, chuẩn mực… với một doanh nhân kinh doanh đầy mạo hiểm, đầy những nét xấu xa. Tâm lý bản năng con người là hướng thiện, vì vậy sau khi “thần tượng” của mình thất bại thì mình đã quá thất vọng, quá bi quan.
Lạc quan hơn nữa là đến giờ chúng ta đã có kết quả và chẳng còn lựa chọn nào khác là thích ứng với tình hình để có quyết định, hành động phù hợp với người mới được chọn vì hành động của người này rất có thể ảnh hưởng đến một công dân bình thường như chúng ta.
Lạc quan hơn nữa nữa là chúng ta hãy nhìn lại hai bài phát biểu của hai ứng viên và cả Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama sau khi có kết quả bầu cử, đó chính là tinh thần đoàn kết, gắn kết, vì một tương lai tốt đẹp cho nước Mỹ và cho nhân loại. Mặc dù quan điểm trái ngược nhau là điều tất yếu của cuộc sống, nhưng cách họ hành xử với nhau sau khi có người thành công, người không thành công mới thật nhân văn. Cuối cùng tất cả đều là tôn trọng lẫn nhau, chúc mừng người chiến thắng và cảm ơn người đã không chiến thắng vì đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp cho cái chung.  Xin trích dẫn lại phát biểu của Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama: "Chúng ta chữa lành vết thương, vượt lên quá khứ, chúng ta trở lại đấu trường và chúng ta tiến về phía trước... thiện chí đó là điều cần thiết cho một nền dân chủ vững mạnh. Đó là cách chúng ta đi được tới chặng đường này. Tôi tự tin rằng cuộc hành trình đáng kinh ngạc đó sẽ được chúng ta tiếp tục".
Bài phát biểu của ông Trump sau khi trúng cử cũng đã kêu gọi sự đoàn kết giữa toàn thể người Mỹ gồm cả những người đã không chọn ông tất cả vì một nước Mỹ vĩ đại.
Nước Mỹ có thể chưa phải là thiên đường đối với toàn thể người dân Mỹ, nhưng đến nay qua mấy trăm năm lịch sử tồn tại nó vẫn là thiên đường của rất… rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Tính khoa học của bầu cử Tổng thống Mỹ


(Ảnh: sưu tầm)
Chỉ còn ít giờ nữa thôi là đến thời điểm người dân Mỹ sẽ biết được vị Tổng thống thứ 45 của mình, thế giới cũng sẽ biết được người có quyền lực lớn nhất thế giới là ai?
Có thể nói, bầu cử Tổng thống Mỹ là cuộc bầu cử dài hơi nhất thế giới và cũng tốn kém nhất thế giới bởi vai trò quan trọng của nước Mỹ đối với thế giới. Sự kiện này được mọi quốc gia trên thế giới quan tâm, không chỉ những chính trị gia, những nhà kinh tế, giới truyền thông khắp mọi nơi… mà ngay cả những người dân của đất nước xa xôi, nhỏ bé như Việt Nam chúng ta cũng xôn xao bàn luận về chủ đề này.
Trước khi tìm hiểu về quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào thì chúng ta cần biết những nét cơ bản nhất về cấu trúc tổ chức bộ nhà nước của Mỹ ra sao?
Hiến pháp Mỹ 1787 – một bản Hiến pháp lâu đời nhất thế giới vẫn còn được lưu hành. Trải qua lịch sử tồn tại hơn 200 trăm năm của xứ cờ hoa, dù đã trải qua một số lần chỉnh sửa, những bản tu chính án, nhưng những tinh thần nguyên bản của nó vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay.
Hiến pháp Mỹ đã quy định rất rõ về tính tam quyền phân lập giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là i) lập pháp ii) hành pháp và iii) tư pháp. Các cơ quan này hoạt động độc lập với nhau nhưng kiểm soát lẫn nhau, cân bằng và đối trọng với nhau nhằm kiểm soát quyền lực của mỗi cơ quan. Hiến pháp Mỹ quy định, không một nghị sĩ nào của quốc hội được quyền làm việc trong khối hành pháp, hay nắm một chức vụ nào có thể được hưởng lợi trực tiếp từ việc thi hành luật pháp. Ngược lại, các thành viên của chính phủ (khối hành pháp) không được tham gia vào khối lập pháp, và tương tự như vậy với khối tư pháp.
Để tìm hiểu sâu hơn về bản Hiến pháp Mỹ, tác giả xin hẹn ở một bài viết khác, bài viết này tác giả tập trung vào quá trình người dân Mỹ bầu chọn cho mình một vị tổng thống và vai trò của vị tổng thống đối với nước Mỹ.
Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng Tổng thống Mỹ không phải là người có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước Mỹ do cấu trúc tam quyền phân lập của các cơ quan quyền lực nhà nước Mỹ. Theo đó, Tổng thống sẽ dẫn dắt khối hành pháp thực hiện các hành động theo quy định của các bộ luật do khối lập pháp ban hành (lưu ý: quy trình ban hành luật ở Mỹ diễn ra cũng cực kỳ khoa học, nó đảm bảo thể hiện được đúng nguyện vọng của toàn bộ các nhóm người dân trong xã hội), đồng thời khối hành pháp cũng luôn chịu sự giám sát chặt chẽ của hai khối lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên, với đặc trưng cấu trúc hoạt động của mình ở tính tức thời, phản ứng nhanh, ra quyết định nhanh trước mọi tình huống… Nó khác rất nhiều với cấu trúc hoạt động của hai cơ quan còn lại, lập pháp và tư pháp thường mang tính tập thể nhiều hơn. Do đó, vai trò người đứng đầu khối hành pháp là vô cùng quan trọng, quyền lực được trao cho người đứng đầu, người này có toàn quyền quyết định trong khối hành pháp (một số chức vụ cần được quốc hội thông qua), vì vậy đồng nghĩa về mặt cá nhân một con người thì Tổng thống Mỹ sẽ là người quyền lực nhất nước Mỹ. Suy rộng ra, với vai trò, vị thế của đất nước Mỹ trên chính trường thế giới, thì Tổng thống Mỹ cũng là người có quyền lực lớn nhất thế giới. Vì vậy, việc chọn được người xứng đáng đứng vào vị trí này là vô cùng quan trọng, khiến cho cả thế giới đều phải quan tâm, hướng về nó.
Bầu cử Mỹ là đặc trưng của hình thức dân chủ gián tiếp, người dân Mỹ không trực tiếp bầu ra Tổng thống Mỹ mà việc bầu chọn ra vị tổng thống là do lá phiếu của đại cử tri. Tất nhiên, lá phiếu của người dân Mỹ (cử tri phổ thông) cũng có vai trò quan trọng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trong việc lựa chọn ra các đại cử tri có thiên hướng ủng hộ ứng viên tổng thống nào (một cách rõ ràng). Thông thường sẽ có nhiều ứng viên tổng thống khác cùng tham gia tranh cử, nhưng ngày nay chúng ta thường chỉ quan tâm đến các ứng viên của hai đảng lớn là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, hoặc các liên minh của một đảng nhỏ nào đó với một trong hai đảng lớn này.
Hiện nay, tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri. Các đại cử tri thường là những người quan trọng mà sự thông thái, sự hiểu biết của họ được kỳ vọng là sẽ chọn lựa tốt hơn các cử tri phổ thông. Các đại cử tri được chọn qua một loạt các cuộc bầu cử ở tiểu bang được tổ chức cùng ngày (ngày bầu cử). Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang là bằng tổng số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ (luôn luôn là hai Thượng nghị sĩ mỗi bang) và số Dân biểu (Hạ Nghị sĩ) Hoa Kỳ của tiểu bang đó (số Hạ nghị sĩ tương ứng theo tỉ lệ dân số nhưng mỗi tiểu bang phải có ít nhất một Hạ nghị sĩ), riêng Đặc khu Columbia (Washington, D.C.) có ba phiếu đại cử tri mặc dù không có một đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Tại mỗi tiểu bang, các đại cử tri sẽ tập hợp thành các “Đại cử tri đoàn” (Electoral college). Ở mỗi tiểu bang, các cử tri phổ thông sẽ bầu chọn Đại cử tri trong số nhiều Đại cử tri ra ứng cử, dưới phiếu bầu đại cử tri có ghi rõ ứng viên tổng thống nào mà đại cử tri đó ủng hộ. Các đại cử tri có thể đại diện cho nhiều đảng phái khác nhau. Có trường hợp các đại cử tri thuộc các đảng nhỏ không có ứng viên tổng thống của đảng mình tham gia tranh cử thì đại cử tri đó ghi rõ là ứng viên tổng thống đảng khác mà họ ủng hộ, điều này cũng làm cho bầu cử Tổng thống Mỹ ít mang tính đảng, phái hơn.
Tại hầu hết các bang của Mỹ (trừ hai bang Maine và Nebraska), các đại cử tri trong cử tri đoàn bang đó sẽ bỏ phiếu theo thể thức "Winner takes all” – “Được ăn cả ngã về không", nghĩa là nếu ứng viên nào giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông thì sẽ nhận được tất cả lá phiếu của đại cử tri bang đó. Maine và Nebraska chọn đại cử tri tổng thống bằng phương pháp được gọi là phương pháp Maine, trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri tổng thống thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau, và như thế số phiếu đại cử tri của tiểu bang bị chia ra tại hai tiểu bang này.
Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Ngoài ra người đắc cử không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước. Điều này đồng nghĩa có ứng viên vẫn có quyền bước vào Nhà Trắng miễn là có trên 270 phiếu đại cử tri, dù thua đối thủ về phiếu phổ thông.
Cấu trúc của đại cử tri và đại cử tri đoàn cũng tạo cho các bang nhỏ có sức nặng hơn trong việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đất nước. Vì vậy, có trường hợp ứng viên nào đó tuy giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông (xảy ra khi ứng cử viên giành được đa số phiếu ở các bang có dân số đông) tuy nhiên ứng cử viên đó lại không chiến thắng, do việc thiết kế quy trình bầu cử Mỹ đã làm tăng tỷ trọng số đại cử tri của các bang nhỏ so với tỷ trọng của dân số bang đó.
Hệ thống bầu cử qua đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước. Người được chọn phải là người có danh tiếng, ảnh hưởng đến phạm vi toàn nước Mỹ, chứ không đơn thuần ở các tiểu bang quan trọng, các bang có dân số lớn. Do đó, tư tưởng địa phương cục bộ không thể giúp người nào đó chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dù là vị Tổng thống đương nhiệm, hay bộ máy hành pháp đương nhiệm, hay bất kỳ một nhóm quyền lực nào cũng không đủ khả năng chi phối toàn bộ kết quả của cuộc bầu cử. Đặc trưng này cũng khiến cho một người có tiềm lực kinh tế, hay có quyền lực dù mạnh đến đâu cũng không thể chiến thắng bởi anh ta không thể đủ khả năng làm thỏa mãn toàn bộ các cá nhân, hay toàn bộ các nhóm người trên phạm vi rộng lớn toàn nước Mỹ, đặc biệt là những người đang có thiên hướng ủng hộ ứng viên tổng thống đối lập.
Hệ thống bầu cử gián tiếp thông qua các đại cử tri, sẽ giúp hạn chế vấn đề tâm lý đám đông, tính thiếu chắc chắn, dễ thay đổi, sự thiếu thông tin, thiếu khả năng đánh giá và dễ bị thao túng của dân chúng. Quy mô rộng lớn của đất nước làm cho dân chúng không đủ kiến thức phát xét hành vi và tính cách của các ứng cử viên. Bầu cử thông qua các đại cử tri, họ là những người có đủ uy tín, đủ năng lực để đánh giá, phán xét về khả năng của các ứng viên, người có đủ kiến thức để chọn được đúng người có trí, tài, đức… lãnh đạo đất nước.
Có thể nói, bầu cử Tổng thống Mỹ là một trò chơi cực kỳ khoa học và vô cùng hấp dẫn, quá trình tranh luận về chủ đề bầu cử Tổng thống từ khi xây dựng bản Hiến pháp Mỹ cho thấy giới tinh hoa khi đó đã nghiên cứu và tìm hiểu rất rõ về khoa học tâm lý, triết học chính trị, lý thuyết trò chơi, tư duy toán học… qua việc phân tích các tình huống xảy ra như thế nào, các chủ thể liên quan sẽ hành xử ra sao và sẽ ảnh hưởng đến kết quả như thế nào?
Nhìn vào kỳ bầu cử lần này chúng ta thấy nó diễn ra vô cùng hấp dẫn, gồm nhiều nét mới lạ bởi sự tham gia của một chính trị gia không chuyên là doanh nhân Donald Trump.
Quan sát chúng ta đã thấy, các “chiêu trò” được các ứng viên tung ra, áp dụng một cách sinh động, khoa học về lý thuyết trò chơi. Các ứng viên đều đưa ra những phương châm hành động, để lôi kéo truyền thông, và thuyết phục các cử tri ủng hộ mình, mặc dù khi phân tích kỹ thì sẽ thấy nhiều phương châm hành động này, nếu cùng thực hiện sẽ mâu thuẫn với nhau, do đó nếu đắc cử thì ứng viên đó chưa chắc đã thực hiện được hết các mục tiêu này. Tuy nhiên, đó vẫn là cách để giành được sự ủng hộ của các cử tri nơi ứng viên đi tiếp xúc.
Kỳ bầu cử lần này cũng thú vị bởi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã biết “gãi vào đúng chỗ ngứa” của người dân Mỹ, ông biết lợi dụng sự bất bình của người dân đối với thực trạng đầy khó khăn, bất ổn giai đoạn vừa qua. Và họ chán nghe những lời nói mang tính trịnh trọng, khuôn mẫu mà kết quả thì không như họ mong đợi. Vì vậy, ông Trump – một doanh nhân kinh doanh đầy mạo hiểm, người đã nói những lời nói nhiều khi được đánh giá là ngông cuồng, là thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, “hài hước”, lố bịch… nhưng lại hết sức “vừa tai” của bộ phân dân chúng đang có tâm trạng “bức xúc” hiện nay. Mặc dù, với những phát ngôn được coi là thiếu hiểu biết của ông đã khiến cho nhiều người đánh giá rằng, đất nước Mỹ cũng như thế giới sẽ rơi vào cảnh trì trệ, suy tàn, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba cũng có thể xảy ra… nếu ứng cử viên Trump đắc cử. Thậm chí, hơn 300 nhà kinh tế trong đó gồm rất nhiều người đã từng đạt giải Nobel đã lên tiếng phản đối ứng cử viên đảng Cộng hòa - Donald Trump vì những phát ngôn của ông, nó cho thấy ông là người không hiểu nhiều về vấn đề kinh tế, và sẽ gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu nếu ông được chọn là tổng thống.
 Mặc dù, với quan điểm của cá nhân tác giả cũng chẳng thích gì những phát ngôn đó của ông, và cũng có phần nào “quan ngại” trước viễn cảnh tương lai thế giới nếu ông trúng cử. Tuy nhiên, nhìn nhận sâu hơn vào lịch sử, trải qua hơn 200 năm của đất nước Mỹ, không phải toàn bộ 44 vị tổng thống Mỹ trước đây đều là những cá nhân biệt tài, xuất sắc ở mọi lĩnh vực, cũng không phải chưa bao giờ người dân Mỹ đã chọn cho mình vị tổng thống có những phát ngôn, hành động “kỳ lạ”, hay được đánh giá nói chung là thiếu năng lực. Nhưng lịch sử như tất cả chúng ta đều thấy, người dân Mỹ đã luôn hành động sáng suốt thông qua cái cơ chế bầu cử được thiết kế cực kỳ khoa học và tinh vi trong bản Hiến pháp, nó giúp cho người dân Mỹ luôn lựa chọn được người có đủ tài, trí, năng lực… để lãnh đạo đất nước, và cho dù người được chọn là người không hoàn toàn đủ tài, trí… để lãnh đạo, thì cũng nhờ bản Hiến pháp Mỹ đã giúp cho vị tổng thống được chọn buộc phải hành động như một người thông minh, tài giỏi hơn người. Và dù cho có xấu hơn, tồi tệ hơn nữa là “người được chọn” có quá kém về trí, tài… so với mong đợi của người dân, thì Hiến pháp Mỹ cũng cho phép người dân “sửa sai” bằng việc lựa chọn người khác tốt hơn sau bốn năm (một nhiệm kỳ tổng thống).
Kết quả là ngày nay chúng ta đều thấy một đất nước Mỹ đầy văn minh, một đất nước Mỹ phát triển thịnh vượng, một xứ sở thần tiên của rất rất nhiều người như câu nói đầy thân thương, đầy cuốn hút mà chúng ta vẫn gọi “Giấc mơ Mỹ” - “American Dream”.

Vậy, hãy tin vào đất nước Mỹ, tin vào người dân Mỹ, tin vào các đại cử tri Mỹ (ít nhất là tới thời điểm này), bởi nếu ai được chọn thì chắc chắn người đó đã được xem xét hết sức kỹ lưỡng nhờ con mắt “tinh tường” của dân chúng Mỹ đặc biệt là giới tinh hoa thời hiện tại.

Chúng ta có thể tham khảo thêm chủ đề này tại Hiến pháp Mỹ và quá trình xây dựng bản hiến pháp này trong tác phẩm “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” do dịch giả Nguyễn Cảnh Bình dịch và giới thiệu.
Một số trang web tham khảo:

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Cái “lồng quyền lực”

Lại thêm một thuật ngữ mới phát sinh, thường người ta nói đến cái “lồng” để nhốt chim thì gọi là “lồng chim”, để nhốt gà thì gọi là “lồng gà”, để nhốt cá thì gọi là “lồng cá”… nhưng giờ người ta muốn nhốt “quyền lực” nên có thể tạm gọi là “lồng quyền lực”.
Con người dùng cái lồng để nhốt chim, gà… bởi con người có sức mạnh, có trí tuệ, có nhiều thứ hơn chim hơn gà, tóm lại là con người có quyền làm như thế.
Vậy với quyền lực của xã hội loài người thì sao?
Nếu đơn thuần là trao cho người nào, hay nhóm người nào có quyền nhốt cái quyền lực mà người khác, nhóm người khác đang nắm lấy, đồng nghĩa nhóm người được trao sẽ có quyền lực lớn hơn nhóm người bị kiểm soát. Như vậy, lại có khả năng nhóm người được trao quyền lực sẽ lạm dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho nhóm mình. Khi đó, chúng ta lại phải “đẻ” ra nhóm người khác kiểm soát quyền lực của nhóm người được trao trước kia… Cứ như thế, sẽ không bao giờ “quyền lực có thể bị nhốt vào lồng”.
Để kiểm soát được quyền lực, nền văn minh nhân loại không cần dùng đến cơ quan “siêu quyền lực”. Khoa học về kiểm soát quền lực đã hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm nay, tuy rất phức tạp nhưng nó phải tuân thủ những nguyên lý chung. Chúng ta hãy cùng nghiên cứu, tìm hiểu tính khoa học về cấu trúc, kiểm soát và quản trị, đối với phạm vi một quốc gia là khoa học chính trị của những triết gia lỗi lạc Plato, Aristoteles, John Lock, C.L. Montesquieu, J.J. Rousseau, Alexis De Tocqueville... để kiểm soát quyền lực.
Nội dung cốt lõi của lý thuyết về quyền lực là phải kiểm soát quyền lực. Điều này, xuất phát từ bản chất tự nhiên của quyền lực, vì quyền lực luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình, ở đâu có quyền lực là có khả năng xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai, chủ thể nào, hay nhóm người nào. Hay như nhà sử học, chính trị học Lord Acton từng nói: "Quyền lực làm con người ta tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối". Vì vậy, để ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực, thì phải cấu trúc hệ thống nhằm giới hạn quyền lực, đảm bảo mang lại lợi ích chung cho toàn bộ các chủ thể trong hệ thống, tổ chức hay một quốc gia. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý, và vì vậy không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia quyền lực. Muốn hạn chế quyền lực thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chia chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật.
Quyền lực được phân chia thành các nhánh khác nhau, do các cơ quan khác nhau nắm giữ, để không một cá nhân nào, nhóm người nào hay tổ chức nào nắm được trọn vẹn quyền lực. Hoạt động của các cơ quan quyền lực cần có sự chuyên môn hóa, mỗi cơ quan chỉ hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác.
Quyền lực giữa các cơ quan phải cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau (Checks and Balances), để không có một cơ quan nào có khả năng lạm quyền. Với cấu trúc quyền lực này, sẽ đảm bảo tính trách nhiệm của các cơ quan quyền lực, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Cấu trúc này sẽ tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa từ trong hệ thống. Còn cơ chế kiểm tra, giám sát được tiến hành từ bên ngoài thường chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra.
Nhiều quan điểm cho rằng, để một tổ chức hay rộng hơn là một quốc gia phát triển thì cần có một “minh quân” dẫn dắt. Tuy nhiên, với lý thuyết về kiểm soát quyền lực này sẽ giúp phản biện lại quan điểm trên. Bởi dù cho đất nước có được một “minh quân” dẫn dắt mà trong cấu trúc của hệ thống không có sự giới hạn quyền lực, cũng như cân bằng đối trọng giữa các cơ quan nắm quyền lực thì cũng rất dễ dẫn tới tình trạng “minh quân” sẽ lạm quyền, nhằm mang lại lợi ích cho nhóm người nào đó mà không nhằm mục tiêu đưa hệ thống tiến về phía trước.
Theo học thuyết phân quyền thì về cơ bản quyền lực tối cao nhà nước được phân thành ba quyền là: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau và kiềm chế lẫn nhau.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp”.
Một số quốc gia thì quyền lực nhà nước có khi được chia thành 4, 5 hoặc 6… bộ phận tuỳ hoàn cảnh ra đời của bản hiến pháp của mỗi quốc gia.
Nhưng dù phân chia thế nào thì ở các quốc gia phát triển luôn đảm bảo quyền lực giới hạn của mỗi cơ quan, độc lập, kiểm tra, giám sát, đối trọng giữa các cơ quan (nguyên lý Checks and Balances).
Qua thời gian, dù cho vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau giữa các nhà tư tưởng lỗi lạc về chủ đề này, hay những biến thể khi đi vào áp dụng thực tế ở các quốc gia hiện nay, nhưng về cơ bản đều hướng đến xây dựng một nền thể chế đảm bảo quyền tự do của các công dân, chống lại chế độ chuyên chế, độc đoán, độc tài, hay “quyền lực đã được nhốt vào lồng”.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Góc nhìn về văn hóa vùng miền và thể chế


Mới đây, facebooker Nguyễn Văn Đực đã trích lại những bình luận của facebooker Hanh Nguyen liên quan đến lối sống Bắc – Nam (chi tiết bình luận này được nêu ở phía dưới). Tác giả cho rằng, người miền Nam ứng xử đàng hoàng, lịch sự, phóng khoáng, thật thà, nhã nhặn… nói chung là có văn hóa hơn người miền Bắc.

Vậy sự thật có đúng như tác giả đã đề cập không? Nguyên nhân là do đâu?

Với chủ đề này, nếu chỉ đưa ra những quan điểm đơn giản dựa trên việc quan sát một vài sự việc và kết luận chung cho toàn bộ xã hội (thậm chí một số quan sát của tác giả còn không chính xác và khá phiến diện), mà không có sự phân tích thấu đáo, không nhìn nhận một cách khách quan, không tìm hiểu kỹ nguyên nhân sâu xa tại sao, thường rất dễ dẫn đến tư tưởng vùng miền, cục bộ, lớn hơn là dân tộc Kinh hay không Kinh, rồi lớn hơn nữa là màu da, sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo...

Tranh luận kiểu này sẽ gây ra những ý kiến phản đối vô căn cứ, thậm chí chà đạp lên quan điểm của người đối lập.

Loài người đã bị tổn thất biết bao của cải, vật chất và sinh mạng để giành sự công bằng cho mỗi con người được sinh ra, đấu tranh chống lại những tư tưởng kỳ thị này.

Văn hoá hay không văn hoá, nói rộng hơn là lối hành xử của con người không phải do vùng miền, khu vực lãnh thổ, nó là do hiện trạng thể chế nơi đó tạo ra, mặc dù văn hóa cũng được coi là một dạng thể chế (phi chính thức), nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào các loại thể chế chính thức khác (thể chế kinh tế, thể chế chính trị). (Vui lòng xem thêm tại bài viết này về vấn đề thể chế tại đây:
hoặc muốn rõ hơn, người đọc tham khảo tại tác phẩm “Why nations fail” – Tại sao các quốc gia thất bại của GS Kinh tế Trường đại học MIT - Daron Acemoglu - người đã được nhận giải thưởng John Bates Clark).

Con người ngay từ khi mới sinh ra ở một nơi nào đó, buộc phải có cách ứng xử cho phù hợp với thể chế của địa phương đó, lâu dần sẽ hình thành tính cách, ở phạm vi rộng hơn là lối sống của khu vực, vùng miền, quốc gia đó…Ví dụ người Việt sống ở Mỹ lâu dần cách sống cũng như người Mỹ và người Mỹ sống ở Việt lâu dần thì cách sống cũng chẳng khác gì người Việt, mặc dù trong sâu thẳm bản chất con người đó vẫn còn những nét ứng xử đặc trưng của địa phương nơi người đó được sinh ra và lớn lên, tuy nhiên, những nét đặc trưng đó ít có cơ hội được thể hiện ra ngoài khi người đó sống đủ lâu ở một địa phương khác.

Ngày nay chúng ta đang sống là thời kỳ của hội nhập của cả thế giới, và là xu thế không thể chống lại. Nó là quá trình giao lưu, giao thoa cả về kinh tế, văn hoá, con người... Vì vậy chúng ta cũng cần góp công xây dựng thể chế của ta sao cho phù hợp với thế giới văn minh, để ta cũng tiến tới một xã hội văn minh, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn bộ cộng đồng dân tộc Việt Nam.

(Người đọc có thể tham khảo một số nhận xét từ người có chuyên môn về vấn văn hóa vùng miền tại đây:

Còn đây là chi tiết bài nhận xét được trích từ facebooker Nguyễn Văn Đực:

“Không KỲ THỊ , chỉ góc nhìn về lối sống Bắc-Nam. Phải chăng do vùng miền , do chế độ, do giáo dục... mà khác nhau?

Một bài viết hay. Tác giả thật dũng cảm khi dám nêu lên những khía cạnh thật của con người và vùng miền mà bất chấp gạch đá ném vào. Một bài viết đã gây nên cuộc chiến bàn phím không bao giờ dứt. Nhưng thôi mặc kệ, bởi vì: "Thuốc đắng giã tật. Lời thật mất lòng" mà, biết làm sao được. Xin cám ơn cuộc đời, cám ơn ba má đã cho con sanh ra là người Sài gòn.
Hanh Nguyen
*
Người miền Nam ứng xử "đàng hoàng" hơn miền Bắc?
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc người miền Nam có văn hóa sống phóng khoáng và lịch sự hơn người miền Bắc. Vậy đó có phải là sự thật hay không?

Việt Nam là một đất nước có chiều dài với sự phân hóa khá rõ về văn hóa sống và ứng xử ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Và có nhiều ý kiến trái chiều về việc người miền Nam có văn hóa sống phóng khoáng và lịch sự hơn người miền Bắc. Vậy đó có phải là sự thật hay không?

Người miền Nam sống đơn giản nên mọi thứ đều thoáng và dễ chịu. Còn đối với người miền Bắc, họ sống phức tạp nên nhiều khi trở thành lối sống giả. Cuộc sống bí bách qua lau dài ; khí hậu khắc nghiệt cũng góp phần làm cho người miền Bắc tính tình nóng nảy, văn hóa ứng xử kém hơn người miền Nam.

Báo Giáo dục Việt Nam nhận được thư bày tỏ sự ủng hộ quan điểm này của độc giả Trịnh Hoàng Hiệp. Để độc giả khắp cả nước có thể tiếp tục bàn luận về vấn đề "nói bậy, chửi tục", chúng tôi xin đăng tải nguyên văn lá thư này.

Có giai thoại kể lại rằng, nhà phê bình Hoài Thanh, tác giả của cuốn sách bất hủ "Thi nhân Việt Nam" trong thời gian sống tại miền Nam đã chẹp miệng mà nói: "Người miền Nam, ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi rối rít. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân ngoài Bắc vào". Ngay trong cách nói này của ông cũng cho thấy rằng, văn hóa giao tiếp, ứng xử của người miền Nam... ăn đứt người miền Bắc.

Đất nước Việt Nam chia thành nhiều vùng miền rõ rệt, có nguồn gốc tại miền Bắc. Sự phân chia này ảnh hưởng rõ ràng đến lối sống và văn hóa mỗi nơi một khác. Ngay cả trong giọng nói, ngôn ngữ giao tiếp từ Bắc vào Nam đều có sự thay đổi, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Gần đây, những clip được tung lên mạng về thói nói tục, chửi bậy của học sinh đã làm dư luận vô cùng phẫn nộ, bức xúc: Khi nữ sinh nói chuyện bằng chân tay, Clip hai nữ sinh hỗn chiến kinh hoàng, Choáng váng với nam sinh Thủ đô chửi tục trước cổng trường. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện học đường mà còn là câu chuyện của toàn xã hội. Bạo lực học đường ở miền Bắc ngày một gia tăng nguy hiểm và có thừa mức độ man rợ... Môi trường nào cũng có những bức xúc, học sinh miền Nam có đánh nhau, nhưng mức độ man rợ thì không bằng miền Bắc. Học trò miền Nam chỉ đánh đấm nhau rồi thôi chứ ít khi kèm theo những hành vi xúc phạm như chửi bới thậm tệ, lột áo ngay giữa phố. Cứ thử xem những clip của học sinh Bắc thì biết, đánh nhau không khác gì côn đồ, dẫn đến "đối thủ" chấn thương cả về thể xác cũng như tinh thần.

Trong cách cư xử với bề trên, hai miền Nam Bắc đều biểu hiện khác nhau. Nếu người miền Bắc nói “ạ” sau mỗi câu hỏi hoặc câu trả lời thì người miền Nam thường đệm "thưa" vào trước, "dạ" vào sau. Từ thuở nhỏ, hầu hết đứa trẻ nào cũng được dạy những lễ nghĩa cơ bản như vậy nhưng theo thời gian, khi con người dần lớn lên thì từ “ạ” của người miền Bắc thường được cắt giảm. Có lẽ bởi "ạ" mang nặng sự nghiêm túc, cứng nhắc và mô phạm, không còn phù hợp trong giao tiếp. Còn người miền Nam vẫn giữ nguyên từ “dạ” hay "thưa" như một lẽ tự nhiên.

Mặc dù Hà Nội là trung tâm văn hóa nhưng tôi thấy rằng về sự lịch lãm, tinh tế thì người miền Bắc hơn người miền Nam, thế nhưng về văn hóa cư xử trong cộng đồng thì người miền Bắc lại phải học hỏi người miền Nam. Trong các lễ hội, người miền Nam ít cảnh nhốn nháo, xô đẩy hay cố tình làm hại của chung. Họ luôn có ý thức tôn trọng người khác và bảo vệ mình.

Về cách sử dụng hai từ "cảm ơn" và "xin lỗi" hai vùng miền cũng khác nhau. Người miền Bắc rất hạn chế trong cách nói hai từ này, người ta chỉ nói như một luật lệ bất thành văn khi con cái nói với bố mẹ, ông bà, người ít tuổi nói với người hơn tuổi mà không biết rằng giao tiếp với cộng đồng cũng rất quan trọng. Nếu đi ngoài đường trên đất Bắc mà bạn bị xe đụng, bị giằng kéo, xô đẩy thì bạn chỉ nhận được những cái trợn tròn mắt, rồi phóng xe qua trước mặt. Nhưng người miền Nam thì khác, họ sẵn sàng nói xin lỗi nếu sai.

Ở Sài Gòn, chuyện vào siêu thị, cửa hàng... thấy những cô nhân viên cúi gập người chào là điều hết sức bình thường. Thế nhưng ở Hà Nội, bạn sẽ xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó cúi gập người và nói lời cảm ơn - đó là chuyện hiếm thấy trên cả miền Bắc. Nếu đi trên đường mà có điện thoại, người miền Bắc có thể vừa lái xe vừa chửi tục, quát tháo ngay giữa phố để chứng tỏ mình là ai, nhưng người miền Nam thì họ sẽ dừng lại, ghé xe bên lề đường mà nói chuyện. Thanh niên miền Nam nhậu nhẹt về khuya, khi thành phố vắng người, không có cảnh sát giao thông họ vẫn dừng xe khi có đèn đỏ, nhưng miền Bắc thì khác, không cần nhìn ngó trước sau mà sẽ phóng xe đi thẳng.

Từ ngoài xã hội lại nói về câu chuyện học đường nơi mà các em bộc lộ rõ nét nhất cách ứng xử. Sau giờ tan học, nếu đứng ở một cổng trường cấp III tại miền Bắc sẽ thấy rằng, vừa bước ra khỏi cổng trường học sinh nam thì bỏ "sơ vin", châm thuốc và bắt đầu "phun châu nhả ngọc" đến kinh hoàng, học sinh nữ thì sẵn sàng cầm dép lên đánh nhau vì những lý do hết sức vớ vẩn.

Trong môi trường giáo dục, đến trang phục giữa hai miền Nam Bắc cũng khác nhau. Nữ sinh miền Nam có truyền thống mặc áo dài trong mỗi tuần còn miền Bắc thì hầu như không mặc. Thực ra, trong việc bắt học sinh mặc áo dài cũng có cái cớ của những người làm quản lý trong ngành giáo dục. Khi vận trên mình bộ áo dài, một mặt sẽ gây ra sự bất tiện khi hoạt động mạnh, mặt khác các em cũng phải ý thức mình là con gái Việt Nam, cần giữ được nét dịu dàng, dáng yêu đúng lứa tuổi. Vì vậy, nữ sinh cũng ngại ngần mỗi khi có ý định đánh nhau với bạn vì sợ hoen ố lên tà áo trắng, cũng như nhân phẩm của mình. Riêng điều này thôi cũng đã phần nào giảm thiểu được những nóng nảy nhất thời, những hành động bất thường của học sinh.

Cách xưng hô trong nhà trường và ngoài xã hội, học trò miền Nam thường xưng hô "cô", "dì", "chú", "bác" với "con", nghe rất thân mật, tình cảm như người trong gia đình. Vì thế, chả có lý do gì lại đẩy những mâu thuẫn khiến cho tình cảm bị sứt mẻ cả.

Người miền Bắc thường ăn nói rất khéo, trịnh trọng nhưng người miền Nam lại nhã nhặn và hồn hậu hơn. Trong đời sống thường nhật, người miền Nam biểu lộ tình cảm một cách chân tình, không che dấu như người miền Trung hay khách sáo như người miền Bắc. Đến nhà một gia đình miền Nam mà gặp bữa cơm thì sẽ được họ mời một cách cởi mở: "Ăn cơm chưa? Sẵn bữa ăn luôn nghen!" mặc dù đó có thể là mâm cơm tuềnh toàng. Điều đó cũng không làm cho khách phải ngại ngần. Vì thế mối quan hệ được gắn kết bằng sự cởi mở, thoải mái.

Người miền Nam sống đơn giản nên mọi thứ đều thoáng và dễ chịu. Họ không hay để ý nhau, quản lý nhau, săm soi quá sâu vào đời tư của người khác. Họ sẵn sàng bỏ qua mọi hiềm khích để khám phá và thưởng thức cuộc sống, vì thế mọi chuyện luôn tươi mới. Còn đối với người miền Bắc, họ sống phức tạp nên nhiều khi trở thành lối sống giả. Cải cách ruộng đất ở miền Bắc đả dễ " thành công như mong đoi " có thể do nếp suy nghĩ ganh tị này!!! Trong cách giao tiếp, có thể trước mặt người khác họ lễ phép, lịch sự nhưng ngay sau lưng họ lại chửi tục. Họ luôn gồng mình cố gắng trong khi bản thân họ lại muốn nổi loạn. Cách sống đó dễ dẫn tới tình trạng bất cần và stress tâm lý. Cuộc sống bí bách, khí hậu khắc nghiệt cũng góp phần làm cho người miền Bắc tính tình nóng nảy, văn hóa ứng xử kém hơn người miền Nam.


Phải chăng những điều tôi nói trong bài viết này ai cũng biết nhưng mà ít ai nói và ít ai viết ra?

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

"Thay trời hành đạo" và "Thượng tôn pháp luật"




Quanh chuyện nữ nhân viên hàng không Nguyễn Lê Quỳnh Anh bị hai hành khách hành hung tại sân bay Nội Bài ngay trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2016.
Ban đầu, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho rằng, "về tình thì có thể hiểu họ bức xúc khi thấy đàn ông đánh phụ nữ nên can thiệp. Nhưng về lý thì thì việc “ra tay” như vậy dễ dẫn tới vụ đánh lộn lớn nếu bạn bè, người quen của hai bên xông vào đánh nhau.

“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ luôn hành khách kia về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết  trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu ai cũng ra can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay” - ông Phương nói. (chi tiết tại đây:

Nhưng sau đó, nhiều người lại cho rằng đó là "Lục Văn Tiên" thời nay, trong đó có cả những người làm việc trong cơ quan chức năng. Ông Tô Tử Hùng - Phó trưởng phòng An ninh Cục Hàng không VN cho rằng:

Đây là hành động ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, hành động này đã chấm dứt sự việc gây rối nên không phải là hành vi gây rối.

“Đại biểu QH cũng đã khẳng định, hành động đó đã ngăn chặn được hành vi người đàn ông bắt nạt phụ nữ và hành vi đó không sai. Cá nhân tôi cho rằng, hành động đạp hành khách Trần Dương Tùng là chấp nhận được vì nó đã chấm dứt được hành vi hành hung gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên hàng không Vietnam Airlines”, ông Hùng nêu quan điểm."


Có nhiều cách khác phù hợp hơn để can thiệp vào sự việc nhưng hành khách này đã dùng cách "thay trời hành đạo" để bảo vệ nữ nhân viên hàng không, rồi hành động này lại được những người đại diện cho cơ quan chức năng cổ vũ, đồng tình thì đúng là VN sẽ còn rất xa với với nền văn minh của thế giới.

Luật pháp không cho phép mọi cá nhân hành động theo kiểu “thay trời hành đạo”. Tất cả mọi cá nhân trong xã hội đều phải thượng tôn pháp luật, bởi bản chất của pháp luật là do chính người dân lập ra (thông qua các đại diện của mình) và uỷ quyền cho chính phủ thực hiện. 

Chúng ta cần tham khảo tư tưởng của Fukuzawa Yukichi (nhà khai sáng thời Minh Trị của Nhật Bản) về vấn đề này:

"Quốc dân phải làm tròn bổn phận “một thân hai vai”

Chính phủ là người đại diện cho nhân dân, làm theo ý nguyện của nhân dân. Nhiệm vụ của chính phủ là trấn áp, bắt giữ kẻ có tội, bảo vệ người vô tội. Nếu mọi sự đều diễn ra trôi chảy như vậy thì trị an, trật tự trong nước tốt đẹp biết bao!
Người ta thường gọi kẻ có tội là ác nhận, gọi người vô tội là lương thiện.

Giả thử có kẻ xấu định gây nguy hại, chẳng hạn như chúng định hãm hại bố mẹ, vợ con chúng ta. Về lý mà nói, trong trường hợp này người lương thiện hoàn toàn có quyền tự vệ trước bạo lực của kẻ xấu và còn có quyền “dần cho chúng một trận nhừ tử”. Nhưng không phải lúc nào người lương thiện cũng có thể chống trả nổi lũ người xấu chỉ biết cậy vào sức mình. Mà cứ cho là có thể tự vệ được đi nữa thì cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc để lo phòng chống tội phạm.

Nhưng, chẳng phải chúng ta đã thoả thuận với chính phủ rằng người dân uỷ thác cho chính phủ - với tư cách làm người đại diện cho quốc dân – đứng ra bảo vệ trật tự, trị an, đổi lại người dân sẽ đóng thuế đảm bảo cho khoản chi cần thiết của chính phủ, kể cả lương lậu cho các viên chức đó sao? Ngoài ra, chính phủ - với tư cách là tổng đại diện cho người dân – có quyền hành để giải quyết tức thì bất cứ việc gì xảy ra, theo hướng có lợi cho nhân dân.

Quốc dân nghe theo chính phủ không có nghĩa là chúng ta tuân theo pháp luật do chính phủ soạn thảo. Cái mà chúng ta tuân theo chính là luật pháp do chính chúng ta lập ra. Chúng ta phá luật tức là chúng ta tự xé bỏ những quy định do bản thân chúng ta đặt ra. Nếu vi phạm luật, chịu sự trừng phạt thì đó không phải là do chính phủ mà là theo luật do tự chúng ta quy định.

Mỗi người dân chúng ta có hai nhiệm vụ. Thứ nhất là lập ra chính phủ làm đại diện cho chúng ta, để bắt giữ kẻ xấu trong xã hội, bảo vệ dân lành. Thứ hai là thực hiện đúng sự thoả thuận với chính phủ, tuân thủ pháp luật và được chính phủ bảo vệ.

Theo lệ đó, một khi chúng ta đã giao phó quyền lực chính trị cho chính phủ thì nhất thiết không được vi phạm thoả thuận, nhất quyết không được quay lưng lại luật pháp. Bắt giữ lũ sát nhân, xử tử hình chúng là quyền hạn thuộc chính phủ. Quyền xét sử cũng như hoà giải mọi cuộc tranh chấp không phải là việc để quốc dân chúng ta phải nhúng tay vào. Nếu chỉ “vì căm thù” mà tự ý phán xử, bằng cách giết bọn ác nhân, hành động như vậy sẽ là phạm tội. Tội này khó được pháp luật bỏ qua. Không có sai phạm nào lớn như sai phạm này.

Ở quốc gia văn minh phát triển, hành vi “ cá nhân tự coi mình có quyền phán quyết, hành xử” bị luật pháp khép tội rất nặng. Còn tại Nhật Bản, người ta lầm tưởng rằng chính phủ rất có uy. Nhưng thật ra nhiều người chỉ biết sợ chính phủ thôi, chứ hoàn toàn không am hiểu luật, không biết được luật pháp cao quý ra sao.

Bây giờ tôi sẽ giải thích rõ hơn, vì sao bất kỳ cá nhận nào cũng không được “tự ý phán quyết hành xử”, cũng như vì sao luật pháp lại quý giá đến như vậy.

Tôi lấy ví dụ thế này. Có một lũ cướp, xông vào nhà mình, đe doạ gia chủ và định thực hiện hành vi cướp tài sản. Theo luật thì chủ nhân phải báo ngay cho nhà chức trách biết. Nhưng thực tế, vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, gia chủ luống cuống và cũng chẳng có thời gian để làm việc đó. Trong lúc bọn cướp đã xông vào nhà và bắt đầu cướp tài sản, gia chủ muốn ngăn lũ cướp lại, nhưng một mình thì rất nguy hiểm nên hợp sức với mọi người trong nhà chống chọi lại lũ cướp. Nhờ thế mà lũ cướp bị tóm và bị giải tới nhà chức trách. Khi bắt được lũ cướp, gia đình dùng gậy gộc, dao kiếm gây thương tích cho lũ cướp, đánh què chân, có trường hợp vì quá tay nên đánh chết bọn cướp.

Tuy vậy, gia chủ và những người trong nhà không bị khép tội “tự coi mình có quyền phán quyết hành xử”. Vì họ rơi vào hoàn cảnh buộc phải dùng phương tiện tự vệ để bảo vệ tính mạng, bảo vệ tài sản của mình.

Trừng phạt tội phạm là quyền hạn của chính phủ, dứt khoát không phải là bổn phận hay trách nhiệm của một cá nhân nào cả. Vì vậy, trường hợp bắt được lũ cướp và cho dù chúng ta chưa bị chúng gây thương tích gì cả, nhưng chỉ vì quá căm tức mà đánh đập hay giết phắt chúng đi là không được. Luật pháp không cho phép, dù chỉ dùng một ngón tay động vào cơ thể chúng. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cấp báo ngay cho các nhà đương cục và chờ đợi sự phán xử của chính phủ. Nếu tóm chúng xong, chúng ta hành động theo cảm tính, tức là “tự cho mình có quyền đánh đập, trả thù”, thì hành động như thế tương đương với tội cố ý giết người vô tội, sẽ bị luật pháp khép vào tội giết người.

Luật pháp của quốc gia nghiêm minh có nghĩa là vậy."

Thực tế chúng ta vẫn thường thấy, hành động can thiệp phù hợp thường được sử dụng đó là ra căn ngăn, tách những người trong cuộc ra, hoặc mạnh hơn là ôm hành khách Tùng chẳng hạn cũng là một cách... chứ không phải cứ thấy vấn đề là "động thủ", dù cho không biết sự tình cụ thể diễn ra như thế nào mà chạy đến, và đạp thẳng vào hành khách Tùng như sự việc đã diễn ra.



Trong nguyên lý căn bản của luật pháp cũng có nói về quyền tự vệ chính đáng. Trong tình huống chờ đến sự can thiệp của chính quyền mà có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, thì chúng ta có quyền "tự vệ", lúc này pháp luật sẽ bảo vệ người bị hại. Trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi cũng có đề cập đến quyền tự vệ (như đã đề cập ở trên). Tất nhiên, khi cơ quan chức năng hoạt động kém hiệu quả, thì người dân ở đó sẽ thường sử dụng hành động "thay trời hành đạo", nhưng hậu quả xảy ra cũng rât thương tâm, điển hình như những vụ giết chết kẻ trộm chó đã diễn ra ở đất nước này. Hình ảnh để lại cho đất nước này, đó chính là những hình ảnh con người vô cảm trước sự thương tâm của người khác (hình ảnh "mackeno") và cả những hành ảnh đầy bạo lực, thay trời hành đạo như vẫn thường thấy. Cả hai loại hành động này, đều ít xảy ra ở các xã hội văn minh.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Đàm luận về suy nghĩ của nguyên CTN Trương Tấn Sang về tương lai đất nước




Mỗi người một suy nghĩ, cảm nhận khác nhau, người thì cảm thấy rất vui vì một chính trị gia ở vị trí cao như ông Trương Tấn Sang đã thấu hiểu và trăn trở cho đất nước, một số người còn hân hoan cho rằng đất nước rồi sẽ sớm "cất cánh" bởi những vấn đề trục trặc đã được chỉ ra và có hướng giải quyết, nhưng cũng có người cho rằng lời nói này đưa ra khi "mọi sự đã rồi" và không mang lại giá trị gì nhiều...

Nhìn ra thế giới chúng ta thấy rằng có rất nhiều quốc gia có lẽ đã lựa chọn cho mình một con đường không chính xác về cấu trúc nhà nước và nền tảng thể chế chính trị. Khi đó mọi nỗ lực của bộ máy nhà nước và toàn thể công dân của quốc gia đó chỉ là quản lý và hành động nhằm đạt được cái mục tiêu (mà ta đã lựa chọn không đúng). Trong khi nhẽ ra việc cần làm là lựa chọn mục tiêu đúng và thực hiện để đạt mục tiêu đó ("Doing the Right Things is More Important than Doing Things Right"). Và vì vậy, nhiều khi không đạt được kết quả như mụt tiêu đề ra bởi sự mâu thuẫn nội tại của nó, còn nếu có đạt được mục tiêu thì lại là cái mà hầu hết công dân toàn cầu không mong đợi.

Thực tế hiện nay cho thấy, "bệnh" (của đất nước) thì ai cũng đã biết (có lẽ không cần phải nói nhiều), "thuốc" cũng đã được kê, nhưng không chịu uống, bởi uống thì thuốc quá đắng và quá rủi ro cho bệnh nhân hoặc một số bộ phận cụ thể nào đó trên cơ thể con người. Những "bệnh" của một số quốc gia được rất nhiều người đề cập là đặc trưng của một số loại thể chế chính trị. Cứ nhìn ra thế giới và đánh giá chúng ta sẽ thấy điều này. Cần nhìn nhận và hiểu rõ nguyên nhân sâu xa, gốc rễ gây ra những biểu hiện của "bệnh", Nếu không như vậy thì "thuốc" được kê thường chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm đau và quên đi bệnh thật, mà chưa chữa đúng bản chất của "bệnh".

Khi hiểu được bản chất nền tảng thể chế gây ra những trục trặc cho đất nước, ta cũng có cái nhìn thông cảm hơn cho các vị chính trị gia, bởi chính họ cũng chỉ là một phần rất nhỏ của hệ thống, không thể đủ khả năng để chỉnh sửa hệ thống đó. Đừng trông chờ vào một cá nhân tinh hoa, quan trọng là phải tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu (có tri thức, có thời gian, không bị quá áp lực về cuộc sống vật chất...).

Bản chất của mỗi người đều muốn khẳng định mình qua việc làm các điều tốt, đều yêu nước và muốn đóng góp cho tổ quốc. Quan trọng là thiết kế thể chế, bộ máy nhà nước để cho mỗi con người ấy được đóng góp công sức của mình cho tổ quốc thông qua phát triển chính mình và không làm tổn hại đến các cá nhân khác.

Dù không hân hoan, nhưng dẫu sao vẫn rất vui và hoan nghênh tinh thần của các chính trị gia như ông Sang, bởi dù gì nó cũng phần nào giúp cho nhiều người có thêm động lực để đưa ra quan điểm của mình hơn. Chỉ tiếc một điều rằng nhẽ ra các ông, khi còn tại vị luôn sẵn sàng nói ra những lời nói ấy, khi đó thì sức mạnh của nó sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cơ quan lập pháp và chất lượng của văn bản luật

Theo quan điểm của kinh tế gia Hayek: Các cơ quan lập pháp được bầu lên một cách dân chủ đúng nghĩa và khoa học, có thể thực thi ý nguyện của người dân chỉ khi chúng thực hiện chức năng làm luật, tức theo đúng nghĩa nguyên bản của thuật ngữ này, và bổn phận làm luật theo nghĩa rất hẹp và cụ thể của thuật ngữ này. Nghĩa là, ý nguyện của người dân có thể được thực hiện thông qua các hội đồng được bầu lên với điều kiện quyền lực của những hội đồng này bị hạn chế vào việc ban hành các quy tắc phổ quát về hành xử công bằng.

Theo quan điểm của triết gia Montesquieu, bộ máy nhà nước được thiết chế phải đảm bảo sự độc lập, cân bằng, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan. Bởi vì, khi quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một nhóm người, thì chính người đó hoặc nhóm người đó chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài; Khi quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật; Khi quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết.

Vây, chúng ta hãy cùng nhìn nhận và đánh giá xem trạng thái của chúng ta hiện nay như thế nào, và tất cả cần làm gì để đảm bảo những nguyên lý khoa học này?